Nói về Tứ niệm xứ
Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Các Thiền sư hay ví: Người sống mà không có chánh niệm, tỉnh giác sáng suốt, hoàn toàn bị nô lệ cho tập nghiệp, thói quen xấu ác thì khác gì cái thây ma di động. Cho nên sống có lương tâm, chánh niệm và tỉnh giác mới là cách sống của con người đúng nghĩa.
Kinh Tương ưng bộ xác định: "Có con đường độc nhất, này các Tỳ kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Con đường ấy tức là bốn pháp quán niệm."
Kinh Tứ niệm xứ thuộc Trung bộ, Đức Phật dạy rõ như sau:
“Này các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo sống quán Thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán Thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán Tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán Pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời”.
Kinh Tứ niệm xứ thuộc Trung bộ, kinh Đại niệm xứ thuộc Trường bộ, kinh Niệm xứ thuộc Trung A Hàm là giáo lý, pháp tu quan trọng, khả tín của Phật giáo nói chung, thiền học nói riêng. Hiện nay chúng ta được học hỏi tu tập thực hành pháp Tứ niệm xứ như là được đích thân đức Phật chỉ dạy.
Tứ chánh cần: Bốn pháp tu tập nâng cao phẩm chất trí tuệ, phúc đức
Tứ niệm xứ (hán 四念處; Pali; Skt: smṛtyupasthāna) nghĩa là sự thiết lập, xây dựng chánh niệm tỉnh giác hiện tiền, phương pháp này giúp cho hành giả đạt đến sự giác ngộ viên mãn.
Tứ niệm xứ là bốn lĩnh vực quan trọng trong đời sống con người cần phải hiểu rõ, cần phải quan sát xem xét một cách rõ ràng, tường tận và thấu đáo. Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Các nhà Phật học Trung Hoa hay tóm lược và kệ hoá Tứ niệm xứ như sau: Quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã và quán thọ thị khổ.
Cách trình bày tóm lược này ảnh hưởng lớn đến đời sống Phật giáo Việt Nam. Ưu điểm của cách tóm lược này là giúp người học dễ nhớ dễ thuộc lòng, nhưng hạn chế lớn nhất của nó là trình bày không đầy đủ pháp tu Tứ niệm xứ, dễ gây ra hiểu nhầm và tu tập lệch hướng, ít kết quả.
Cho nên muốn hiểu rõ và thực hành đúng nên đọc kỹ, học thuộc lòng, hiểu thấu kinh Tứ niệm xứ trong Trung Bộ hoặc kinh Niệm xứ trong Trung A Hàm.
Bốn pháp quán niệm là quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp.
Hoặc có thể hiểu là quán như thật về thân, thọ, tâm, pháp; thấy đúng như nó đang là.
Một là tỉnh giác chánh niệm quán sát về thân thể (quán thân). Quan sát, ghi nhận rõ ràng và đơn thuần về hơi thở, các cử chỉ hành vi của thân thể, thấy rõ bản chất của thân thể là do duyên hợp, là luôn chuyển biến, là vô thường, khổ , vô ngã, sẽ già, bịnh, chết nên không bị hiểu sai và bám víu chấp thủ vào thân thể vật lý.
Cụ thể là quán hơi thở, bốn oai nghi, các hoạt động của thân, ba mươi hai thể trược, tứ đại đất nước lửa gió và tướng tử thi.
Hai là chánh niệm tỉnh giác quan sát các trạng thái vui buồn bất thường và không thực tồn tại của các loại cảm thọ, cảm xúc (quán thọ). Nhìn ở phương diện này, đời người là dòng chảy đan xen bất tận của các loại cảm xúc mà thôi. Do không hiểu như thật về lạc, khổ và xả thọ (trung tính) nên ta nô lệ cho nó và làm ta khổ nhiều. Quan sát tinh tế tỉnh giác rõ ràng như thật về cảm thọ là vô thường, khổ và vô ngã sẽ vượt thoát sự chi phối tác động của các loại cảm thọ.
Ba là chánh niệm tỉnh giác quan sát rõ các trạng thái của tâm thay đổi cực nhanh và không tồn tại thực, nên ta bớt khổ do tâm buông lung tán loạn (quán tâm). Cơ bản là ghi nhận biết rõ tâm thiện/ bất thiện; thu nhiếp/ tán loạn; rộng lớn/ nhỏ hẹp; giải thoát/ vướng chấp.
Biết đúng như thật về các trạng thái của tâm là vô thường, khổ và vô ngã.
Vun bồi tâm tốt, suy nghĩ tích cực; chuyển hóa loại bỏ tâm xấu tiêu cực, mở tâm rộng lớn, hướng đến thanh tịnh sáng suốt giải thoát hoàn toàn.
Bốn là chánh niệm quan sát thấu rõ sự thật về các pháp, về chân lý, về mọi thứ, về con người và cuộc đời (quán pháp).
Quán như thật về Tứ diệu đế: Sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, Niết bàn hết khổ và phương pháp đoạn trừ tận gốc khổ đau thành tựu trí tuệ giác ngộ giải thoát.
Quán về Năm triền cái, về Thất giác chi và về Bát thánh đạo.
Thấu rõ sự thật về các pháp là vô thường, khổ và vô ngã.
Biết rõ làm sao thành tựu định lực trí tuệ, vượt thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau và giúp mọi người thoát khỏi khổ đau. Gốc khổ là tham ái cố chấp. Tu tập chuyển hóa vô minh phiền não, nâng cao phước đức trí tuệ hàng ngày theo lời Phật dạy mới dần thoát khổ được.
Thực hành đúng bốn pháp quán niệm có thể là 7 năm, có thể 7 ngày, thậm chí một ngày một đêm giúp hành giả đạt được an lạc giải thoát, giác ngộ.
Đây chính là con đường là cách thức, là phương pháp hữu hiệu thoát khỏi khổ đau, thiết lập một đời sống an vui tự tại giải thoát và có ý nghĩa tích cực trong cuộc đời. Làm người mà chưa được nghe, chưa hiểu và chưa thực tập Tứ niệm xứ thì thật đáng tiếc.
Ai được nghe, được học, được đọc tụng, được hiểu về Tứ niệm xứ là nhân duyên, là phước đức vô cùng thù thắng, giúp họ có hướng đi và sống có ý nghĩa và chất lượng trên cuộc đời.
Tứ niệm xứ
Quán như thật
Thân, thọ tâm, pháp
Vô thường, vô ngã
Vượt khổ sầu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Bài học nhân sinh từ những cơn bão
Kiến thức 09:00 02/11/2024Bão tố dạy ta về sự vô thường - một bài học căn bản mà ta vẫn thường quên trong cuộc sống hằng ngày. Đời sống là một chuỗi những đổi thay liên tục, không có gì là vĩnh cửu, không có gì là bất biến.
Học cách Phật dạy con
Kiến thức 13:52 01/11/2024Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-Hầu-La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.
Hạnh phúc của sự buông bỏ
Kiến thức 11:00 01/11/2024Thời Phật tại thế có Tỳ kheo Bạt Đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi quy y Phật chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và chuyên cần thực hành thiền quán.
Xem thêm