Thứ bảy, 14/10/2023, 06:51 AM

Niệm Phật không khó, khó ở bền tâm

Người tu cần phải có lập trường vững chắc. Nhà nông vì nuôi sống gia đình nên chịu mưa nắng dãi dầu, cày sâu cuốc bẫm. Sĩ tử cần thi đỗ để gia đình làng xóm hiển vinh nên thức khuya dậy sớm học hành. Bao lần thất bại vẫn không nản chí.

Cho đến kẻ cờ bạc chỉ vì say mê ham lợi mà quên ăn  bỏ ngủ, chẳng quản nóng lạnh, ngồi suốt ngày đêm. Chúng ta vì Vô-thượng Bồ- đề mà biếng trễ gián đoạn tham vui mê ngủ được ư? Thoát vòng sinh tử là vấn đề khẩn yếu, người tin sâu nguyện thiết trì danh hiệu Phật đến chết không phai lòng.

Năm tháng qua mau, vô thường không hẹn, thân người dễ mất, Phật Pháp khó gặp. Hai chữ khổ và chết cần dán trên đôi mày để tự sách tấn.

Pháp tu A Di Đà là pháp Đại thừa viên đốn

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Nói Đại thừa vì lấy niệm Phật làm nhân, thành Phật làm quả. Nói “Viên” vì bao gồm tất cả giáo lý của Phật. Nói “Đốn” vì đưa phàm phu lên Vô-thượng Bồ-đề. Con đường thẳng tắt mau lẹ, cho nên mười phương chư Phật khen ngợi, mười phương Bồ-tát đồng về.

Cho nên người niệm Phật không nên bận lòng quản ngại những sự chê cười của kẻ không hiểu biết. Đã gặp pháp môn này hãy khẩn thiết thực hành ngay, đừng hẹn ngày mai. Bởi vì:

Bữa nào đầu đường còn rong ngựa,

Hôm nay trong quách đã nằm yên.

Kinh nói: “Tỳ-kheo khất thực đói, nghĩ nên nghỉ tu một đêm. Khất thực no, thân nặng nề lại cần nghỉ một đêm. Sắp làm việc nhiều, làm việc nhiều xong, sắp đi xa, đi xa về, thân muốn bệnh, bệnh mới khỏi v.v..., bao nhiêu trường hợp để bỏ tu, lo dưỡng sức. Với bậc tinh tấn thì chính những chướng ngại ấy nhắc nhở vô thường. Biết đạo nghiệp khó thành mà gắng sức gia công”.

Khi xưa một Đại đức khuyên Trương Tố Lưu cầu vãng sinh.

– Tôi còn 2 trai chưa vợ, 1 gái chưa chồng. Chờ 3 việc này xong, tôi sẽ nhất tâm niệm Phật.

Thời gian sau, Lưu bị bệnh chết. Đại đức đến cầu siêu, nói kệ trước quan tài:

Hỡi bạn Trương Tố Lưu!

Khuyên tu, hẹn ba điều.

Chưa vẹn, vô thường tới.

Diêm vương đáng trách nhiều!

Thế gian này nhiều Trương Tố Lưu lắm. Người khôn nên tranh thủ với thời gian, mau mau niệm Phật. Chúng ta hãy nhất định mỗi ngày bao nhiêu chuỗi. Ngoài ra, đi đứng nằm ngồi, niệm thầm hay ra tiếng, buông thả không ghi số. Chậm mau không quan hệ, chỉ cần nghe rành rẽ. Lâu ngày thuần thục, do sức huân tập nhiều, dù thức dù ngủ, tâm tự niệm.

Nếu lúc đầu, ham mau cầu nhiều, niệm vội vàng lia lịa cho xong, thành thói quen hư dối.

Cuối đời nhà Thanh bên Tàu, Đạo Nguyên Hòa-thượng dạy một bà lão: "Niệm Phật phải đều đều không gián đoạn, rũ sạch vạn duyên mới hy vọng". Ít lâu sau bà thưa:

- Sao con vẫn chưa thấy Phật đến rước?

- Bên ngoài bà đã gác mọi duyên nhưng tâm vẫn còn luyến tưởng.

Bà thú nhận:

- Quả vậy.

Từ đấy mặc ai khen chê, bao chuyện hưng suy lợi hại, bà chẳng quản ngại, chỉ nhất tâm niệm Phật. Lấy 3 chữ “bách bất quản” (trăm việc không quản ngại) làm phương châm. Vài năm sau, bà đến lạy tạ Hòa-thượng vì đã tới ngày vãng sinh.

Niệm Phật có người trăm chuỗi một ngày, có người ít hơn. Dù bận việc bao nhiêu, mỗi ngày phải đủ 10 niệm. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ có thập niệm pháp. Mỗi hơi thở tùy sức niệm được mấy câu (không nên cố ý kéo hơi dài hoặc rút hơi ngắn mà sinh bệnh).  Đủ 10 hơi xong, đọc bài hồi hướng:

Nguyện sinh Tây phương cõi Tịnh-độ,

Chín phẩm hoa sen làm cha mẹ,

Hoa nở thấy Phật chứng vô sinh,

Bất thoái Bồ-tát đồng bạn lữ.

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đều trọn thành Phật đạo.

Nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà vô cùng lớn mạnh. Dù người chưa sạch nghiệp hoặc cho đến kẻ nặng nghiệp ác, biết hồi tâm sám hối niệm Phật vẫn được vãng sinh. Pháp môn Tịnh độ có 3 đặc biệt: dễ thực hành, dễ vãng sinh, dễ thành Phật.

Tán tâm niệm Phật dĩ nhiên công đức không bằng tịnh tâm. Nhưng nếu cứ tiếp tục, lâu dần ngựa ý về tào (cái chuồng), vượn tâm về hang mà chánh niệm hiện tiền. Chẳng cần gạn bỏ điều nhiếp mà tự nhiên thành tựu. Như nước đục lắng mãi phải trong. Vấn đề dứt vọng niệm không phải do thay đổi nhiều phương pháp mà nên lựa một môn thích hợp rồi thật hành cho bền lâu sẽ thành tựu.

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”

Toát yếu: Tỳ kheo ni Hải Triều Âm)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm

Kiến thức 10:11 23/12/2024

Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.

Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?

Kiến thức 06:10 23/12/2024

Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Xem thêm