Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 27/10/2016, 14:12 PM

Nhận biết giá trị của con người

Tối ngày 19/09/Bính Thân (19/10/2016), nhân ngày Vía đức Quan Thế Âm, TT.Thích Chân Quang nhận lời mời của TT.Thích Phước Lợi, Phó BTS PG tỉnh Cà Mau, trụ trì chùa Từ Quang, đã quang lâm đạo tràng thuyết giảng đề tài "Giá trị của một con người", với sự tham dự hơn 1000 nghìn phật tử trong và ngoài tỉnh. 

 
Bài Pháp thoại cho thấy tầm quan trọng cũng như nguồn gốc xuất hiện giá trị của một con người. Từ đó, các phật tử biết tự mình cố gắng tu tập, rèn luyện để làm tăng giá trị của bản thân, đồng thời góp phần làm tăng giá trị của đạo Phật.

Buổi thuyết Pháp có sự chứng minh tham dự của Thượng tọa trụ trì cùng Chư tôn đức tăng, ni trụ trì các trú xứ tại Tp.Cà Mau. 

Sự hiện diện của Thượng tọa giảng sư trên pháp tòa đã khiến các phật tử rất vui mừng, xúc động. Họ cho rằng “Đây thật là phúc duyên lành đối với đạo tràng phật tử chùa Từ Quang, cũng như đồng bào phật tử nơi cuối miền của Tổ quốc này”. Những lời Pháp nhũ vi diệu mà Thượng tọa ban bố hôm nay sẽ là kim chỉ nam trên bước đường tu nhân học Phật của hàng phật tử ở vùng đất Mũi.
 
Đồng thời, sự nghênh đón nồng nhiệt của các phật tử cũng mang lại cho Thượng tọa rất nhiều cảm xúc. Nhất là đối trước cái đạo phong oai đức của Thượng tọa trụ trì khiến TT.Thích Chân Quang rất kính ngưỡng. Thật vậy, thế giới hôm nay có nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những điểm sáng rực rỡ, khi có những người huynh đệ đồng đạo luôn tương kính, giúp đỡ lẫn nhau trên bước đường giáo hóa độ sinh, thì còn gì quý hơn những người có trái tim hiểu biết như thế. Sự tỏa sáng từ tinh thần từ bi - vô ngã - vị tha của hai vị Thượng tọa đã khiến cho các phật tử càng kính tin vào Phật pháp, và luôn giữ tinh thần thiết tha cầu pháp và học pháp này để đạo tràng phát triển và Phật pháp của tỉnh nhà cũng ngày càng phát triển.  

Nhân đây, TT.Thích Chân Quang cho rằng: Việc Thượng tọa trụ trì đang xây thiền đường để mọi người về đây tu tập là một hành động hết sức đúng đắn, đáp ứng nhu cầu tu học của đông đảo phật tử. Theo đó, vấn đề người dân Cà Mau thích “Thiền” cũng khiến Thượng tọa rất ngạc nhiên, lẫn thích thú. Người khẳng định tu thiền rất khó chứ không phải dễ. Nó bắt ta phải tu dưỡng đạo đức, biết làm phước và chịu được nỗi đau về thể xác. Vậy nên, chỉ những người tu cao rồi mới thích phương pháp tu này. Thật không ngờ, ở nơi tận cùng của Tổ quốc lại xuất hiện nhiều người có căn cơ cao như vậy.

Đi vào nội dung bài Pháp, Thượng tọa xác định thực tế cuộc sống của mọi người trong xã hội không bình đẳng. Điều này thể hiện ở chỗ có người giàu - người nghèo; người xinh - người xấu; người giỏi - người dốt, v.v…Và khi nhìn mọi người, ta có sự đánh giá liền vì giá trị của họ trong lòng ta hoàn toàn khác nhau. Người tu cũng vậy, cùng xuất gia nhưng công hạnh tu hành và phước đức thật sự của mỗi người cũng khác.

Sự chênh lệch về giá trị này gay gắt đến mức có người thì đứng ở trên cùng của xã hội, nắm nhiều ưu thế lớn. Trong khi đó, nhiều người lại nằm dưới đáy của xã hội, nhiều khi thân phận còn thua cả súc sinh.

Là người đệ tử theo Phật tu hành, chúng ta đi tìm giá trị thân phận của một con người, tìm sự giải thoát, giác ngộ. Tất cả hệ thống giáo lí cao siêu, soi xét đến mọi vấn đề trong cuộc sống của đạo Phật cũng chỉ đưa đến mục đích cao nhất này mà thôi. Tuy nhiên, trên con đường đi tìm sự giác ngộ, giải thoát này, nó hiện ra vô số sự sai biệt giữa người này và người khác. Ví dụ như: Phước báo, công hạnh, tướng số,… Chính những sự sai biệt này đã làm nên giá trị một con người.

Trích dẫn một câu nói có nội dung: “Đừng trách người ta không nhớ đến mình mà hãy trách mình không đủ quan trọng để người ta nhớ”, Thượng tọa khẳng định đây là một câu nói rất tinh tế và đúng với luật nhân quả. Vì thiếu phước, thiếu ân, thiếu nghĩa, khiến ta trở nên không quan trọng, không đáng nhớ trong mắt mọi người xung quanh.

Chúng ta từng nghe danh Ngài Hư Vân Thiền Sư - một vị Thiền sư đắc đạo cao siêu, một vị Thánh thật sự, có đức độ rất lớn, khiến cả quỷ thần cũng phải kính nể. Ngài đi đến chùa nào, dù chưa bước vào nhưng đã có tiếng chuông trống bát nhã nổi lên chào đón. Lạ lùng là không có người nào trong chùa gõ chuông trống và cũng không ai biết Ngài đến. Điều này thể hiện giá trị của một người tu hành chân chính và Ngài đã đạt được giá trị đó.

Trong đạo Phật, người có giá trị cao nhất trong tam giới chính là đức Phật. Sự vinh quang, vĩ đại của Ngài thật không thể kể hay lượng ước được. Vậy nên, chúng ta chỉ biết quỳ dưới chân Ngài mà đảnh lễ, mà ngưỡng vọng thôi.

Trở lại cuộc sống, ta thấy con người vốn sai biệt nhau về phước. Người nhiều phước đi đến đâu cũng được tôn trọng, yêu quý. Người ít phước thì dù có cố gắng thế nào cũng không được quan tâm. Thậm chí, còn bị ghét bỏ, xa lánh.

Là người hiểu đạo, chúng ta chỉ lặng lẽ, khiêm tốn đi tìm sự giác ngộ giải thoát chứ không cầu mong người khác tôn kính hay tưởng nhớ đến mình. Nhưng khi đi đúng đường dẫn sự giác ngộ thì giá trị của chúng ta tự nhiên cao hơn, đây là một điều tất yếu phải xuất hiện. Giá trị này khiến ta tự nhiên tỏa sáng trước mặt mọi người. Ngược lại, nếu đi sai con đường thì giá trị của ta càng ngày càng mất. Vậy giá trị giúp chúng ta tự tỏa sáng nằm ở đâu?

Thượng tọa chỉ ra rằng nó nằm ở ba thời điểm: Quá khứ, hiện tại và tương lai.
 
Đầu tiên, giá trị của con người có được là nhờ các kiếp trong quá khứ. Nghĩa là ở những kiếp trước, ta gieo được nhiều nhân thiện, tích được nhiều phước nên kiếp này quả báo hiện ra, khiến ta tự nhiên là người có giá trị cao. Ngược lại, quá khứ ta không gieo được nhiều nhân thiện thì kiếp này ta không nhận được quả báo đó. Khi hiểu rằng giá trị của mỗi người đã được xác định từ kiếp trước rồi thì ta đừng có tham vọng, tranh giành, ghen tị, nó chỉ làm giá trị của ta ngày càng thấp hơn thôi. Ta phải dùng kiếp này của mình mà ngưỡng mộ ngược lại kiếp quá khứ của họ, vậy mới là người có đạo đức, hiểu đạo lí và biết nhân quả.

Thứ hai, giá trị của con người đến từ hiện tại. Con người khi bắt đầu thì ai cũng giống ai. Tuy nhiên, người biết phát tâm làm những điều thiện giúp người khác; biết phụng sự, cống hiến cho xã hội,… mà không nề hà việc gì, không mưu cầu lợi ích cho bản thân, lúc nào cũng khiêm tốn thì giá trị của họ cũng tăng lên dù cái phước nó chưa hiện ra. Phước đức từ những việc làm của họ phải kiếp sau mới thấy, nhưng giá trị con người đã xuất hiện từ kiếp này.

Quá khứ ta đã làm gì, dù là tốt hay xấu thì giờ cũng không thay đổi được nữa. Giá trị, vẻ đẹp và cái phước của ta nó chỉ chừng đó thôi. Để có giá trị trong cuộc đời này, cái quan trọng là ta phải làm những điều tốt ở hiện tại.

Có nhiều cuộc khảo sát xã hội cho thấy một số người dù hoàn cảnh sống hết sức khó khăn nhưng vẫn giữ được đạo đức, khiến giá trị của họ tỏa sáng. Họ không có phước trong quá khứ, nhưng những hành vi trong hiện tại giúp họ gặt hái được sự yêu quý từ cộng đồng.

Khi nhìn một người, ta chưa biết họ là ai nhưng đã cảm thấy quý mến nghĩa là họ có phước từ quá khứ. Còn để đánh giá về giá trị của một người trong hiện tại thì ta chỉ cần nhìn vào những việc họ làm. Vậy nên, quá khứ ta không sửa được nữa thì cố gắng vun đắp giá trị của mình bằng những công đức trong hiện tại.

Người nhấn mạnh, giá trị thực sự rất quan trọng với chúng ta. Nếu không có nó, cuộc sống của ta sẽ trở nên buồn tủi, đau khổ, thậm chí là trầm cảm và tự tử vì không có ai nhớ thương đến mình. 

Ta tu là đi tìm sự giải thoát, giác ngộ mà không cần giá trị. Thế nhưng, ta vẫn phải vun đắp giá trị cho mình mà không phải vì mình, đó là vì đạo Phật. Giá trị của đạo Phật chính là tổng giá trị của các phật tử. Do đó, giá trị của mỗi phật tử càng lớn thì tổng giá trị của đạo Phật càng cao. Nghĩa là ta cố gắng vun đắp giá trị của mình để góp vào giá trị chung của đạo Phật. Đây chính là đỉnh cao của đạo đức.

Chúng ta không có quyền đánh mất giá trị của mình bằng những hành động, lời nói hay suy nghĩ sai trái mà phải biết giữ mình trong từng hành vi nhỏ nhất để tạo nhiều công đức. Không biết phước trong quá khứ ít hay nhiều, nhưng chính những điều tốt đẹp của thân - khẩu - ý ở hiện tại sẽ khiến cho giá trị của ta tỏa sáng. 

Thứ ba, giá trị đến từ tương lai. Không ai có thể nói trước được điều gì có thể xảy ra trong tương lai. Vậy nên, Phật mới dạy rằng ta không nên coi thường một đứa trẻ, một con rắn nhỏ hay một vị Sa di. Ai có thể biết được rằng tương lai, đứa trẻ kia có thể làm thay đổi cả thế giới; hay vị Sa di kia có thể chứng A La Hán,… 

Chúng ta cũng vậy. Có thể phước ở quá khứ của ta không nhiều, hiện tại cũng không làm được mấy việc thiện, nên giá trị của ta không cao, dù người khác không coi thường nhưng cũng không ngưỡng mộ. Tuy nhiên, nếu biết siêng năng tới chùa tu tập thiền định, tác ý diệt trừ bản ngã, đi tìm sự giải thoát, chỉ cần theo đúng con đường và phương pháp mà Phật dạy thì dù chưa đắc đạo, nhưng trong mắt quỷ thần, giá trị của ta đã tỏa sáng dần. 

Lại thêm, chỉ cần tu hành nghiêm túc, đúng đắn, dù chưa đắc đạo nhưng ta vẫn có quyền hy vọng giá trị con người sẽ thay đổi ở vị lai. Giá trị này có thể loài người chưa nhìn thấy nhưng các vị Thần Thánh đã nhìn ra trước rồi. Thế nên, một số giá trị trong hiện tại của ta lại đến từ tương lai. Nhưng tương lai là gì?

Thượng tọa định nghĩa rằng: Tương lai là cái chưa có, nhưng nó là niềm hy vọng về việc con người sẽ đem lại lợi ích cho nhau. Khi có được hy vọng này thì ta cũng có được giá trị trong cuộc sống. Do đó, có những việc ta làm không phải là cho giá trị ở hiện tại mà là đầu tư cho tương lai.

Ngoài đời, giá trị tương lai thường nằm ở tài năng. Người có tài thường có giá trị cao và được người khác đặt nhiều niềm hy vọng vào. Còn trong đạo, giá trị tương lai lại nằm ở sự tinh tấn tu hành. Sự tinh tấn tu hành không chỉ làm tăng giá trị ở hiện tại mà còn giúp ta đắc đạo phi thường ở tương lai.
 
Hiện nay, thế giới đang tồn tại rất nhiều tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, xét trên nhiều tiêu chuẩn, các nhà lãnh đạo, nhà tri thức lớn trên thế giới đều công nhận rằng đạo Phật là chân chính nhất. Một trong những tiêu chuẩn đó là tôn giáo góp phần mang lại hòa bình cho thế giới. Nói về điều này thì đạo Phật là số một, vì giới sát sinh của đạo Phật rất nghiêm, sâu sắc, ngay cả một con muỗi cũng không dám giết. 

Một tiêu chuẩn nữa là tôn giáo góp phần tạo nên một xã hội tương thân tương ái, yêu thương hòa hợp. Về điều này, đạo Phật lại đứng số một tiếp vì trong giáo lí Phật có “Tứ vô lượng tâm”, dạy các đệ tử phải có lòng từ bi vô hạn, yêu thương tất cả chúng sinh, từ cây cỏ đến muôn thú. Vậy nên, nếu đạo Phật phát triển thì sẽ xây dựng nên một xã hội yên vui, hòa hợp.

Một ví dụ cho thấy những cấp lãnh đạo cao nhất của thế giới đang rất ngưỡng vọng về đạo Phật là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tổng thống Mỹ -  Bà Clinton đã công khai hình ảnh bà lễ Phật, ngồi thiền, thể hiện sự quý kính đạo Phật mà không sợ bị cử tri quay lưng lại khi phần lớn người dân Mỹ theo đạo Kito. Điều này cho thấy sự kính ngưỡng với đạo Phật vượt trên cả những toan tính về chính trị. 

Thật may mắn, thật hạnh phúc khi ta chọn đạo Phật để tu theo ngay từ những buổi đầu tiên của cuộc đời, nên khi giá trị của đạo Phật được thế giới công nhận, ta thấy rất vui mừng. Và đến với Việt Nam, đạo Phật trở thành một tôn giáo yêu nước, luôn đồng hành cùng với những thăng trầm lịch sử của dân tộc. 

Tuy nhiên, giá trị của đạo Phật lại phụ thuộc vào giá trị của từng phật tử. Cho nên, vì lòng tôn kính với đức Phật, chúng ta nguyện cúng dường cái cao quý nhất là giá trị của ta, để góp phần làm tăng thêm giá trị của đạo Phật, chứ đừng làm mất giá trị của đạo Phật bằng những hành động ích kỉ, tầm thường, sai trái. Nhớ rằng khi ta làm tăng giá trị của bản thân lên cũng là đang làm tăng giá trị của đạo Phật.

Cái cốt lõi trong việc làm tăng giá trị của bản thân chính là tăng cái phước đức. khi phước đức của ta mà chạm mức: “Đức trọng quỷ thần kinh, phước đa long thiên hộ”, nghĩa là cái đức lớn tới mức quỷ thần cũng phải sợ, cái phước nhiều đến mức trời rồng cũng phải bảo vệ mình thì cái giá trị của ta cực cao.

Vậy nhưng, để có được cái phước đức lớn như thế ta phải tự cố gắng tu hành. Niệm Phật chỉ là một phần, muốn có cái phước thật sự thì phải tự ta đóng góp công sức, làm những điều thiện, sống tử tế để xây dựng cuộc đời. Nhờ cái phước này mà cái đức cũng được hiện ra, giúp ta hoàn thiện tâm hồn, diệt trừ bản ngã, tăng lòng từ bi. Đây mới chính là những giá trị thật sự.

Giá trị của ta được đánh giá qua cái nhìn của người khác. Nếu trong cái nhìn đó có sự cảm mến thì ta là người có giá trị. Vậy nên ta cố gắng mà tu hành. Tuy nhiên, Chư Tổ cũng dặn rằng: Hổ ly sơn hổ bại; tăng ly chúng tăng tàn.

Nghĩa là không phải ai cứ tu là thành. Giống như cọp rời núi rồi thì bị chó rượt; tăng mà rời khỏi đại chúng thì tăng hư. Thế nên, cọp thì phải ở rừng, tăng thì phải ở với đại chúng. Ta là phật tử thì phải có thầy, có huynh đệ, đừng bao giờ khờ dại mà tu một mình.

Tóm lại, bằng những danh ngôn nổi tiếng, những ví dụ thực tế, bài pháp thoại đã chỉ điểm cho các phật tử thấy được tầm quan trọng của giá trị con người trong cuộc sống cũng như trong đạo Pháp. Bên cạnh đó, bài Pháp cũng chỉ ra cái cốt lõi để mọi người có thể tăng giá trị của bản thân, đó chính là cái phước và cái đức. Nhờ vậy, các phật tử có phương pháp tu tập cho đúng đắn, hiệu quả để nâng cao giá trị của bản thân mình. Đồng thời, biết đặt mình vào trong chúng, trong đạo tràng để cùng giúp đỡ nhau tu tập, sớm xây dựng nên một cộng đồng Phật giáo đoàn kết, vững mạnh.

Ngoài ra, bài Pháp còn góp phần thức tỉnh những người đang tự hủy hoại bản thân bằng nhiều hành động thiếu suy nghĩ, để họ tự nhận ra giá trị của mình, từ đó biết yêu quý bản thân. Đồng thời, nhắc nhở mọi người rằng ai cũng có giá trị của riêng mình. Dù khác nhau nhưng nó đều đáng được trân trọng. Vậy nên, hãy có thái độ ứng xử với nhau cho phù hợp để giữ gìn và nâng cao giá trị cho nhau. Đây mới là cách để xây dựng một thế giới hòa hợp, yên vui, bền vững.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm