Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những âm hưởng của Đạo Phật trong sáng tác
Thật bất ngờ khi đúng 0h ngày 28/2, trang tìm kiếm thông tin toàn cầu đã sử dụng biểu tượng Doodles để vinh danh cố nhạc sĩ tài hoa nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông. Theo dữ liệu Google Doodle, Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939, ông là một nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng người Việt Nam.
>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Trịnh Công Sơn: Nhạc sĩ Việt có sức lan tỏa trên thế giới
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được mọi người biết đến với những khúc ca trữ tình, thấm đượm triết lý nhân văn, hồn hậu là người Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên trang chủ tìm kiếm của "gã khổng lồ" Google.
Được biết, nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ tài hoa, trang tìm kiếm thông tin toàn cầu đã sử dụng hình ảnh của Trịnh Công Sơn để vinh danh những cống hiến của ông cho âm nhạc.
Một điều đặc biệt, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người Việt Nam đầu tiên được Google vinh danh bằng biểu tượng Doodles. Doodles là biểu tượng thay thế tạm thời cho dòng chữ Google với 4 màu quen thuộc trên trang chủ nhằm chào mừng các ngày lễ, sự kiện, thành tựu và con người.
Trước đó, Google Doodles trên trang chủ Việt Nam chỉ là những hình ảnh tái hiện Tết trung thu, Tết Nguyên đán, Ngày nhà giáo Việt Nam... nhằm tôn vinh những nét văn hóa của dải đất hình chữ S.
Chia sẻ trên VnExpress, bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ: "Món quà sinh nhật thật ý nghĩa cho anh Sơn và gia đình chúng tôi, một niềm vui cho cộng đồng yêu nhạc Trịnh."
Sinh ra tại Buôn Mê Thuật (Đắk Lắk), nguyên quán ở Thừa Thiên Huế. Năm 18 tuổi chứng kiến bước ngoặt cuộc đời của Trịnh Công Sơn, khi đó ông bị thương nặng ở ngực vì tập judo với em trai. Trong gần 2 năm dưỡng bệnh, ông đọc rất nhiều sách và tìm hiểu về dân ca. Sau này ông thổ lộ rằng, sau khi hỏi bệnh, trong ông đã có một niềm đam mê khác - niềm đam mê âm nhạc.
18 năm khi ông rời cõi tạm (Trịnh Công Cơn mất ngày 1/4/2001 tại Thành phố Hồ Chí Minh), những nhạc phẩm của ông vẫn là một phần đặc trưng không thể không nhắc đến khi nói về âm nhạc Việt Nam. Trịnh Công Sơn để lại gia tài với hơn 600 ca khúc, trong đó hơn 236 bài hát được phổ biến. Nhạc của ông vừa thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, vừa hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình, theo VnExpress.
Trịnh Công Sơn còn là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như "Bob Dylan* của Việt Nam" (BBC), "Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam" (The Washington Post).
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có sản phẩm âm nhạc phát hành tại thị trường Nhật Bản với các ca khúc được nhiều khán giả yêu thích như "Diễm xưa" và "Ca dao mẹ". Hơn hai triệu album bán ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua là minh chứng cho sự thành công của nhạc Trịnh tại đất nước này.
Các ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng được dịch ra tiếng Nhật, được những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu... thu âm và biểu diễn.
Ảnh hưởng của Đạo Phật trong những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn đã mê hoặc hàng triệu con tim bằng sự ưu tư đầy Phật tính trong các ca khúc của mình. Thế nhưng lúc nào ông cũng bị ám ảnh bởi một cuộc chia tay lớn: “Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/ Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên đời hiu quạnh), hay: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát bụi), hoặc: “Ôi, tiếng buồn rơi đều/ Nhìn lại mình đời đã xanh rêu" (Tình xa)… Và cuộc đời ông quả đã kết thúc sớm giữa một rừng hoa tang trắng vào ngày 1/4/2001. Sự ra đi của ông như một dấu lặng vĩnh hằng chấm dứt chuỗi giai điệu 63 năm của một kiếp du ca, nhưng những giai điệu để lại vẫn không ngừng vang vọng, xoáy vào tâm hồn người nghe những vấn nạn muôn thuở của kiếp người.
Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Đạo Phật là hơi thở, là triết học làm cho con người yêu đời hơn chứ không thờ ơ hay lãng quên cuộc sống: “Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình, một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc lời ru con của mẹ. Tôi cố gắng làm thế nào để có thể trong bài hát của mình chuyên chở được một thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người”. Ông còn nói: “Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Mỗi người phải tự nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc đời khác đi”
Tự dầm mình trong khí hậu của cô đơn, trong cái màu sắc Khổ đế của Phật giáo và dùng lăng kính ngày xưa để yêu và sống, chỉ có điều Trịnh Công Sơn nói bằng nhạc và thơ: “Nghe xót xa hằn lên tuổi trời/ Trẻ thơ ơi/ Trẻ thơ ơi/ Tin buồn từ ngày mẹ cho/ Mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa).
Do đó thế giới nhạc ngữ Trịnh Công Sơn rất lạ: Thực quyện Ảo, Không quyện Có, Khoảnh Khắc hòa lẫn với Thiên Thu… Nhưng ngày nào đời sống còn hiến tặng những “cây trái trần gian” thì ngày đó Trịnh Công Sơn còn tha thiết với đời.
Dẫu đó chỉ là những sắc màu của kỷ niệm, của sự chia lìa, khổ đau, mất mát: “Dù đến rồi đi/ Tôi cũng xin tạ ơn người/ Tạ ơn đời/ Tạ ơn ai/ Đã cho tôi tình sáng ngời/ Như sao xuống từ trời” (Tạ ơn).
Cả cuộc đời ông là sự phấn đấu không ngừng nghỉ của một Phật tử. Trong Để Gió Cuốn Đi, ông đã hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi/ Để gió cuốn đi” và trong bài Ru em: “Yêu em yêu thêm tình phụ/ Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”. Đây là thái độ “phá chấp” của một con người thấm nhuần tư tưởng Phật giáo.
“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng, tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa là kẻ chiến thắng, vừa là kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa ta đến những đấu trường - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.”
Trịnh Công Sơn đã thênh thang “một cõi đi về”. Cái ông để lại không là hơi ấm tâm linh, niềm an ủi dặn dò của một Phật tử dành cho bao người đã đến và sẽ đến trần gian này làm người. Nó là những lời thì thầm dấu yêu, những khúc thơ đau thương về thân phận kiếp người, cái đẹp muôn đời mà con người có đầy đủ tư cách cất mình vươn tới.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm