Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 19/04/2021, 09:18 AM

Nhặt rác cho ta, đổ rác cho người

Sống trên đời là phải mang đống rác là tấm thân này, và mỗi ngày đi qua là phải tiếp tục cuộc hành trình “nhặt rác, lượm rác và đổ rác”.

Chuyện bây giờ mới kể... 

11 giờ tối ngày mồng Hai Tết, “đoàn quân vĩ đại” của chúng tôi bắt đầu tiến ra “chiến trường” với binh khí là những cây chổi và ky hốt rác. Những “tên giặc” như bao ni-lông, chai nhựa, ly nhựa, bao lì xì,... dần dần nằm yên vị trong những chiếc thùng rác cao to. Sau một ngày bị “oanh tạc”, những chậu hoa có phần xơ xác, những tiểu cảnh trang trí bị nghiêng lệch, và đặc biệt vương vãi khắp sân là hình ảnh “bãi chiến trường” với toàn rác là rác.

Tôi chợt chạnh lòng cho ý thức của người dân quê mình. Chuyện xả rác nơi công cộng không còn là chủ đề mới trên những trang báo mạng, hình ảnh còn lại trên đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Huệ sau đêm giao thừa hằng năm đem đến cho bao người cảm giác thương tâm. Thương cho ý thức của cả một cộng đồng, khi những giá trị văn hóa tối thiểu ngày càng bị quên lãng. Người lớn và trẻ em cứ vô tư và hồn nhiên vứt những thứ mà họ không còn sử dụng ra bất cứ nơi nào, ngay cả sân chùa cũng không ngoại lệ.

Trời ạ! Tôi bắt đầu bài viết thơ mộng của mình bằng hình ảnh những bãi rác hay sao? Thôi kệ! Có cái xấu thì người ta mới bắt đầu để ý và trân trọng những điều tốt đẹp. Đó là hình ảnh của hơn 300 người, gồm chư Tăng, Phật tử và những bạn sinh viên tình nguyện về chùa ăn Tết, tất cả đang cùng nhau cần mẫn dọn dẹp quét tước sân chùa: người cắt tỉa những cành hoa hư, người khác tưới những chậu kiểng, có những vị sắp xếp lại những mô hình...

Công việc được làm bằng sự phát tâm, lòng nhiệt huyết, niềm tin yêu và tấm chân tình biết nghĩ cho người khác, dù đó là những người mình chưa từng gặp, chẳng biết tên, và cũng chưa quen biết bao giờ. Mọi người cùng làm việc với một tâm niệm: “Sáng mai đây, Phật tử phương xa sẽ tiếp tục đến vãn cảnh chùa, mình dọn dẹp sạch sẽ thì người ta mới có được sự hoan hỷ khi ngắm nhìn những tiểu cảnh trang trí mà quý thầy và đại chúng đã dành nhiều thời gian, công sức sáng tạo ra. Nhiều người biết đi chùa, gieo duyên với Phật pháp, từ đó mới có cơ hội cho họ tìm hiểu đạo rồi thực hành để sống tốt hơn”. Đó chính là tâm tình chung của những tấm lòng thầm lặng đang chung tay chung sức dưới mái già lam này.

Ông lão quét rác ăn mì chay qua bữa quyên góp 600 triệu giúp người nghèo

Thôi thì đành chánh niệm, tỉnh thức trong thân, thọ, tâm, pháp; âm thầm lắng nghe bài học khổ lụy của nhân gian.

Thôi thì đành chánh niệm, tỉnh thức trong thân, thọ, tâm, pháp; âm thầm lắng nghe bài học khổ lụy của nhân gian.

Đang quét rác, tôi bỗng liên tưởng đến một điều: “Hình như, cuộc tu là một hành trình đi... đổ rác”. Nghe qua có vẻ kỳ lạ, nhưng tôi thấy dường như hai thứ ấy khá tương đồng. Mỗi ngày, chúng ta thử nhìn lại mình xem bản chất thật của thân tâm này là gì, có phải là một đống rác vĩ đại hay không? Cả thân lẫn tâm đều là... “đồ rác”.

Dù chị là một minh tinh màn bạc, sống dưới ánh đèn sân khấu với hàng nghìn ánh mắt đổ dồn về; hay anh là một doanh nhân thành đạt, có tiếng tăm trong xã hội, tài sản trong ngân hàng có hàng nghìn tỉ đô-la, thì suốt cả cuộc đời của chúng ta cũng chỉ mang bên mình một thùng rác di động, đó là tấm thân bất tịnh. Ngày xưa, khi đọc quyển “Phật pháp cứu đời tôi” của Sư phụ, tôi bị ấn tượng mạnh mẽ bởi điều này. Phải rồi, có những sự thật “rành rành mắt thấy” mà ít khi nào mình dám nhìn thẳng vào đó: Mỗi ngày, cơ thể thải ra ngoài nào là phân, nước tiểu, mồ hôi, ghèn,... Dòng nước đen ngòm dưới cống hay những hầm cầu có vẻ như trong trẻo hơn rất nhiều so với những gì mà thân này đang cưu mang bên trong nó.

Anh cũng vậy, chị cũng thế, và bản thân người viết cũng không ngoại lệ, khi chúng ta đang cùng mang thân phận kiếp con người. Hằng ngày, để bảo trì cho thân thể, chúng ta phải tắm, rửa, giặt giũ, ăn uống, tiểu tiêu... Điều đó cũng đồng nghĩa với một việc: Ta ôm ấp hình bóng giai nhân cũng chính là ôm cả một khoảng trời máu, thịt, gân, xương, đờm, dãi, tủy, mật,... của người ấy. Nhưng có một may mắn là những cái xấu, cái tệ, điều đáng ghê sợ, nhờm gớm này đang được bao bọc bởi vẻ ngoài mượt mà, mềm mại, mịn màng, thơm tho là lớp da người, thân thể được trang trí bằng đống quần áo đắt tiền và điểm tô bởi trang sức, son phấn, dầu thơm,...

Mỉa mai cho cuộc đời là người ta rất dễ bị đánh lừa, không đủ trí tuệ để có thể nhìn sâu vào bên trong, sâu đến cùng tột để thấy ra sự thật. Và người viết cũng không ngoại lệ, cũng đôi lần “say nắng” bóng hồng trên đường đời xuôi ngược, cũng có khi tự hài lòng với vẻ ngoài hay sở đắc rồi kiêu căng và tự mãn. Cũng có lúc buồn vu vơ khi thấy trên gương mặt mình có vài chấm mụn, đi nắng nên da bị sẫm màu,... Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không cho mình cái quyền để suy tư, từ đó có được những phút giây “ngán ngẫm” sự phù du, ảo ảnh của thế tình. Bởi lẽ, khi mình có chút chán đời thì niềm đam mê với sự phù phiếm của lợi danh và tài sắc,... mới có phần suy giảm.

Một người đệ tử Phật chân chính được nhắc nhở là mỗi ngày phải biết nhìn lại thân tâm này như một nhóm của nhiều yếu tố. Có lúc ta phải xem nó là một khối danh và sắc (tạm hiểu là thân và tâm). Có khi ta chia chẻ nó thành ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức (sắc: yếu tố vật chất hay thân thể; thọ: yếu tố cảm giác; tưởng: yếu tố tri giác, sự hiểu biết, suy tư,...; hành: khía cạnh thiện ác của thân tâm trong tiến trình tạo nghiệp; thức: hay còn gọi là “tâm”, “ý”,...tạm gọi là tâm lý nói chung). Còn đối với tấm thân dài “một trượng” này, ta hãy tập nhìn nó là tổng thể của những yếu tố riêng biệt: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận,... (tổng cộng có 32 phần). Chính nhờ sự suy tư và chia chẻ này, cái “tôi” của mình sẽ mòn đi một chút, vì đơn giản ta thấy mình chỉ như một “đống rác”. Khi người ta có la, mắng, chửi, bởi, móc, xỉa, nói xiên, đâm thọc,... thì mình cũng thấy đỡ phiền lòng. Chỉ cần xem mình là “rác” thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu. Người ta sẽ hy sinh nhiều hơn cho người khác, biết vui với cái thiện, biết quý những điều tốt, vững vàng hơn trước giông tố cuộc đời.

Khía cạnh thân thể chỉ là một góc nhìn rất nhỏ của đống rác vĩ đại này. Chủ đề bài viết muốn xoáy sâu về ý nghĩa của cuộc tu: “Một hành trình đổ rác”. Người viết muốn đề cập nhiều hơn về các yếu tố của tâm thức. Trong dòng luân hồi sinh tử, mỗi người tích trữ cho mình rất nhiều “rác”. Tham, sân, si, ái, mạn, nghi, kiến,... là rác; mà tín, niệm, tàm, quý, tinh tấn,... cũng chỉ là rác mà thôi! Khi đọc đến đây, chắc nhiều người sẽ thắc mắc: “Tại sao những điều xấu là rác đã đành, mà cái thiện cũng được xem là rác?”.

Xin được phân loại như sau, có hai loại rác: rác có thể tái chế và rác không tái chế được, phải đem đi phân hủy. Mình dùng những tâm thiện, đức tính tốt để tu tập, đó được xem là phương tiện cho việc học đạo, tu đạo, hành đạo, vun bồi ba-la-mật,... đó là “rác tái chế”. Cũng như chúng ta dùng đống phế liệu để làm thành một chiếc xe, chiếc thuyền đưa mình đến bờ giải thoát. Còn khi xem những điều thiện đó là hay, tốt, đẹp,...thì chúng ta rất dễ tự hào, ngã mạn và xem mình là “số một”, không ai có thể sánh bằng. Chúng ta sẽ đắm chìm và tự hào về sự bố thí, trì giới, đa văn, thiền định, trí tuệ,... của bản thân.

Hành trình học hỏi, góp nhặt những kiến thức thật ra chỉ là hành trình “lượm rác”. Chúng ta tích chứa cho thật nhiều kiến văn để vun bồi bản ngã, kinh điển gọi đó là “sở tri chướng”. Nếu mình không biết tận dụng những điều đó vào sự tu tập thì rất dễ bị đống kiến thức đó “đè chết” lúc nào không hay (điều này, nhiều “học giả” thường mắc phải, luôn dính mắc và chấp chặt so với “hành giả”). Nhưng nếu không học hỏi, tiếp thu thì lấy gì mình suy tư, vận dụng. Do đó, người có trí là người “lượm rác có chọn lọc”, biết đâu là phế liệu và đâu là phế thải (phế liệu có thể tái chế, còn phế thải phải bỏ đi).

Đối với loại rác không tái chế, đó là những đức tính xấu mà hầu như ai cũng có, tùy theo tiền nghiệp của mỗi người mà chúng có ít hay nhiều phiền não, mức độ sâu hay cạn, vi tế hay thô thiển. Đó là những sân hận, tật đố, tà kiến, ngã mạn, hoài nghi, hôn trầm, thụy miên,... Các vị Thánh là những người đã đổ được những đống rác trong tâm mình. Bậc Tu Đà Hoàn đổ được đống rác tà kiến, ngã mạn, hoài nghi. Bậc Tư Đà Hàm đổ thêm được thêm chút sân và tham ái (nhưng vẫn còn chút ít). Bậc A Na Hàm hoàn toàn không còn chút sân hận hay tham luyến vào bất cứ thứ gì, và bậc A La Hán dứt trừ toàn bộ những rác rến trong tâm. Đối với các vị A La Hán, các ngài làm chỉ để làm, không gieo nhân thiện hay ác, vì không còn bất kỳ dấu vết tái sinh nào. Do đó, “cả rác thải công nghiệp và nông nghiệp, từ phế liệu cho đến phế thải” đều đã được các vị dọn dẹp một cách toàn diện và triệt để bởi tâm Thánh Đạo.

Người tu không phải chỉ biết đổ rác cho mình mà còn chỉ cho người ta cách đổ rác. Tôi xin kể một câu chuyện bi hài, “hài” vì có những chỗ vui, và “bi” vì có những điểm buồn làm ta trăn trở:

Vào một đêm trăng thanh gió mát, ánh sáng dịu nhẹ chiếu vào căn phòng nhỏ có án kinh thư. Thầy chong đèn bên khung cửa sổ, đắm mình vào từng trang sách. Cảm giác như đang đi ngược thời gian về hơn hai ngàn năm trước, được trực tiếp nghe lời chỉ dạy của Thế Tôn và sống trong giáo đoàn Tăng chúng khi xưa. Hương trầm thoang thoảng đâu đây, tách trà thơm quyện lấy mùi giấy mới. Vị thiền phảng phất, cảnh vật tĩnh mịch bên ngoài đem đến cho người tu sĩ một cảm giác phiêu bồng khó tả.

Chợt, chuông điện thoại reo lên, thầy có chút giật mình rồi nhìn vào màn hình, thấy hiện lên cái tên của Phật tử quen. Thầy nhấn phím nghe. Đầu dây bên kia là lời thút thít: “Con khổ quá thầy ơi...”. Chuyện vợ chồng ly tán, chuyện con cái ham chơi, chuyện làm ăn thất bại, chuyện đầu trên xóm dưới,... Khổ đế! Thế là thầy phải nghe, nghe xong rồi “dạ”, kế đến là “an ủi”, tiếp đó là “lời khuyên”,... Vậy là, không gian thiền vị ấy đã bị phá vỡ chỉ bởi tiếng chuông ngân từ một sản phẩm thời công nghệ. Ngày xưa, người tu chứng đắc nhiều hơn bây giờ, phải chăng vì ngày đó điện thoại và internet chưa có mặt?

Người tu không phải chỉ biết đổ rác cho mình mà còn chỉ cho người ta cách đổ rác.

Người tu không phải chỉ biết đổ rác cho mình mà còn chỉ cho người ta cách đổ rác.

Tôi từng nghe một vị xuất gia tâm sự: “Đời tu có những lúc “bạc tựa con tằm”, đôi khi phải gồng mình làm dâu trăm họ, hứng chịu bao đống rác của trần gian. Mình còn phải đi đổ rác giùm người. Thầy không muốn quan hệ giao tiếp nhiều thì người ta lời ra tiếng vào, nói thầy ra vẻ khó gần, cao ngạo, làm bộ làm tịch... Còn khi mình mở lòng ra với nhiều người, thì thiên hạ lại cho là mình hướng ngoại. Không lẽ, người ta sống ở đời khổ quá, gọi điện thoại hoặc đến gặp vị thầy tâm linh, trút cạn tâm tư cho vơi đi phiền muộn và mong muốn nhận một lời khuyên, mà mình lại chẳng đoái hoài. Thôi thì đành chánh niệm, tỉnh thức trong thân, thọ, tâm, pháp; âm thầm lắng nghe bài học khổ lụy của nhân gian.

Tôi chỉ biết mỉm cười, người trí giữ tâm trung đạo, nhưng không dễ dàng để đi con đường giữa này. Do đó, đức Phật từng dạy: “Giống như con chim cút ẩn thân bằng cách chui xuống dưới luống cày nên không bị những loài chim lớn tấn công, hoặc giống như con rùa giấu mình trong mai mà được an toàn. Cũng vậy, vị Tỳ-kheo không nên vãng lai trong ma giới (cảnh của phiền não) bằng cách an trú trong Bốn niệm xứ”.

Dòng suy tư đã đưa tôi thật xa, thôi thì xin trở về với thực tại. Bởi lẽ, độc giả bây giờ cũng không thích cái gì đó quá lê thê. Dần dần, người ta bắt đầu lười phân tích, chia chẻ, suy nghiệm, trầm tư, bởi lẽ ai cũng lo là mình già sớm. Đời sống vật chất tạo nên một thói quen là khi đọc được cái gì, nó phải có giá trị, đem vào ứng dụng trong thực tế cuộc sống và có được lợi ích nhất định. Nên thôi, tôi đành kết thúc bài viết với hình ảnh một chú tiểu đứng giữa sân chùa cầm cây chổi đót.

Sân ngoài đã sạch rác, cảnh vật im lìm và thanh tịnh đến lạ kỳ. Lòng tôi còn rác hay không? Còn nhiều lắm! Sống trên đời là phải mang đống rác là tấm thân này, và mỗi ngày đi qua là phải tiếp tục cuộc hành trình “nhặt rác, lượm rác và đổ rác”. Chỉ sáng mai thôi, dòng người từ khắp nơi sẽ đổ về chùa thăm viếng, lễ bái. Những ngọn gió xuân thổi lay những cành cây, lá vàng tiếp tục rơi. Sân chùa lại tiếp tục đầy những rác. Và ngày mai, mọi người lại cùng nhau quét dọn, cùng đổ những đống phế thải ra bên ngoài. Mong rằng, đến một ngày nào đó, chúng ta đang nhặt rác bỗng mỉm cười, vì biết rằng rác bên ngoài còn đó nhưng rác trong tâm thì đã sạch. Bao giờ nhỉ? Xa lắm, có thể là muôn trùng kiếp tử sinh. Nhưng có hề chi, miễn là mỗi ngày ta nhớ duy trì đều đặn hành trình “nhặt rác”.

80 năm áo rách tâm lành

Kính Đức

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Yếu nghĩa của Dược sư quán đỉnh Chân ngôn

Kiến thức 06:37 19/04/2024

Kinh Dược Sư chép rằng: đức Thích Ca Như lai bảo với Mạn Thù Thất Lợi để nhắc tích rằng: “Bấy giờ đức Thế Tôn kia vào định tam ma địa tên là “Dứt trừ tội khổ cho tất cả chúng sinh”.

“Muốn bảo vệ Phật pháp thì tự thân chúng ta phải sống đúng với Chánh pháp”

Kiến thức 21:45 18/04/2024

Tối ngày 18/4/2024 Thượng tọa Thích Quang Thạnh - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN đã có buổi chia sẻ chủ đề “Giữ vững Niềm tin” đến với hơn 1.000 Phật tử thành phố quy tụ thính pháp.

Lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp

Kiến thức 10:50 18/04/2024

Từ bi và trí tuệ có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời, là mối quan hệ tương tức. Từ bi là biểu hiện của trí tuệ; trí tuệ nguồn gốc của từ bi, soi sáng từ bi.

Thái độ của Đức Phật với phân biệt đẳng cấp xã hội

Kiến thức 09:50 18/04/2024

Kinh Veda là một trong những bộ kinh cổ và đồ sộ nhất của nhân loại. Với người Ấn Độ cổ đại, không có gì trong cuộc sống lại không được diễn tả trong kinh Veda.

Xem thêm