Những phép nhiệm màu từ tâm thành và lòng tốt: Kỳ tích xây chùa trên đất Phật
Tổng cộng có gần 20 chủ đất lần hồi đồng ý bán lại cho thầy. Bao nhiêu tiền lương từ việc dạy học, tiền đóng góp của các môn sinh và Phật tử quý mến thầy tự nguyện đóng góp, thầy đổ cả vào đó. Cho tới nay, diện tích của khu chùa đã lên đến gần 30.000m2. Quả là một con số trong mơ.
Trở lại với tâm nguyện xây dựng một ngôi chùa Việt Nam trên thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng của những người hành hương về đất Phật cùng sư thầy Huyền Diệu: “Thưa thầy! Tại sao hầu hết các nước đều đã xây dựng chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng mà Việt Nam lại không? Lần nào sang đây, thầy trò mình cũng phải ăn nhờ ở đậu tại chùa Miến Điện. Thiết nghĩ, thầy nên nghĩ đến việc xây dựng một ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật”. Giật mình trước lời đề nghị có phần đường đột ấy, thầy Huyền Diệu vội nhắc nhở: “Quý vị nên nhớ, chúng ta đang ngồi dưới cội bồ đề linh thiêng nên không thể nói năng tùy tiện. Nếu vị nào hứa mà không giữ lời e rằng phải đầu thai kiếp khác để trả cho xong đó”. Sau lần ấy, thầy trò chia tay nhau, mỗi người một ngả. Người về Úc, kẻ về Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha…. Công việc bộn bề khiến thầy cũng quên đi lời hứa của những học trò ấy.
Bỗng một hôm, sư thầy Huyền Diệu đang làm việc tại phòng riêng ở Paris (Pháp) thì giáo sư Durant đến gõ cửa. Hai tay trịnh trọng đưa thầy một phong bì dầy cộm, giáo sư bảo: “Thưa thầy! Đây là số tiền anh em chúng tôi gửi biếu thầy để bắt tay vào việc xây chùa”. Thầy Huyền Diệu sững người. Thấy vậy, giáo sư Durant vội giải thích: “Anh em chúng tôi nhất quyết thực hiện bằng được lời hứa với thầy năm trước nên khi về nước, người có đất bán đất, người có xe bán xe. Mỗi người gom góp một ít tùy theo khả năng những mong thầy sớm thực hiện được tâm nguyện”. Tay run run đón nhận chiếc phong bì, thầy Huyền Diệu xúc động rơi nước mắt.
Ở hiền gặp lành - Kỳ tích xây chùa trên đất Phật
Một thời gian sau, giáo sư Durant và sư thầy Huyền Diệu phải đi dự một hội nghị tại Nhật Bản. Giáo sư Durant đặc phái thầy sang Tokyo chuẩn bị trước một số công việc rồi ông ký giấy cho thầy nghỉ phép dài hạn để bay thẳng từ Nhật sang bang Bihar của Ấn Độ, xúc tiến việc tìm mua đất. Cầm trong tay khoản tiền 35.000 USD bao gồm tiền thầy tích lũy sau thời gian dài dạy học, tiền của anh em tự nguyện đóng góp, thầy Huyền Diệu vô cùng xúc động và lo lắng vì cảm thấy trách nhiệm quá nặng nề. Thầy biết, hành trình từ nay đến lúc có được một ngôi chùa là cả một chặng đường dằng dặc những khó khăn.
Đến Ấn Độ, thầy không lùng sục tìm mua đất ngay mà thận trọng tìm hiểu thị trường bất động sản nơi đây. Vì thế, thầy được nghe kể lại nhiều kinh nghiệm đau thương của những người đi trước. Có một người Nhật Bản, bán hết cơ ngơi lên đến hàng triệu đô la, mang sang đây dự định mua đất lập chùa, thế mà gặp kẻ bất lương gạt gẫm chiếm đoạt hết tiền, bỗng chốc trở nên trắng tay. Nhiều người từ nước khác đến đây cũng bị lừa gạt. Họ giận dữ nói với thầy: “Tôi thề từ nay đến cuối đời không bao giờ quay lại mảnh đất Phật mà lắm người nhiều ma này nữa”. Điều đó khiến thầy Huyền Diệu càng thêm lo lắng, hoang mang. Những vị kia sành sỏi thương trường, kinh nghiệm đầy mình mà còn bị lừa gạt, huống chi thầy xưa nay chỉ quen với tiếng mõ lời kinh, cả đời đâu có mua bán gì. Thầy bỗng thấy thấm thía rằng: “Ở đời, hễ muốn làm việc phước đức thật là khó khăn, nhất là lại tiến hành ở vùng thánh địa. Bởi vì hễ nơi nào có nhiều thần thánh thì có vẻ như cũng lắm ma vương trú ngụ”. Thế là từ bấy, đi đâu thầy cũng ôm kè kè túi tiền bên mình. Buổi tối đi ngủ, thầy khóa chặt cửa, để túi tiền sát bên mình, lòng thấp thỏm lo âu chỉ sợ kẻ gian lấy cắp. Mọi người để ý, thấy lạ, bèn hỏi: “Sao gặp ông lúc nào cũng thấy ôm chặt cái túi bên mình là sao?”, lại càng khiến thấy lo lắng hơn. Nhiều đêm lo nghĩ không ngủ được, thầy tính hay là bỏ cuộc, quay về Pháp. Nhưng suy đi nghĩ lại, thấy rằng anh em đã tin tưởng giao phó tiền bạc và đặt kỳ vọng vào mình, chẳng lẽ bây giờ đến gặp họ trả lại tiền và nói rằng mình không đủ sức làm thì thật xấu hổ.
Một buổi sáng sớm tinh mơ, khi sương mù còn giăng kín khắp Bồ Đề Đạo Tràng, thầy Huyền Diệu đi bộ đến ngôi đền Mahabodhi, đặt túi tiền dưới gốc bồ đề nơi đức Phật đắc đạo và nơi thờ Đức Quán Thế Âm ở tháp Giác Ngộ Bouddha Gaya. Sau khi quỳ lạy ba lạy, thầy bắt đầu tụng kinh và khấn nguyện: “Con đang tìm mua đất cất chùa Việt Nam nhưng nghe nói nơi đây có nhiều kẻ ác tâm lừa lọc với đủ mánh khóe gian xảo. Con kính xin quí Ngài linh thiêng gia hộ cho con sớm hoàn thành được tâm nguyện mà không bị gạt gẫm”. Sau nhiều lần khấn nguyện như vậy, thấy tâm bình an hơn, thầy bắt đầu xúc tiến việc mua đất. Có đến gần hai mươi lần thầy gặp phải kẻ gian nhưng may mắn và mầu nhiệm thay, lần nào thầy cũng phát hiện ra được. Mánh lới phổ biến nhất của bọn lừa đảo là tuy không có một tấc đất trong tay nhưng chúng làm giấy tờ giả mạo y chang thật rồi tìm cách gạ bán. Sau khi người mua đặt tiền cọc xong xuôi thì chúng biến mất. Người bị lừa chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, có vác đơn đi kiện cũng không ai phân xử được.
Có lần, thầy được một người giới thiệu mua miếng đất rất đẹp gần ngôi chùa hoàng gia Thái Lan ở trung tâm Bouddha Gaya. Mảnh đất này thuộc quyền sở hữu của năm anh em người địa phương. Song có một người không thuận bán khiến việc mua bán không thể thực hiện được vì không hợp lệ. Thế nhưng bốn anh em kia liên tục thúc hối thầy đặt tiền cọc. Trải qua một thời gian dài thương lượng, bàn thảo giá cả và giải quyết rốt ráo các điều kiện hai bên đưa ra, cuối cùng, cũng đi đến thỏa thuận thống nhất, hẹn ngày hôm sau, thầy đến chồng tiền và nhận đất. Đêm đó, thầy Huyền Diệu đang ngồi thiền bỗng nghe thấy tiếng nói: “Coi chừng rắn cắn”. Tiếng nói rất rõ ràng bằng ngôn ngữ Việt. Thầy giật thót mình, hốt hoảng nhìn ra xung quanh. Không gian vắng lặng như tờ, xung quanh không có ai. Thầy vội đứng dậy cầm đèn pin soi khắp mọi ngóc ngách nhưng không thấy rắn. Thầy lại tiếp tục ngồi thiền rồi tụng kinh. Tụng kinh xong, vừa nằm xuống giường, thầy lại nghe thấy tiếng nói khi nãy vang lên. Lần này, rõ hơn, to hơn, như ghé sát nói ngay bên tai thầy. Thầy lại ngồi dậy, cầm đèn đi rọi khắp lượt nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì. Lạ quá! Thầy ngồi định thần một lúc, rồi tự hỏi: “Phải chăng đây là lời nhắc nhở của Phật thánh? Mình phải hết sức cẩn trọng mới được, đề phòng chuyện không hay sẽ xảy ra”.
Tám giờ sáng hôm sau, thầy thuê một chiếc xe ô tô chở năm anh em chủ đất và mấy vị sư Miến Điện, Nhật Bản đến làm chứng cho việc mua bán đất, ký giấy tờ. Sau một đêm mất ngủ, tinh thần thầy khá căng thẳng. Nhưng thầy cố gắng giữ vẻ thản nhiên và tập trung cao độ. Khi mấy anh em chủ đất vừa từ ngoài cổng bước vào, quan sát kỹ lưỡng, thầy nhận ra trong túi quần rộng thùng thình của người đi đầu có giấu một con dao khá lớn. Thầy giật mình, tim đập thình thịch. Thầy tự nhắc nhở mình phải cảnh giác. Những lần trước, mỗi khi gặp thầy, anh chàng này đều cúi rạp xuống đất, đặt hai tay lên chân thầy rồi đưa lên đầu - một cử chỉ bày tỏ sự tôn kính của người Ấn Độ, sau đó chào hỏi, nói cười vui vẻ. Nhưng hôm đó, anh ta bước đến với gương mặt lầm lì, miệng lầm bầm gì đó như là đang đọc bùa chú. Thầy Huyền Diệu toát mồ hôi hột. Thầy thầm khấn vái: “Xin chư Phật, chư Bồ Tát, chư Long thần Hộ pháp, hồn thiêng đất nước gia hộ cho con. Đừng để con bị gạt mất hết tiền bạc”.
Hai bên ngồi nói chuyện một lúc, anh chàng mặt lầm lì tuyên bố: “Từ nay, miếng đất của chúng tôi sẽ thuộc về tay ông”. Thầy Huyền Diệu trả lời: “Miếng đất thuộc về chúng tôi thì số tiền này cũng sẽ thuộc về các anh”. Thầy vừa nói dứt lời, anh ta bỗng yêu cầu thầy phải đưa ngay phân nửa số tiền tại đây chứ không trao tại Phòng công chứng như thỏa thuận trước đó. Lý do anh ta viện ra là để khỏi tốn kém khoản tiền thuế. Nhưng thầy không đồng ý. Thầy bảo: “Tôi sẵn sàng chấp nhận đóng thêm khoản tiền để có được sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Mấy anh em chủ đất tỏ vẻ không hài lòng. Họ nói, giọng gay gắt: “Nếu ông đồng ý thanh toán tại đây thì tôi bán. Nếu không thì thôi”. Các vị sư trụ trì chùa Miến Điện, chùa Nhật Bản đi theo làm chứng thấy vậy bèn lên tiếng can ngăn, khuyên thầy nên thuận theo yêu cầu của mấy anh em này. Song thầy cương quyết không nhượng bộ. Thầy đứng phắt dậy, nói một cách dứt khoát: “Tôi nói cho các anh biết, bây giờ dù các anh có cho không miếng đất này tôi cũng không lấy”. Mấy sư thầy nghe thầy Huyền Diệu nói vậy đều ngạc nhiên và hết lời can gián: “Trời ơi! Sao hôm nay tự dưng thầy sân si quá vậy? Thôi! Đừng giận bọn họ mà hư việc của mình. Từ khi đi coi miếng đất cho đến nay, chúng ta đã mất bao nhiêu thời gian và công sức rồi. Tại sao bỗng nhiên thầy lại tuyên bố như vậy?”.
Thầy Huyền Diệu không nói thêm một lời. Thầy đến thẳng phòng công chứng, xin lỗi và giải thích với nhân viên ở đó lý do hủy bỏ cuộc thương lượng mua bán đất khiến các thầy đi theo đều tỏ ra buồn lòng. Họ bảo: “Tính thầy kỳ quặc quá”. Đúng. Quả là kỳ quặc thật. Vì chính thầy Huyền Diệu cũng không hiểu được điều gì thôi thúc thầy đi đến quyết định như vậy mặc dầu vừa mới hôm qua thôi, thầy vẫn còn mơ ước mua được mảnh đất này cho kỳ được.
Những hình ảnh ghi lại chuyến thăm, cầu an của Hòa thượng Thích Huyền Diệu trên đỉnh Fansipan
Nửa tháng sau. Một hôm, thầy Huyền Diệu đang ngồi trong vườn chùa Myanmar thì một sư thầy đến vỗ vai thầy, cười nói: “Xin chúc mừng thầy! Thầy quả là một người xuất sắc. Nếu hôm trước thầy nghe theo lời khuyên của chúng tôi thì đã bị gạt mất tiền rồi”. Thấy thầy Huyền Diệu ngơ ngác không hiểu gì, sư thầy vội giải thích: “Thực ra, một người trong số năm anh em chủ đất vẫn không đồng ý bán cho nên hôm đó, họ phải dàn cảnh đưa một người giả mạo tới. Đó là lý do họ không chịu đến Tòa để ký giấy”. Từ việc này, thầy Huyền Diệu tin rằng, có một thế lực vô hình luôn theo dõi hỗ trợ cho mình. Đây chỉ là một trong hàng mấy chục vụ việc mà thầy thoát hiểm trong gang tấc.
Một dịp khác, chính quyền địa phương thuận cấp cho thầy miếng đất khá đẹp ở gần chùa Nhật Bản và Hàn Quốc. Thầy đã đồng ý và dự định xúc tiến làm giấy tờ thuê của nhà nước Ấn Độ. Nhưng sau khi đắn đo cân nhắc, thầy thấy rằng khả năng tài chính của mình khá eo hẹp, trong khi đó nơi đây đã có hai ngôi chùa Nhật Bản và Tây Tạng rất bề thế, chưa kể khuôn viên rộng lớn kế bên là một tượng Phật đồ sộ do phía Nhật xây dựng với kinh phí lên tới hàng triệu đô la. Vì thế, thầy e rằng với khả năng tài chính ít ỏi của mình, nếu xây chùa Việt Nam nơi đây sẽ không hài hòa với quần thể chùa sẵn có. Từ đó, thầy quyết định tìm nơi xa hơn, tách biệt hẳn với các ngôi chùa khác và có thể mua đất với giá rẻ.
Sau bao nhiêu lần thất bại ê chề, nản quả, một hôm, thầy Huyền Diệu quyết định lên đường ra nhà ga rời đất Ấn Độ trở về châu Âu. Ngồi trên chiếc xe lôi, khi đi ngang qua khu vực sông Ni Liên Thuyền gần Bouddha Gaya, thầy dõi mắt nhìn về hang Khổ Hạnh Lâm, nơi Thái tử Tất Đạt Đa đã từng tu khổ hạnh suốt nhiều năm trời trước khi thành Phật, trong tâm trạng buồn bã hoang mang. Bầu trời mùa đông xám xịt. Những cơn gió lạnh quất vào mặt khiến nỗi sầu trong lòng càng thêm tê tái. Trời tối nhanh. Thị trấn lúc ấy vắng vẻ đìu hiu không một bóng người. Bỗng dưng thầy thấy lạnh sống lưng khi nghĩ đến điều bất trắc có thể xảy ra nếu lỡ gặp kẻ gian rình rập làm càn. Để khỏi suy nghĩ vẩn vơ, thầy bèn gợi chuyện anh chàng xe lôi người bản xứ. Anh vui vẻ giới thiệu các ngôi chùa đẹp đẽ của Thái Lan, Nhật Bản, Miến Điện… Tự dưng thầy buột miệng hỏi: “Ở đây có ngôi chùa Việt Nam nào chưa?”. Không ngờ, anh trả lời chắc nịch: “Có rồi”. Thầy hỏi tiếp: “Chùa Việt Nam lớn hay nhỏ?”. “Lớn lắm”. “Đẹp không?”. Thầy lại hỏi. “Rất đẹp”. Tuy biết rằng anh chàng này ba hoa bịa chuyện cho vui nhưng bỗng nhiên trong lòng thầy dâng lên một niềm hy vọng mơ hồ. Có lẽ Long thần Hộ pháp xui khiến anh nói ra một điều hiện nay tuy chỉ là mơ ước nhưng biết đâu sẽ trở thành hiện thực trong những ngày tới?
Quả nhiên, lần sau khi quay trở lại Ấn Độ, ước nguyện của thầy Huyền Diệu đã thành sự thật. Sau một thời gian kiên nhẫn tìm kiếm, cuối cùng thầy chọn được một nơi vắng vẻ, cách xa khu vực trung tâm Bồ Đề Đạo Tràng khoảng hai cây số. Trải qua nhiều phen đối đầu căng thẳng, cuối cùng thầy cũng mua được mảnh đất rộng 450m2, trong đó có cái ao chiếm hơn phân nửa bề mặt. So với các chùa khác diện tích lên đến vài ngàn mét vuông thì khoảnh đất ấy hoàn toàn không đáng kể, bất quá chỉ đủ để cất cái cốc hay căn nhà mà thôi.
Khi chưa mua được đất, thầy hết sức âu lo. Nhưng khi mua được rồi, nỗi lo càng gia tăng gấp bội. Ngày ngày, thầy Huyền Diệu cứ đi tới đi lui trong phạm vi miếng đất và lầm rầm khấn nguyện: “Cầu xin hồn thiêng đất nước, Long thần Hộ pháp linh thiêng phù hộ! Nước Việt Nam anh hùng có bề dày mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Bây giờ, con dự định cất một ngôi chùa ở đất Phật mang tên đất nước vậy mà mua được miếng đất chỉ vỏn vẹn 450m2 như vầy thì biết xoay sở làm sao? Xin các Ngài linh thiêng gia hộ sao cho những người địa phương quanh đây thuận bán thêm đất để con có điều kiện mở rộng diện tích ngôi chùa”. Mầu nhiệm thay, cuối cùng, lời khấn nguyện thành tâm của thầy đã linh ứng. Thầy dần dần tậu thêm những khoảnh đất xung quanh. Hễ người Ấn Độ nào cần tiền, bán đất đến đâu thầy mua đến đó. Trải qua nhiều gian nan, thầy rút ra một kinh nghiệm: Khi mua đất ở Ấn Độ, đừng nên tự đến hỏi mua mà kiên nhẫn đợi khi nào họ cần bán, đặc biệt vào những dịp họ tổ chức cưới chồng cho con gái, lúc đó chuyện mua bán sẽ dễ dàng hơn nhiều. Bởi theo phong tục Ấn Độ, thông thường người phụ nữ chủ động trong việc tìm kiếm người đàn ông để xây dựng gia đình. Trước khi kết hôn, người nam có quyền ra điều kiện và giá cả, tương tự như tục thách cưới của người Việt Nam. Nếu bên nhà gái đồng ý chấp thuận, hôn lễ mới được tiến hành.
Tổng cộng có gần 20 chủ đất lần hồi đồng ý bán lại cho thầy. Bao nhiêu tiền lương từ việc dạy học, cộng với tiền đóng góp của các môn sinh và Phật tử quý mến thầy tự nguyện đóng góp, thầy đổ cả vào đó. Cho tới nay, diện tích của khu chùa đã lên đến gần 30.000m2. Quả là một con số trong mơ.
Thầy Huyền Diệu tâm sự với tôi: “Quả thật, việc xây dựng ngôi chùa hết sức gian nan nên đôi khi tôi tự nhủ phải chăng đó là do nghiệp của mình quá nặng? Người khác xây chùa chỉ mất khoảng năm sáu năm thôi mà riêng tôi phải bỏ ra mười mấy năm trời lao tâm khổ trí, đương đầu không biết bao nhiêu trở ngại, thậm chí có những lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục được nữa. Hầu như mỗi lần dự định khởi công làm chuyện gì thì giông tố lại nổi lên. Khó khăn nhất là vấn đề tài chính. Tôi kiên trì tiến hành, hễ có nhiều làm nhiều, có ít làm ít. Rất nhiều người, trong đó có các vị thầy từng tổ chức xây dựng các ngôi chùa lớn, rất ngạc nhiên về việc chúng tôi không đứng ra tổ chức quyên góp hay thường xuyên kêu gọi bà con Phật tử ủng hộ để xây chùa. Nguyên nhân chẳng qua là vì tôi không muốn làm phiền Phật sự của các địa phương cũng như gây trở ngại cho Phật tử khi bị quá nhiều nơi xin tiền. Từ đó, tôi cũng hình thành một nhân sinh quan riêng của mình. Đó là, trong cuộc đời, khi chúng ta thành tâm làm việc tốt thì tự nhiên mọi chuyện sẽ được thành tựu một cách rất mầu nhiệm. Nghĩ lại mới thấy chính nhờ tôi giữ đúng lời phát nguyện, xuất phát từ tình cảm đối với vị ân sư, mà từ đó bao nhiêu duyên lành đã đến với mình. Đây chính là một điều mầu nhiệm mà bản thân tôi đã chiêm nghiệm được trong chính cuộc đời này”.
(Còn nữa)
Trích trong tập phóng sự Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu tập 2 – NXB Hội nhà văn 2017.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển
Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Xem thêm