Thông qua bài Pháp thoại này, những lời dạy của Thượng toạ hết sức thâm trầm, cho thấy các góc cạnh về sự chân thật hay giả dối trong cuộc sống để mọi người thấy tác hại của việc nói dối đối với cuộc đời và quá trình tu tập của mỗi con người, đồng thời nhận biết sự chân thật sẽ làm thăng hoa trí tuệ, nhân cách của chúng ta hơn, và còn giữ cái phúc cho mình tu tập tâm linh được bền bỉ.
Trước khi giảng Pháp, cả Hội chúng đã được thưởng thức một số ca khúc Phật giáo và nhạc của Trịnh Công Sơn do các ca sĩ như: Tú Anh, Mai Lan, Huỳnh Lợi cùng hai anh nhạc công…tất cả đã thể hiện rất xuất sắc và Thượng toạ đã không ngớt lời khen ngợi các ca sĩ và nhạc sĩ đó. Thượng tọa cho rằng trong nền âm nhạc của Việt Nam, có rất nhiều bài hát hay và ý nghĩa, khuyên dạy con người ta sống tốt giống như kinh Phật, ví như bài hát ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI mà 3 ca sĩ vừa trình bày. Mỗi bài hát hay là một câu chuyện, ẩn chứa những bài học hết sức ý nghĩa, quan trọng trong cuộc sống này. Cho nên, việc học đạo lí qua âm nhạc cũng là một phương pháp rất khoa học và tiến bộ.
Tiếp tục chương trình, đi vào bài Pháp thoại, Thượng toạ tản mạn nhiều câu chuyện cho thấy tác hại của tật nói dối. Nói dối là một biểu hiện của sự không chân thật. Thường tôn giáo nào cũng dạy tín đồ của mình không được nói dối. Tuy nhiên, suốt cuộc đời một con người, không ai dám khẳng định rằng mình không nói dối một lần nào.
Chúng ta nói dối nhằm biện minh cho những hành động không đúng của mình để tránh bị phê phán, khiển trách. Dù cha mẹ, thầy cô luôn dạy ta không được nói dối nhưng họ lại không thể quản lý việc nói dối của ta. Chúng ta tưởng chừng nói dối là vô hại, nhưng thực ra nó có nhân quả rất khủng khiếp. Có những điều nói dối cực kỳ nghiêm trọng, khiến chúng ta bị đọa địa ngục. Vậy nên, nếu không tự nghiêm khắc với bản thân, ta rất dễ phá hoại nhân cách của mình. Thậm chí, chúng ta còn phá hoại kỷ cương, đạo đức của xã hội.
Trong đạo Phật, nói dối còn gọi là “Vọng ngữ”. Đây là một trong những giới cấm của người xuất gia. Khi là một tu sĩ chính thức, cái giới nói dối không còn đơn giản nữa mà được chia làm 2 loại: Nói dối lặt vặt và nói dối nghiêm trọng. Trong đạo Phật, cái nói dối nghiêm trọng nhất là việc tự xưng mình chứng Thánh, tức là trong tâm tự ý thức rất rõ mình chưa phải Thánh, nhưng vì muốn nhận sự kính trọng của người khác, nên cố ý nói dối. Hoặc một tổ chức nào đó họ cần có một ông Thánh để đưa lên làm tiêu biểu mà thu hút quần chúng, và họ yêu cầu mình phải nói dối, tự xưng chứng Thánh, rồi họ sẽ quảng cáo phụ thêm dùm, thì điều đó phạm đúng cái giới nghiêm trọng nhất trong đạo Phật là dối tự xưng mình chứng Thánh. Ai phạm lỗi “Đại Vọng ngữ” này thì có thể hiện đời mắc phải quả báo điên loạn, bị mọi người kinh bỉ, khi chết đọa địa ngục. Và Thượng toạ đã phân tích rất rành mạch về yếu tố tại sao nói trong hiện đời có thể mắc quả báo bị điên loạn, bị mọi người khinh bỉ, cộng thêm với nhiều ví dụ trong cuộc sống đời thường để minh chứng cho những hệ lụy của việc “Tự xưng mình chứng Thánh”.
Ngoài ra, Thượng toạ cũng chỉ điểm cái mức độ nhẹ hơn là hiểu nhầm, tức tưởng mình chứng cao hơn cái vị trí thật của mình. Hiểu nhầm là khi người này tu đạt được một trạng thái nào đó, có kết quả trong Thiền định, bắt đầu tâm linh khai mở, có thể đoán biết một số việc quá khứ, vị lai, nhìn người khác có thể đoán biết một số điều, và tưởng rằng mình đã chứng cao. Người bị hiểu nhầm này, quả báo tuy không đọa địa ngục nhưng khốn đốn trong nhiều kiếp, cứ thất tha thất thểu, xất bất xang bang, loạn lên loạn xuống, khổ sở trăm bề. Nếu không gặp được một vị Minh sư giúp ta kịp tỉnh ngộ, sám hối thì nhiều kiếp về sau, chúng ta sống vất vưởng, làm một kẻ phàm phu, tầm thường. Đây là điều bất hạnh của tất cả chúng sinh vào cái thời đại mà không còn có Phật để ấn chứng. Còn như ta rất may mắn gặp được một vị thầy biết rõ từng bậc tu chứng, biết rõ mỗi cảnh giới tu chứng nó như thế nào, ở đâu mà chỉ lại, dạy ta tu trở lại cho chuẩn luôn và ta biết hối hận sám hối vượt qua 10 - 20 kiếp khốn đốn đó thì ta không bị bị tổn phước, mà tiếp tục tiến tu. Cho nên, cái nghĩ mình chứng Thánh, nói mình chứng Thánh, quả báo sẽ khốc liệt hơn tất cả mọi lời nói dối khác trên đời.
Nhân đây, Thượng toạ nhắc nhở: Dù chúng ta tu tinh tấn đến đâu, có được cảnh giới gì thì yên chí rằng vẫn còn trong Chánh niệm, chưa đến Chánh định, chưa là gì, mặc dù cái đoạn đầu của Chánh niệm đã làm mình ngỡ ngàng, hạnh phúc, đã mở ra một thế giới lạ với cuộc đời của ta. Từ đó, để ta hiểu Phật pháp cực kì cao siêu, vĩ đại, và thân phận của mỗi con người trong vũ trụ này là cực kỳ vô nghĩa, cực kỳ nhỏ bé, nhưng nếu ta chứng được cái Vô ngã của Phật, của A La Hán thì ta trở thành hòa đồng cùng cả vũ trụ bao la này.
Nên nhớ, cái vĩ đại không thể tưởng tượng của Phật pháp đó, không thể nào mà ta đạt được trong một vài kiếp hay một vài năm, mà đó là con đường của một ngàn kiếp. Cho nên, ta bình tĩnh mà đi, dù tu có một số điều gì đó đặc biệt cũng đừng vội cho rằng mình đã quá cao siêu. Và đây là cái giới đầu tiên về sự chân thật, là ta đừng cố ý nói dối mình chứng Thánh và cũng đừng hiểu nhầm mình đã chứng Thánh thì ta đỡ được bao nhiêu phần quả báo khốc liệt về sau.
Lại nữa, còn một loại nói dối tầm thường hơn là để lừa gạt, để trục lợi hoặc làm chứng gian, tức cố ý, biết mình nói dối nhưng mà phải nói dối để dành được phần lợi nhiều hơn, thì cái người này mang tội và cái tội này rất gần với súc sinh, địa ngục khi chết. Có thể nói, việc làm chứng dối, hay nói dối là khuyết điểm mà con người dễ phạm nhất. Vậy để có thể không nói dối thì ta đừng làm gì sai lầm, phải giữ gìn cả một cuộc đời của mình trong cái chân chính, trong sạch.
Cho nên, đức Phật có nói: “Khi một người mà sống đạo hạnh, trì giới, nếu cao hơn là chứng đạo thì người này bước vào một Hội chúng không có gì phải lo sợ”, bởi vì cuộc đời vị đó không phạm gì sai lầm. Giá trị ở chỗ là ta không làm gì sai lầm và ta không có gì phải nói dối. Người nào mà có thể tự nói rằng mình không nói dối thì thật sự cuộc đời của người đó đã đứng tới vị trí gần với bậc Thánh, mà không cần xem xét bao nhiêu tâm hạnh, bao nhiêu đạo đức hay giới luật khác, vì không nói dối thì cuộc sống phải cực kỳ chân chính.
Thường, nói dối rất vất vả vì ta phải che đậy, giấu diếm, lén lút. Tất cả chúng ta đều nói dối dù chúng ta rất đạo đức, kể cả thầy tu. Chúng ta luôn có động cơ chứng tỏ mình là người tốt trước mặt người khác. Đây chính là một sự giả dối trong mỗi con người chúng ta. Theo con số Thượng tọa đưa ra thì với người xấu - sự giả dối có thể lên tới 70 đến 80%, riêng người dù rất tốt nhưng sự giả dối vẫn còn từ 30 đến 40%.
Chúng ta chưa phải Thánh, bên trong ta bí mật còn nhiều lỗi lầm, nhưng khi xuất hiện trước mọi người thì ta phải ăn mặc tươm tất, cười nói vui vẻ, đi đứng nghiêm trang, lúc nào ta cũng muốn chứng tỏ mình là người tốt. Đó là ta đã đóng kịch hết 30 – 40%. Sự giả dối này chỉ mất đi khi nào ta tu tới là một bậc Thánh, vì lúc này, ta sống trong sạch tự tận đáy lòng mình mà không cần diễn kịch. Nguyên nhân khiến chúng ta trở nên giả dối, diễn kịch giữa cuộc đời, chủ yếu là vì tiền và tình. Thượng toạ đã phân tích, mô tả cho chúng ta biết rõ về sự giả dối, diễn kịch do yếu tố tiền và tình mang lại là thế nào.
Tuy nhiên, Phật không buộc ta phải nói thật tuyệt đối và Thượng toạ đã phân tích cho Hội chúng thấy cái trí tuệ của Phật ở điểm này là thế nào. Đồng thời, Thượng toạ nhấn mạnh “Chỉ những người có đạo đức, có trí tuệ mới giữ được bí mật cho người khác, cho quốc gia”. Thường con người ta mắc một cái bệnh rất kỳ lạ là biết một điều gì đặc biệt lại thích kiếm người để kể, chứng tỏ mình là một người biết chuyện. Không ngờ rằng chính cái miệng của mình đã làm đổ vỡ biết bao nhiêu điều của người khác, nhất là liên quan đến quốc gia đại sự. Hoặc do mình không giữ kín chuyện riêng tư của người khác nên vô tình giết cả cuộc đời của họ.
Do đó, không phải chuyện gì cũng nói thật, cũng có trường hợp ta buộc phải nói dối vì đó là cách ứng xử duy nhất, tốt nhất lúc đó. Bởi vì suy cho cùng thì những điều ta làm là mong đem lại cho họ sự bình an, lòng tin để họ vượt qua những khó khăn, đau buồn mà họ đang gặp phải. Ví dụ nói dối để cứu người, cứu vật; những bí mật an ninh quốc gia không được phép nói thật; giữ bí mật cho cá nhân người khác để danh dự, nhân phẩm, hạnh phúc của họ không bị ảnh hưởng; không nói thật về tài sản để tránh cướp bóc và giữ cho mình sự khiêm tốn; đừng nói thật về tâm linh để giữ cái phước cho mình được tu lâu dài; những bản lĩnh, những kỹ năng mình cũng phải giấu lại; đừng nói thật về tài chính, tài sản của gia đình để tránh cho con đua đòi, ỷ lại; cũng không được nói thật về bí mật của cơ quan, công ty để tránh việc ăn cắp bản quyền sáng chế.
Bên cạnh những trường hợp buộc phải nói dối, còn có những trường hợp không phải ta cố tình giấu diếm hay nói dối mà chưa đến lúc thích hợp để nói, nên ta phải giữ lại. Những trường hợp đó bao gồm: Những điều mà khoa học chưa chứng minh được một cách rõ ràng; những cảnh giới tu chứng; những đánh giá về cá nhân người khác. Phải đến một thời gian thích hợp, ta sẽ nói hết những điều đó thì kết quả sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Nói về nhân quả của sự chân thật, Thượng toạ chỉ dạy rằng: Người nói thật sẽ được quả báo học giỏi, hiểu được đạo lý; hiểu được sự thật. Còn người nói dối sẽ chịu cái nghiệp học không thông, không hiểu đạo lý. Khi ta hiểu được đạo lý thì trí tuệ ta sẽ biến thành sức mạnh của cuộc sống, giúp ta tránh được những hành động sai lầm, thoát được những cái nghiệp xấu về sau. Sức mạnh của cuộc sống chính là động thái “Dứt khoát”, vì khi ta biết quá rõ cái nào sai; cái nào đúng trong đường tơ kẽ tóc, và thấy tới cái nhân quả nên dứt khoát không làm.
Do vậy, một vị Thánh sống chân thật, không nói dối ở nhiều kiếp, nên quả báo là vị đó thông minh, trí tuệ, đạo đức và tỏ ngộ chánh Pháp. Khi ta nhìn vào cuộc đời, nhìn vào tâm của một bậc Thánh, sẽ thấy họ đẹp như một viên ngọc sáng. Nếu may mắn được gặp và quỳ lạy bậc Thánh đó thì là cả một niềm hạnh phúc lớn trong đời ta.
Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, trong không gian ấm áp, tĩnh mịch, Thượng tọa và các phật tử đã dâng lên lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, lòng yêu kính đến Chánh pháp và nguyện yêu thương khắp đất trời, khắp chúng sinh, cùng hy vọng một năm mới sẽ mang đến nhiều điều may mắn, hạnh phúc, tốt đẹp cho tất cả. Phải chăng, chỉ cần chúng ta sống đời sống chân thật thì chư Phật, chư Bồ tát sẽ giúp chúng ta toại nguyện.
Tóm lại, bằng trí tuệ, kinh nghiệm hoằng Pháp và những ví dụ thực tế, Thượng tọa đã đưa ra những khái niệm, những vấn đề và diễn giải một cách rõ ràng, dễ hiểu. Nhờ vậy, các phật tử hiểu sâu được nội dung bài Pháp, việc tu học cũng bớt khó khăn hơn. Việc áp dụng những kiến thức đó cũng thuận lợi, linh hoạt.
Thiết nghĩ, “Chân thật” là đức tính quan trọng cần có của một con người. Xã hội càng phát triển, con người càng dễ đánh mất đức tính tốt đẹp đó của mình, vì mãi chạy theo những lợi ích cá nhân. Khi yếu tố đạo đức con người không được quan tâm, phát triển toàn diện thì sự phát triển của xã hội khó mà bền vững, lâu dài. Vì vậy, bài Pháp thoại này có vai trò rất lớn trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức con người, đặc biệt hơn là Thượng toạ giữ lại cái hiểu đúng cho người tu, nhằm chấn phát lại sự tinh tấn tu hành, giữ lại chánh pháp cho ngàn sau.
Mỗi người tốt lên sẽ khiến những người xung quanh mình tốt lên. Thượng tọa gọi đây là sự lây lan. Sự lây lan này càng rộng thì càng tạo nền móng vững chắc cho xã hội, cho đất nước ta đi lên. Đạo Phật cũng vậy. Những người con Phật càng có đạo đức, càng có nhân cách, có công phu tu tập thiền định càng dầy thì đạo Phật càng phát triển. Do đó, bài Pháp này càng cho thấy sự thấu đáo, biết nhìn xa trông rộng của Thượng tọa, là vậy.
Ngoài ra, sau buổi thuyết giảng, các phật tử được dịp thưởng thức buffet chay với hơn 30 món ăn tự chọn đa dạng, bắt mắt, ngon miệng, do quý sư cô của Bổn tự chế biến tỉ mỉ từ những loại rau củ xanh tươi, có nguồn gốc sạch. Từng dãy món ăn được quý sư cô, quý thầy và phật tử trưng bày trong khuôn viên chùa, tạo nên một khung cảnh gần gũi, giàu ý nghĩa nhân văn và văn hoá trong đạo Phật.
Tuệ Đăng