Phật dạy 10 điều khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi (I)
Mỗi người sống trên cuộc đời này đều có một thân phận, tuổi thọ khác nhau. Có người sống lâu và khoẻ mạnh nhưng cũng có người luôn bị bệnh tật, tai nạn hoặc thậm chí mạng sống rất ngắn ngủi. Nguyên nhân của sự khác biệt là do hành nghiệp của mỗi người khác nhau.
Nhân quả về thọ mạng cũng rất rõ ràng và minh bạch, không một đấng quyền năng hoặc siêu nhiên nào có quyền chi phối và quyết định sự sống của mỗi chúng ta. Đức Phật với trí tuệ siêu việt, Ngài đã chỉ ra “Mười điều khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi” trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt.
Mười điều này đã được Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải cho các thành viên của Câu lạc bộ Tuổi Trẻ Ba Vàng nhân ngày sinh hoạt của Câu lạc bộ.
Thiên tai, động đất, sóng thần có phải do chiêu cảm của việc sát sinh?
1. Tự mình làm việc sát sinh
Sát sinh là giới đầu tiên trong năm giới cấm mà Đức Phật dạy cho hàng đệ tử tại gia. Tuy chưa phải là người xuất gia, nhưng đã là người con Phật thì phải tu đức từ bi, rèn luyện tâm yêu thương tất cả chúng sinh. Đức Phật đã dạy rằng: “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính”, chính vì vậy mà Ngài luôn luôn tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, từ sự sống của côn trùng cho đến sự sống của cỏ cây. Là người đệ tử của Phật, chúng ta không những không thể sát hại chúng sinh mà còn phải tôn trọng và bảo vệ chúng sinh dù là loài vật vì chúng cũng có quyền sống, có quyền được chia sẻ môi sinh trên trái đất, nơi mà con người đang ở.
Về việc tự mình sát sinh, Đại đức cũng chỉ dạy rằng: “Sát sinh thường đem đến cho chúng ta những quả báo: hay bị tai nạn, chiến tranh xung đột, bệnh tật và đoản thọ. Sau khi chết có thể bị đọa vào địa ngục, hết tội địa ngục tái sinh lên làm súc sinh cũng bị giết mổ trở lại. Nếu tái sinh làm người thì nhiều bệnh tật, yểu thọ, không được sống lâu; phải sinh vào đất nước có nhiều chiến tranh; sống trong môi trường có nhiều tranh đấu, sát phạt lẫn nhau”.
Từ vô thủy kiếp đến nay, vì vô minh, lăn lộn trong miếng cơm manh áo mà chúng ta đã giết hại rất nhiều chúng sinh. Đến nay nghe được lời Phật dạy về quả báo của việc sát sinh, được quy y Phật và nghe lời giảng của chư Tăng thì mỗi chúng ta hãy tự biết dừng làm các việc sát sinh hại vật và chuyển hóa tâm ác hại chúng sinh của mình.
2. Khuyến khích người khác sát sinh
Ngoài quả báo rất nặng của việc trực tiếp sát sinh thì trong kinh Đức Phật cũng dạy rằng, người khuyên bảo người khác sát sinh cũng có quả báo rất nặng. Tuy không phải là người trực tiếp giết hại sinh mạng, nhưng lại là người xui bảo, khuyến khích người khác giết hại, đó được coi như “đồng phạm” trong việc sát sinh. Mà trong nhà Phật gọi hành động đó là “cộng nghiệp”, tức là cùng chung một nghiệp sát sinh, tuy nặng nhẹ khác nhau nhưng đều phải gánh chịu quả báo, ứng với hành động, lời nói của mình.
Nguyên nhân Đức Phật chế giới không sát sinh và diệu dụng
3. Khen ngợi việc giết hại
Sát sinh là nguyên nhân khiến cho mình tổn thọ, tiếp đó là khen ngợi việc giết hại. Ác tâm của chúng ta rất dễ bộc phát ra nhưng vì vô minh nên không nhận thức được. Thường thì chúng ta hay ganh tỵ với người thiện lành, khi thấy người khác làm việc tốt, việc thiện thì mình lại không khen ngợi. Ngược lại, khi thấy người khác làm việc ác thì lại khen ngợi, không can gián việc làm sai lầm của họ. Khi khen ngợi việc ác của người khác, chúng ta thường không biết rằng, đó là biểu hiện của sự vô cảm trên đau khổ của chúng sinh. Nếu mình vô cảm trước cái chết của một chúng sinh, thì sau này mình có quả báo là người khác cũng vô cảm trước sự đau khổ của mình.
4. Thấy việc giết hại sinh tâm vui thích
Trên thế giới, hiện nay vẫn còn có nhiều lễ hội mang tính chất tàn nhẫn, lấy mạng sống của chúng sinh để làm trò tiêu khiển, thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng; như lễ hội đâm trâu, chém lợn, chém cá voi, cá heo. Thay vì bị giết ở trong lò mổ, thì chúng bị giết giữa chốn đông người. Những con vật được quây lại một chỗ và bị giết một cách đau đớn bởi những bàn tay hiếu sát, máu của chúng tuôn ra chảy lênh láng khắp nơi; khi ấy mọi người chứng kiến vỗ tay, thích thú, họ dâng thịt cúng tế thần linh, cầu nguyện vị thần ban may mắn phước lành cho họ. Đây là hành động tà kiến, làm tổn hại sinh mạng chúng sinh, là nhân đoản mệnh, không được sống thọ.
Từ việc này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã dạy các bạn trẻ: “Khi các con thấy con vật hay thấy người bị giết, các con phải sinh tâm thương xót. Quán tưởng như mình biến thành con vật ấy, mình hóa thân thành con vật ấy, con vật cũng biết quý mạng sống của nó. Các con cũng yêu quý mạng sống của mình, thì phải có lòng thương các con vật”. Thấy việc giết hại mà sinh tâm hoan hỷ là biểu dương cái ác, nhân tính bản thiện của con người bị suy giảm, đạo đức của con người cũng từ đó mà mất đi, không mang lại lợi ích lành mạnh cho số đông đại chúng.
5. Đối với những người mình oán ghét thì muốn tiêu diệt
Trong kinh điển để lại, Đức Phật dạy cho hàng đệ tử của Ngài về “bát khổ”, trong đó có “oán tắng hội khổ” là một trong tám cái khổ của thế gian. “Oán tắng hội khổ” là gặp gỡ người mình ghét, khiến mình không thích, không vui khi làm việc, chung sống với họ; rồi sinh tâm ác hại nhau.
Đại đức giảng giải: “Chúng ta rất dễ mắc phải vấn đề này! Khi các con ghét ai, oán thù ai, thì mình mong cho họ chết nhanh, chết đau khổ; mình lại hoan hỷ với điều ấy. Đó là tâm lý thông thường của con người. Nếu các con khởi ý nghĩ như vậy thì cũng bị quả báo giảm thọ”.
Vì vậy, đối với người mình ghét, chúng ta nên xoay tâm, khởi tâm thương họ, phải thực sự rải lòng từ bi, thực lòng mong muốn cho họ được điều tốt đẹp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới dần dần hòa hợp được với nhau. Những ai tin sâu nhân quả, biết tu sửa tâm ác hại thành thiện lành, biến thù thành bạn, thì chính mình sẽ được an vui và nhận được quả báo tốt đẹp, thọ mạng dài lâu.
(Còn tiếp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm