Nhân quả nghiệp báo trong hạnh hiếu
Mục tiêu trao đổi Phật pháp của người con Phật là nhằm để phát triển trí tuệ. Muốn phát triển trí tuệ thì đầu tiên phải tin vào nhân quả. Nhưng tin vào nhân quả, chỉ mới là bắt đầu. Giờ cần hiểu về nó để có thể ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể trong cuộc sống của mình.
Đang vào tháng bảy, là tháng vu lan báo hiếu, nên chúng tasẽ tìm hiểu nhân quả qua chủ đề hiếu hạnh.
Ở phương đông, tất cả những tôn giáo lớn, đều đề cao chữ “hiếu”. Như Nho giáo có câu: “Bách hạnh hiếu vi tiên”, là “Trăm hạnh, hiếu là đầu”. “Hiếu”, được đặt lên tầm một cuốn kinh, sánh ngang với kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Nhạc, kinh Thư,[1] cho thấy “hiếu” giữ vị trí khá quan trọng trong Nho giáo.
Với đạo Phật, dù đặt nặng ở việc xuất thế, nhưng đức Phậtvẫn dạy chúng ta coi trọng chữ “hiếu”. Kinh nói cúng dường cho cha mẹ, nghĩa là lo chăm sóc cha mẹ, làm được nhiều việc cho cha mẹ vui lòng thì phước đó ngang bằng phước cúng dường Phật. Cho thấy chữ “hiếu” rất được đề cao. Song vì sao “hiếu” lại được đề cao, và vì sao con cái thực hành hạnh hiếu với cha mẹ lại có phước rất lớn? Việc này sẽ được giải thích qua lý nhân quả.
Biết ân và báo ân
Trong kinh, Phật nói chết không hết mà sẽ đi tái sinh vào một trong sáu cõi là Trời, A-tu-la, người, ngạ quỉ, súc sinh và địa ngục. Sinh vào được cõi người là khó, vì chúng sinh hay gieo những hạnh nghiệp dễ tái sinh vào những cõi dữ. Trong sáu cõi, người đã biết Phật pháp sẽ chọn con đường tái sinh vào cõi người. Vì cõi trời mặc dù rất sung sướng nhưng sướng quá lại không còn tâm tu học. Chỉ có cõi người, vừa có sướng vừa có khổ, mới có động lực để chúng ta tu học, mới có thể đưa đến chỗ giải thoát giác ngộ. Cho nên, cõi người là cõi đáng đến.
Muốn tái sinh vào cõi người thì phải giữ 5 giới, là phần giáo lý thuộc Nhân thừa. Chúng ta thực hành 5 giới một cách tương đối, là điều kiện để ta tái sinh vào cõi người. Nhưng tái sinh vào cõi người chỉ mới là điểm đầu. Trên thực tế, ta thấy có rất nhiều hạng người. Có người rất nhân hậu, có tư cách một con người. Cũng có người sống theo bản năng rất thú tính. Với Phật giáo, sinh vào cõi người chỉ là bước đầuvà không dừng ngang đó, còn phải làm sao để trở thành một tương đối chân chính thì mới hưởng được ít nhiều tốt đẹp.[2] Một trong các cách giúp chúng ta trở thành một người chân chánh, chính là phải biết nhớ ân và báo ân.[3]
Có nhiều người không hiểu vì sao có người đi tới đâu cũng được nhiều người ủng hộ giúp đỡ trong khi bản thân mình, đi tới đâu cũng gặp toàn những trái nghịch, sơ hở chút là bị lừa. Đã không biết đền ân mà còn gieo oan trái với mình. Đó là do chỗ biết ân và không biết ân này. Trong quá khứ, mình hay bội ân và không biết thi ân cho người khác, nên giờ đủ duyên cái quả sinh ra, mình thi ân cho người mà người không biết ân với mình.
Trong các thứ ân, ân cha mẹ là lớn nhất: Một là ân sinh thành. Hai là ân dưỡng dục. Chính vì vậy, nếu sống mà không biết báo ân, tức không biết báo hiếu, thì trong đời chúng ta dễ gặp các hoàn cảnh bất hạnh. Người biết báo ân thì có phước lớn. Người không biết báo ân, sẽ làm tiêu hết phước báu của mình,trong đời hay gặp hoàn cảnh khó khăn, sẽ gặp nhiều chuyện không như ý.
Dù thuận hay nghịch…
Việc trở thành cha mẹ con cái với nhau là vấn đề của nhân duyên. Do nhân duyên mà đời này chúng tatrở thành con cái của cha mẹ mình. Cũng do nhân duyên mà chúng ta trở thành cha mẹ của con cái mình. Vì là nhân duyên nên không cố định. Có khi là thuận duyên. Có khi là nghịch duyên.
Thuận duyên, là cha mẹ sinh con ra, tận tình lo cho con, nhịn ăn nhịn mặc, sẳn sàng hy sinh bản thân để lo cho con được mọi điều kiện ăn học đầy đủ, thương yêu con hết lòng. Con cái, trước những lo toan đó, cũng biết sống hiếu đạo, lớn lên biết phụng dưỡng cha mẹ, thường làm những việc khiến cha mẹ vui lòng.
Nghịch duyên, là tuy sinh con ra nhưng lại bỏ mặc con trẻ. Có người bỏ con cho kiến dập vùi. Có người đánh đập con cái đến nổi thương vong. Con cái cũng vậy, có người dù được cha mẹ vất vả lo toan, phận làm con, hiếu cũng không tròn. Chỉ biết thân mình, không đếm xỉa gì đến cha mẹ. Hiện nay những việc như vậy cũng đang xảy ra trong xã hội chúng ta.
… hiếu cũng nên tròn
Nếu chẳng may, chúng ta rơi vào các hoàn cảnh không thuận thì phải giải quyết vấn đề hiếu hạnh như thế nào?
Có người cho rằng: “Với những bậc cha mẹ, sống hết mình, hết trách nhiệm thì con cái phải giữ tròn đạo hiếu. Còn với những bậc cha mẹ không thực hiện được đầy đủ chức năng cha mẹ thì con cái không cần phải giữ đạo hiếu”.
Có người cho ý kiến ngược lại với ý kiến trên.
Trong kinh thì Phật dạy, cho dù cha mẹ mình thế nào, đã là con, nên giữ tròn đạo hiếu. Nghe vậy, thấy có vẻ oan ức cho con cái. Nhưng Phật dạy như vậy là có nhân duyên. Để hiểu được vấn đề này, chúng tôixin kể hai câu chuyện, đều là hai câu chuyện thực mà chúng tôi từng gặp trong đời.
Câu chuyện 1:
Cô hàng xóm của gia đình tôi, chuyên nghề làm tóc. Tuy chỉ là tiệm làm tóc nhỏ, nhưng vì là “vua một nơi” nên khách rất đông. Nhờ công việc đó, cô có một đời sống khá sung túc. Cô hay đi chùa, cúng dường, niệm Phật và rất siêng trì chú, nhưng lại bị một loại tà kiến dẫn dắt. Đó là mê coi bói coi tướng và tin thầy bói rất mực.
Khi cô có thai đứa con đầu lòng, cô đi coi bói. Bà thầy bói nói: “Đứa con này khắc với cô lắm. Đây là đứa con báo cô. Cô sinh nó ra, nó sẽ làm cho cô tán gia bại sản”. Vì tin lời thầy bói, nên sau khi sinh đứa bé ra, cô liền gởi qua cho bà ngoại nuôi để cách ly cái xấu. Khi con bé lớn lên, thỉnh thoảng mới cho về nhà cha mẹ chơi ít ngày rồi quay trở lại với bà ngoại. Trong những ngày đó, con bé cũng không được đối xửtốt hơn. Có khi nó phải nhận chịu những cái “ghét ra mặt” của mẹ. Sau đó cô sinh thêm mấy đứa nữa.
Cuộc sống của cô cứ sung túc như vậy cho đến ngày giải phóng. Những ngày sau giải phóng thì nhiều khó khăn. Đây là khó khăn chung của cả đất nước. Khi kinh tế khó khăn, thì việc tiêu xài đương nhiên phải được tiết giảm. Việc uốn tóc làm đẹp v.v… trở thành xa xỉ và ít người tới tiệm cô. Thu nhập của cô cũng giảm. Cuộc sống bắt đầu khó khăn, không còn thoải mái như xưa. Cuộc sống như vậy kéo dài cho đến khi đất nước mở cửa. Ngoại quốc bắt đầu vào Việt Nam làm ăn. Họ có nhu cầu thuê nhà. Vì thế có một số người đã lấy nhà mình sửa lại và cho ngoại quốc thuê để có thu nhập ổn định.
Cô lại đi xem bói. Thầy bói phán “Cô về sửa lại nhà mà cho thuê đi. Đời sống sau này sẽ hanh thong”. Cô này nghe vậy rồi, về thế chấp nhà cho ngân hàng lấy tiền xây lại nhà. Nhưng khi xây nhà xong thì không cho thuê được. Vì không có kinh nghiệm nên kết cấu xây dựng không hợp lý, không thể đáp ứng được nhu cầu của người thuê. Trong khi cục nợ ở ngân hàng cộng với lãi, ngày một phình ra. Đến ngày đáo hạn không có tiền, cô mới nhờ mấy ông cò chạy làm sao để tiếp tục đáo hạn. Trúng phải người lừa đảo, đáo tới đáo lui vài lần coi như nhà cô hết sạch. Không những căn nhà hết sạch mà ông chồng còn phải đi tù gần 10 năm. Coi như cả gia đình phải bồng bế nhau ra đường.
Nói về cô con gái, cô này có một điểm đặc biệt là tuy bị mẹ đối xử như thế nhưng vẫn cứ thương mẹ. Cô học khá giỏi, nhất là môn sinh ngữ, nhưng thân tướng thì không mấy đẹp. Miệng hô, tướng đi khập khểnh, thân lại gầy. Có lẽ do có nhan sắc dưới mực trung bình như vậy, nên không có chàng trai Việt Nam nào đến với cô. Hăm tới hăm lui một mảnh tình vắt vai cũng không có, nói là một tấm chồng. Nhưng đó cũng chính là điều may mắn của cô. Một hôm, có một doanh nhân người Thủy Điển qua Việt Nam làm ăn. Cô làm thông dịch viên cho phái đoàn. Gặp cô ông phát sinh tình cảm và đề nghị kết hôn. Không vướng víu ai, nên cô dễ dàng chấp nhận lời cầu hôn và theo chồng về nước. Ở đó cô cũng có công việc, lại được ông chồng khá giàu có thương yêu, nên khi kinh tế của người mẹ xuống dốc, chính cô là người gởi tiền về giúp đỡ mẹ.
Khi nghe tin cha ở tù, mẹ và em phải ra đường ở, cô tức tốc bay về cung cấp tiền bạc, lo bới xách cho cha và về Tân Phú mua nhà cho mẹ ở.
Đó là câu chuyện thứ nhất.
Câu chuyện 2:
Câu chuyện này liên quan đến một người bà con trong gia đình chúng tôi.
Đó là vào khoảng những năm 1960 của thế kỷ trước. Thời đó xã hội vẫn còn phong kiến. Người phụ nữđa phần không có học thức, thường chỉ học đến biết chữ và để tính toán được. Bổn phận chính của người phụ nữ là lo cho chồng con. Còn công việc làm ăn mà mọi chi tiêu trong gia đình đều do chồng đảm trách. Khi đó dì tôi có hai đứa con. Không hiểu vì lý do gì, bà chia tay với chồng và ra đi với đứa con nhỏ. Không chữ nghĩa cũng như nghề nghiệp nên việc kiếm sống không dễ. Bà phải gởi con lại cho cậu tôi, vào Nam đi buôn đường dài để có tiền sống và nuôi con. Ngược xuôi từ nam chí bắc trên những con tàu, chịu nhiều vất vả chịu nhiều bất trắc. Vì lý do đó, bà kết hôn với người chồng sau để tìm một chỗ nương tựa. Ông làm nghề tài xế đường dài. Hai vợ chồng tiếp tục bôn ba xuôi ngược để kiếm sống.
Do cuộc sống như vậy, nên lâu lâu dì tôi mới về thăm cậu con trai. Mỗi lần về, dì mua sắm đủ thứ cho cậu con. Mỗi lần mẹ về, cậu rất vui. Nhưng mỗi khi dì đi, cậu la hét khóc lóc rất dữ dội. Dì phải nói dối không đi đâu. Đợi người dắt cậu đi chơi rồi, mới lén thu dọn đồ đi. Rút kinh nghiệm những lần sau, dì đi rất sớm khi cậu chưa thức dậy.
Khi biết mẹ lừa dối mình như vậy, lúc đầu cậu rất dữ dằn. Những gì mẹ mua về, cậu đập phá hết. Mấy ngày sau mới ổn định lại. Về sau này, cậu không la hét nữa mà lầm lầm lì lì một hai tuần sau mới trở lạibình thường.
Cuộc sống cứ như vậy mà trôi cho đến lúc đại gia đình tôi đều qui tụ về một xã ở miền trung. Bà dì cũng không đi buôn nữa. Tiền dành dụm có thể mở một cơ sở để làm ăn và có điều kiện gần gũi chăm lo cho cậu con trai. Có điều, lâu lâu cậu con trai lại cố ý làm cho dì tôi tức lên. Đang đi học, tự nhiêN nghỉ ngang đi đâu đó mấy ngày. Khi quay về thì đòi hỏi dì tôi đủ thứ. Bà dì là người rất trực tính nhưng tính nóng như Trương Phi. Gặp chuyện gì không vừa ý là la hét đùng đùng. Đến khi nguội rồi thì lại biết lỗi. Chuyện dù đúng hay sai, bà cũng xin lỗi người mà bà vừa la đó. Thành khi cậu con làm bà bực bội thì bà nổi tam bành, chửi tới bến. Cậu con trai chịu không nỗi bỏ đi. Bà lại hối hận ngồi khóc, rồi nói với các chị em của mình, đó là do lỗi của bà, vì bà sinh ra con mà không lo cho nó được đàng hoàng, không thể cho con một đời sống đầy đủ như những đứa trẻ khác, là được gần mẹ và được sự thương yêu của mẹ. Bà có thể lo cho cậu đầy đủ về mặt vật chất nhưng về mặt tình cảm thì cậu rất thiếu thốn. Khóc rồi, ngày hôm sau kêu cậu con trai lên hỏi cậu muốn gì v.v… Dù phải vay mượn để thỏa mãn cho cậu, bà cũng làm.
Cuộc sống của dì sau đó cũng không mấy suông sẻ. Chồng thì đào hoa khiến bà khổ sở vô cùng. Hùn vốn làm ăn thì bị người lừa mất sạch. Lại phải đi vay đi mượn ký cóp làm ăn, dựng lên được một xưởng may. Một hôm nhà cháy, cháy lan qua xưởng may, coi như trắng tay. Cuộc sống đầy sân hận, lo toan, đau khổ, vất vả như vậy khiến bà kiệt sức. Nên qua tuổi 40 không lâu, bà lâm bệnh mà chết.
Trở lại với cậu con trai. Khi bà dì trở về sống chung với đại gia đình là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cậu. Đến khi mẹ mất, mọi người chung quanh vẫn lo lắng cho cậu, nhưng cậu gần như mất hết tinh thần và không đi học nữa. Khuyên răn kiểu nào cậu chỉ muốn bỏ học ra làm ăn. Đầu tiên là làm những việc loanh quanh trong giòng họ. Đến khi giải phóng thì công việc cũng khó khăn. Cậu không làm việc trong gia đình nữa mà làm với người ngoài. Đi một thời gian, cậu trở về, vào đúng ngày giỗ của dì tôi và làm một mâm cơm cúng. Cúng xong, anh em chén tạc chén thù trò chuyện với nhau. Khi bắt đầy say, cậu ra trước bàn thờ khóc lóc và trách móc mẹ đủ điều. Nói: “Bà là người suốt đời chỉ làm khổ tôi. Bà sinh tôi ra làm gì rồi bỏ tôi trên cuộc đời này để tôi chịu khổ”. Khóc lóc chán rồi, cậu hất đổ bàn thờ rồi bỏ đi.
Đại gia đình tôi sau đó phân tán, từ từ vào Nam kiếm sống. Cuộc sống như vậy cứ trôi đi, qua những khó khăn ban đầu, cuộc sống bắt đầu hanh thông. Cậu em sau những thăng trầm của cuộc sống cũng quay lại với gia đình. Thấy cậu quay về, bà con rất là mừng. Vì trong bà con, ai cũng thương dì. Sau khi dì mất, tình thương đó dồn vào cho cậu. Thấy cậu về, mọi người xúm vào lo lắng công ăn việc làm cho cậu.
Có điều, bắt đầu xuất hiện một hiện tượng: Những người nào đứng ra thương yêu lo lắng cho cậu thì sớm muộn gì cũng bị cậu chửi. Uống rượu vào rồi là mang người ta ra chửi và đòi hỏi người đó phải làm thế này thế kia cho mình. Thiên hạ, lúc đầu một lần, hai lần còn chịu được. Sau cũng không thể làm gì hơn là mời cậu đi. Người này mời đi thì có người khác giúp đỡ. Nhưng được một thời gian, chịu không được cũng phải mời đi. Trong bà con không còn chỗ nương tựa, cậu về lại miền Trung.
Về Trung, cậu thuê nhà mở một tiệm hớt tóc. Bà chủ nhà thấy cậu làm việc siêng năng, tính tình lại dễ thương nên rất thương cậu. Bà có ý định sẽ gả người con gái cho cậu. Cả dòng họ nghe vậy mừng lắm. Vì cậu đã có chỗ nơi, không còn lang thang như trước. Thành trong bà con ai cũng chuẩn bị sẳn một ít tiền để khi cậu lập gia đình, có được số vốn hộ thân. Nhưng chờ hoài không thấy đám cưới xảy ra. Sau đó tìm hiểu mới biết cậu đã bỏ đi. Lý do bỏ đi là vầy: Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì một lần cậu uống rượu vào, cậu lôi bà chủ nhà ra mắng một trận. Nói: “Bà là người lừa đảo. Bà tính lợi dụng tui bằng cách đưa con gái ra gả cho tôi”. Bà này nghe xong, oan ức và xấu hổ, đành phải mời cậu đi. Cậu lại khăn gói đi tiếp...
Sau này bà con chúng tôi có đi kiếm. Mới biết cậu sống ở Tân Phú làm nghề đạp xích lô. Ngày thì đạp xích lô, tối ngủ trên chiếc xích lô đó. Gia đình thấy vậy mới lén giúp bằng cách mua cho cậu một chiếc Honda. Vì lớn tuổi rồi, cậu không còn sức đạp xe xích lô như trước. Nhưng giúp đỡ mà chỉ dám lén, không dám chường mặt ra, cũng không dám giúp nhiều, vì sợ cậu chửi.
Tổng kết:
Qua hai câu chuyện, ta sẽ lý giải để thấy nhân quả nghiệp báo trong việc hiếu hạnh như thế nào.
Trong câu chuyện thứ nhất, mặc dù người mẹ hay đi chùa cúng dường, niệm Phật nhưng lại có tà kiến là tin vào những điều bói toán vô căn cứ, nên phải chịu cái quả là phá sản, chồng đi ở tù. Nhưng nhờ cúng dường niệm Phật nên khi hoạn nạn có người cứu giúp.
Còn cô con gái mặc dù không được mẹ thương yêu, nhưng vẫn không oán ghét mẹ, nên dù xấu xí, cô vẫn gặp được một người chồng giàu sang thương yêu mình. Đó là quả báo của tâm hiếu hạnh.
Người mẹ sau một thời gian nhận sự giúp đỡ của con gái cũng nhận ra rằng: Đứa con mà thầy bói nói làm mình tán gia bại sản lại chính là đứa con cứu giúp cả gia đình, đưa gia đình trở lại cuộc sống bình thường. Cuối cùng sự hiếu thảo của cô đã giúp người mẹ chuyển hóa, không còn ghét bỏ mình, cũng giúp phá đi tư tưởng tà kiến của mẹ mình. Cô gái dù trong nghịch cảnh nhưng vẫn một lòng hiếu hạnh nên vừa nhân được người chồng thương yêu mình, vừa nhận được tình thương yêu của cha mẹ cũng như anh chị em mình.
Về phần cậu em tôi, nếu ta nhìn sự việc trên mặt Duy thức, tức đứng trên mặt tâm lý và lý nhân quả mà nói thì chúng ta mới thấy tại sao cậu ta lại có những hành động bất thường như vậy.
Dù tình thương của cậu mợ tôi đối với cậu có đó, nhưng không thể như tình thương của mẹ, nên mỗi lần mẹ ra đi, cậu rất đau xót. Mỗi lần ra đi mẹ lại phải nói dối… vô tình hình thành nơi cậu một ý niệm: “Người thương yêu lo lắng cho mình nhiều sớm muộn gì cũng lừa dối và bỏ rơi mình, làm mình đau khổ”. Ý niệmđó được ghi vào tạng thức. Tâm lý con người, một khi bị đau đớn thì hay sinh niệm oán hận. Nơi cậu, có một niệm oán hận với người mẹ. Thành ra dù rất thương mẹ, nhưng đi kèm với tình thương đó là một sự oán hận. Đây là lý do giải thích vì sao sau này khi mẹ con có cơ hội gần nhau, cậu hay có những hành vilàm mẹ bực tức. Đang đi học thì bỏ học. Hoặc về hạch sách mẹ đủ điều. Đó là hành động trả thù cho những đau khổ mà cậu đã phải chịu khi mẹ ra đi và nói dối cậu. Tâm của người ta dễ xảy ra tình trạngnhư vậy.
Giai đoạn sống gần mẹ là giai đoạn hạnh phúc nhưng lại ngăn ngủi và người mẹ lại ra đi tiếp. Lần ra đi này không phải do ý của bà và vì thần chết tới rước. Nhưng với cậu, nổi đau nào cũng là nổi đau do mẹ gây ra. Nên lần giỗ đầu, đang trong khoảng thời gian vất vả và đau khổ, cậu đã trách móc mẹ đã sinh ra mình rồi bỏ mặc mình.
Sau này, bà con nào giúp đỡ cậu, cậu đều phá đổ… là do chính cái niệm ở trong vô thức kia vẫn đeo đuổi cậu. Bình thường tỉnh táo thì không sao, nhưng khi say sưa hay khổ đau, nó lại có dịp bùng phát. Nên cậu cứ nhè những người giúp đỡ mình đó mà chửi rủa. Đó là nói trên mặt tâm lý.
Đứng trên mặt nhân quả mà nói, khi cậu khởi lên một niệm ai oán mẹ thì ý niệm đó là nhân đưa đến cái quả bất hạnh sau này: Cậu không thọ nhận được ân tình nào cho lâu dài. Bà con rất yêu thương cậu nhưng chính cậu là người tự phá đi những ân tình đó. Tự cậu khiến mình không hưởng được những ân tình đó. Đó là cái quả của những niệm oán hận. Niệm oán hận đó là một niệm bất hiếu, không biết ân mẹ cha. Chính niệm đó khiến cậu có những hành vi trái nghịch với mẹ mình, và sau khi mẹ mất, cậu vẫn không hết những hành động trái nghịch đó.
Sau này, cậu lớn tuổi và thăng trầm nhiều nên có trưởng thành và hiểu biết ra. Qua những lăn lộn đau khổ trong cuộc đời, cậu nhận ra rằng dì tôi là người thương yêu cậu nhất, nhưng do hoàn cảnh, bà không thể ở gần chăm lo cho cậu. Bà không thể mang cậu theo với cuộc sống ngủ bụi ngủ bờ vất vả nặng nhọc. Những gì đã làm bà đã làm hết sức mình, không phải là người vô tránh nhiệm. Bà vẫn luôn tự trách, cậu có thế nào là do bà đã không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Cậu đã hiểu được điều đó nên sau này, dù cuộc sống khó khăn đến đâu cậu cũng dành dụm, mỗi năm đến ngày giỗ mẹ, đều quay về cúng cho mẹ mâm cơm. Đối với bà con, thỉnh thoảng cũng ghé về, nhưng chỉ vài hôm rồi lại đi.
Cuộc sống đơn độc cũng buồn bã lạnh lẽo nên cậu muốn tìm chút hơi ấm của gia đình. Đó là lý do cậu quay về. Nhưng cậu biết, nếu mình sống lấu trong tình thương đó sớm muộn gì niệm sân hận cũng lại trồi lên và mình sẽ phát ra những lời làm tổn thương những người thương yêu mình, nên cậu lại ra đi. Khi nào cần hơi ấm gia đình thì cậu lại vê …
Đến giờ này cậu vẫn sống đơn độc như vậy.
Trong Chứng Đạo Ca, thiền sư Huyền Giác nói “Thường độc hành thường độc bộ”. Người giác ngộ thì thường làm một mình, đi một mình. Ý chính là không dính mắc vào các pháp. Cậu em tôi, xét trên mặt hình thức thì cũng “thường độc hành thường độc bộ”, nhưng cậu em tôi lại chưa giác ngộ. Một con ngườikhi chưa giác ngộ thì vẫn cần sống trong hơi ấm và tình thương của những người thương yêu. Nhu cầu thì như vậy, nhưng vẫn phải sống một mình nên với cậu, là một sự bất hạnh. Nguồn gốc của sự bất hạnhnày là từ một niệm oán hận đối với mẹ mình. Người có ân lớn nhất với mình mà mình lại oán hận. Đây là hành động không biết ân. Chính vì hành động đó mà sau này cậu không thể nhận được ân nghĩa nào của người khác mang lại cho mình lâu dài. Chúng tôi thấy rất rõ, ai giúp đỡ cậu là tự cậu phá đi để không nhận được ân nghĩa đó.
Qua hai mẫu chuyện trên, ta thấy: Cũng đều là nghịch cảnh nhưng cô gái thì nhận được những phước báu mang lại hạnh phúc cho mình, còn cậu em thì lại toàn là bất hạnh. Là do một bên dù nghịch cảnh, vẫn thương yêu mẹ mình. Còn một bên, từ nghịch cảnh lại có những oán hận.
Giờ cậu đã thay đổi, nhưng nghiệp cũ vẫn chưa hết, nên cậu vẫn phải sống cô độc không nhà không cửa… Hy vọng một ngày nào đó, cậu sẽ gặp Phật pháp mà xóa bỏ đi cái nghiệp mà cậu đã trải qua trong đời này.
Qua hai cậu chuyện đó, chúng ta hiểu vì sao đức Phật dạy dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nên duy trì hiếu hạnh của mình. Vì công ân cha mẹ không chỉ có công ân dưỡng dục mà còn công ân sinh thành. Chính cha mẹ là người cho chúng ta thân xác này để đi vào cuộc đời. Cho nên, dù mặt dưỡng dục có khiếm khuyết chăng nữa, thì vẫn còn công ân sinh thành. Đó là công ân rất lớn. Vì công ân lớn đó mà chúng ta phải có hiếu với cha mẹ. Không thể đòi hỏi cha mẹ phải lo cho tôi đầy đủ thì tôi mới có hiếu trở lại, không thì tôi không cần phải giữ đạo hiếu. Hiểu như vậy là không nên, là ta đang tạo cho mình cái nhân khổ nạn trong tương lai.
Chú thích:
[1] Chữ Hiếu, nền tảng làm người – Huỳnh Ngọc Chiến.
[2] Đây là đang nói chung về nhân quả. Nhân thiện thì quả lành… Trên thực tế, thấy có sai khác là do nhân quả chi phối đến ba thời.
[3] kinh Tăng Chi Bộ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm