Nhẫn để thảnh thơi
Như vậy, sự thực hành nhẫn nhục giúp cho chúng ta kiềm chế được bản thân, luôn giữ được thái độ đúng đắn khi cư xử, một tâm trạng bình thản an nhiên khi những đối tượng không bị trần cảnh lôi kéo, giả sử khi ta ưa thích một đối tượng nào đó luôn luôn có chiều hướng nghĩ tốt cho người...
Hiện nay trái đất đang nóng dần theo nhịp sống xã hội. Bởi thế giới đang trở nên đông đúc, nóng vội và bất an hơn bao giờ hết. Theo nhịp độ sinh học ấy con người có khuynh hướng giảm lòng từ bi - tình yêu thương chân thật lẫn nhau, năng lượng nhẫn chịu ngày tan biến, thay vào đó là mức độ mâu thuẫn xung đột ngày càng gia tăng.
Do bởi sự thôi thúc của lòng ham muốn thái quá, sự bất ý trong từng tâm niệm dày đặc; sự hiểu biết lắng nghe để yêu thương lại không có. Đó là nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Chúng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ba món độc tham, sân và si. Để sự khổ đau vắng mặt không gì hơn ngoài hạnh nhẫn nhục “Nhẫn nhục vi đệ nhất đạo”, nhẫn nhục là đạo bậc nhất.
Ở đời không nhẫn lấy chi làm chất liệu hoàn thiện nhân cách của một con người, không nhẫn lấy chi xây dựng đời sống nhân văn đạo đức, lấy chất liệu nhẫn để thiết lập tịnh độ tại nhân gian. Nếu không nhẫn làm sao thành tựu sự nghiệp dù đời hay đạo. Nếu trong một gia đình không nhẫn thì cuộc sống bất hòa, xung đột, mâu thuẫn đấu tranh vợ chồng chia lìa, anh em ly tán, bạn thân cừu thù đối nghịch và người học Phật trở nên thất bại trên con đường tìm về bảo sở.
Chính vì thế phải luôn quán chiếu và canh giữ tâm thức đừng để một niệm sân nhỏ “thức giấc” tuy nhỏ nhưng nó có khả năng thiêu rụi tất cả những gì tốt đẹp, những gì yêu thương trở thành “đống tro tàn”. Do vậy tục ngữ có câu “Nóng mất ngon, giận mất khôn”. Hãy chuyển hóa cơn sân hận ngay từ khi nó vừa “tượng hình”, không tranh, không phân bua, không hơn thua, không chống trái trong từng ý niệm lẫn hình thức, cần phải có sự hiểu biết đúng đắn cùng thái độ chấp nhận và cảm thông. Những sự tổn hại mà người khác mang đến cho mình. Trong mọi trường hợp như vậy chúng ta phải quán chiếu kiểm soát tự thân xem bản thân mình phạm sai lầm thế nào. Quả thật ta sai hãy biết ơn và sửa đổi, là con người chẳng ai hoàn hảo bao giờ. Đừng vì tự ngã cố chấp ân oán kết chặt, phải biết nhận thức theo phương diện khách quan “hãy làm luật sư cho người khác và làm tòa án cho chính mình”. Đừng kiêu ngạo ngã mạn nuông chiều bản ngã, những việc làm ấy chỉ dành riêng cho những kẻ điên rồ mà thôi.
Nhẫn nhịn và chịu thiệt mang lại phúc báo đời người
Vì sao? Bởi vì chúng ta có nhận biết sai mới có thay đổi, biết lắng nghe mới hoàn thiện hoàn hảo. Đừng bao giờ ngủ quên trên chiến thắng bởi mọi thứ luôn thay đổi. Nếu ta tự mãn với mình tức là ta đang tự đào thải chính mình. Dù là một công ty đã thành công vẫn phải biết lắng nghe ý kiến của nhân viên và luôn bắt nhịp tiến bộ thị trường. Được như vậy mới vững bền. Nếu ngược lại tự mình hủy diệt chính mình.
Cũng vậy, chúng ta phải biết sửa sai khi có sự góp ý và nhắc nhở chân thành. Nếu không đừng hỏi tại sao mọi người xa lánh, đừng thắc mắc vì sao không người thương, đừng khổ đau khi không thể sống với bất cứ một ai, đừng phiền não khi người đối xử tệ bạc. Tất cả đều có nguyên nhân chỉ vì chúng ta không chịu quán chiếu, không chịu hiểu mà thôi. Nên Phật dạy “nếu người có lỗi mà tự biết mình có lỗi cải ác làm lành, thì tội lỗi tự tiêu mất; như đang bệnh mà được ra mồ hôi, từ từ sẽ khỏi bệnh”. Nhờ sự chỉ lỗi mà ta tỉnh ngộ thấy được sự sanh diệt trong tâm tư của mình, quay về nhận diện phiền muộn thì tâm sân được loại bỏ từ từ, thì cuộc sống an lạc hơn, để có hạnh phúc được lâu dài. Chúng ta phải luôn sẵn sàng sống với thái độ biết chấp nhận sự thật, biết sống với hiện tại, phải đối mặt với cảm thọ nóng, lạnh đau đớn do tứ đại chống trái vui buồn, thịnh suy…
Đời người như chiếc lá cuối thu
Cuộc sống vốn dĩ vô thường, sống hôm nay, ngày mai ai hay biết được ra sao. Do vậy hãy chấp nhận với những gì mình đang có, có ai biết được rằng cuộc sống hiện tại của mình chính là niềm mơ ước của người khác. Cuộc sống có lúc vui lúc buồn, thịnh suy được mất là sự vận hành của vũ trụ và thăng trầm vinh nhục là chuyện thường tình thế gian. Chúng ta là người có trí tuệ nên biết cuộc đời là một vở kịch mà chúng ta là diễn viên đóng kịch hay nói đúng hơn là những con rối bị dòng tâm thức biến hiện sai xử. Cho nên vì những ham muốn mong cầu quá sức mình.
Ví dụ: Chúng ta có 3 đồng hãy xài trong phạm vi 3 đồng, đừng tham muốn nhiều quá mức chắc chắn sẽ được an lạc, cũng như một người giàu có kho bạc thành đống nhưng cuộc sống của họ một ngày cũng không an vui được, vì sao? Vì tiền tài danh vọng mà thiếu tình người thì chắc chắn cuộc sống vây hãm trong khổ đau lọc lừa giả dối mà thôi. Thế nên, phải biết cuộc đời này rất công bằng cuộc sống của tôi chính là niềm mơ ước của anh và ngược lại. Chính vì thế chúng ta hãy trân quý những gì mình đang có và hãy sống thật hết lòng với tất cả mọi người. Để ngày mai không còn thấy nhau cũng không phải hối tiếc. Tình yêu thương chân thật là chất liệu nuôi dưỡng hạnh nhẫn nhục. Nó được xuất phát từ sự không mong cầu cho tự ngã mà mưu cầu cho sự lợi ích chung. Mỗi khi đối mặt với cơn sân giận, những phiền não bức bách với những việc thật sự khó nhẫn, những nổi oan ức, những điều phi lý…hãy quán niệm nhớ nghĩ những lời dạy của Đức Từ Phụ, hãy yêu thương những người khó thương. Bởi họ đáng thương hơn ai hết do vì thiếu sự hiểu biết, cách nhận thức, cách sống và cách cư xử làm cho mọi người xa lánh. Nhưng họ hoàn toàn không hiểu rằng mình đáng thương như vậy, cũng tưởng rằng ta hay ta giỏi…hoàn toàn sai lầm vì khi cơn giận dữ bùng phát.
Sự thịnh nộ ấy đáng sợ, nói lời khiếm nhã nói để người đau, để người khổ mới vừa lòng, như vậy đã đi ngược lại chân lý. Giải thoát của mình tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ là những dòng suối mát – nước cam lồ của Ngài Quán Thế Âm tưới tẩm lên hạt giống sân hận ngay từng lời nói, hành động thô tháo xấu tệ của mình. Tập quán niệm như thế thù nào không diệt, hận nào không tiêu. Cuộc sống yên bình, tâm thức nhẹ nhàng an lạc.
Nhẫn nhục đối với thiếu niên, tuổi trẻ
Đấy chính là tịnh độ tại nhân gian không cần về cực lạc xa xôi. Suy cho cùng nhẫn nhục cũng vì lợi ích bản thân. Bởi nhẫn là phương thức rèn luyện để hoàn thiện nhân cách đạo đức và trưởng dưỡng đạo tâm, góp phần xây dựng nên cõi Tịnh độ nhân gian - một xã hội nhân hòa đạo đức. Chẳng lẽ người kia sân giận ta đây cũng thế sao! Hãy chọn con đường sáng mà đi, đừng để bị nhiễm ô theo thói xấu thế gian thường tình. Người chửi ta một ta chửi lại mười, người đánh ta một ta đánh phải gấp đôi. Tranh đua hơn thua để được gì ngoài sự xung đột đấu tranh cấu xé tàn sát lẫn nhau. Hãy trân quý những nhân duyên mình đang có tất cả là anh chị em, cha mẹ, bạn bè thân hữu trong nhiều đời để ngày hôm nay ta lại tiếp tục gặp nhau trong tình đạo vị. Hãy dẹp bỏ tâm niệm xấu ác, đập vỡ sự chấp ngã… thay vào đó là những bông hoa nhẫn nhục tươi đẹp, cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Không chỉ ngồi đó than van trách móc sao nhiều nổi đắng cay quanh ta. Khổ đau hay hạnh phúc được hình thành từ bởi từ trong tâm niệm của mọi người.
Như vậy, sự thực hành nhẫn nhục giúp cho chúng ta kiềm chế được bản thân, luôn giữ được thái độ đúng đắn khi cư xử, một tâm trạng bình thản an nhiên khi những đối tượng không bị trần cảnh lôi kéo, giả sử khi ta ưa thích một đối tượng nào đó luôn luôn có chiều hướng nghĩ tốt cho người, và ngược lại khi không thích thì chẳng có cái nào tốt cả nên tục ngữ có câu “Thương người thương cả lối đi, ghét người ghét cả tôn ti họ hàng”. Những suy nghĩ như thế hoàn toàn không mang lại kết quả tốt đẹp.
Do vậy phải nhìn và quán chiếu bằng cặp mắt trí tuệ không phân biệt thân sơ yêu ghét. Hơn nữa thực hành hạnh nhẫn nhục để cân bằng cảm xúc không phải khổ đau và lao theo những lời khen chê hư ảo. Hoặc giả có những sự góp ý nhiệt tình thẳng thắn – chúng ta cho là chê bai, chỉ trích, thế nên phải nhẫn để học hỏi tiếp thu hiểu biết. Có như vậy chúng ta mới hoàn thiện được những điểm thiếu sót, sai lầm mà không gây thương tổn cho người và cả ta. Một điều quan trọng nữa là nhẫn để khắc phục tập khí sân hận vốn từ câu sanh vô minh mang đến. Theo lối sống hướng thượng hiền thiện hòa bình và chế ngự được tâm hiếu thắng, tâm cao ngạo, tâm thể hiện, tâm khẳng định mình bằng vũ lực bằng hành động thiếu văn hóa của mình đó là nguyên nhân của sự đấu tranh, sự ồn náo, sự nóng bức, bức bách khổ đau của xã hội hiện nay.
Viết tại Trường Hạ Quảng Đức 2016
Thích Nữ Nhuận Hoa
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm