Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 03/01/2015, 10:36 AM

Những cách hiểu về câu tục ngữ "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa"

Tu là một quá trình sửa đổi tâm tính để đạt đến một đời sống  an vui, lợi ích. Tuy vậy, có phải ở đâu, và bất cứ khi nào, con người cũng có thể tu tập được? 

Đúc kết điều đó, cha ông chúng ta đã tổng kết ba môi trường tu tập, các mức độ tu tập có ảnh hưởng đến quá trình sửa đổi tâm tánh, đó là:

Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa.

Mục đích của đạo Phật ra đời là để khuyên người ta hướng thiện, làm lành, lánh dữ, mục đích tối thượng là để đạt đến giải thoát mọi khổ đau trần tục. 

Thấm nhuần chân lý và diệu dụng của đạo Phật, cha ông ta tự ngàn xưa đã đúc kết và truyền đời cho con cháu về một câu tục ngữ vừa mang tính giáo dục, khuyên răn, vừa mang tính đánh giá, nhận xét về quá trình tu tập:

“Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”

Có phải ý các cụ là bàn về mức độ khó của quá trình tu tập ở những môi trường khác nhau? 
 
1. Nếu nói rằng, câu tục ngữ hàm chỉ về mức độ khó của quá trình tu tập, thì xem ra, khó nhất là tu tại gia, khó nhì tu chợ và dễ hơn khi tu ở chùa?

Quả thực, mục đích của quá trình tiến tu như đã nói là để xa rời, từ bỏ những tham đắm trần gian, xả bỏ sự hưởng thụ lẫn ngu dốt, tham lam, sân hận trong lòng để đạt đến giải thoát, yên vui trong tâm tưởng…thì việc thực hiện những điều này nơi tại gia - trong gia đình của mình là khó nhất. Vì ở nhà, luôn tồn tại những thứ làm con người đắm nhiễm. 

Chẳng hạn, như ngũ dục gồm năm thứ: tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, là những thứ làm con người bỏ mất sự tinh tiến, trong sạch để chìm đắm vào nó; kế đến trong gia đình luôn tồn tại những yếu tố cản trở quá trình tiến tu như: lo toan cuộc sống gia đình, quan hệ vợ chồng, con cái luôn thường trực những sự cãi vã, tranh đấu, thậm chí cả sự yêu thương, ân ái cũng là nguồn gốc của khổ đau (luân hồi – sinh tử). Trong gia đình, lúc nào cũng có cớ để tham, sân, si nổi lên. Do vậy, tu hành ở nhà là rất khó, thậm chí là khó nhất.

Kế đến, tu chợ cũng rất khó khăn, bởi hai lẽ: thứ nhất, mục đích của con người đến chợ là buôn bán, trao đổi, lấy tiền làm mục đích tối thượng, nên có khi chỉ vì vài đồng bạc, hoặc vài chục cm chỗ ngồi bán hàng mà sinh ra cãi vã; thứ đến, chợ là một môi trường ồn ào, đông đúc, xô bồ, lúc nào cũng có cơ hội để sự bực tức, sự tham lam nổi lên, không có chỗ cho sự yên lặng, lắng lòng.

Tu chùa xem ra còn có môi trường thuận lợi hơn, bởi am thất, chùa chiền là những nơi xa lánh trần tục, vắng lặng và đầy đủ các điều kiện cho quá trình tu tập như kinh sách, niệm phật đường, phòng tĩnh toạ….Trước đây, chùa chiền thường được xây đắp ở những nơi xa dân (có thể ở giữa cánh đồng), xa cảnh ồn ào náo nhiệt của chợ búa; quan hệ trong chùa cũng không giống như trong gia đình, các sư sãi sống một đời “thiểu dục, tri túc” (giảm tối thiểu những ham muốn, luôn biết đủ), là điều kiện tốt để tu hành. Ngày nay, do đất chật người đông, để phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân chùa chiền, được xây dựng ở phố phường tấp nập nên phần nào làm cho quá trình “tu chùa” trở lên khó khăn hơn?.

2. Từ chỗ quan niệm về độ khó trong các môi trường tu hành, câu tục ngữ xem ra còn hàm chỉ sự khinh- trọng của người xưa về các môi trường tu tập, từ đó đánh giá cao hay thấp những con người biết vượt lên hoàn cảnh để tu hành.

Nếu “tu tại gia” là khó nhất thì người xưa đặt môi trường “tại gia” cao hơn cả, là nơi đáng để tu hơn cả, con người chấp nhận tu trong hoàn cảnh này là “thứ nhất”. Có thể, sự khôi phục phần khuyết của câu lục sau đây sẽ minh chứng cho luận điểm này: “Thứ nhất [là người] tu tại gia”. Điều này cũng phù hợp với quan niệm độ sinh của đạo Phật - tức giải thoát cho toàn bộ chúng sinh. Chúng ta đều biết, trong hàng đệ tử của Phật thì phật tử tại gia là lực lượng đông đảo nhất, và có vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ và truyền bá giáo pháp. Do vậy, nói điều này, cha ông ta một mặt đánh giá cao, mặt khác động viên những phật tử tại gia trong quá trình tu tập.

3. Một cách hiểu khác với hai cách hiểu nói trên cũng có thể là thâm ý của câu tục ngữ này. Đó là quan điểm về thứ lớp phải trải qua trong tiến trình tu tập. Theo cách hiểu này, muốn tu được ở chùa, người ta phải trải qua quá trình tu tập tốt ở tại gia, kế đến tu ở chợ, sau cùng mới ra tu ở chùa. Nếu theo cách hiểu này, môi trường “chùa” lại được đánh giá cao nhất.

Tại sao trước nhất phải tu ở tại gia? Xét trong gia đình, các mối quan hệ thân cận, gần gũi với chúng ta nhất là tình cảm gia đình: vợ chồng, con cái, anh em, ông bà, cháu chắt. Chúng ta tu là để sửa đổi tâm tính của mình theo tinh thần từ, bi, hỉ, xả, hiền hoà, từ ái hơn, bao dung hơn. Mà những biểu hiện đó, trước nhất là phải thể hiện trong cách đối xử với người thân trong gia đình. Nếu chúng ta tu hành mà đối xử tệ bạc với người thân thì đó chẳng phải là kết quả của sự tu hành chân chính. Đó là còn chưa kể đến việc đạo Phật quan niệm về đạo Hiếu rất sâu sắc, thông qua hình ảnh sáng ngời hiếu đức của ngài Mục Kiền Liên đã thâm nhập vào đời sống văn hoá – xã hội sâu rộng trong sinh hoạt của người dân mỗi mùa Vu Lan báo hiếu.

Tu tại gia tốt rồi, kế đến mới tu chợ. Chợ là nơi thập phương cùng đến, là những người không quen biết, thân thích gì với ta, mà ta đem lòng khoan dung, từ ái, yêu thương tất cả mọi người, không tranh giành, không cãi vã, ấy là chúng ta đã mở rộng lòng thương của chúng ta tới đồng loại. Lúc này quá trình tu hành của chúng ta đã tiến thêm một tầng bậc đáng kể, vượt ra khỏi phạm vi gia đình, đem lòng yêu thương trải ra xã hội (chợ là hình ảnh của một xã hội thu nhỏ).

Cuối cùng, với những hành trang tu tập tốt ở tại gia, và ngoài xã hội, chúng ta bước vào chùa với một sự tự tin, tự hào vì quá trình tu tập của mình đến đây có thể có cơ hội để đạt được mục đích tối thượng - sự giải thoát. Mặt khác, chúng ta vào chùa là với tinh thần kính Phật, trọng Tăng, học hỏi giáo Pháp - tức tiếp xúc với ba thứ tôn quý nhất ở đời (Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng). Do vậy, chúng ta phải đạt đến một trình độ tu hành đủ thanh tịnh đã trải qua như (thông qua tu tại gia và tu chợ) để có thể tiếp xúc với những thứ được xem là “báu vật” của thế gian. 

Chưa làm được điều này là chúng ta chưa chuẩn bị tốt cho một sự ra mắt phải lẽ?!

LỜI KẾT:

Tóm lại, với những luận giải như trên, có thể hiểu câu tục ngữ “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” ở ba góc độ: mức độ khó của quá trình tiến tu; sự khinh - trọng đối với môi trường tu tập; và cũng có thể là thứ bậc của qúa trình tu tập. 

Dù hiểu ở nghĩa nào thì cuối cùng chúng ta vẫn thấy có một điểm chung là: giáo lý của đạo Phật luôn phù hợp với căn cơ, trình độ của mọi kiểu người trong mọi môi trường xã hội, phải chăng đó là dụng ý của câu tục ngữ?  

Bùi Trọng Tài
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6/2014
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm