Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 18/07/2024, 20:14 PM

Nữ y tá nguyện cả đời chăm sóc bệnh nhân phong

Từ bỏ hạnh phúc cá nhân để ở bên chăm sóc các bệnh nhân phong tại trại phong Quả Cảm suốt 37 năm nay, nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã giúp giữ ngọn lửa hy vọng cho hàng trăm bệnh nhân chẳng may mắc căn bệnh "trời đày".

Gieo hy vọng cho bệnh nhân phong

Chúng tôi tìm về trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh) ở P.Hòa Long (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Ở đây, ngoài những dáng hình xiêu lệch, cong gù của bệnh nhân phong còn có một nữ y tá đã gắn bó suốt 37 năm và xem chốn này là gia đình thứ hai của mình. Bà là nữ y tá Nguyễn Thị Xuân, năm nay 67 tuổi.

Nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã gần 40 năm gắn bó với bệnh nhân phong

Nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã gần 40 năm gắn bó với bệnh nhân phong

Khẽ bước trong trại, tôi nghe thấy tiếng búa cao su, tiếng gò kim loại xèn xẹt phát ra từ một công xưởng đặc biệt, được gọi là "xưởng dép tình thương" do y tá Xuân lập ra để chế tạo các loại dép, nạng, tay giả, bát ăn cơm đặc biệt cho các bệnh nhân phong.

Trong bộ đồ blouse trắng quen thuộc, người y tá có gương mặt rất hiền hậu nhớ lại hồi trẻ bà vốn theo nghề giáo viên mầm non. Tuy nhiên sau khi đọc được cuốn sách Lạc quan trên miền thượng viết về một thanh niên người Pháp sang VN, lên vùng cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) để lập một cơ sở và đi tìm những người mắc bệnh phong về chăm sóc, bà rất xúc động, nghĩ bản thân phải làm điều gì đó ý nghĩa.

Ít lâu sau, bà Xuân ghé thăm trại phong Quả Cảm và tận mắt chứng kiến một cụ ông 84 tuổi nằm thoi thóp góc nhà. Cụ nắm tay bà và ước được gặp người thân trước khi qua đời nhưng không thể. Một tuần sau, cô giáo trẻ lại đến thăm thì cụ vừa mất, đám tang chẳng một người thân thích, chẳng một vành khăn tang hay kèn trống, chỉ có vài người đồng cảnh ngộ khóc nức nở tiễn đưa. Xót xa, bà Xuân lại nghĩ đến chuyện rời nghề giáo để đến trại phong chăm sóc các cụ.

Năm 1987, y tá Xuân tình nguyện trở thành người con của hơn 300 bệnh nhân phong, về trại phong Quả Cảm làm việc bất chấp sự ngăn cản của gia đình. "Gia đình bảo tôi bị điên nhưng tôi kệ. Tôi tự hứa với mọi người rằng nếu tôi không mang lại một chút hy vọng nào trong cuộc sống cho bệnh nhân phong, tôi sẽ bỏ xứ mà đi, xin mọi người đừng tiếc nuối", y tá Xuân nhớ lại.

Tuy nhiên mãi đến năm 1991, Sở Y tế Hà Bắc (nay là 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) mới chính thức tiếp nhận và trao quyết định công tác cho bà. Trong thời gian chờ đợi, bà Xuân đã đi học trung cấp y và đi thực tế tại 11 trại phong. Trong quãng thời gian đó, nữ y tá đã đặt chân đến 23 tỉnh, thành, chủ yếu là các địa phương miền núi phía bắc. Đến đâu, bà cũng kêu gọi giúp đỡ người nghèo và đã vận động xây dựng được 198 căn nhà tình thương, giúp 126 hộ gia đình cần vốn để phát triển sản xuất được cho vay kịp thời... Sau khi trở về trại phong Quả Cảm, công việc hằng ngày của y tá Xuân là chăm sóc, tắm rửa, đút cơm cháo cho những bệnh nhân bị rụng mất ngón tay, cẳng chân, mù..., kể cả dọn chất thải cho những "ma hủi" vì có một số bệnh nhân chỉ nằm một chỗ, không thể tự vận động, sinh hoạt.

Bệnh phong không chỉ hành hạ bệnh nhân về thể xác mà còn để lại vết thương tinh thần vô cùng to lớn. Không những mặc cảm về ngoại hình, họ đi đến đâu cũng bị hắt hủi, xa lánh. Có cụ mắc bệnh từ hồi trẻ và ở mãi trong trại phong suốt 50 - 60 năm nay vì muốn về cũng chẳng có nhà mà về. Đến một tia hy vọng họ cũng chẳng dám giữ trong lòng, chỉ có khi y tá Xuân đến, tia hy vọng đó mới được nhen nhóm trở lại. Họ dặn lòng: "Đây đã là nhà rồi!".

Hồi sinh "vùng đất chết"

Trại phong Quả Cảm nằm lọt thỏm, khuất nẻo dưới chân mấy ngọn đồi của dãy núi Cai Vàng và từng bị coi là vùng đất chết, cây cối um tùm chẳng ai dám đến gần. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần thở chung bầu không khí thôi cũng có thể bị lây bệnh hoặc thứ bệnh hắc ám này cứ thấy người là bám chặt không tha.

Y tá Xuân coi bệnh nhân phong như người thân của mình

Y tá Xuân coi bệnh nhân phong như người thân của mình

Y tá Xuân thì ngược lại, chỉ muốn gắn bó với những phận người ở đây. Ngay cả khi đã được nghỉ hưu theo chế độ năm 2012, bà cũng không nỡ rời xa các cụ. Bà bày tỏ nguyện vọng và được tỉnh Bắc Ninh cho ký hợp đồng để tiếp tục ở lại trại phong làm việc, chăm sóc bệnh nhân. "Nhiều người bảo tôi điên lần thứ hai trong đời, tôi chấp nhận điên hết đời", y tá Xuân cười hiền.

"Hầu hết các cụ chỉ ao ước được về quê một lần trước khi chết, có người thỉnh thoảng có con cháu thăm hỏi nhưng rất ít. Nỗi cô đơn giày vò họ còn khổ hơn cả nỗi đau thể xác. Những giờ phút cuối đời của các cụ, tôi luôn ở bên cạnh để các cụ yên tâm ra đi thanh thản. Bố mẹ tôi mất sớm, tôi không lập gia đình nên tôi coi các cụ như bố mẹ của mình, được chăm sóc đến phút chót, tôi hạnh phúc vô cùng", y tá Xuân xúc động nói.

Y tá Xuân đã kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng thêm 29 gian nhà khang trang cho bệnh nhân, các khu nhà phục hồi chức năng, nhà tang lễ, nhà văn hóa, xây 250 ngôi mộ cho bệnh nhân phong tại Quả Cảm. Bà còn cất công vào Khu điều trị phong Bến Sắn (Bình Dương) để học làm chân giả cho bệnh nhân phong.

Bao năm qua y tá Xuân đã chăm lo đời sống tinh thần cho các cụ, thỉnh thoảng bà lại tổ chức đưa các cụ đi tham quan Hà Nội, Yên Tử, Nhà thờ đá Phát Diệm, Lạng Sơn… để các cụ biết về cuộc sống bên ngoài, không phải quanh quẩn mãi trong trại. "Đi ra ngoài người ta cứ trêu hủi mẹ dắt đàn hủi con đi chơi nhưng tôi kệ, lâu dần cũng quen", y tá Xuân kể.

Người cuối cùng rời trại phong 

Y tá Xuân cho biết kể cả nếu không được ký hợp đồng nữa bà vẫn sẽ tình nguyện ở lại nơi đây chăm sóc các cụ đến hơi thở cuối cùng, thậm chí sang thế giới bên kia, bà cũng nguyện như vậy. "Tôi đã xây sẵn ngôi mộ trên núi để khi chết sẽ nằm lại nơi này. Có nhiều cụ đã mất tại đây nhưng đám tang chẳng có lấy một người thân, các cụ còn sống cũng đã khóc gần cạn nước mắt rồi. Tôi và các cụ còn lại làm ma cho họ và chôn ngay trên quả núi này. Hơn 300 cụ giờ chỉ còn 56 cụ và tôi. Tôi mong mình sẽ là người cuối cùng ra đi ở trại phong, vì lo cho các cụ xong tôi mới đi được", y tá Xuân nghẹn ngào.

Y tá Xuân chế tạo tay chân giả, dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt cho bệnh nhân phong tại trại phong Quả Cảm

Y tá Xuân chế tạo tay chân giả, dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt cho bệnh nhân phong tại trại phong Quả Cảm

Cụ Nguyễn Thị Tý, bệnh nhân ở trại phong Quả Cảm, cho biết: "Tôi vào cũng đã lâu rồi, cô Xuân thương bệnh nhân như người thân trong gia đình. Tôi đi viện 3 lần cô dắt ra ô tô, lúc nào không đi được thì cô cõng, cô bế". "Sao sơ lại đi lạc vào đây/Để cho vất vả hằng ngày sơ ơi/Vất vả sơ cũng vào đến tận nơi/Làm cho người bệnh đổi đời nở hoa", cụ Tý ngâm thơ.

Bác sĩ Lê Tiến Kế, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh, cho biết: "Cô Xuân là một y tá đã gắn bó với bệnh viện trên 30 năm. Ngoài trách nhiệm công việc thì ngoài giờ cô có những đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ với bệnh nhân phong. Chúng tôi hy vọng cô sẽ có nhiều sức khỏe để cùng với bệnh viện lo cho các bệnh nhân phong ở đây có điều kiện điều trị, sinh hoạt tốt nhất và giao tiếp với xã hội để bớt đi nỗi cô đơn, kỳ thị".

Nguồn: Báo Thanh Niên 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chùa Tịnh Nghiêm (Tiền Giang) tặng trên 15.000 bánh trung thu đến các em thiếu nhi

Gieo mầm thiện 18:20 17/09/2024

Hằng năm, cứ đến đầu tháng 7 âm lịch, Ni chúng tại chùa Tịnh Nghiêm (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) lại bắt tay vào việc sản xuất bánh Trung thu để gây quỹ trao tặng những cái bánh ngọt ngào đến các em Thiếu nhi, học sinh kịp vui đón Tết Trung Thu.

Nghệ sĩ Đại Nghĩa đến Làng Nủ trao quà cứu trợ cho bà con

Gieo mầm thiện 16:41 17/09/2024

Nghệ sĩ Đại Nghĩa cùng một số người bạn mang tiền mặt đến trao tặng trực tiếp cho người dân Làng Nủ, khu vực chịu thiệt hại nặng nề do lũ quét và sạt lở, hôm 16/9.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Cao Bằng hỗ trợ đồng bào ảnh hưởng bởi bão số 3

Gieo mầm thiện 16:30 17/09/2024

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều chuyến đi hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sau cơn bão số 3. Được biết, tỉnh Cao Bằng là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản.

Chùa Vạn Phước (TP.Vũng Tàu) trao 1.000 phần quà hỗ trợ người dân vùng lũ tỉnh Lào Cai

Gieo mầm thiện 16:20 16/09/2024

Sáng 14-9, đoàn từ thiện chùa Vạn Phước (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) do Ni sư Thích nữ Nguyên Xuân, Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.Vũng Tàu, trụ trì chùa hướng dẫn đã đến thăm và trao tặng 1.000 phần quà đến với bà con vùng lũ tại H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Xem thêm