Ông giáo già hơn 10 năm tái chế xe đạp cũ tặng học sinh nghèo
Ông Lê Trọng Kính tìm mua những chiếc xe đạp cũ ở khắp nơi về sửa lại rồi tặng cho học sinh nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn 10 năm qua, ông Lê Trọng Kính, cựu giáo viên Trường Cao đẳng Cơ điện, xây dựng Việt - Xô miệt mài tìm mua những chiếc xe đạp cũ ở khắp nơi về sửa lại rồi tặng cho học sinh nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Hành trình “hô biến” những chiếc xe đạp cũ
Đến TP Tam Điệp (Ninh Bình), khi tìm hỏi về ông Lê Trọng Kính (70 tuổi, ở phường Trung Sơn) thì không ai không biết. Họ biết bởi ông là người thường xuyên tặng xe đạp cho học sinh nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh.
Đang sửa chữa một chiếc xe đạp cũ, biết có khách, ông Kính lắp xong bánh xe rồi tiếp chuyện. Qua câu chuyện mới biết, hơn 10 năm qua, ông đã sửa chữa, tân trang hàng trăm chiếc xe đạp cũ để trao tặng những trẻ em nghèo tại địa phương và các tỉnh miền núi, tiếp sức cho nhiều học sinh tới trường.
Nhấp chén trà, ông Kính kể, sau khi rời quân ngũ, ông nhận công tác giảng dạy kỹ thuật tại trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt - Xô.
Đến khi về hưu, thấy nhiều gia đình bỏ đi những chiếc xe đạp cũ rất lãng phí, ông mua về sửa chữa lại để con, cháu trong gia đình đi và cũng là cách để lưu giữ lại hình ảnh một thời kỳ lịch sử.
“Từ lúc còn dạy trong nhà trường, tôi đã có niềm say mê với những chiếc xe đạp cổ như “phượng hoàng”, “peugeot”… nên thường sưu tầm. Khi đi qua những cửa hàng đồng nát, sắt vụn, tôi tìm mua lại từng linh kiện về lắp ráp. Rồi đến khi về hưu, tôi bắt đầu thực hiện ước mơ của mình”, ông Kính kể.
Nhưng rồi một lần, cô con gái có chuyến thiện nguyện tại các tỉnh miền núi phía Bắc chia sẻ câu chuyện học sinh ở đó thiếu thốn trăm bề, từ quần áo, sách vở cho đến phương tiện đi lại. Nghe xong, ông Kính gửi con gái mấy chiếc xe đạp ông vừa lắp ráp để mang tặng các cháu.
“Không ngờ, sau đó nhiều người thông qua chương trình đã cảm ơn tôi. Từ đó, tôi nghĩ đến việc lắp ráp, tân trang nhiều chiếc xe hơn nữa để tặng những gia đình và các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở xung quanh mình. Khi làm được nhiều xe, tôi bắt đầu gửi tặng cho các cháu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa để các cháu đến trường được thuận lợi hơn», ông Kính nói.
Theo ông Kính, quá trình “hô biến” một chiếc xe cũ thành xe mới mất khá nhiều thời gian do phải tìm kiếm thêm các phụ tùng. Có khi phải mua từ 2, 3 chiếc xe đạp cũ mới lắp ráp, tân trang thành một chiếc xe hoàn chỉnh, nhanh cũng mất hai ngày, còn không thì mất cả tuần, cả tháng.
Những phụ tùng dễ mua, ông tìm đến các cửa hàng bán phụ tùng, những chi tiết hiếm thì phải đợi. Lắp ráp xong, ông Kính tự tay sơn lại thành một chiếc xe gần như mới. Ông cũng dành thời gian để đạp xe, kiểm tra chất lượng xe trước khi trao tặng, đảm bảo xe phải thật an toàn cho người sử dụng…
Hơn 10 năm âm thầm làm việc thiện
Chia sẻ về quá trình “sưu tầm” xe đạp cũ, ông Lê Trọng Kính nói: “Giờ nhiều người dùng xe máy, xe đạp điện nên những chiếc xe đạp cũ họ không sử dụng và đem bán. Trong khi đó, nhiều nơi còn thiếu thốn nên tôi tìm mua lại với giá 100 - 300 nghìn đồng rồi về tân trang, sửa chữa lại tặng các cháu học sinh nghèo không có xe đi. Kể cả trong tỉnh ai khó khăn, tôi đều gửi tặng xe. Trong hơn 10 năm qua, tôi đã hoàn thiện và trao tặng hơn 150 chiếc xe đạp cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Ninh Bình, Lai Châu, Quảng Trị, Thanh Hóa...”.
Bà Nguyễn Thị Năm (73 tuổi, vợ ông Kính) chia sẻ: “Tôi cũng là giáo viên về hưu. Trước kia tôi có một chiếc xe đạp cũ nhưng bán đi vì thời đó khó khăn. Ông nhà tôi bắt đầu đi tìm mua lại và duyên làm sao lại tìm mua đúng chiếc xe của tôi, còn nguyên bộ giấy tờ đăng ký xe ngày đó.
Con gái tôi vừa là giáo viên vừa làm công tác thiện nguyện nên cháu hỗ trợ việc trao tặng những chiếc xe đạp cho học sinh, người nghèo. Hiện nay, vợ chồng chúng tôi dành nguyên một gian nhà để sửa và xếp xe. Chúng tôi cũng đã có tuổi rồi, làm được gì giúp cho xã hội thì làm”, bà Năm tâm sự.
Khi được hỏi về việc làm của ông Kính, bác Lã Văn Lương, Tổ trưởng Tổ dân phố 5 (cũng là hàng xóm với ông Kính) cho biết: “Là hàng xóm lâu nay, tôi không biết ông Kính mua xe về sửa cho các cháu học sinh và người nghèo. Tôi cứ nghĩ ông ấy mua xe về sửa để đi. Ông Kính âm thầm làm việc thiện đã hơn chục năm và là một tấm gương tốt của khu phố để nhiều người khác noi theo”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo
Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.
Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần
Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.
Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học
Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người
Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.
Xem thêm