Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 13/06/2022, 08:30 AM

Ðóng góp của Phật giáo đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Từ những hoạt động thực tế và trực tiếp của Phật giáo trong thời kỳ dịch bệnh nói riêng cũng như những đóng góp quan trọng khác của Phật giáo đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Được truyền vào nước ta vào khoảng những năm đầu Công nguyên, sau hơn 2.000 năm phát triển, từ một tôn giáo xuất phát ở Ấn Độ, Phật giáo đã trở thành điểm tựa bình an trong nếp sống tâm hồn của mỗi người dân Việt. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, với những giá trị đạo đức hướng thượng, Phật giáo đã luôn đồng hành và có những đóng góp tích cực trên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.

Xã hội ngày một phát triển và tiến bộ vượt bậc, bên cạnh những thành tựu đạt được từ khoa học công nghệ góp phần cải thiện và  nâng cao chất lượng đời sống, thì mặt trái của nó là những hệ quả tiêu cực tác động xấu đến con người trên mọi phương diện như: Vấn đề suy thoái đạo đức, bạo lực học đường, bạo hành gia đình, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, cùng với sự ra đời của công nghiệp hóa, con người đã gặp phải rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Lịch sử chứng minh, qua từng giai đoạn phát triển, Phật giáo chưa từng tách rời khỏi xã hội, ngược lại còn phát huy cao tinh thần nhập thế, tùy duyên bất biến để đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Khi đề cập đến tinh thần nhập thế của Phật giáo là chúng ta đang nói đến tính ứng dụng của giáo lý, lời Phật dạy vào cuộc sống đương đại để giải quyết các vấn đề tiêu cực và hệ quả của tiến bộ xã hội đang được quan tâm, cần sự chung tay góp sức xử lý để phát triển xã hội bền vững.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã và đang trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu, tác động không nhỏ đến mọi phương diện của đời sống xã hội và trở thành một trong những vấn đề chính đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của nhân loại. Từ những hoạt động thực tế và trực tiếp của Phật giáo trong thời kỳ dịch bệnh nói riêng cũng như những đóng góp quan trọng khác của Phật giáo đối với vấn đề sức khỏe, trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ tập trung vào những đóng góp của Phật giáo đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Phật giáo có hợp với khoa học?

Từ những hoạt động thực tế và trực tiếp của Phật giáo trong thời kỳ dịch bệnh nói riêng cũng như những đóng góp quan trọng khác của Phật giáo đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Từ những hoạt động thực tế và trực tiếp của Phật giáo trong thời kỳ dịch bệnh nói riêng cũng như những đóng góp quan trọng khác của Phật giáo đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng.

1. ĐỊNH NGHĨA VỀ SỨC KHOẺ

Sức khỏe và bệnh tật đó là trạng thái tự nhiên của con người, nằm trong quy luật của sinh, lão, bệnh, tử không ngoại trừ bất kỳ ai. Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, sức khỏe đóng vai trò rất quan trọng, bởi bên cạnh yếu tố trình độ văn hóa thì sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực, chủ thể trong mọi hoạt động để phát triển kinh tế chính trị xã hội bền vững. Do đó, sức khỏe được xem là tài sản vô giá của con người và xã hội.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới WHO được nêu trong phần mở đầu của Hiến chương năm 1948, sức khỏe là “trạng thái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội, không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh tật hay thương tật” [1]. Định nghĩa này đã đưa sức khỏe vượt qua khỏi giới hạn “không có bệnh tật hay thương tật” và bao gồm ba thành tố: Sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội.

Theo một định nghĩa khác của Bellieni và Buonocore, sức khỏe là “trạng thái thỏa mãn cá nhân được xã hội hỗ trợ” [2]. Theo định nghĩa này, sức khỏe không tương quan trực tiếp với sự toàn vẹn của cơ thể tức là những người khuyết tật vẫn có thể được xem có sức khỏe với điều kiện “được hỗ trợ về mặt xã hội”. Đến năm 2011, Huber đã đưa ra một định nghĩa khác, sức khỏe là  “khả năng thích nghi và tự quản lý bản thân khi đối mặt với những thách thức xã hội, thể chất và tình cảm” [3]. 

Chính vì tầm quan trọng của sức khỏe cùng với sự phát triển tiên tiến của y học, đang hướng đến việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện cho cộng đồng nên đã đặt vấn đề sức khỏe trong nhiều mối tương quan hơn. Vì vậy, khái niệm về nó đã và đang được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau dưới nhiều góc độ, như: Y học, xã hội học, kinh tế học… và chưa có sự thống nhất chung.

2. QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ VẤN ĐỀ SỨC KHOẺ 

Giáo lý Phật giáo không đưa ra định nghĩa nào về sức khỏe nhưng trong những giáo lý căn bản như: Tứ đế, Duyên khởi và Nghiệp báo, chúng ta thấy có đề cập liên quan đến vấn đề sức khỏe và tật bệnh, từ đó thể hiện quan điểm của Phật giáo đối với vẫn đề này một cách rõ ràng. Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật tự nhiên chi phối đời sống của tất cả mọi người. Trong giáo lý Tứ đế, Khổ đế nêu ra tám cái khổ thường trực của mỗi chúng sinh trên cả phương diện vật chất lẫn tinh thần là: Sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Trong đó, bệnh tật được xem như nỗi khổ đau, sợ hãi của con người, biểu hiện của sức khỏe vật chất, còn ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ là biểu hiện của sức khỏe tinh thần.

Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, sức khỏe đóng vai trò rất quan trọng, bởi bên cạnh yếu tố trình độ văn hóa thì sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực, chủ thể trong mọi hoạt động để phát triển kinh tế chính trị xã hội bền vững.

Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, sức khỏe đóng vai trò rất quan trọng, bởi bên cạnh yếu tố trình độ văn hóa thì sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực, chủ thể trong mọi hoạt động để phát triển kinh tế chính trị xã hội bền vững.

Đồng thời Phật giáo cũng chỉ ra, giữa thể xác và tinh thần có sự liên hệ tương quan mật thiết với nhau, không thể có một trí tuệ sáng suốt trong một thân thể suy nhược. Cũng chính vì lẽ đó, Đức Phật dạy các Tỳ kheo phải biết cách chăm sóc bản thân từ chuyện ăn, uống, tắm giặt, vệ sinh thân thể… một cách hợp lý, điều độ để có sức khỏe tu tập. Đặc biệt, Ngài lưu ý các đệ tử phải tránh xa hai cực đoan: Ép xác khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc.

Dưới góc nhìn Phật giáo, có ba loại bệnh: Thân bệnh, tâm bệnh và nghiệp bệnh. Thân bệnh là biểu hiện của tình trạng mất cân bằng trong bốn đại. Theo nhân sinh quan của Phật giáo, thân thể do bốn yếu tố: Đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Bốn đại bên trong vay mượn, tương tác với bốn đại tương ứng bên ngoài để duy trì sự sống, khi xảy ra hiện tượng chống trái, mất cân bằng trong mối tương quan giữa bốn đại, bệnh tật sẽ phát sinh. Tâm bệnh là tập hợp những trạng thái tâm lý tiêu cực như: Lo lắng, sợ hãi, bất an, sân hận, khổ đau… Nguồn gốc của tâm bệnh bắt nguồn từ sự vô minh, thiếu hiểu biết, không nhận thức rõ thật tướng của các pháp. Vì lẽ đó mà tạo điều kiện cho tham, sân, si, ba độc tố nguy hại ngấm sâu vào tâm khiến tâm bị cáu bẩn, suy nhược và yếu đuối.

Theo giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Phật giáo cho rằng đã mang thân người thì không tránh khỏi bệnh tật nhưng tình trạng và mức độ bệnh tật ở mỗi người như thế nào phụ thuộc vào nghiệp báo của mỗi người. Theo kinh Tiểu Nghiệp phân biệt số 135, Trung Bộ kinh, Đức Phật nói về nguyên nhân của bệnh tật là do thiếu lòng từ bi, ưa não hại, tàn sát, làm thương tổn đến các loài hữu tình: “…Con đường ấy đưa đến nhiều bệnh hoạn, này thanh niên, tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao” [4].

Do vậy, đối với việc điều trị bệnh, ngoài thuốc men, điều kiện y tế, người chăm sóc, muốn diệt trừ tận gốc khổ đau do bệnh tật mang đến, bệnh nhân cần có niềm tin vào nhân quả, tâm thường sám hối các nghiệp xấu đã gây tạo và thân hành thiện, tu tập để tạo ra nguồn năng lượng tích cực, chuyển hóa nguồn gốc bệnh tật. Qua đó, chúng ta thấy chăm sóc sức khỏe theo quan điểm Phật giáo gồm cả hai phương diện: Chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần. Dù thân bệnh hay tâm bệnh cũng đều là những trạng thái khó chịu, bất như ý, gây ra sự đau khổ cho con người trong suốt hành trình của sự sống mà không có bất kỳ ai có thể tránh khỏi.

Do vậy, Phật giáo không những chỉ cho con người làm cách nào để không bị bệnh mà còn hướng dẫn con người tìm ra nguyên nhân đưa đến bệnh (Tập đế) và phương pháp xử lý các nguyên nhân đó (Đạo đế) để cải thiện, nâng cao sức khỏe, cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sáng suốt.

Đồng thời cũng hướng đến cách thức để đối diện với bệnh tật thay vì sợ hãi, khổ đau khi bị bệnh, như lời Phật dạy vị Gia chủ: “Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bệnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: “Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh” [5].

3. GIẢI PHÁP CỦA PHẬT GIÁO VỀ CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ 

Trên tinh thần của Duyên khởi, Phật giáo đặt sức khỏe của mỗi cá nhân trong mối tương duyên với nhiều yếu tố khác như: Gia đình, hàng xóm, nơi làm việc và môi trường. Nếu một người có vấn đề về sức khỏe, tất cả các mối quan hệ này đều bị ảnh hưởng, tạo nên sự xáo trộn và bất hòa. Vì vậy, sức khỏe của mỗi cá nhân có sự ảnh hưởng gián tiếp đến sự ổn định của cộng đồng, là nhân tố có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của xã hội. Cách bảo vệ, duy trì sức khỏe tối ưu nhất là giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật bằng một lối sống lành mạnh thay vì chờ đến lúc cơ thể phát ra tín hiệu của bệnh tật, đau yếu mới bắt đầu tìm cách, lo lắng để giải quyết các vấn đề sức khỏe gặp phải. Từ đó, Phật giáo đã đưa ra những giải pháp tích cực giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng bao gồm cả chăm sóc sức khỏe về thể chất và trị liệu sức khỏe tinh thần. 

Khuyến khích việc ăn chay, không sát sanh

Ăn chay là chế độ ăn uống chủ yếu sử dụng các loại ngũ cốc, rau củ, những thực phẩm không có nguồn gốc từ động vật. Bên cạnh ý nghĩa nuôi dưỡng lòng từ bi, không vì một bữa ăn ngon miệng mà giết hại, gây ra sự đau khổ cho chúng sanh, tạo ác nghiệp là nhân của bệnh nghiệp trong tương lai, ăn chay còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe, làm giảm các nguy cơ bệnh tật, điều này đã được y học hiện đại chứng minh. Theo kết quả của công trình nghiên cứu ở Anh được công bố năm 1994 mang tên “Oxford Vegetarian Study” cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh động mạch vành ở những người ăn chay thấp hơn 28% so với những người ăn thịt, tỷ lệ người ăn chay chết vì nhồi máu cơ tim thấp hơn so với những người không ăn chay tới 57%. Các chuyên gia dinh dưỡng như F.M. Sacks và B. Armstrong nhận thấy rằng những người ăn chay có huyết áp thấp và ổn định hơn so với người không ăn chay. Ăn chay còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, ung thư, mỡ trong máu, rối loạn tiêu hóa [6].

Sân hận là một trạng thái tâm lý tiêu cực tồn tại tiềm ẩn trong tâm mỗi người và rất dễ bùng phát khi gặp điều kiện. Ảnh minh họa.

Sân hận là một trạng thái tâm lý tiêu cực tồn tại tiềm ẩn trong tâm mỗi người và rất dễ bùng phát khi gặp điều kiện. Ảnh minh họa.

Với mục đích hướng dẫn con người đến những giá trị tốt đẹp, hoàn thiện từ thể chất đến tinh thần, Phật giáo khuyến khích các Phật tử và mọi người nên thực tập ăn chay, tránh việc sát hại các loài động vật để phục vụ bữa ăn. Ngoài việc trường trai như các vị tu sĩ và những Phật tử thuần thành phát tâm trì trai giữ giới, chúng ta có thể thực tập ăn chay kỳ mỗi tháng hai ngày, bốn ngày, mười ngày… bắt đầu từ việc tăng cường rau xanh, ngũ cốc, giảm lượng thịt, cá trong từng bữa ăn, hướng đến việc ăn chay thường xuyên để nâng cao sức khỏe.

Thực tập từ bi, không sân hận

Sân hận là một trạng thái tâm lý tiêu cực tồn tại tiềm ẩn trong tâm mỗi người và rất dễ bùng phát khi gặp điều kiện. Theo y học, sân hận là một loại căng thẳng bắt nguồn từ sự bực tức, bất mãn trước một đối tượng và kéo dài trong một thời gian dài, tức giận sẽ trở thành hận thù, sinh tâm lý muốn gây tổn hại đến đối tượng để trả thù. Sân hận là một loại tâm bệnh và nó ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, thể chất của con người.

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, con người phải đối diện với nhiều áp lực từ công việc, các khoản chi tiêu, con cái, học hành, gia đình và các mối quan hệ xã hội… từ đó khiến cho tâm trạng trở nên khó chịu, bực bội, khó kiểm soát các trạng thái cảm xúc tiêu cực, dễ cáu gắt, nổi cơn thịnh nộ với người xung quanh. Bên cạnh đó, sống trong thời buổi hiện đại, nhu cầu về sự tiện nghi vật chất luôn được đặt ra trước tiên và mong muốn được sự công nhận của xã hội đã đẩy “cái tôi” cá nhân lên cao, có không ít trường hợp ảo tưởng quá mức về cái tôi bất khả xâm phạm của mình, nên chỉ cần một chút chuyện nhỏ nhặt chạm đến “cái tôi” cũng khiến cơn tức giận bùng phát thành sân hận. Sân hận chỉ là một trạng thái tiêu cực của tâm nhưng tác hại của nó đối với thân thể lại rất khó lường. Y học đã chứng minh, sân hận là nguyên nhân đưa đến các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, viêm loét dạ dày, rối loạn tâm thần… Nó còn làm giảm sự phóng thích chất insulin dẫn đến tăng lượng đường trong máu, nếu thường xuyên để sân hận chế ngự sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.

Không những thế, khi sân giận khởi lên, chúng ta sẽ không còn làm chủ được lý trí và cảm xúc, nói những lời xúc não, cay nghiệt, xúc phạm đến đối tượng gây bất mãn cho mình, hành động thiếu suy nghĩ như đánh đập, hành hạ, phá hoại từ đó tạo nên các nghiệp xấu gây tổn hại đến người khác, đây chính là nguyên nhân đưa đến quả của bệnh tật, ốm yếu theo giáo lý Nghiệp báo Nhân quả của Phật giáo. Do đó, Phật giáo khuyên con người nên thực hành nếp sống từ bi hỷ xả, cởi bỏ mọi oán kết, mở rộng dung lượng trái tim đối với mọi người, bắt đầu bằng việc chấp nhận những khuyết điểm của bản thân và người khác. Buông bỏ cái tôi cá nhân vị kỷ, sống chan hòa với mọi người để có thể chia sẻ và được chia sẻ những áp lực, khó khăn, khúc mắc gặp phải, không để nung nấu sự bất mãn, chán ghét lâu ngày tích tụ thành sân hận. Khi lòng từ bi được thực tập, năng lượng thương yêu sẽ lan tỏa ra xung quanh giúp chuyển hóa những năng lượng tiêu cực, oán giận trong cảm xúc giữa ta và người, tâm hồn sẽ trở nên mát mẻ, hiền hậu, thảnh thơi, sống lạc quan, tích cực hơn. Đây chính là một trong những phương pháp cải thiện và nâng cao sức khỏe mỗi người.

Sống thiểu dục tri túc, tiết độ trong ăn uống

Theo kinh nghiệm của dân gian “bệnh tùng khẩu nhập”, việc ăn uống vô độ và không có sự cân nhắc về dinh dưỡng chính là nguyên nhân đưa đến các căn bệnh thời đại như: Thừa cân, béo phì, tiểu đường… Nếu cách đây vài thập niên, thời cha ông chúng ta chỉ cần ăn no mặc ấm đã là một điều phải mong ước, thì trong xã hội phát triển nhu cầu về ăn uống cũng đã thay đổi. Ngày nay, chúng ta không còn lo lắng nhiều về việc chạy ăn từng bữa mà đã nâng cấp lên một tiêu chuẩn mới hơn là ăn ngon mặc đẹp. Do đó, việc tiêu thụ quá mức các chất bổ dưỡng hoặc mất cân bằng tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong bữa ăn đã thành căn nguyên đưa đến nhiều chứng bệnh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Bên cạnh đó, trong xu hướng thời đại, đa số chúng ta đều hướng tới mục tiêu làm giàu nên không ít người mải mê tập trung vào công việc, chạy đua với các dự án lớn, nên thường bỏ quên bữa ăn của mình mà sử dụng nhiều các loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn, ăn vội vàng qua bữa… điều này sẽ dẫn đến bệnh tật về sau.

Do đó, Phật giáo khuyên chúng ta nên sống thiểu dục tri túc, lòng ít ham muốn, truy đuổi những thứ mình chưa có, vượt quá khả năng của mình, biết đủ đối với những gì mình đang có để không phải lao mình vào những chiến lược kiếm tiền, làm giàu mà đốt cháy năng lượng, phá hủy sức khỏe chúng ta từng ngày. Sự thật là khi đạt được mục đích, có danh vọng, thành đạt, có thật nhiều tiền trong tay cũng không thể nào mua lại được sức khỏe đã bị đánh đổi.

Kế đến là việc tiết độ trong ăn uống. Mục đích ăn uống là bổ sung các chất dinh dưỡng, bù đắp những năng lượng đã bị tiêu hao trong các hoạt động sống, không phải ăn để hưởng thụ, để thể hiện đẳng cấp sang chảnh của mình qua các món ăn. Đức Phật đã từng dạy về cách tiết độ trong ăn uống để tốt cho sức khỏe như sau:

“Con người thường chánh niệm,

Được ăn, biết phải chăng,

Chừng mực, cảm thọ mạnh,

Già chậm, tuổi thọ dài.” [7]

Phật giáo khuyên chúng ta nên ăn uống điều độ, không nên ăn quá nhiều và có chánh niệm trong việc ăn uống. Có chánh niệm ở đây được hiểu như sự tập trung trong khi ăn, không nên vừa ăn vừa bấm điện thoại, xem tin tức, suy nghĩ về công việc, dự án… sẽ làm thức ăn khó tiêu hóa, các chất dinh dưỡng khó hấp thu vào cơ thể. Đồng thời, có chánh niệm cũng còn là việc biết lựa chọn thực phẩm nào có lợi cho sức khỏe, thể trạng của mình, không phải ăn uống một cách vô độ, đụng đâu ăn đó mà không nghĩ đến nhu cầu hay chướng ngại của cơ thể gặp phải đối với việc ăn uống. Như vậy, lối sống thiểu dục tri túc và tiết độ trong ăn uống là một phương pháp cải thiện và nâng cao sức khỏe rõ rệt, giúp phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh do lối sống và cách ăn uống thiếu lành mạnh của mỗi người.

Sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường

Môi trường sống là một yếu tố góp phần không nhỏ vào vấn đề sức khỏe.  Từ một công trình nghiên cứu của Hà Lan về ảnh hưởng của tự nhiên đối với sức khỏe con người, được đăng trên Tạp chí Khoa học Journal of Epidemiology and Community Health, kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy những người dân sống gần một công viên cây xanh hay một rừng cây thiên nhiên thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hoặc lo âu ít hơn so với những người sống ở các khu đô thị đông đúc. Tiến sĩ David Rakel đến từ Khoa Y trường Đại học Wisconsin đã nhận định: “Đây là một kết quả tích cực khi nó cho thấy rằng, con người càng sống gần với thiên nhiên, sức khỏe của họ cũng có xu hướng tốt hơn” [8].

Nhìn lại cuộc đời Đức Phật, chúng ta thấy từ lúc Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo đến Niết bàn, Ngài sống rất gần gũi với thiên nhiên, Ngài cũng khuyên các đệ tử chọn môi trường trong lành, những rừng cây để tu tập và khuyến khích việc trồng cây xanh để góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, đó cũng chính là một trong những phương pháp bảo vệ sức khỏe cho mỗi người. Ngày nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhiều nơi trên cả nước, cùng với tốc độ công nghiệp hóa rất nhanh, các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy mọc lên dày đặc, một số nơi không kiểm soát tốt các loại ô nhiễm khiến cho môi trường bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Trước tình hình đó, Phật giáo khuyến khích việc sống gần gũi thiên nhiên, tạo cảnh quan xanh trong chính nơi ở của mình và tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường đến Phật tử và cộng đồng.

Tâm an là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc phòng bệnh và trị bệnh.

Tâm an là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc phòng bệnh và trị bệnh.

Thực hành Thiền định, trị liệu tâm lý

Thực hành Thiền định, ngồi yên để tâm được tĩnh lặng cũng là một trong những phương pháp hỗ trợ hữu hiệu trong việc cải thiện sức khỏe và vượt qua bệnh tật. Khi thân bệnh, những cơn đau hoành hành, khiến chúng ta khó chịu, bức bối và suy nghĩ tiêu cực theo đó sinh khởi. Đa số những người khi biết mình bị lâm trọng bệnh thường có tâm lý sợ hãi, bất an, điều này trở thành chướng ngại lớn nhất cho công tác điều trị và khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng. Việc thực hành Thiền định, lắng đọng tâm tư để chuyển hóa tâm lý hoang mang, suy nghĩ tiêu cực đang hiện diện trở thành sức mạnh để chấp nhận và đối diện với bệnh tật, đó cũng là một cách thanh lọc tâm ý, để chuyển hóa nghiệp lực. 

Bên cạnh đó, y học cả Đông và Tây y đều có những nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng của các trạng thái cảm xúc đối với các cơ quan trong cơ thể bên cạnh các yếu tố khác như: Chế độ ăn uống, môi trường, lối sống và các yếu tố di truyền, nói một cách khác là sự liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất. Cụ thể như: Mất ngủ, trầm cảm sẽ làm hại tim; tức giận, khó chịu, mất mát hại đến can (gan); lo lắng hại tỳ (lá lách); đau khổ, buồn bã tổn phế (phổi); sợ hãi tổn đến thận…[9]

Qua đó cho thấy, sức khỏe tâm lý là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần làm thuyên giảm hay tăng nguy cơ mắc bệnh của cơ thể. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội ngày nay, với những áp lực cuộc sống đang đè nặng lên mỗi người, trách nhiệm xã hội và bao mối lo toan bao vây khiến cho chúng ta dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm, rối loạn tâm thần… nên việc chăm sóc sức khỏe cho tâm là rất cần thiết. Thực hành Thiền định chính là phương pháp trị liệu giúp xoa dịu tâm và chuyển hóa những bất an, lo lắng mỗi ngày. Đó cũng là một cách phòng bệnh hiệu quả cho thân.

4. ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO TRONG VIỆC CHĂM SỚC SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG

Tiếp nối truyền thống nhập thế, Phật giáo Việt Nam ngày nay đã và đang trở thành một nhân tố tác động mạnh mẽ trên mọi bình diện của đời sống xã hội, trong đó không thể không kể đến vai trò của Phật giáo đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Quan điểm và những giải pháp về vấn đề cải thiện và nâng cao sức khỏe của Phật giáo đã dần được chứng minh bằng kết quả của nhiều công trình nghiên cứu y học trên thế giới và góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe toàn dân, hướng đến mục tiêu dân giàu nước mạnh như Nghị quyết 46/NĐ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể Nhân dân và các tổ chức xã hội góp phần bảo đảm nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước” [10].

Trên tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, không chỉ dừng lại ở lý thuyết, Phật giáo đã có những hoạt động thiết thực để tham gia đóng góp vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách rất hiệu quả.

Mở các Tuệ Tĩnh đường khám chữa bệnh miễn phí

Nói về công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, không thể không đề cập đến hoạt động thăm khám, cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí tại các Tuệ Tĩnh đường, phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng Tây y tại các cơ sở Phật giáo. Ở một số ngôi tự viện, tịnh thất ngoài thực hiện chức năng của một cơ sở thờ tự, tín ngưỡng còn là nơi khám, chữa bệnh cho nhân dân và các vị tu sĩ cùng sự góp sức của các Phật tử có chuyên môn là những người trực tiếp khám, chữa trị cho bệnh nhân. Có những cơ sở khám bệnh còn có khu lưu trú để các bệnh nhân ở xa hoặc cần trị liệu dài ngày có thể nghỉ lại, an tâm điều trị bệnh.

Theo số liệu của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Trong nhiệm kỳ III của Giáo hội, toàn quốc có 25 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng thuốc Chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả, đã khám và phát thuốc trị giá trên 09 tỷ đồng…  Nhiệm kỳ IV, toàn quốc có 126 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 1/5 phòng thuốc Chẩn trị y học đã khám, chữa bệnh và phát thuốc với tổng trị giá trên 09 tỷ đồng” [11]. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, Phật giáo đã sẵn sàng cho việc trưng dụng cơ sở thờ tự, các ngôi chùa đủ điều kiện để phục vụ cho công tác chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và khu cách ly tập trung, đã có 05 điểm chùa, cơ sở thờ tự ở: Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương được trưng dụng và nhiều cơ sở Phật giáo khác cũng đăng ký, trong tư thế sẵn sàng để đáp ứng tình hình chuyển biến của COVID-19 vào bất kỳ thời gian nào. Qua đó chúng ta thấy, các tu sĩ Phật giáo không phải vì việc tu hành nơi chốn thiền môn mà lánh đời, xa rời đời sống thực tế, ngược lại chư Tăng, Ni đã mang tình thương, sự hiểu biết và khả năng của mình để tham gia cống hiến vì sức khỏe của người dân, vì lợi ích của xã hội. Các vị tu sĩ đã vận dụng tinh thần tùy duyên của Phật giáo để kịp thời thích ứng và góp phần giải quyết tình trạng bất an, biến động của xã hội với ý nguyện phụng sự nhân sinh là thiết thực cúng dường, báo ơn chư Phật.

Tham gia vào công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân

Trong giai đoạn chiến tranh, khi đất nước bị giặc ngoại xâm, các nhà Sư đã cởi áo cà sa khoác chiến bào cùng dân tộc đứng lên đánh đuổi quân xâm lược thì ngày nay, thời bình, tinh thần đồng hành cùng dân tộc lợi lạc quần sinh của Phật giáo vẫn được phát huy cao độ nhất là qua giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua là một minh chứng sắt đá. Trước tình hình chuyển biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch bệnh, nhiều bệnh viện dã chiến đã được thành lập, tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế không đáp ứng đủ vì số lượng bệnh nhân rất lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các tỉnh thành trong cả nước, các thiện nguyện viên Phật giáo, đặc biệt là các vị tu sĩ trẻ đã phát tâm đến các khu điều trị, khu cách ly tập trung để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân. Sự kiện các tu sĩ Phật giáo “cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng”, xung phong lên tuyến đầu tham gia vào công tác hỗ trợ điều trị và chăm sóc người nhiễm COVID-19 đã trở thành một hình ảnh ấn tượng, truyền năng lượng tích cực, bình an đến với cộng đồng nhất là đối với những bệnh nhân đang nhiễm bệnh, những người mỗi ngày đối mặt với nỗi lo lắng, sợ hãi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.

Bên cạnh các công việc cụ thể đã được tập huấn, phân công chăm sóc người bệnh theo đúng nhiệm vụ của một thiện nguyện viên, các vị Tăng Ni mang theo tình thương ấm áp, thấm nhuần hương vị từ bi của Đạo Phật thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc ân cần, những lời động viên thăm hỏi, năng lượng bình an từ các thiện nguyện viên tu sĩ đã lan tỏa, niềm tin và sự lạc quan được trao gửi tạo nên nguồn động lực tinh thần, làm chất xúc tác, giúp các bệnh nhân vượt qua lo lắng, sợ hãi và nhanh chóng khỏi bệnh.

Qua đó có thể thấy, Phật giáo đã có hoạt động cụ thể, thể hiện tinh thần cứu độ nhân sinh, cuộc sống tốt đời đẹp đạo của các vị tu sĩ. Bất cứ thời điểm nào, hình thức nào chỉ cần mang lại lợi lạc cho nhân sinh, khi đất nước cần thì những người con Phật sẵn sàng dấn thân, để qua một bên hình thức đầu tròn áo vuông của mình để mang lên mình sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc.

Tiếp nối truyền thống nhập thế, Phật giáo Việt Nam ngày nay đã và đang trở thành một nhân tố tác động mạnh mẽ trên mọi bình diện của đời sống xã hội.

Tiếp nối truyền thống nhập thế, Phật giáo Việt Nam ngày nay đã và đang trở thành một nhân tố tác động mạnh mẽ trên mọi bình diện của đời sống xã hội.

Triển khai các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ y tế

Nhiều hoạt động hỗ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ y tế đã được Phật giáo tuyên truyền, thực hiện tích cực bằng những việc làm cụ thể trong suốt thời gian qua. Điển hình cụ thể nhất là qua một năm đại dịch COVID-19 hoành hành, thực hiện Chỉ thị giãn cách toàn xã hội, cả nước tập trung toàn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh. Phật giáo cũng đã nỗ lực hết mình chung tay chống dịch. Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN TP. Hồ Chí Minh cùng với chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) đã vận động, kết nối các chi hội từ thiện của tổ chức, cá nhân, các Phật tử để khởi động chương trình Bếp ăn thiện nguyện, mỗi ngày chư Tăng, Phật tử tại chùa Vĩnh Nghiêm đã cung cấp hơn 10.000 suất ăn đến các bệnh viện điều trị COVID-19 như: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 Bình Hưng, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 7 Thủ Đức, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 Huflit cùng các khu cách ly tập trung trong địa bàn thành phố. Ngoài những suất cơm chay, quý thầy còn vận động Phật tử cung cấp mỗi ngày 2.000 phần cơm mặn để tùy duyên bồi bổ sức khỏe đến các y bác sĩ ngày đêm đang trực tiếp điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó còn có chùa Giác Ngộ (quận 10), Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh và rất nhiều cơ sở tự viện, nhóm Phật tử cũng đã có các bếp ăn từ thiện để gửi những phần cơm đến các khu cách ly trong địa bàn. Ngoài ra, Ban Trị sự tại các tỉnh thành đã hợp sức với nhau, vận động các Phật tử, người dân hỗ trợ nông sản, nhu yếu phẩm, rau củ, để gửi về vùng dịch, kịp thời phân phối, gửi đến tận tay các hộ gia đình trong thời gian giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16.

Không dừng lại ở đó, một số các cơ sở Phật giáo và cá nhân Tăng Ni, Phật tử đã nhanh chóng mở cổng thông tin đăng ký hỗ trợ F0 hoặc phổ biến các số điện thoại đường dây nóng của mình để kịp thời hỗ trợ thuốc men, bình oxy đến cho các F0 đang điều trị tại nhà. Điển hình, Quỹ Đạo Phật ngày nay của chùa Giác Ngộ và các Tăng Ni, Phật tử, nhà hảo tâm thông qua cổng thông tin đăng ký đã tặng 24.500 túi thuốc cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó riêng tại TP. Hồ Chí Minh là gần 17.000 túi thuốc [12].

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 8/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ủng hộ 02 tỉ đồng cho Quỹ Phòng, chống COVID-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 3,5 tỉ đồng vào Quỹ vắc xin của Chính phủ; 135 tỉ đồng vào Quỹ vắc xin của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố [13]. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo còn ủng hộ nhiều thiết bị y tế như: Máy thở, máy tạo oxy, quần áo bảo hộ, khẩu trang, thực phẩm, tổng trị giá ước tính hàng trăm tỉ đồng. Trong thời gian này, Giáo hội cũng đã tiếp nhận hơn 1.200 đơn đăng ký tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch của các Tăng, Ni và Phật tử, số tình nguyện viên đã được tuyển chọn, tập huấn và điều phối đến các khu điều trị bệnh nhân COVID-19.

Có thể nói, rất nhiều các hoạt động thiện nguyện thiết thực đã được Phật giáo triển khai, hoạt động mạnh mẽ và tích cực, kịp thời đáp ứng với từng thời điểm cụ thể, giúp cho xã hội vượt qua giai đoạn khó khăn, thể hiện trách nhiệm, tinh thần nhân đạo vì sức khỏe cộng đồng của những của Tăng, Ni, Phật tử đã thể hiện trách nhiệm của những người công dân, tinh thần từ bi của những người con Phật. Đến thời điểm hiện tại, đời sống xã hội đã trở lại bình thường, trong kết quả tích cực đó, có phần đóng góp không nhỏ của những tình nguyện viên Phật giáo gồm cả Tăng Ni, Phật tử trên tuyến đầu chống dịch và cả những người làm công tác hậu cần.

Vận động và tham gia hiến máu, mô tạng, cơ thể cho y học

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân hiến máu” của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên truyền vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia hiến máu tình nguyện. Một số chùa đã vận động và tạo thuận duyên cho các hoạt động này bằng cách mở cổng thông tin để đăng ký và chùa là địa điểm để tổ chức. Cụ thể như chùa Giác Ngộ (quận 10) trong năm 2021 đã tổ chức 10 đợt hiến máu nhân đạo, với số lượng tham dự mỗi đợt trên dưới 500 người và có đợt lên đến 1.000 người. Nhất là giai đoạn gần cuối năm 2021, lượng máu trong ngân hàng máu ở TP. Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng thiếu hụt, Phật giáo đã nhanh chóng tổ chức “Ngày hội hiến máu” tại các trụ sở Ban Trị sự, các trường Phật học, các chùa thu hút nhiều Phật tử và lực lượng Tăng, Ni hoan hỷ tham gia.

Bên cạnh nhu cầu về máu để phục vụ cho cấp cứu và điều trị thì việc cấy ghép mô tạng, phục hồi chức năng của các bệnh nhân cũng là một nhu cầu rất lớn. Đối với việc hiến mô tạng, hiến xác cho khoa học, Phật giáo cũng đã có những đóng góp không nhỏ. Với thông điệp sâu sắc “chết không phải là hết”, “cái chết phục vụ sự sống” qua nhiều đợt tuyên truyền, vận động số lượng Tăng Ni, Phật tử đăng ký hiến mô tạng, cơ thể cho y học đã có sự gia tăng. Tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Đạo Phật ngày nay, chùa Giác Ngộ tổ chức, 2015 có 250 người, 2016 có 583 người, 2017 có 527 người, 2018 có 1.136 người, 2019 có 1.278… [14] Có thể nói, đây là việc làm rất thiết thực thể hiện lòng từ bi và tinh thần Bồ tát đạo, làm lợi ích nhân sinh của Phật giáo.

Tổ chức phóng sanh

Bên cạnh những hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho cộng đồng cũng như các chương trình thiện nguyện hỗ trợ chăm sóc y tế một cách tích cực, Phật giáo cũng nhấn mạnh đến chuyển hóa bệnh nghiệp từ chính hành động, tâm thức của chính mỗi người. Bằng cách tổ chức phóng sanh vào các dịp lễ lớn như: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy… hoặc khi nào Phật tử phát tâm thực hiện phóng sanh, đây là một việc hết sức ý nghĩa, tạo duyên cho tín đồ, Phật tử phát khởi tâm từ bi, thương yêu, bảo vệ sinh mạng chúng sanh, tạo nhân lành cho sức khỏe, ít bệnh tật và thọ mạng dài lâu theo tinh thần Đức Phật dạy.

Thực hiện các khóa lễ Sám hối, cầu an

Tâm an là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc phòng bệnh và trị bệnh. Do đó, những đóng góp bằng các hoạt động cụ thể trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, các nghi lễ Phật giáo cũng không kém phần quan trọng. Ngoài những khóa lễ Sám hối định kỳ hàng tháng được sự tham gia đông đảo của Phật tử gần xa, các cơ sở tự viện Phật giáo cũng tổ chức các Đàn tràng Dược sư cầu an, nhất là vào dịp đầu năm mới. Trong thời gian dịch bệnh, việc đến chùa thực hiện các nghi lễ khó khăn, Phật giáo cũng đã ứng dụng truyền thông, tổ chức các khóa lễ Sám hối, cầu nguyện trực tuyến để thuận tiện cho việc tham dự của tín đồ. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh vừa qua, tại một số cơ sở tự viện đã tổ chức và kêu gọi mọi người cùng tham gia trì tụng kinh Dược Sư, kinh Phổ Môn, chú Đại Bi để cầu nguyện cho các nạn nhân COVID-19. Điển hình là chùa Long Hưng (Hà Nội) các Tăng, Ni đã phát động chương trình trì tụng một triệu biến chú Đại Bi cầu nguyện dịch bệnh tiêu trừ, đồng hồi hướng cho các bệnh nhân đã tử vong vì dịch bệnh. Chương trình được tổ chức trực tuyến liên tục trong 10 ngày, thu hút đông đảo mọi người đăng ký tham dự tạo thành một đạo tràng trì tụng Đại Bi trực tuyến lan tỏa năng lượng bình an và sức gia trì của Quan Thế Âm Bồ tát đến các nạn nhân.

KẾT LUẬN

Hạnh phúc là mục đích sau cùng của tất cả hành động con người. Hạnh phúc cho tự thân lẫn tha nhân, hạnh phúc đó không nằm ngoài sự tương tác, phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân tập thể, cộng đồng xã hội với môi trường sống xung quanh chúng ta. Đó chính là quy luật duyên sinh trong Phật giáo. Sức khỏe là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hạnh phúc của cá nhân, gia đình, xã hội.

Trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của toàn dân, Phật giáo đã có những đóng góp thiết thực và không nhỏ trên mọi phương diện. Đứng trước những vấn đề sức khỏe cấp bách của xã hội như đại dịch COVID-19, những nguyên lý chứa đựng trong từng lời dạy của Đức Phật có tác dụng chuyển hóa những bất an trong đời sống xã hội và mang lại lợi ích thiết thực cho tha nhân. Tinh thần nhập thế đã đưa Phật giáo đi vào xã hội, dấn thân trên mọi mặt trận phòng, chống bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cộng đồng về cả thể chất và tinh thần, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Qua các hoạt động cụ thể, Phật giáo đã tạo nên sự gắn bó và liên hệ mật thiết giữa đạo với đời, vừa mang ý nghĩa nhân văn, thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật giáo vừa mang tính xã hội hóa cao về công tác y tế thông qua sự huy động các nguồn lực đóng góp cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] World Health Organization, Constitution of the World Health Organization – Basic Documents, Forty-fifth edition, Supplement, October 2006, https://www.who.int/governance/eb/who_constitution_en.pdf.

[2] Bellieni CV, Buonocore G, Pleasing desires or pleasing wishes?  Ethics Med 2009; vol. 25 (1), p.7-12.

[3] European Journal of Public Health, Volume 26, Issue 3, June 2016, Pages 412–416, https://doi.org/10.1093/eurpub/ckv206

[4] Kinh Trung Bộ 2, 135. Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt, tr.541.

[5] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ I, Thiên Uẩn, Phẩm Nakulapità, tr.634.

[6] PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Ăn chay tốt cho sức khỏe, https://suckhoedoisong.vn/an-chay-tot-cho-suc-khoe-169159223.htm, truy cập ngày 10/1/2022.

[7] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng, Phẩm thứ hai, Đại thực, tr.151

[8] https://suckhoedoisong.vn/khoe-hon-khi-gan-gui-voi-thien-nhien-169111281.htm.

[9] Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt, “Cảm xúc và bệnh tật trong y học cổ truyền”, https://vienyhocungdung.vn/cam-xuc-va-benh-tat-trong-y-hoc-co-truyen-20180608161155286.htm, truy cập ngày 9/1/2022.

[10] Ban Khoa giáo Trung ương (2006), Một số văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác khoa giáo: Chăm sóc sức khỏe nhân dân; dân số – gia đình và trẻ em; thể dục thể thao, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

http://danvan.vn/Home/Cong-tac-ton-giao/13430/Phat-giao-Viet-Nam-voi-cong-tac-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-trong-su-phat-trien-ben-vung-va-hoi-nhap-quoc-te-cua-dat-nuoc.

[12] https://tuoitre.vn/tang-ni-phat-tu-tp-hcm-dong-hanh-voi-benh-nhan-covid-19-20210917120955655.htm, truy cập ngày 20/1/2022.

[13] https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ung-ho-hon-300-ti-dong-chong-dich-590855.html, truy cập ngày 20/1/2022.

[14] https://tuoitre.vn/quy-dao-phat-ngay-nay-van-dong-nguoi-hien-mo-tang-va-hien-xac-cho-y-hoc-20201207060749072.htm.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người

Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024

Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.

Cảm phục với bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90

Gieo mầm thiện 16:00 27/10/2024

Gần 3 năm nay, trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất hiện một quán cơm chay miễn phí đặc biệt, chủ quán cơm là vợ chồng người miền Tây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm với đôi lưng đã còng. 

5 học sinh dũng cảm lao xuống dòng nước chảy xiết cứu sống 2 em nhỏ

Gieo mầm thiện 12:00 25/10/2024

Trước dòng nước chảy xiết, 5 học sinh dũng cảm tại một huyện miền núi Quảng Bình đã cứu sống được 2 em nhỏ đang bị nước cuốn.

Xuyên đêm lấy tạng từ người chết não để hồi sinh cho 4 cuộc đời

Gieo mầm thiện 15:50 24/10/2024

Rạng sáng 24/10, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ phẫu thuật lấy tạng từ người hiến sau khi chết não, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân suy thận. Tim và gan được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho 2 người bệnh khác, đánh dấu thành công trong việc tận dụng tạng hiến để cứu sống nhiều bệnh nhân.

Xem thêm