Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 18/08/2016, 14:59 PM

Pháp môn Tịnh độ tại Việt Nam nhìn từ bối cảnh hiện đại

Đối với Phật tử tu Tịnh độ tại Việt Nam hiện nay, ngoài chánh hạnh niệm Phật vẫn có thể kiêm tu Thiền quán và trì chú như những phương pháp trợ giúp cho việc niệm Phật được kiên định.

I. Bối cảnh Tịnh Độ Tông Việt Nam

Nói đến lịch sử Phật giáo Việt Nam, hầu hết người ta nghĩ ngay đến Thiền tông. Gần như chẳng có một sử liệu nào nói về Tịnh độ. Việt Nam Phật giáo sử lược của TT.Thích Mật Thể không hề nói đến Tịnh độ. Bộ Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang dày đến hơn 1000 trang, trong đó chỉ có chưa đầy 2 trang nói về Ảnh hưởng Tịnh độ giáo đối với phái Thiền Vô Ngôn Thông và một vài nhận định đầy tính chủ quan.
 
Chính Giáo sư Nguyễn Lang viết: Sự phối hợp giữa Thiền và Tịnh độ sau này sẽ trở nên quan trọng trong đạo Phật tại Việt Nam (Việt Nam Phật giáo sử luận, q.1, tr.204). Câu kết 2 trang nói về Tịnh độ ấy bị bỏ lửng. Chẳng ai biết nó quan trọng như thế nào? Pháp môn Tịnh độ được truyền vào Việt Nam vào thời gian nào? Có sự truyền thừa không? Phương pháp hành trì cũng như sự chứng nghiệm của nó ra sao không hề được nhắc đến. Đây chỉ là sự khan hiếm tài liệu vốn chỉ dựa căn bản vào Thiền uyển tập anh để viết sử hay đó là thiên kiến của người viết sử bị đóng khung bởi Thiền học?
 
Rất may là trong bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam của học giả Lê Mạnh Thát, dù không dành một chương nào nói về Tịnh độ, nhưng với thái độ khách quan phân tích sự kiện qua các thời đại, phần nào giúp cho ta lượm lặt được vài yếu tố để tìm mối liên hệ của Tịnh độ giáo trong lịch sử phát triển Phật giáo tại Việt Nam.
 
Có lần người viết được lên đỉnh núi Yên Tử quê hương của Thiền phái Trúc Lâm. Từ đỉnh chùa Đồng đi xuống núi trong một sớm đầy sương, tôi đã chứng kiến cảnh niệm Phật A Di Đà vang cả núi của hàng ngàn tín đồ lục tục lên núi từ đêm khuya. Cái cảnh mà một thi nhân tiền chiến từng mô tả:
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Lần lần tràng hạt miệng Nam mô
(Anh Thơ)
 
 Không phải chỉ có bà già tóc bạc, già trẻ lớn bé lần lượt lên núi, vừa đi vừa niệm, mỗi bước chân chạm vào từng thớ rễ Đường Tùng là miệng nở một câu A Di Đà Phật ngân dài. Nguyễn Nhược Pháp trong bài thơ “Em đi chùa Hương” nổi tiếng cũng không quên nhắc đến câu Nam mô A Di Đà vốn đã thành chi tiết không thể thiếu. Ngồi trước sân chùa Hoa Yên, tôi tự hỏi: Giáo lý Tịnh độ A Di Đà đã thịnh hành tại quê hương Thiền phái Trúc Lâm tự bao giờ mà sâu đậm đến như vậy? Hẳn không phải chỉ mới vài chục năm mà phổ cập như thế. Bởi chính Giáo sư Nguyễn Lang đã từng nhận định: Sự có mặt của giáo lý Tịnh độ ở Việt Nam được đánh dấu chậm lắm là vào khoảng giữa thế kỷ thứ XI (Sđd, tr.202).
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

 
Thực ra, tư tưởng Tịnh độ xuất hiện ở Việt Nam có thể trước cả Trung Quốc. Trong thời đại Phật giáo quyền năng trước thời Hai Bà Trưng (năm 43), chúng ta đã thấy phảng phất tư tưởng Tịnh độ thể hiện qua hình ảnh vị Phật khác với Đức Phật lịch sử. Đến Mâu Tử, Lý hoặc luận (khoảng cuối thế kỷ II TL), khái niệm Niệm Phật đã được nhắc đến như một công phu tu hành. Giai đoạn hình thành Lục Độ Tập kinh và Cựu Tạp Thí Dụ kinh, theo học giả Lê Mạnh Thát là trong những năm 138 trở đi. Ông viết: Điểm cần lưu ý là truyền 60 (của Cựu Tạp Thí Dụ kinh NV) là văn bản đầu tiên hiện biết nhắc tới danh hiệu Đức Phật A Di Đà trong lịch sử Phật giáo nước ta. Tín ngưỡng A Di Đà từ đó xuất hiện khá sớm và đến khoảng năm 450 đã chiếm lĩnh được một vị thế trọng yếu ở Trung tâm Tiên Sơn... (Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hóa, tr.109).
 
Như vậy, ở đầu thế kỷ thứ V Tây lịch, Kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ cũng đã thịnh hành ở Giao Chỉ. Nội dung của 6 lá thư và cái chết của Đàm Hoằng do sử gia Lê Mạnh Thát phân tích cho ta một nhận định rõ ràng về sự phát triển của Tịnh độ giáo Việt Nam thời kỳ đầu (1). Trước khi Thiền pháp của Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền đến Tiên Sơn qua Pháp Hiền ở đó, Đàm Hoằng đã xiển dương Tịnh độ giáo mạnh mẽ qua việc tụng kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Thập Lục Quán, lòng thề về An dưỡng quốc. Trên cơ sở sử liệu có được, ta có thể tạm xem Đàm Hoằng như Sơ tổ của Tịnh Độ tông Việt Nam (?). Rất tiếc sau đó ta không có một chi tiết liên hệ nào nói về sự truyền thừa. Nhưng sự thắng thế của 6 lá thư cùng ảnh hưởng cái chết của Đàm Hoằng, chắc chắn tư tưởng Tịnh độ A Di Đà sẽ còn phát triển sâu rộng song song với Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
 
Đến thế kỷ XI, chính xác là vào năm 1057, một lang tướng của vua Lý Thánh Tông đã chạm khắc một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá cao 2,5m tại núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tượng này hiện vẫn còn thờ ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh, bia đá của chùa có nói về chuyện này. Đây có thể là tượng Phật A Di Đà bằng đá lớn nhất ở Việt Nam. Thiền sư Không Lộ (?-1119) thuộc đời thứ 9 dòng Vô Ngôn Thông cũng từng sang nhà Tống xin đồng về đúc Tứ khí, trong đó có một tượng Phật A Di Đà thờ tại chùa Quỳnh Lâm. 
 
Trong An Nam Tứ khí chỉ có một pho tượng Phật, đó là tượng Phật A Di Đà do một thiền sư đúc tạo, điều đó chứng tỏ tín ngưỡng Di Đà không thua kém Thiền tông. Sau Không Lộ là Tịnh Lực (1112 - 1175) đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông, người đã đắc được pháp Niệm Phật Tam muội . Sư dạy: Các ngươi! Tất cả các người học đạo lấy tâm siêng năng cúng dường Phật, không gì khác hơn chỉ cầu dứt được các nghiệp ác. Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận, ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần thiện tri thức. Nói ra lời hòa nhã, nói phải thời đúng lúc, trong tâm không khiếp nhược... Liễu đạt nghĩa lý, xa lìa ngu mê, an trụ chỗ bất động. Quán tất cả pháp vô thường vô ngã, vô tác vô vi (Thiền sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, tr.143). Như vậy Tịnh Lực là một thiền sư nhờ công phu niệm Phật mà hoàn thành được Thiền định. Đây là sự phối hợp giữa Thiền và Tịnh độ của Thiền phái Vô Ngôn Thông mà nguồn gốc của nó có thể xuất phát từ Vĩnh Minh Diên Thọ ở Trung Quốc.
 
Chúng ta không biết được kinh điển Tịnh độ giáo thời kỳ này như thế nào (2). Nhưng đến đời Trần, qua tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218 - 1277), tư tưởng về niệm Phật đã chín muồi đến độ ta có cảm tưởng pháp môn Niệm Phật đã hoàn bị như một tông phái chính yếu của Việt Nam song song với Thiền pháp.
 
Trong Khóa hư lục, ngoài những chủ đề căn bản như khuyên phát tâm Bồ đề, luận về sắc thân và các bài văn răn giữ Ngũ giới..., tác phẩm còn có hai bài luận về Niệm Phật và Tọa Thiền. Bài bàn về niệm Phật tuy ngắn gọn nhưng súc tích, bao quát toàn bộ giáo nghĩa Tam thừa, phân tích đầy đủ pháp môn dành cho thượng trung hạ trí. Không rõ vị vua đầu tiên đời nhà Trần đã được thọ giáo từ đâu mà lại có kiến giải về Tịnh độ sâu sắc như thế. Sau khi phân tích nghĩa Niệm Phật dành cho ba hạng căn trí, Trần Thái Tông viết: Ba hạng người trên, tuy nông sâu khác nhau, nhưng tới chỗ sở đắc là một. Song lối tu theo thượng trí, nói thời dễ, nhưng làm lại khó (...). Lối tu theo hạ trí, lấy niệm Phật làm nấc thang, chú ý ở thiện duyên, nguyện sanh sang nước Phật, siêng năng tinh tấn, tâm tính thuần thục, sau khi mạng chung, theo nguyện của mình được sanh sang nước Phật. Đã sanh sang nước Phật rồi, thời thân đó không bao giờ mất.
 
Người tu học đời nay, đã được mang thân người, đều có ba nghiệp, lại chẳng lấy môn niệm Phật để cầu sanh sang nước Phật, thời không thể được. Như muốn niệm Phật, tức phải lấy hạ trí làm trước. Tại sao? Vì có chú ý vậy. Ví như có người làm đài ba tầng, mà không cất tầng dưới trước, tất không thể có được! (Khóa hư lục, bản dịch của HT.Thích Thanh Kiểm, 1997).
 
Thầy của vua Trần Thái Tông không ai khác hơn là Trúc Lâm Quốc sư, tức Thiền sư Đạo Viên (theo Thiền uyển tập anh) hay Viên Chứng (theo tài liệu truyền thừa chùa Hoa Yên). Như ta đã biết, Thiền sư Đạo Viên có ảnh hưởng rất lớn đến sự tu học của Trần Thái Tông và có đóng góp lớn trong việc kiểm đọc các bộ kinh lục trước khi khắc bản gỗ để ấn loát phát hành. Đạo Viên là đệ tử của Hiện Quang, tức Tổ thứ hai của truyền thống Yên Tử. Điều này chứng tỏ trước khi Trần Nhân Tông thành lập phái Thiền Trúc Lâm thì tại núi Yên Tử, Thiền và Tịnh độ đã song hành thể hiện qua tác phẩm của Thái Tông và nói cho cùng, thì toàn bộ Khóa hư lục với các khoa nghi lễ sám đã khẳng định khuynh hướng thiên nặng về Tịnh độ của vị vua đầu đời Trần. Đây là cơ sở khá thuyết phục để gợi ý các nhà viết sử bỏ công tìm hiểu truyền thừa Tịnh độ tông Việt Nam.
 
Tuệ Trung Thượng Sĩ, vốn chỉ được biết qua tư tưởng Thiền học, là cội nguồn của Thiền phái Trúc Lâm, cũng từng có thi kệ nói về Tịnh độ:
Tâm nội Di Đà tử mạ khu
Đông Tây Nam Bắc pháp thân chu
Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt
Sát hải trùng trùng dạ mạn thu.

(Di Đà vốn thực Pháp thân ta
Nam Bắc Đông Tây khắp chói lòa
Trăng thu ngự giữa trời cao rộng
Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa).
(Nguyễn Lang dịch)
 
Vào thời đại khai sáng Thiền phái Trúc Lâm, tăng sĩ cũng áp dụng phương pháp niệm Phật tập thể trong những buổi đại chúng vân tập. Sách Thiền đạo yếu học cũng có ghi lại cuộc vấn đáp của Trúc Lâm với vài vị Tăng trong khi đại chúng đang thực hành phương pháp niệm Phật trên chánh điện. Chi tiết này đã được giáo sư Nguyễn Lang nhắc đến trong phần Các khuynh hướng tư tưởng trong Phật giáo đời Trần (Sđd, tr.457). Thế nhưng nó chỉ được nhắc đến như một chi tiết phụ. Trong khi các tác phẩm khoa sớ của đời Trần phần nhiều là Giáo Thiền nhất trí, nếu không muốn nói là thiên nặng về Giáo.
Ảnh hưởng Tịnh độ giáo đời Trần còn có thể thấy qua đài tháp Cửu phẩm Liên hoa do Tam Tổ Huyền Quang dựng tại chùa Ninh Phúc (tức chùa Bút Tháp). Tháp gỗ này hiện nay vẫn còn, có thể xoay được quanh một trục chính ở giữa. Đây có lẽ là bảo vật vô giá của Tịnh Độ tông Việt Nam đang dần hư mục. Về nghi lễ và nghi thức tụng niệm trong hai thời công phu sớm tối, ngoài các thần chú vốn của Mật giáo, kinh A Di Đà, thần chú Vãng sinh Tịnh độ, niệm Phật, lễ Phật và hồi hướng Cực lạc là những hành nghi chủ yếu, gần như không có một bản kinh nào thuần túy là Thiền học được đưa vào trong hai thời khóa tụng.
 
Đến thế kỷ XVII, khi Thiền sư Chân Nguyên khôi phục lại truyền thống Trúc Lâm Yên Tử thì cũng là lúc mà Tịnh độ giáo chiếm vị trí chủ yếu trong Phật giáo Việt Nam. Từ Chân Nguyên đến các danh tăng Đàng Ngoài và Đàng Trong suốt thế kỷ XVIII, XIX, mối liên hệ về Tịnh Độ tông có thể dễ dàng tìm thấy qua trứ tác của các Tổ lẫn các loại hình văn hóa. Sự khảo cứu có lẽ phải chờ đợi một công trình công phu mới hoàn bị được. Các tác phẩm văn học lớn trong thời kỳ này như Cung oán ngâm khúc, Kim Vân Kiều truyện v.v... đều mang nặng tư tưởng Tịnh độ. Quả là không khó để tìm hiểu vì sao Tịnh độ giáo thịnh hành hết sức rộng rãi tại Việt Nam hiện nay.
 

II. Giáo nghĩa Tịnh độ và bối cảnh Tịnh độ

 
Lẽ ra phần giáo nghĩa Tịnh độ phải được trình bày trong một chương mục riêng. Nhưng chương sớ về Tịnh độ nhiều vô kể, không thể trình bày trong một bài viết. Hơn nữa, tài liệu về Tịnh độ ở Việt Nam hiện nay cũng rất nhiều. Trong phần này, chúng tôi chỉ xin trình bày những vấn đề liên quan đến pháp môn Tịnh độ ở Việt Nam, liên hệ lịch sử để nêu ra một cái nhìn thiết thực cho hiện tại.
 
Tịnh độ vốn là một khái niệm rất rộng. Pháp sư Ấn Thuận đã từng nói: Giới luận và Tịnh độ, không nên tách thành tông độc lập . Cũng như Đại sư Thái Hư từng dạy: Luật là nền móng chung của Tam thừa, Tịnh là cái che chở chung của Tam thừa (Luận thuyết mới về Tịnh độ và lợi ích của việc hành Thiền; bản dịch của Nguyễn Văn Phát, Trung tâm Tư liệu Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991). Người học Phật đã xuất gia hay tại gia đều phải hành trì giới luật. Cũng vậy, Tịnh độ là một thế giới lý tưởng mà bất kỳ tông phái nào, dù Tiểu thừa hay Đại thừa đều có thể tu hành để đạt đến. Đại sư Ấn Thuận là người có tư tưởng rất mới, cũng thừa nhận rằng dù Thiên Thai, Hiền Thủ, Duy Thức, Tam Luận cho đến Thiền tông đều có thể tu hành và hoằng dương Tịnh độ.
 
Việc hoằng dương Phật pháp tại thế gian phải xem trọng cả hai mặt lý trí và tình cảm. Tịnh Độ tông có thể dung hòa được cả hai yêu cầu này. Chữ Tịnh có hai nghĩa: Sự thanh tịnh của chúng sinh và sự thanh tịnh của thế giới. Hễ tâm thanh tịnh thì chúng sinh tịnh và tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh (Kinh Kim Cang). Nhưng Tịnh độ thì có rất nhiều cõi. Các kinh đều đã giới thiệu chi ly y báo và chánh báo các cõi Tịnh tộ như cõi trời Đâu Suất, nơi tối hậu thân của Bồ tát Di Lặc đang trụ. Rồi Tịnh độ của cõi Phật A Súc, Tịnh độ của cõi Phật Dược Sư, kể cả Tịnh độ Hương Bạt La trong truyền thuyết của Mật giáo. Ngoài ra cũng có thể chia Tịnh độ thành các cõi như Thường tịnh quang độ, Thật báo vô chướng ngại độ, Phàm thánh đồng cư độ và Phương tiện hữu dư độ. Có rất nhiều điều cần bàn về những khái niệm này. Ở đây tôi chỉ muốn luận về Tịnh độ Cực lạc phương Tây của Đức Phật A Di Đà một tín ngưỡng hết sức thịnh hành ở Trung Quốc và Việt Nam trong cận và hiện đại.
 
Pháp môn Tịnh độ cũng có rất nhiều cách tu hành. Ở đây cũng xin giới hạn trong pháp Trì danh niệm Phật. Tức pháp môn mà các hành giả niệm Phật, y theo Tịnh độ tam bộ kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ hành trì, nguyện cầu vãng sinh về Cực lạc. Đây là một pháp môn mà chư Tổ xiển dương là thù thắng nhất. Người Việt Nam luôn có tư tưởng dung hòa, nên trong các thời khóa tụng tại các chùa ở Việt Nam, tôi luôn nhận thấy sự kết hợp cả Thiền - Tịnh - Mật. 
 
Chẳng hạn các bài kệ quán tưởng là Thiền, các bài chú như Lăng Nghiêm, Đại Bi, Cát tường, Vãng sinh là khuynh hướng Mật, phần kinh chính thường là kinh Di Đà hay phẩm Phổ Môn. Sau đó luôn có phần trì danh niệm Phật... Đây là một chi tiết hết sức thú vị: Nếu lịch sử tư tưởng dân tộc là Tam giáo đồng nguyên (Thích, Đạo, Nho) thì lịch sử Phật giáo dân tộc lại cũng là Tam tông nhất trí (Thiền, Tịnh, Mật). Nếu Thích, Đạo, Nho từng theo thời kỳ mà hưng phế thì Thiền, Tịnh, Mật cũng tuy theo giai đoạn mà thịnh suy khác nhau. Vào thời kỳ du nhập, Phật giáo Việt Nam nhuốm màu sắc quyền năng, Mật giáo trở thành phương tiện hóa đạo hữu hiệu. Ở thời đại hưng thịnh của Phật giáo, sông núi thanh bình, người người hít thở cái không khí sâu lắng của đất trời để tìm về cội nguồn tâm thức, Thiền tông hưng thịnh. Còn giai đoạn hiện nay, chiến tranh lan tràn thế giới, bệnh dịch hoành hành, môi trường nhiễm độc..., người ta thích mơ tưởng về một thế giới thanh tịnh, một thế giới an lành và Tịnh độ Cực lạc được giới thiệu như một cõi lý tưởng. Người ta tin tưởng và hướng về, thực chẳng có gì là lạ.
 
Tư tưởng Giáo Thiền nhất trí đã được Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ ở Trung Quốc đề xướng qua bài kệ Tứ liệu giản có thể nói phù hợp nhất với Phật tử VIệt Nam hiện đại. Nhưng ở Trung Quốc từ xưa, sự phân chia rạch ròi Thiền Tịnh đã khiến cho thái độ Hiển kỷ giáng tha đôi lúc đến mức gay gắt. Tịnh Độ Chân tông và Nhật Liên tông ở Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng này. Riêng ở Việt Nam từ xưa, như trong phần trước đã chứng minh, cả hai Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và cả Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều vận dụng pháp môn Tịnh độ. Tuy kiêm tu nhưng Tịnh độ vẫn được xem như pháp môn chính yếu, phù hợp với căn cơ chúng sinh đời mạt pháp. Tùy cơ hóa đạo là phương châm hành đạo của Phật giáo trong mọi thời kỳ.
 
Pháp môn Tịnh độ đáp ứng được hai nhu cầu lý trí và tình cảm, dung hội được cả lý và sự 宠. Điều đáng tiếc là một số người, khi được hỏi về Tịnh độ, do đối phó với tri thức khoa học nên đã khá duy lý khi giải thích về Tịnh độ Cực lạc. Về một thế giới Cực lạc như trong kinh A Di Đà ⍊ trình bày, họ cho rằng đó chỉ là phương tiện dẫn dắt. Họ cho rằng Nhất thiết duy tâm, Tùy kỳ tâm tịnh... 
Về lý thì họ có thể đúng, nhưng nếu bỏ sự mà chỉ theo lý, đó hoàn toàn không phải là bổn ý của Tịnh độ. Một số người khi nghiên cứu về lịch sử hình thành kinh điển Đại thừa lại rơi vào một căn bệnh trầm kha khi cho rằng kinh A Di Đà không phải do Phật thuyết nên chỉ xem như... phương tiện của Đại thừa, một chữ phương tiện đầy ý tạm bợ chứ không phải phương tiện tích cực của Đại thừa. Như vậy, họ chỉ mới biết được lịch sử hình thành, xuất hiện của kinh mà không nắm được lịch sử tư tưởng cũng như giá trị thực tại của Phật giáo. Sự bình đẳng của các chúng Bồ tát, Thanh văn xuất hiện trong Pháp Hoa, sự xuất hiện của Duy Ma Cật để dung hòa và thăng hoa sứ mệnh của cư sĩ trong Bồ Tát đoàn, vị trí Thắng Man phu nhân trong quá trình xóa bỏ thái độ phân biệt nam nữ cũng như sự trang nghiêm Tịnh độ thù thắng của Hoa Nghiêm, Di Đà, Dược Sư v.v... là một tiến trình tất yếu và đặc sắc của Đại thừa. Chúng chẳng những không xa lìa thực tại mà còn là phát biểu một cách chân thực bản hoài của đức Phật vốn chưa thể nói hết được trong bốn mươi chín năm ngắn ngủi của đời Ngài trong một bối cảnh xã hội khác và không để lại một chữ viết. Do đó, nếu phủ nhận Tịnh độ Di Đà là vô tình phủ nhận cả bản hoài của Đức Phật.
 
Tịnh độ Cực lạc là một thế giới hiện thực. Thế giới đó nằm trong nguyện lực của Phật A Di Đà chứ không phải ở một nơi nào đó để cho những thiển kiến của khoa học thực nghiệm dùng máy bay phản lực tìm đến để cân đong đo đếm. Chừng nào cuộc đời này còn khổ đau, sinh tử, chừng nào người ta còn thấy sự khổ đau này là thật thì chừng ấy thế giới Cực lạc vẫn còn có thật. Bao giờ người ta không còn bị tham sân si mạn ràng buộc, thế giới này là thanh tịnh và an lạc, thì chừng ấy Cực lạc không cần nữa.
 
Kinh A Di Đà được hình thành ở Ấn Độ. Cảnh giới Cực lạc giới thiệu trong kinh là giới thiệu cho phù hợp với huyền học Ấn Độ và nhu cầu của con người thời ấy. Trong nhận thức của các bậc Thánh Ấn Độ ngày xưa, sông núi là vật cách trở, sự gập ghềnh là mất cân đối, bụi bặm là nhiễm ô và sự nghèo khổ là... kém phước báo. Do đó, cảnh giới trong kinh A Di Đà bằng phẳng, đều đặn, thanh tịnh, giàu có và diễm lệ. 
 
Cây cối, điện đường, lầu các, thất bảo trang nghiêm... đều là phản ánh trong trung thực ước mơ của tâm thức Ấn Độ. Thế thì tại sao ngày nay khi giảng về Cực lạc cho phật tử Việt Nam, ta lại không nói Tịnh độ không có cảnh... kẹt xe, Tịnh độ không có bệnh AIDS, chiến tranh; môi trường tuyệt đẹp, cực kỳ sạch sẽ, thanh tịnh. Tại sao không giảng rằng Tịnh độ không có cảnh con cái tố cha mẹ, trò đánh thầy, bạn bè lừa lọc nhau. Tại sao lại không thể nói rằng ở cõi ấy Vi phong xuy động trên những ngọn thông, ngọn dương liễu, phát ra âm thanh vi vu, làm lay động những chiếc phong linh dưới mái thềm của những chùa, viện nằm thấp thoáng dưới rặng tre già. Những dòng suối quanh năm mát rượi chảy qua những sườn đồi cỏ xanh mơn mởn, điểm xuyết bằng những luống hoa cỏ may ngan ngát ven bờ... Rồi những con đường cát sạch mịn màng, những lối sỏi thân thương dẫn vào cổng chánh điện. Sớm chiều, chúng sinh ở cõi ấy bận áo tràng chỉnh tề, hái những bông hoa tươi thắm nhất dâng lên cúng dường đức Phật, sau đó về niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng...
 
Đó là nói về sự tịnh hóa của nhân giới, còn chúng sinh giới cũng vậy: Đời sống kinh tế dồi dào, xã hội nhân quần thuần thiện, không có sự phân biệt chủng tộc, giàu nghèo, mạnh yếu, không có sự oán ghét thù địch. Đối với thân tâm thì bình đẳng, tự do. Tất cả những khái niệm tự do, bình đẳng của thế giới này đều xuất phát từ sự chấp ngã và ngã sở. Còn Phật pháp thì dựa trên nền tảng vô ngã và vô ngã sở để thi thiết Tịnh độ. Điều đó hoàn toàn phù hợp với ước mơ chung của nhân loại.
 
Thực ra, thế giới Cực lạc có thể thù thắng, viên mãn gấp triệu lần những điều được diễn đạt trong kinh A Di Đà, tùy theo chánh báo của mỗi người mà y báo khác nhau. Những điều tôi nói trên kia có vẻ như đùa, thực ra có thể đó là y báo kém cỏi của bản thân tôi. Chúng ta có thể diễn đạt Tịnh độ thù thắng bao nhiêu cũng được, miễn cảnh giới ấy không xa rời tầm hiểu biết của con người.
 
Còn một điều nữa cũng rất quan trọng: Ở Việt Nam, một số người tri thức thì rơi vào duy lý. Số còn lại khi tin về Tịnh độ, hầu hết đều xem Tịnh độ như một cõi vĩnh hằng, khi đã vãng sinh về đó coi như đời đời hưởng phúc an nhàn. Tư tưởng này vô tình biến Tịnh độ thành một thứ thiên quốc của Thần giáo, giống như thiên đàng của Thiên Chúa giáo, nếu tin tưởng và xưng danh hiệu Ngài thì sẽ được Ngài rước về Cực lạc. Họ không biết rằng Cực lạc chỉ là cõi tạm, vãng sinh về sẽ được những thắng duyên như Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ, trực tiếp được nghe Phật A Di Đà thuyết pháp, v.v... Tự tánh A Di Đà và Đức Phật A Di Đà không phải một, không phải khác. Chấp tánh bỏ tướng, chấp tướng bỏ tánh đều sai lầm cả.

Người tu Tịnh độ đúng đắn là người dung hội cả tánh tướng. Ba yếu tố quan trọng của người tu Tịnh độ là Tín, nguyện, hạnh. Tín là tin cả lý lẫn sự. Nguyện là nguyện từ nơi tâm và hạnh là hành cả chánh lẫn trợ. Không thể không có phước báo mà có thể vãng sinh (Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc). Vì thế, người tu niệm Phật cần phải giữ giới nghiêm minh, bố thí cúng dường, mở rộng từ tâm và an nhẫn bất động.
 
Phương tiện thiện xảo cũng là một yếu tố quan trọng giúp hành giả niệm Phật dễ nhiếp tâm. Khoa học kỹ thuật ngày nay phát triển, chúng ta có thể vận dụng chúng cho những phương tiện tạo thắng duyên niệm Phật. Chẳng hạn như ở Đài Loan đã chế hẳn một loại radio chỉ chuyên niệm Phật với âm điệu trầm bổng theo tiếng nhạc. Tiếng chim, tiếng gió, tiếng suối cũng có thể thâu thành băng nhạc nhẹ nhàng, khác với những âm thanh xập xình hay gắt gỏng của đời thường giúp người ta dễ lắng lòng lại. Các thiết bị điện tử, ánh sáng đèn v.v... cũng là những phương tiện thiện xảo trợ giúp hành giả nhiếp tâm niệm Phật. Chúng ta có thể gợi ý cho các nhà sản xuất chế tạo hàng loạt các thiết bị ấy, đó cũng là một thứ văn hóa của Tịnh độ, vô cùng cần thiết.
 
Tóm lại, đối với phật tử tu Tịnh độ tại Việt Nam hiện nay, ngoài chánh hạnh niệm Phật vẫn có thể kiêm tu Thiền quán và trì chú như những phương pháp trợ giúp cho việc niệm Phật được kiên định. Không nên quá câu chấp, nhưng vẫn dành những thời gian nhất định cho việc xưng danh niệm Phật. Sám hối, lễ Phật cũng là những trợ duyên rất cần thiết. Ngoài ra cần phải tu bố thí cúng dường, tự lợi lợi tha, thực hiện trọn vẹn Tứ hoằng thệ nguyện của Đại thừa.
 
Tôi được xuất gia và tu học tại trú xứ Hương Nghiêm có thể nói là một trú xứ Tịnh độ thuần nhất nhất ở Việt Nam hiện đại. Nơi đó đã từng có ba vị Hòa thượng Thiền Tâm, Bửu Huệ và Bửu Lai đề xướng kết xã niệm Phật. Thầy bổn sư của tôi cũng là người tích cực xiển dương Tịnh độ. Trong không khí sớm hôm nghe chuông mõ ngân vang dẫn nhịp câu A Di Đà Phật, dường như có một nhân duyên nào mà niềm tin của tôi không cần phải trải qua óc tư biện viển vông. Niềm tin đó có thể xuất phát từ sợi chuỗi hạt của thầy, bước chân của thầy hay trong chính âm thanh câu niệm Phật của thầy. Tôi ôm choàng lấy nó, không cần lý giải. Rồi mỗi năm, ngày giỗ Tổ Huệ Viễn, ngày vía Phật A Di Đà hai ngày lễ lớn nhất trong trú xứ Tăng Ni vân tập niệm danh hiệu Phật vang cả núi rừng, lắng tận đáy sông. 
 
Câu A Di Đà quyện trong gió, thoảng trong ngọn cỏ cành cây, ấm trong từng hơi thở. Những tháng ngày ấy thật hạnh phúc, thật thanh bình. Tôi đã đánh mất nó để đi vào phố thị. Bây giờ, rất nhiều đạo tràng tu Tịnh độ, như chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn) tổ chức Phật thất, người đông đảo hàng ngàn. Người ta hướng về Tịnh độ quá nhiều khiến lòng tôi cảm thấy nao nao, muốn ghi lại vài suy nghĩ để xác tín niềm tin và gợi mở vài ý kiến, gọi là một chút nhớ ân Thầy Tổ, dẫu nhận định vội vàng có thể làm lệch lạc, đi sai.
 
Chú thích:
(1) Xem các chương VIII, IX và X của sách đã dẫn.
(2) (Rất tiếc sự khảo cứu của sử gia Lê Mạnh Thát chỉ mới đến đời Lý, chưa xuất bản tập 3 nói về các thời kỳ sau. Ngay trong thời kỳ này ông cũng không để tâm đến Tịnh độ giáo).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Hành trang về cõi Phật

Tịnh Độ tông 09:26 21/03/2024

Cách nay hơn hai nghìn sáu trăm năm lịch sử, Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bậc giác ngộ thể nhập chân lý tuyệt đối, chấm dứt vòng sanh diệt, tham ái, vô minh, thành tựu viên mãn con đường an vui giải thoát, đã xuất hiện nơi thế gian.

Đường về cõi Tịnh

Tịnh Độ tông 23:02 20/03/2024

Trên thế giới ngày nay có rất nhiều tôn giáo, nhưng phải thừa nhận một điều, không có bất kì một tôn giáo nào có hệ thống học thuyết đa dạng, hoàn bị như Phật giáo.

Tu Tịnh độ phải dứt trừ lòng nghi

Tịnh Độ tông 09:35 23/02/2024

Chúng sanh nơi thế giới Ta Bà này, nhân vì ở đời ác năm trược, phiền não nặng nhiều, hoàn cảnh bên ngoài ác liệt, sự tu hành không dễ gì tiến bộ. Lại mỗi khi chuyển sanh thường bị lạc mê, nên sự chứng đạt rất khó.

Chuyện đời kỳ lạ của Ấn Quang Đại sư - vị Tổ thứ 13 Tịnh Độ Tông

Tịnh Độ tông 11:10 22/01/2024

Những chuyện kỳ lạ của Ngài Ấn Quang: từ chuyện chữa lành mắt, niệm Phật hoá giải chướng ngại, không nhận bố thí của chúng dân, biết trước ngày giờ vãng sinh rồi thanh thản viên tịch....

Xem thêm