Nhạc Trịnh dưới góc nhìn Tứ Diệu Đế
Yêu Nhạc Trịnh thì phải hiểu Trịnh, và nâng tầm giá trị người mình yêu lên một phương trời cao rộng . Hãy làm cho người mình yêu thăng hoa trong bầu trời tâm thức vô biên vô thủy vô chung.
Sáng nay nghe nhạc Trịnh trong không khí thiêng liêng trầm mặc, những lời ca đi vào trong tôi như những lời kinh cầu buổi sáng. Trịnh Công Sơn đã từng nói “hát Kinh”, có lẽ đúng “lời kinh” trong nhạc ông giản dị, đời thường, không mang màu sắc tôn giáo mà nó bàng bạc nhẹ nhàng như áng mây trôi cứ len lỏi vào hồn người nghe trên mỗi cung bậc thương yêu. Có người nói nghe nhạc Trịnh buồn, nào là những cuộc tình tan vỡ, chiến tranh, tang thương, chết chóc, nói theo đạo Bụt, Trịnh chỉ diễn bày “khổ đế” trong Tứ Diệu Đế (Bốn sự thật cao quý) mà thôi. Nhưng thật ra nếu nhìn sâu ta vẫn thấy được các sự thật cao quý còn lại (tập đế, diệt đế và đạo đế) trong từng bài hát với ngôn ngữ rất Trịnh. Chúng ta cùng nghe lại nhạc Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn Tứ Diệu Đế để thấy rằng đằng sau cái khổ mông mênh của thân phận con người, của nỗi đau cho quê hương đất nước, của các cuộc tình chênh vênh, là lời “Kinh Thương Yêu”.
Sự thật thứ nhất là Khổ đế được Trịnh Công Sơn phơi bày trong hầu hết các tác phẩm của mình. Từ những ca khúc da vàng, nỗi đau chiến tranh như xé nát con tim, làm tan hoang cõi lòng người dân Việt đến những cuộc tình xót xa, tủi buồn.
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ” (gia tài của mẹ)
Trịnh Công Sơn và thông điệp sống bớt tham, sân, si trên cuộc đời
Lịch sử đau thương dài đăng đẵng của một dân tộc chỉ tóm gọn trong năm câu ca khô khốc, xác xơ của một thời điêu linh. Nỗi khổ chung của quê hương trùm lên nỗi khổ riêng của từng con người:
Ghế đá công viên, dời ra đường phố
Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ
Người già co ro, buồn nghe tiếng nổ
Em bé loã lồ, khóc tuổi thơ đi (người già em bé)
Những giọt nước mắt tủi nhục cứ tràn trong khóe mắt, khóc cho quê hương khóc trên thân phận người.
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân
Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người
Giọt lệ đó còn nhỏ xuống trên những cuộc tình buồn chông chênh, chỉ để lại nỗi nhớ xót xa da diết, sự cô đơn trống trải lạc loài.
Trịnh Công Sơn vẫn biết yêu là khổ nhưng không thể không yêu.Tình yêu nó đau rát như “vết cháy trên da thịt người” nhưng vẫn thích thú ngất ngây. Một sự quyến rũ kỳ lạ của tình yêu:
Tình yêu như trái phá
con tim mù loà.
một mai thức dậy,
chợt hồn như ngất ngây,
chợt buồn trong mắt nai,
rồi tình vui trong mắt,
rồi tình mềm trong tay… .
Nỗi khổ trong nhạc Trịnh được diễn bày muôn ngàn khía cạnh của cuộc đời, nhưng tóm gọn trong “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Trịnh đã gọi tên các nỗi khổ một cách trần trụi nhất, chân thật nhất, mà cũng trữ tình nhất.Ông không trốn tránh sự thật khổ đau bằng cách khỏa lấp, hoặc tìm cách vùi quên, mà ông đã can đảm nhận diện được nỗi khổ, trở về tiếp xúc với nó để hiểu rõ cái đau thương mất mát, cái xót xa tủi hờn, sự căm giận, oán thù… để từ đó thấy rõ nguyên nhân của cái khổ (tập đế) và con đường thoát khổ (đạo đế). Bụt dạy rằng cái khổ của con lạc đà hay con lừa phải chở hành lý nặng nề trên lưng, cái đó chưa phải là khổ. Ngu si không biết mình khổ, không biết có con đường thoát khổ, đó mới là cái khổ thật. Đó là những người chưa biết tu tập. Còn người có hiểu biết, có tu tập họ sẽ bắt đầu nhận diện cái khổ, quán chiếu cái khổ mà không còn sợ hãi và học cách ôm ấp niềm đau của mình chứ không phải dấu kín như của Lê Tín Hương:
“Có những niềm riêng một đời dấu kín
Như rêu như rong đắm trong biển khơi
Có những niềm riêng một đời câm nín
Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi”
Để rồi:
“Ôi nỗi sầu đong chất ngất
Như một ngày như mọi ngày
Như vạn ngày không thấy đổi thaỵ
Sẽ không có sự chuyển hóa nếu không trở về “soi lại bóng mình” mà
“gọi thật tên tôi
cả vui lẫn buồn,
để tôi thức tỉnh,
lòng từ bi mở ra
khắp nơi chan hòa”(sư ông Làng Mai).
Trịnh Công Sơn với thông điệp của tình thương yêu
Chúng ta phải nên nhìn sự thật thứ nhất khổ đế trong thơ ca Trịnh Công Sơn như là sự nhận diện để ôm ấp và chuyển hóa. Ông đã từng bộc bạch tâm sự:“vết thương khi đã được đánh thức thì nó không còn là vết thương cũ vì giờ đây nó là một vết thương tỉnh thức. Một vết thương tỉnh thức là một vết thương biết rõ nó là một vết thương. Nó thức dậy và nó nhận ra rằng nó đã được khai sinh trên tâm hồn một con người và đã có một thời gian dài làm đau đớn con người đó. Vết thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời. Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó thẳng đến tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân của nó rằng không có một vết thương nào vô tư mà sinh thành cả…”
Tất cả nỗi đau, vết thương sâu, đều có nguyên nhân , đều có gốc rễ xa gần trong quá khứ và trong hiện tại hình thành nên nó, đó là sự thật thứ hai Tập đế. Chúng ta đã sống như thế nào? Đã thấy nghe những gì? Đã tiêu thụ như thế nào? Đời sống xã hội như thế nào? Cái thấy đó chỉ có thể đạt được bằng cách quán chiếu. Trịnh Công Sơn đã để thời gian ngồi yên để lắng nghe mọi tiếng đời, “lắng nghe im lặng đời tôi”. Và chợt nhận ra nguyên nhân của nỗi khổ đè nặng trên kiếp người là hận thù, sợ hãi, đau buồn, tham lam, ích kỷ hẹp hòi.
Không dừng lại ở những nguyên nhân thô phù dễ thấy, mà Trịnh đã mở ra cho người nghe thấy những nguyên nhân thâm sâu khó nhận diện, từ từ hé lộ con người minh triết trong ông. Đó là cách đôi mắt nhìn cuộc đời với hai chiều đối nghịch tạo ra sự bấp bênh, chông chênh, còn có cái nhìn nhị nguyên thì còn đau khổ:
“Con mắt còn lại nhìn một thành hai
Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ.”
Từ cái nhìn của mình mà tạo ra khổ đau hay hạnh phúc:
“Những con mắt tình nhân
Nuôi ta biết nồng nàn
Những con mắt thù hận
Cho ta đời lạnh câm
Những mắt biếc cỏ non
Xanh cây trái địa đàng
Những con mắt bạc tình
Cháy tan ngày thần tiên”
Khổ đau và hạnh phúc là hai mặt của một bàn tay, nó nương nhau mà tồn tại. Như ánh sáng nương vào bóng tối để biểu hiện. Nếu không có quỷ Satan thì không có Thiên Chúa. Không có Ma Vương sẽ không có Bụt. Trong cuốn “Đường Xưa Mây Trắng” sư ông Làng mai viết Ma Vương xin gặp Bụt nhưng thị giả A Nan không muốn cho gặp, A nan nói: Ma Vương! ông là kẻ thù của Bụt, ông nên đi đi chứ đến đây làm gì?”. Ma Vương cười lên hỏi: “Thiệt hả? Bụt nói rằng ngài có kẻ thù à?” Nghe thế A Nan chột dạ vào thất thưa với Bụt có Ma Vương đến thăm, ngài nói : “Vậy hả? Ma Ba Tuần ở ngoài đó hả? Vui quá, hay quá! Mời anh bạn ấy vào đây, A Nan” .Bụt đã mời Ma Vương vào trong Hương Thất uống trà, trước con mắt sợ hãi lo lắng của ngài A Nan, rồi hai người hàn huyên tâm sự với nhau vui vẻ. Cách nhìn cuộc đời của một con người tỉnh thức là cái nhìn bất nhị, vượt lên trên hai mặt đối lập tốt xấu, đúng sai, hạnh phúc khổ đau. Hai mặt đó có trong nhau và cuối cùng để có một cái nhìn từ bi bác ái vị tha “mắt thương nhìn cuộc đời”, nói theo ngôn ngữ của Trịnh “Con mắt còn lại nhẹ nhàng từ tâm” .
Theo Trịnh Công Sơn vô thường cũng là nguyên nhân của khổ:
“Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày”(Cát Bụi)
Để rồi từ đó ta hiểu ra rằng: “cuộc đời đó có bao lâu mà hửng hờ”, nên “sống trong đời sống chỉ cần một tấm lòng” mà thôi.Hiểu rõ vô thường để trân quý sự sống, trân quý sự có mặt của nhau mà buông bỏ những giận hờn, ganh tị ,đố kỵ để sống tử tế với nhau. Mở ra một thế giới hòa bình ấm no, tươi đẹp, chấm dứt khổ đau, đó chính là Diệt đế, tức là niềm vui bình an hạnh phúc:
Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ
Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no
Bàn tay giúp nước bàn tay kiến thiết
Những dấu căm hờn xưa nhạt mờ
Nhà ta xây mái vườn ta thêm trái
cho em ra đầu núi ca tình vui
Bắc Nam Trung ơi đoàn kết một miền
Phá biên thuỳ mở rộng đường thêm
Dựng nước bình yên (Huế Sài Gòn Hà Nội)
Cuộc 'gặp gỡ' Trịnh Công Sơn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Trịnh Công Sơn không chỉ phát họa niềm vui do hoàn cảnh bên ngoài được thay đổi (nói theo đạo Bụt là y báo), mà còn đẩy ta vào chiều sâu nội tâm, niềm vui bên trong, niềm vui tâm hồn rất là quan trọng và cần thiết (chánh báo). Một người có sự thực tập thì phải tự chế tác niềm vui sự an lạc cho chính mình, và dâng hiến hoa thơm trái ngọt đó cho cuộc đời. Ở Trịnh cũng có điều đó:
“Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi
Về giữa trời về hót giữa đời tôi.
Hôm nay tôi nghe
Tôi cười như đứa bé
Mới lớn lên giữa đời sống kia.
Tôi thấy màu xanh hát trong lời gió
Và thấy bình minh thắp trên ngọn lá.
Tôi thấy ngày thật lạ
Xao xuyến từng nỗi nhớ.
Cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề
Những con tim bạn bè bao la.” (Hôm nay tôi nghe)
Trịnh Công Sơn có con mắt tinh tế, đôi tai biết lắng nghe và trái tim yêu thương dạt dào nên dễ dàng nhìn thấy được những nét đẹp bình dị trong cuộc sống. Chỉ một tiếng chim gọi, một lá cỏ ngồi hát tự do, một ánh nắng bình minh, một nụ hoa chớm nở, một em bé thả diều trên cánh đồng… cũng làm cho tâm hồn ông siêu hốt bay bổng, hoan ca. Hạnh phúc đơn giản và bình dị như thế đấy, nếu biết trở về tiếp xúc thì cuộc sống này quá tươi đẹp. Phải nói hai cung bậc tâm hồn của Trịnh rất là lạ khi đau thì đau tận cùng như “đất trời trở dạ”, chứng nghiệm tột đỉnh nổi đau để thấy nét đẹp của nó, khi hạnh phúc cũng cao vút, dạt dào như “đất trời mở hội”. Ông phiêu du trong vùng trời tâm thức “từ đỉnh cao đến vực sâu” để hiểu hết các cung bậc thăng trầm của cuộc sống của kiếp người.Có lẽ Trịnh Công Sơn ít khi lỗi hẹn với sự sống, tính hiện sinh thể hiện rõ trong các nhạc phẩm của ông, ông tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm đang dàn trải trong không gian, thời gian, để có được điều đó Trịnh phải có một tâm hồn tĩnh lặng, phải sống có chánh niệm trong đời sống hằng ngày. Trịnh Công Sơn chia sẻ:”Phật Giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát-na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát-na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nằm ngồi. Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực…” .Đó cũng chính là Đạo đế, con đường thoát khổ.
Yêu Nhạc Trịnh thì phải hiểu Trịnh, và nâng tầm giá trị người mình yêu lên một phương trời cao rộng . Hãy làm cho người mình yêu thăng hoa trong bầu trời tâm thức vô biên vô thủy vô chung.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo
Nghiên cứu 19:05 21/09/2024Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.
Từ nhân vật Đề Bà Đạt Đa nhận diện “thiện tri thức” trong Kinh Pháp Hoa
Nghiên cứu 16:00 02/09/2024Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa không còn bị bó buộc bởi hình tướng Phật, Bồ tát, chư thiên hay những vị ủng hộ đạo pháp mà đến ngay như hình tượng Đề-bà Đạt-đa, chuyên chống phá Phật cũng được nâng lên tầm cao mới trong kiến giải là “thiện tri thức”.
Xem thêm