Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 21/04/2016, 09:07 AM

Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình (P.1)

Khi ánh sáng của họ biến mất, mặt trăng mặt trời hiện ra. Khi mặt trăng, mặt trời hiện ra, thì sao và chòm sao hiện ra. Khi sao và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, khi ngày và đêm hiện ra, thì nửa tháng và tháng hiện ra. Khi nửa tháng và tháng hiện ra, thời tiết và năm hiện ra. Như vậy, này Vāseṭṭha, thế giới này bắt đầu thành trở lại.” 

Nikāya và khoa học
1. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn và Big Bang

Ngày nay lý thuyết Big Bang đã được các nhà chuyên môn thừa nhận như một sự kiện khoa học đáng tin cậy để giải thích về sự hình thành của vũ trụ. Lúc đầu, theo lý thuyết này, có thể hình dung nôm na thế giới ban sơ chỉ là một ‘điểm’ đặc biệt có khối lượng vật chất cực lớn bị nén ép mà thành. Khi nhân duyên hội đủ, dị điểm (singularity) ấy bùng vỡ như một quả bom bi, phóng thích hàng tỉ tỉ khối vật chất khắp bốn phương trời; và từ đấy hình thành nên vũ trụ với các hành tinh.

Sau này một số nhà khoa học khác lại cho rằng khởi nguyên của vũ trụ không có sự bùng nổ, mà chỉ là một điểm cực nóng và đậm đặc, sau đó giãn nở dần và lạnh đi giống như một quả bóng nhỏ trương lớn dần với các vật thể trong đó, để rồi hình thành nên vũ trụ hiện nay. Ở đây lý thuyết Big Bang chỉ có thể được diễn giải đơn giản như vậy và sự kiện khoa học này vẫn còn tồn tại nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

Nhưng dù theo quan niệm nào thì trong cái dị điểm đặc biệt ấy vẫn chưa có thời gian, không gian, ánh sáng; và tất nhiên cũng chẳng có con người. Bởi lẽ lúc ấy trái đất, mặt trăng, mặt trời và các chòm sao cũng chưa xuất hiện. Tất cả chỉ toàn một màu đen, đen đến độ không thể nhìn thấy bằng con mắt thịt.

Có nhà khoa học còn chứng minh rằng dị điểm đầu tiên ấy phát triển trong trạng thái ‘siêu lỏng’ nóng và đậm đặc. Căn cứ theo đây có thể hình dung đơn giản cái nôi ban sơ của vũ trụ chỉ là một ‘thế giới toàn nước đen sẫm’ thâm u mịt mù.

Đó là những kiến thức cơ bản về vũ trụ được phổ biến rộng rãi và được nhiều người biết đến. Thế nhưng, nhiều người đã không biết rằng, từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật đã nói đến điều này và còn nói rất rõ. Thật vậy, trong bài kinh ‘Khởi Thế Nhân Bổn’, bài kinh giải thích về sự hình thành thế giới và con người, Đấng A La Hán, Thế Gian Giải đã mô tả rất cụ thể cho Vāseṭṭha, một Bà-la-môn:

“11. Này Vāseṭṭha, lúc bấy giờ, vạn vật trở thành một thế giới toàn nước đen sẫm, một màu đen khiến mắt phải mù. Mặt trăng, mặt trời không hiện ra; sao và chòm sao không hiện ra; không có ngày đêm; không có tháng và nửa tháng; không có năm và thời tiết; không có đàn bà đàn ông. Các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi.

Này Vāseṭṭha, đối với các loài hữu tình ấy, sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước. Như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra. Ðất này có màu sắc, có hương và có vị. Màu sắc của đất giống như đề hồ hay thuần túy như tô, vị của đất như mật ong thuần tịnh” (Kinh số 27, Trường Bộ 2 = [So.51.11] (1))

Vào cái thuở tối tăm mù mịt ấy, con người chưa có, thú vật chưa có, thậm chí ngay cả những sinh vật đơn bào tối sơ cũng chưa có, nếu có chăng thì ‘các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi’. Để rồi nhờ sự trương nở của vũ trụ lỏng (hay sự lạm phát của khối ‘siêu lỏng’ ấy?) mới hình thành vô số các ngôi sao và trái đất, đây cũng chính là hình ảnh của ‘vị đất tan ra trong nước.’

Trong tiến trình đó, trái đất cũng chỉ là một trong muôn vàn hành tinh nóng bỏng được nguội dần với lớp vỏ bề mặt bên ngoài ‘như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra.’

Tuy vậy, có thể có ai đó phàn nàn vì sao lại nói ‘đất có hương và có vị’, đã thế ‘vị của đất như mật ong thuần tịnh?’ Muốn hiểu điều này lại phải vận dụng những kiến thức khoa học để giải thích. Như được biết, con người chỉ mới góp mặt trên trái đất cách nay khoảng triệu năm đây thôi, trước đó đã có các sinh vật khác, và theo thuyết tiến hoá, các chúng sinh trong thời tối cổ xưa ấy mới chỉ là các sinh vật đơn bào, đa bào, nhuyễn thể, giáp xác.

Các sinh vật ấy phải sống trong đất, ăn các chất dinh dưỡng trong đất thì ‘đối với các loài hữu tình ấy’ phải thấy ‘đất có hương và có vị’ và ‘vị của đất như mật ong thuần tịnh’ chứ làm sao khác được. Đó là chưa nói đến chuyện một số sinh vật đã tiến hoá vượt trội, cho nên từ trong cái thế giới ‘khiến mắt phải mù’ kia, chúng đã có thêm những ‘cửa sổ tâm hồn’ để chiêm ngưỡng được cả ‘màu sắc của đất’, ngay cho dù mới chỉ thấy đất ở cấp độ đơn giản ‘giống như đề hồ hay thuần túy như tô.’

Ai đó còn chưa tin từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước đã có những hiểu biết về sự tiến hoá của các loài hữu tình, họ hãy đọc trọn cả bài kinh ‘Khởi Thế Nhân Bổn’ để thấy rõ hơn. Nhưng cần nói trước, ngay cho dù quý vị có vận dụng những kiến thức thời đại để tìm hiểu, quý vị vẫn phải giữ tâm cho thanh tịnh, nghiền ngẫm tư duy kỹ lưỡng, may ra mới hiểu được những ý nghĩa thâm sâu từ những lời Phật dạy. Khoa học chân chánh còn không phải để dành cho các công tử, công nương thích ‘cưỡi ngựa, xem hoa’; huống hồ là kinh tạng Nikāya.

Hãy lắng nghe thêm một đoạn kinh trong ‘Khởi Thế Nhân Bổn’ để biết Bậc A La Hán Chánh Đẳng Chánh Giác từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước đã tri kiến như thực: “12. Này Vāseṭṭha, có loài hữu tình, có tánh tham, nói: "Kìa xem, vật này là gì vậy?” lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên.
 
Này Vāseṭṭha, các loài hữu tình khác, theo gương hữu tình kia, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Rồi các hữu tình kia bắt đầu thưởng thức vị của đất, bằng cách bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ, thời ánh sáng của họ biến mất.

Khi ánh sáng của họ biến mất, mặt trăng mặt trời hiện ra. Khi mặt trăng, mặt trời hiện ra, thì sao và chòm sao hiện ra. Khi sao và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, khi ngày và đêm hiện ra, thì nửa tháng và tháng hiện ra. Khi nửa tháng và tháng hiện ra, thời tiết và năm hiện ra. Như vậy, này Vāseṭṭha, thế giới này bắt đầu thành trở lại.” (Sđd = [So.51.12])

Một nhà hải sinh vật học đọc đến đoạn ‘ánh sáng của họ biến mất’ có thể liên tưởng tới các loài sinh vật tự phát sáng dưới lòng biển sâu tăm tối, và cũng theo cổ sinh vật học, hẳn tổ tiên của những ‘hữu tình’ này cũng đã từng phải ăn đất, đã phải ‘bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ’ y như những con dã tràng xe cát biển đông.

Cũng theo quy luật tiến hoá (hay diệt chủng vì tham ái?), các loài cổ sinh vật phải thay nhau biến mất, nhường chỗ cho các sinh vật cao cấp hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn, và thế là con người có mặt.

Chỉ khi con người có tư duy và có ngôn ngữ xuất hiện, lúc ấy những khái niệm ‘mặt trăng, mặt trời’ mới hiện ra, ‘sao và chòm sao’ mới hiện ra; ‘ngày và đêm’, ‘nửa tháng và tháng’, ‘thời tiết và năm’ mới theo nhau lần lượt ra đời.

Có người đọc đến đoạn ‘thế giới này bắt đầu thành trở lại’ có thể giật mình nảy sinh câu hỏi: không lẽ thế giới này trước đó đã bị hoại diệt để rồi giờ đây nó tái sinh trở lại? Nếu điều này là thực, vậy trước khi xảy ra Big Bang của thế giới hiện tại, hẳn đã có một Big Bang ‘cha’, thậm chí một Big Bang ‘ông?’

Tuy vậy, đã có ý kiến phủ nhận ngay thắc mắc này khi cho rằng trong cái nôi ‘nước đen sẫm’ ấy không có thời gian và không gian, vì thế cũng không có chuyện trước hay sau, sanh hay diệt.

Việc chứng minh để chấp nhận hay phủ nhận tiền sử của Big Bang là chuyện của các nhà học giả. Nhưng đối với những người học Phật phải ghi nhớ rằng, khi Đấng Như Lai A La Hán đã nói rõ ‘đối với các loài hữu tình ấy, sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước;’ điều này có nghĩa là ‘thời gian’ và ‘không gian’ chỉ đối với các loài hữu tình chúng ta mà thôi.

Vì vậy, ngay cho dù trong cõi ‘nước đen sẫm’ ấy, con người hữu tình không có, thời gian - không gian theo hiểu biết của con người không có, thế nhưng không thể vì thế bắt Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh của chư Phật theo đây cũng không có, thời gian và không gian hiểu theo trí tuệ của các Đấng A La Hán Chánh Đẳng Giác cũng không có. Không có Phật nhãn và trí tuệ của Tam Minh thời làm sao hai mươi lăm thế kỷ trước lại diễn tả được lịch sử thế gian cùng với các sanh loài đúng y như vậy?

Nhưng bậc Tam Minh A La Hán đâu phải chỉ có biết về lịch sử thế gian cùng với các sanh loài không thôi, Ngài còn biết về khởi nguyên thế giới và biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không chấp trước vào đó mà nhắm đến sự an tịnh giải thoát không có lỗi lầm:

“- Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên thế giới, Ta còn biết hơn thế nữa. Và khi Ta biết như vậy, Ta không có chấp trước. Vì không có chấp trước, Ta tự thân thấu hiểu được sự an tịnh ấy; chính nhờ chứng ngộ sự an tịnh này mà Như Lai không rơi vào lầm lỗi.” (K.Ba-lê, TrB2, số 24 = [So.50])

Chính vì thế nên trong đoạn kinh trước đó, Đức Thế Tôn đã khiển trách nặng nề Sunakkhatta, kẻ quá đam mê thần thông và khởi nguyên thế giới đến độ quên mất ý nghĩa thiết thực mà chánh pháp hướng đến:

“- Này Sunakkhatta, khởi nguyên của thế giới có giải thích hay không giải thích, mục đích của Thế Tôn thuyết giảng Chánh pháp là đưa người thực hành đến chỗ tận diệt khổ đau. Này Sunakkhatta, như vậy thời giải thích về khởi nguyên thế giới có ích lợi gì cho Ngươi? Này kẻ ngu kia, hãy thấy sự lỗi lầm của Ngươi như vậy là thế nào!” (Sđd)
 
Và vì biết nhiều hơn thế nữa, cho nên trước sau Đấng Như Lai đã chỉ dạy điều quan trọng hơn nữa mà mỗi người con Phật cần phải ghi nhớ để thực hành thoát khổ: “Vô thỉ, này các Tỷ- kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các Ông nhàm chán, là vừa đủ để các Ông từ bỏ, là vừa đủ để các Ông giải thoát đối với tất cả các hành” (Bài kinh Nước Mắt, (S.ii,179) = [I.12.3])

Chính vì điểm bắt đầu không thể nêu rõ khi còn bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, vì vậy muốn biết ‘khởi nguyên của bắt đầu’ như thế nào, tốt hơn hết các Phật tử hãy phá vỡ vô minh trước, thoát khỏi khát ái trước, nhằm thoát khỏi khổ đau trong sanh tử trước; thay vì cứ đi tranh luận chuyện vũ trụ này có hay không có trước và sau, sanh và diệt để rồi rơi vào chấp trước, lỗi lầm.

Nhưng ngay cho dù có nhà khoa học nào đó chứng minh được rằng, trong dòng vô thỉ luân hồi ấy vũ trụ hiện nay có trước có sau, có sanh có diệt chăng nữa, thì đối với những người thọ trì kinh Nikāya cũng xem như chuyện ‘xưa như trái đất’, không có gì là lạ. Vì sao? Vì đoạn kinh số 10 trước hai đoạn trích dẫn của bài kinh ‘Khởi Thế Nhân Bổn’ ở trên đã nêu rõ thế giới hiện nay cũng chỉ là sự chuyển thành từ một thế giới chuyển hoại trước đó.

“10. Này Vāseṭṭha, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sanh qua cõi Abhassara (Quang Âm thiên). Ở tại đây, những loại chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài.

Này Vāseṭṭha, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, một số lớn chúng sanh từ Quang Âm thiên thác sanh qua tại đây. Những chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy một thời gian khá dài” (Sđd = [So.51.10])

Việc xác định cõi Quang Âm Thiên ở đâu trong vũ trụ này, hãy để dành cho các nhà khoa học, những người thích khám phá những bí mật riêng tư của Tạo Hóa. Còn đối với những người con Phật phải tuệ tri rằng, ngay cho dù thế giới này có huỷ hoại chăng nữa, thì vòng sanh tử luân hồi vẫn không chấm dứt chừng nào họ vẫn còn tạo nghiệp.

Ý thức được điều này, mọi người hãy nỗ lực làm lành lánh ác, tạo lập công đức để tiến tu thoát vòng khổ lụy ngay trong kiếp sống này.

Còn trước mắt, hãy thử hình dung, một nhà khoa học được sanh ra từ ý muốn của cha mẹ, ông đang đáp chuyến máy bay ‘phi hành trên hư không’ đến dự một hội nghị. Ông cũng cảm thấy rất tự hào hoan hỷ về những thành tựu của trí tuệ con người, và khi đọc tới đoạn kinh trên, dưới ánh đèn huỳnh quang chiếu sáng, hẳn nhà khoa học cũng tuệ tri được thế nào là ‘nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang’, thế nào là ‘sống trong sự quang vinh’ của mình.

Từ đây ông có thể hình dung một kịch bản khác: vũ trụ này đến một lúc nào đó cũng phải già cỗi, các hành tinh sẽ không còn đi lại nhanh nhẹn như trước, lúc ấy những ‘lỗ đen’ (black holes) tham lam hơn, nuốt các hành tinh khác nhiều hơn để chúng trở thành lớn hơn theo kiểu ‘cá lớn nuốt cá bé’. Để rồi đến lượt chính các con ‘cá lớn’ lại nuốt nhau khiến cho thế giới này phải co rút lại, và sau hết con cá lớn cuối cùng biến thành một lỗ đen siêu hạng với ‘một màu đen khiến mắt phải mù.’

Và rồi khi nhân duyên hội đủ, cõi tối đen ấy lại bùng vỡ như một trái bóng nước bị nén mạnh. Cứ thế vũ trụ này dù có kỳ diệu đến đâu chăng nữa cũng không thoát khỏi được quy luật muôn đời của các tiến trình sanh - trụ - hoại - diệt.

Những ai không đồng ý với kịch bản trên muốn tranh cãi, đó là chuyện của các nhà học giả. Còn đối với người thọ trì kinh Nikāya, ngay cho dù có nhà khoa học chứng minh được kịch bản trên là có thực chăng nữa, thì công trình này cũng chẳng có gì mới lạ.

Bởi, trong Kinh và Luật Pāli cấp 1, bậc Tam Minh Thế Gian Giải đã nhắc đi nhắc lại biết bao lần rằng ‘phàm các pháp có sanh thì phải có diệt;’ vì thế theo quy luật duyên sanh - duyên diệt, ‘sau một thời hạn rất lâu’ vũ trụ này có phải tới hồi chuyển hoại, âu, đó cũng chỉ là chuyện của hai chữ VÔ THƯỜNG.

Có khác chăng, người thọ trì kinh Nikāya phải luôn ghi nhớ một điều quan trọng hơn nữa mà Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở, đó là phải hiểu những gì cần hiểu, phải biết những gì cần biết.

Phải hiểu những gì? Hiểu rằng vũ trụ và cả bản thân mỗi người đều vô thường. Cái gì vô thường cái ấy nằm trong khổ. Mà đã khổ thì một người có trí thực sự phải biết thêm những điều cần phải biết.

Phải biết những gì? Phải biết cho đúng, biết cho chính xác con đường đi tới đoạn diệt những khổ đau.

Đó mới chính là những điều quan trọng, có ý nghĩa thiết thực hiện tại mà một người có trí cần phải hiểu biết, để ít ra, tuổi thọ trăm năm của họ không trở thành chuỗi tháng ngày mòn mỏi, hoặc như một cái chớp mắt vô nghĩa, hoặc chỉ là một sat-na tương tục luân hồi trong dòng đời 14 tỷ năm của cái thế giới đang quay cuồng hỗn loạn này.

Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình
Còn nữa...
-
(1) Các ký hiệu trong ngoặc vuông […] là các trích dẫn tương đương theo hệ thống Chín Tạng Thánh Kinh. Các trích dẫn từ Kinh Nikāya theo bản dịch Việt của Trưởng lão Thích Minh Châu .
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm