Thứ, 07/01/2019, 03:56 AM

Niệm Phật A Di Đà cầu siêu bạt độ chư hương linh

Hôm nay chúng ta có khóa tu niệm Phật, kèm theo trai đàn chẩn tế bạt độ. Tại sao chúng ta làm như vậy. Khi ta niệm Phật mời gọi tất cả hương linh sanh trên đất nước này và chết trên đất nước này bằng nhiều cách khác nhau.

 Họ còn nhiều điều bất bình trong lòng nên thường tác động đến người thân còn sống làm cho bất an. Thật vậy, ai cũng có bà con quyến thuộc chết oan ức tác động người sống khiến cho bất an; cho nên việc quan trọng chúng ta muốn giải oan khiên này, mới tổ chức trai đàn bạt độ, lấy pháp môn Tịnh độ để giải oan, chủ yếu là niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà. 

Niệm Phật A Di Đà có giải oan được cho những hương linh này hay không. Nếu quý vị làm đúng thì được. Chúng ta niệm Phật khác với kêu tên Phật. Niệm là từ trong lòng ta nghĩ tới Phật mới quan trọng.

Bài liên quan

Nghĩ tới Phật phải thấy an lành, vì Đức Phật là đấng trọn lành, nên ta nghĩ đến người an lành thì tâm ta được an lành. Còn nghĩ đến người ác, chúng ta buồn phiền, bực tức.

Ta niệm Phật là mời gọi oan hồn nên rũ bỏ những oan ức, vì những nỗi niềm oan ức luôn dày vò chính hương linh và tác động cả con cháu không an lạc. Theo Phật, nghĩ đến Phật mà xả bỏ hết là việc quan trọng khi ta nghĩ đến Phật và mời gọi hương linh người thân cùng nghĩ đến Phật.

Thật vậy, đối với người Việt Nam, ai cũng nghĩ đến ông bà tổ tiên có quan hệ huyết thống và quan hệ tâm linh với ta. Ta nghĩ đến họ và mời họ tới đây cùng ta niệm Phật, nhìn Phật từ bi mà quên hận thù cũ, tâm chúng ta được an lạc và hương linh cũng nhận được sự an lạc từ tâm ta truyền sang cho họ, hoặc họ cũng nhận được Phật lực gia hộ cho họ được an lạc.

Riêng tôi tu hành cũng có cảm giác khi mình niệm Phật, tụng kinh, cảm nhận được ông bà tổ tiên cũng tới với mình và tôi luôn khuyên họ nên quên tất cả oan ức để có được an lành.

hp_368-600x330

Pháp môn bạt độ cầu siêu phát xuất từ đời Đường ở Trung Hoa. Vua Đường Thái Tông chinh phạt khắp các nước Đông Tây, đem quân đi đánh Triều Tiên, Mông Cổ, Việt Nam… giết chết vô số người. Người thù và người thân của vua Đường cũng chết khiến tâm vua luôn bất an. Ông mới mời Pháp sư Huyền Trang là vị cao tăng nổi tiếng ở thời đó giải thích cho vua về tâm trạng bất an của ông. Ngài Huyền Trang nói rằng tâm bệ hạ bất an vì xung quanh bệ hạ toàn là oan hồn uổng tử đeo bám đòi mạng. Ngay cả anh em của bệ hạ cũng bị giết, vì tranh giành ngôi báu, bệ hạ đã giết anh là thái tử Kiến Thành, nên trong giấc ngủ thường thấy ông này hiện ra đòi mạng và các tướng sĩ cũng bị bệ hạ xử oan nên họ rất thù oán, khiến bệ hạ không thể an được. Ngài nói những việc chém giết này làm bệ hạ bất an và cũng làm cho xã hội bất an, vì người sống hồi hộp, lo sợ, không biết lúc nào vua sẽ giết họ.

Vua Đường Thái Tông mới nhờ ngài Huyền Trang mở đàn siêu độ và kết quả giải được những oán hận, thì vua và đại thần cùng dân chúng đều được an tâm.

Ngài Huyền Trang đã làm cho xã hội an. Ta cũng làm được. Thầy Thanh Phong thường tổ chức cầu siêu bạt độ, tôi tùy hỷ với pháp đó để có thể siêu độ được các hương linh tử trận trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ.

Niệm Phật, nghĩ đến Phật, gần Phật đương nhiên được tự tại. Niệm Phật A Di Đà, quý vị nghĩ gì?

“Di Đà xưa cũng làm vua. Bỏ ngôi bỏ nước vô chùa mà tu”. Nhờ niệm Phật mà ngài bỏ ngôi vua, đi tu.

Vua Trần Nhân Tông của nước ta cũng vậy, ngài coi ngai vàng như chiếc giày rách. Đối với ngài, sống an lạc, giải thoát mới quan trọng, nên ngài sẵn sàng từ bỏ ngôi vua. Tôi nghĩ Phật hoàng Trần Nhân Tông là tấm gương sáng, khi làm vua, ngài một lòng một dạ làm cho đất nước thái bình, làm cho nhân dân được an vui, giải thoát và ngài đi tu cũng thực hiện mục tiêu này. Ngài là ông Phật duy nhất của Việt Nam.

Bài liên quan

Ta niệm Phật A Di Đà, nghĩ đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhận thấy Ngài cũng có nhiều điểm giống với Phật A Di Đà. Tôi nghĩ Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng có thể là hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Ta có quyền nghĩ như vậy, vì nguyện giống và hạnh giống với Phật A Di Đà thì ta coi là hóa thân của Phật.

 Người Trung Hoa thì nghĩ Thuận Trị hoàng đế là hóa thân của Phật A Di Đà. Khi vua này lên ngôi, ông gặp Ngọc Lâm quốc sư nhắc, khiến vua nhớ lại rằng mình từ thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà sanh lại ở nước Trung Hoa để thống nhất sơn hà. Vì vậy, ông lo niệm Phật để trở về bổn độ và việc triều chính xong, ông vào Ngũ Đài sơn ẩn tu mất dạng. Phật hoàng Trần Nhân Tông dẹp giặc xong cũng lên núi Yên Tử tu.

Niệm đức Phật A di Đà đưa ta về cõi Tịnh độ

Niệm đức Phật A di Đà đưa ta về cõi Tịnh độ

Chúng ta niệm Phật A Di Đà ở Tây phương Cực lạc, nhưng chúng ta hình dung được các bậc thánh thiện trên cuộc đời có hành trạng giống Đức Phật A Di Đà như vua Thuận Trị, hay vua Trần Nhân Tông bỏ ngôi vua đi tu, các ngài giống Phật A Di Đà là không màng phú quý lợi danh, nhưng làm việc luôn vì lợi ích cho số đông.

Vì vậy, bước theo dấu chân các ngài, niệm Phật A Di Đà, ta không mưu cầu lợi ích cho bản thân, nhưng vì lợi ích cho số đông.

Thể hiện lý này, quý vị chỉ niệm Phật thôi, chưa đủ. Phải cảm hạnh Phật và mang an vui, lợi ích cho nhiều người, gần đây là cầu siêu bạt độ và làm từ thiện, thực tế làm như vậy là mang an vui cho người sống và giải thoát cho người chết. Hai việc này kết hợp lại, chúng ta vừa làm được điều mà Đức Phật Thích Ca dạy vì hạnh phúc cho số đông và cũng làm được việc tu hành giải thoát như Đức Phật A Di Đà.

Tôi mong quý vị niệm Phật, cảm hạnh Phật, cảm đức của Phật, được sanh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà và trở lại Ta-bà giáo hóa chúng sanh.

Nói đến đây, tôi nhớ một vị cao tăng là Hòa thượng Trí Hải. Khi đất nước thống nhất, ngài vào miền Nam thăm chư Tăng, đến chùa Ấn Quang gặp tôi. Ngài nói đã phát nguyện tụng 1.000 bộ kinh Pháp hoa để cầu nguyện đất nước hòa bình, thống nhất. Ngài mới tụng được 600 bộ kinh Pháp hoa thì đất nước thống nhất. Tôi nói còn 400 bộ kinh Pháp hoa để con tụng giùm ngài. Lúc đó tôi làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, có thầy nghe vậy nói rằng Thượng tọa bận bao nhiêu công việc, thì giờ đâu mà tụng.

Theo tôi, không phải tụng kinh Pháp hoa là ôm bộ kinh lên chánh điện tụng từ sáng tới chiều. Ý của Hòa thượng dạy cũng giống như ý mà tôi nói niệm Phật A Di Đà vậy. Hòa thượng chuyên trì kinh Pháp hoa và ngài muốn nhắn nhủ tôi 400 bộ kinh Pháp hoa còn lại phải tụng nghĩa là phải làm cho Phật giáo Việt Nam được thống nhất, phải lo cho Tăng Ni tu học đúng pháp, phải xây dựng đất nước giàu đẹp, phải phát triển đạo pháp vững mạnh, lâu bền. Và thực tế cho thấy tôi đã hoàn thành việc tụng 400 bộ kinh Pháp hoa, tức đã góp phần vào việc xây dựng ngôi nhà Giáo hội phát triển ở nhiều lãnh vực hoạt động cũng như đóng góp cho an sinh xã hội không ít.

Hòa thượng cũng nói ngài về Cực lạc thăm Đức Phật A Di Đà vài hôm, rồi trở lại Ta-bà để làm việc với chúng ta. Lời ngài nói nhắc tôi nhớ lại việc tu Tịnh độ có kết hợp với kinh Hoa nghiêm, phẩm Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới:

“Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung. Trừ hết tất cả các chướng ngại. Tận mặt gặp Phật A Di Đà. Liền được vãng sanh cõi Cực lạc. Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi. Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này. Cả thảy tròn đủ không thừa thiếu. Lợi lạc tất cả loài hàm thức. Chúng hội Di Đà đều thanh tịnh. Tôi từ hoa sen nở sanh ra. Thân thấy Đức Phật Vô lượng quang. Liền thọ ký tôi đạo Bồ-đề. Nhờ Đức Phật kia thọ ký rồi. Tôi hóa vô số vạn ức thân. Trí huệ rộng lớn khắp mười phương. Lợi lạc tất cả chúng sanh giới…”.

Về Tịnh độ để tu cho sạch nghiệp thì thấy Đức Phật A Di Đà rồi trở lại Ta-bà giáo hóa chúng sanh một cách dễ dàng. Còn bây giờ hành đạo ở Ta-bà rất khó khăn vì còn nhiều chướng ngại mình không giải quyết nổi. Nhưng về Cực lạc, được Phật A Di Đà thọ ký làm cho đầu mình sáng ra thì mình thấy được người nào đáng độ, người nào nên tránh. Trước kia u mê, mình nghĩ ai cũng độ được, nên thường bị “làm ơn mắc oán”. Chính Đức Phật Thích Ca cho biết Ngài cũng chỉ giáo hóa được người có duyên mà thôi.

Về gặp Đức Phật A Di Đà thọ ký, tác động trí ta sáng ra thì trở lại Ta-bà đến độ người có duyên, tức đã giáo hóa lợi lạc giống như Đức Phật Thích Ca là Ngài độ đúng người giúp họ hết phiền não, được giải thoát và Ngài cũng đến đúng chỗ, nên bước chân hành đạo của Phật luôn được an lành. Còn người u mê, đến chỗ không nên đến, tự chuốc lấy tai họa, kể cả mất mạng.

Nhờ ánh quang Phật rọi khiến tâm mình sáng, biết rõ chỗ nên đi, chỗ không nên tới. Thí dụ mấy chục năm trước, Giáo hội giao cho tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp. Tôi đã xuống tỉnh Cà Mau giảng pháp. Các thầy hỏi tại sao không giảng ở thành phố Hồ Chí Minh, mà xuống Cà Mau giảng. Tôi nói vì Đức Phật A Di Đà bảo tôi xuống Cà Mau. Quả tình xuống đó, tôi gặp Hòa thượng Hiển Giác đón tôi và gặp ông Chủ tịch Mặt trận tỉnh Cà Mau đến thăm. Tới chỗ có người thương mình thì làm đạo được.

Tóm lại, quan trọng của pháp môn Tịnh độ, niệm Phật để lòng mình sáng, để tiêu nghiệp, làm đúng việc cần làm, thì mình sống an lành và người theo mình cũng được an lành

Cầu nguyện Đức Phật A Di Đà luôn gia hộ cho quý vị sống trong chánh niệm và làm lợi ích cho nhiều người. Đến khi mãn duyên ở Ta-bà, được Phật A Di Đà tiếp độ về Cực lạc, tu hành đắc Vô sanh pháp nhẫn, thì hồi nhập Ta-bà tiếp tục lộ trình Bồ-tát đạo cho đến ngày thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 

HT.Thích Trí Quảng 

(Bài giảng tại chùa Vĩnh Nghiêm)  

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm