Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 31/10/2024, 10:34 AM

Niệm chết

Chết là một sự thật. Mọi giới đều bình đẳng trước nó. Dù muốn hay không, mọi người đều phải hội ngộ với nó một cách bị động.

“Không chỗ nào trên đời trốn khỏi tay thần chết”[1] .Vì thế, thay vì sợ hãi, mình nên chủ động nhìn nó, nhìn nó đúng như nó, để có thể sống hạnh phúc và trọn vẹn hơn trong điều kiện có thể. Đức Phật rất khuyến khích niệm chết. Khi ai đó biết niệm chết, họ rất biết cách sống. Steve Jobs[2] là một người biết niệm chết:

“Tôi đã đạt đến tột đỉnh của thành công. Trong con mắt người khác, cuộc đời tôi là một biểu tượng của thành công. Tuy vậy, phía sau của công việc, tôi có rất ít niềm vui. Tài sản của tôi cuối cùng cũng bình hoá với tôi. Trong lúc này trên giường bệnh viện, hồi tưởng về cuộc đời, những lời khen ngợi, tự cao, tự hào về tài sản, nhưng tôi cảm thấy thật vô nghĩa trước tử thần, cái chết”.

“Nếu một lần bạn đã có tiền đủ cho cuộc đời của bạn, bạn hãy đeo đuổi một mục đích khác không liên quan đến tiền bạc. Nên tìm một điều gì quan trọng hơn. Đừng làm nô lệ cho vật chất, giàu sang, vì nó sẽ biến bạn thành một người yếu ớt như tôi. Thượng đế tạo dựng chúng ta để cảm nghiệm được tin yêu trong tim, chứ không phải những ảo tưởng về tiền tài, danh vọng như tôi đã làm trong suốt cuộc đời nhưng không thể đem theo tôi được. Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là giường bệnh viện, vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn. Mất tài sản mình có thể tìm lại được, có một cái khi đã mất thì không thể tìm lại được: sự sống”.

sanhdiet-2991 (1)

Tuy nhiên, Steve Jobs niệm chết hơi muộn. Sự thật về chết cần phải được nhận thức rõ và sớm hơn. Nhận thức về chết rõ và sớm chừng nào, chúng ta càng có cơ hội sống hạnh phúc hiện tại và mở rộng thiện nghiệp tương lai chừng đó. Niệm chết hoàn toàn không có bi quan hay chủ quan gì cả. Chết là sự thật bình đẳng với tất cả. Mình chỉ nhìn thấy đúng nó để làm mới, làm đẹp hiện tại và tương lai. Đây chính là lý do, khi lưu trú ở Natika, Đức Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Niệm chết, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử.”[3]

Ngài sau đó hướng dẫn và khích lệ các Tỳ-kheo tu tập về niệm chết và làm cho sung mãn niệm chết như sau:

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, suy tư như sau: “Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: (1). Con rắn có thể cắn ta. Con bò cạp có thể cắn ta. Hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung; như vậy sẽ chướng ngại cho ta. (2). Ta có thể vấp ngã và té xuống. (3). Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn. (4). Mật có thể khuấy động ta. (5). Đàm có thể khuấy động ta. (6). Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. (7). Người có thể công kích ta. (8) Hay phi nhân có thể công kích ta, do vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta".

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: “Nếu ta còn có những pháp ác, bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: “Ta có những pháp ác, bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các pháp ác, bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển chánh niệm và tỉnh giác. Ví như, này các Tỷ-kheo, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các ác, bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm, và tỉnh giác.

Nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: “Ta không có những pháp ác, bất thiện chưa đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải sống hoan hỷ hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Này các Tỷ-kheo, niệm về chết tu tập như vậy làm cho sung mãn như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử.”[4]

Nghe khẳng định của Đức Phật, học hướng dẫn của Ngài và chiêm nghiệm chia sẻ của Steve Jobs, chúng ta thấy niệm chết mỗi ngày sẽ có ích rất lớn cho hoà bình và hạnh phúc của cá nhân và thế giới sống. Một người niệm chết đúng đắng, lời nói, hành vi và ý nghĩ đúng đắng sẽ đi theo. Người ấy sẽ chánh niệm hơn, ít ham muốn và đua đòi hơn, thận trọng và ít kiêu ngạo hơn, lễ độ và chân thành hơn, hoan hỷ và ít sân hận hơn, nhiệt tâm và trách nhiện hơn, hạnh phúc và hoà bình hơn, xa ác và gần thiện hơn, thậm chí có thể thành tựu thánh quả Dự Lưu nhờ niệm chết như cô bé dệt vải trong câu chuyện thời Đức Phật được ghi lại trong Tích Truyện Pháp Cú [5]:

Một thuở nọ, khi Thế Tôn đến Ālavī, dân chúng Ālavī đã thỉnh Đức Phật thọ trai. Thọ trai xong, Đức Phật dạy một bài pháp ngắn:

“Hãy quán niệm về sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: “Không chắc chắn là mạng sống của ta. Cái chết của ta là chắc chắn. Chắc chắn ta sẽ chết. Mạng sống của ta sẽ chấm dứt trong cái chết. Cuộc sống là không chắc chắn. Cái chết là chắc chắn. Chết! Chết! Và Chết!”.

Mọi người nghe xong lại trở về đời sống bình thường. Chỉ có một cô bé thợ dệt mười sáu tuổi tự nhủ “Lời dạy của đức Phật thật kỳ diệu, phần ta, ta sẽ quán niệm về sự chết”. Và cô bé quán niệm suốt cả ngày đêm. Ðức Thế Tôn rời Alavi đến Kỳ Viên. Cô bé cũng tiếp tục quán niệm về sự chết trong ba năm.

Sau ba năm, Đức Phật quay trở lại Ālavī. Dân chúng Ālavī nghe tin Đức Phật đến, họ vào tinh xá thỉnh Phật thọ trai. Cô bé dệt vải cũng nghe tin ấy, tràn đầy hân hoan. Cô nghĩ: “Thế Tôn đã đến, bậc từ phụ của ta, bậc đạo sư, bậc thầy quý kính dung mạo như trăng rằm, đức Cồ-đàm Phật-đà”. Cô tự nhủ “Bây giờ, lần đầu trong ba năm nay, ta mới gặp Thế Tôn, người thân sắc vàng chói, giờ đây ta được đảnh lễ thân kim sắc của Ngài, và nghe Ngài giảng pháp vi diệu thấm đầy mật ngọt”.

Nhưng cha cô trước khi đến xưởng dệt, đã dặn cô:

- Này con, trên khung cửi của cha còn một khổ vải chưa dệt xong, cha phải dệt xong hôm nay. Con hãy quấn chỉ vào thoi cho đầy và mang gấp đến cha.

Cô gái nghĩ thầm: “Ta rất mong được nghe đức Phật thuyết pháp, nhưng cha ta đã căn dặn như thế. Ta sẽ đi nghe pháp hay đánh sợi cho cha ta?”. Cô nghĩ tiếp: “Nếu ta không mang thoi đến, cha ta sẽ đánh ta. Vậy thì phải đánh sợi cho đầy mấy con thoi, đem đến cho ông, đợi dịp khác đi nghe pháp”. Cô ngồi vào ghế và đánh sợi.

Dân chúng Alavi đợi chờ Đức Phật, cúng dường thức ăn, sau khi ăn xong họ dọn bát và nghe Ngài chỉ dạy. Ðức Phật tự nhủ: “Ta đến đây qua một khoảng đường ba mươi dặm chỉ vì một cô bé, cô ấy chưa có mặt. Khi cô ấy đến, Ta sẽ giảng pháp”. Vì thế, Ngài ngồi im, thính chúng cũng lặng yên đợi chờ.

Cô bé đã đánh thoi xong, bỏ vào giỏ và đem đến xưởng dệt cho cha. Trên đường đi, cô đứng lại ngoài vòng thính chúng và chăm chú nhìn Ðức Phật. Thế Tôn cũng nhìn thấy cô, và cô hiểu ý Ngài: “Ðức Bổn sư ngồi trong pháp hội, tỏ dấu nhìn ta với ý muốn ta đến gần, Ngài muốn ta đến nghe pháp vào ngay lúc này”.

Với dấu hiệu của cái nhìn đức Phật, cô đến gần Thế Tôn chiêm ngưỡng vầng hào quang sáu sắc chung quanh thân Phật, cung kính đảnh lễ và kính cẩn đến gần Thế Tôn, cô ngồi vào chỗ một cách im lặng với thính chúng chung quanh. Ðức Thế Tôn hỏi cô:

- Con từ đâu đến đây?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

- Con sẽ đi đến đâu?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

- Con biết hay không biết?

- Bạch Thế Tôn! Con biết.

- Con không biết phải chăng?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Sau bốn câu hỏi của Phật, thính chúng nổi giận xì xào: “Coi kìa! Con bé, con lão thợ dệt nói như đùa với Thế Tôn. Khi Ngài hỏi từ đâu đến nó phải đáp: “Từ nhà thợ dệt” chứ. Và khi Ngài hỏi đi đâu, nói phải thưa là: “Ði đến xưởng dệt, mới phải chứ”.

Thế Tôn bảo thính chúng im lặng, Ngài hỏi cô bé:

- Này con! Khi Ta hỏi con từ đâu đến, vì sao con trả lời không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết rằng con từ nhà cha con là người thợ dệt đến đây. Vì thế khi Ngài hỏi con từ đâu đến, con hiểu rằng ý của câu ấy là con từ đâu sinh ra đây. Nhưng con chẳng biết con từ đâu sinh đến nơi này.

Phật khen ngợi:

- Lành thay! Lành thay! Này con, con đã trả lời đúng câu hỏi của ta.

Ngài hỏi tiếp:

- Khi Ta hỏi con đi về đâu, vì sao con trả lời không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết con đến xưởng dệt với giỏ thoi trên tay. Nên khi Ngài hỏi con đi đâu, con hiểu ý của câu ấy là khi rời nơi đây con tái sinh về đâu. Nhưng với con, sau khi chết con chưa biết sinh về đâu.

- Con trả lời đúng câu hỏi của Ta.

Ðức Phật khen cô lần thứ hai, và hỏi tiếp:

- Khi Ta hỏi, con biết hay không, vì sao con trả lời con biết?

- Bạch Thế Tôn! Vì con biết rằng chắc chắn con sẽ chết, nên con đáp như thế.

- Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.

Ðức Phật khen cô lần thứ ba, hỏi tiếp:

- Vì sao khi Ta hỏi con không biết hay chăng, con trả lời rằng không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ðiều con biết chắc là con sẽ chết, nhưng chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, vào buổi sáng hay bất cứ khi nào, con không thể biết, nên con trả lời không biết.

Ðức Phật khen ngợi lần thứ tư.

- Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.

Ngài dạy thính chúng:

- Các người không hiểu ý câu nói của cô bé, nên nổi giận. Với người không có tuệ nhãn, họ đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này.

Cuối thời pháp cô bé chứng quả Dự lưu. Cô cầm giỏ thoi đi đến chỗ cha mình.

Vì thế, mỗi ngày chúng ta nên quán niệm về sự chết, tự nhắc chính mình: Chết là một sự thật. Chết là điều chắc chắn sẽ đến. Mạng sống sẽ chấm dứt với nhiều nhân duyên không hẹn trước. Không ai có thể thay thế mình chết. Tất cả những yêu ghét đều phải bỏ lại khi chết. Gia sản, danh quyền, sự nghiệp, người thân cũng đều bỏ lại. Mình cần trân trọng những tháng năm còn lại. Mình cần xây dựng thiện nghiệp cho tự thân và khích lệ xây dựng thiện nghiệp cho mọi người. Mình cần có chánh niệm, thiền định và tuệ giác trong đời sống. Mình cần nhiệt tâm và tinh cần cho những gì quan trọng và thiết thực. Buông xả những gì cần buông xả càng sớm càng tốt. An lạc ngay trong hiện tại. Thả bay tất cả mặc cảm. Chết là đều chắc chắn. Mình không cần nắm giữ chung mà cũng không cần nắm giữ riêng. Mình cần cho mình là mình và người là người. Tự do sinh động và an bình tuỳ duyên.

Đức Phật, một lần ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, nhắn nhủ: “Này các Tỷ-kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài người ở đời này, rồi phải đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ-kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.”[6] Mong tất cả chúng ta cùng tinh tấn.

------------------

[1]Kinh Pháp Cú, Phẩm Ác, 128, Hoà thượng Minh Châu dịch Việt.

[2]Đồng sáng lập và là CEO của Apple (Mỹ).

[3]Tăng Chi Bộ IV, 18, Niệm Chết, Hoà thượng Minh Châu dịch Việt.

[4]Tăng Chi Bộ IV, 18, Niệm Chết, Hoà thượng Minh Châu dịch Việt.

[5]Buddhist Legends (Dhammapada Commentary), Eugène Watson Burlingame, Thiền viện Viên Chiếu dịch Việt.

[6]Tương Ưng Bộ I, 240, Tuổi Thọ, Hoà thượng Minh Châu dịch Việt.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ai làm ta đau khổ?

Lời Phật dạy 10:48 12/11/2024

Đi tìm một lý do là tài năng của bản ngã.

Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi

Lời Phật dạy 17:40 11/11/2024

Người có tâm oán thù thì không mong kẻ thù có danh tiếng, được khen ngợi. Ngược lại, họ còn cầu cho kẻ thù luôn bị tiếng xấu, thậm chí thân bại danh liệt. Âu đó cũng là chuyện thường của thế gian.

Những phương pháp sống khỏe theo lời Phật dạy

Lời Phật dạy 07:56 11/11/2024

Đức Phật luôn khuyến khích con người sống một lối sống lành mạnh, bằng cách thay đổi tư duy về ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc để có một thân thể quân bình cả thân lẫn tâm.

Khởi lên ý niệm cai trị, quản lý liền rơi vào lưới ma

Lời Phật dạy 19:00 07/11/2024

Pháp thoại này cho thấy Thế Tôn đã từng nghĩ đến việc thiết lập một xã hội đức trị lý tưởng trong đó có cai trị mà “không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn”. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, tâm nguyện vì chúng sanh cao cả.

Xem thêm