Phật dạy về sự nghèo khổ trong Pháp và Luật
Theo tuệ giác của Thế Tôn, cái nghèo nàn, túng thiếu của người tu học Phật pháp chính là xu hướng tìm cầu sự sung túc vật chất theo kiểu thế gian vốn dĩ phù vân, hư giả. Biểu hiện cụ thể của sự “nghèo túng” là không có lòng tin, không có hổ thẹn, không biết sợ hãi, không siêng năng, thiếu trí tuệ.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetanava, dạy các Tỷ kheo:
Sự nghèo khổ, này các Tỷ kheo, là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Khi một người nghèo khổ không có sở hữu, sống túng thiếu, phải mắc nợ, phải chấp nhận tiền lời, khi thời hạn đến nếu không trả được tiền lời bị người ta hối thúc, bị theo sát gót, bị truy tìm và bị người ta bắt trói.
Này các Tỷ kheo, như vậy, nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Mắc nợ cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Tiền lời cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Bị hối thúc, cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Bị theo sát gót, bị truy tìm cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Bị bắt trói cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ai không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có lòng sợ hãi trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp; người này, này các Tỷ kheo, được gọi là người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu trong Pháp và Luật của bậc Thánh.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Dhammika, phần Nghèo khổ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.117)
Học và hành trì theo lời Phật dạy
Lời bàn:
Đã nghèo lại gặp eo, dẫn đến túng thiếu, nợ nần, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, nếu không trả được tiền lời thì bị chủ nợ hối thúc, bị truy bắt thực sự là một bất hạnh, đau khổ cho người nghèo. Chẳng ai muốn lâm vào nghèo khó nợ nần, cũng không người nào muốn bị các chủ nợ bức bách nhưng hoàn cảnh bắt buộc như thế thì cũng đành ngậm cay, nuốt đắng, chịu mọi tủi nhục, đau khổ mà thôi.
Thân nghèo thường đi với phận hèn, vì nghèo nên phải túng, cái khó lại bó cái khôn, hoàn cảnh ấy lại càng làm cho khổ đau hơn đối với những người có nhiều mong cầu, tham vọng. Khi mà hiện thực xã hội thiên về thực dụng, coi trọng vật chất, ma lực đồng tiền có thể biến điều không thể thành có thể thì thân phận của những kẻ nghèo hèn lại càng bi đát hơn.
Đối với những người đã phát nguyện xả phú cầu bần thì tiền bạc, tài sản đối với họ không quan trọng. Không ai chê cười người tu mà nghèo kiết xác cả, có chăng chỉ là trường hợp ngược lại. Tài sản và sự giàu có của người tu thuộc về tinh thần, suốt một đời phấn đấu để đạt được một gia tài chơn không mầu nhiệm, không có gì mà thực sự có tất cả.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, cái nghèo nàn, túng thiếu của người tu học Phật pháp chính là xu hướng tìm cầu sự sung túc vật chất theo kiểu thế gian vốn dĩ phù vân, hư giả. Biểu hiện cụ thể của sự “nghèo túng” là không có lòng tin, không có hổ thẹn, không biết sợ hãi, không siêng năng, thiếu hẵn trí tuệ.
Vì thế, để thực sự giàu có, sung mãn trong Pháp và Luật của bậc Thánh, người con Phật phải trau dồi, trưởng dưỡng lòng tin; phải biết hổ thẹn với mọi người và với chính mình đặc biệt là biết sợ đối với các bất thiện pháp; tinh cần, siêng năng, nỗ lực tu học và phụng sự chúng sanh dưới sự soi sáng của tuệ giác. Chính lòng tin, hổ thẹn, sợ hãi với ác pháp, tinh cần và trí tuệ mới là tài sản, làm nên sự giàu có đích thực của những người đệ tử Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật dạy về bốn hạng người không nên xem là bạn?
Lời Phật dạy 18:00 22/11/2024Người nào bạn càng gần gũi, người ấy càng có ảnh hưởng đến bạn.
Thân bệnh mà tâm không khổ
Lời Phật dạy 08:20 22/11/2024Già bệnh là một sự thật của thân này, ai rồi cũng phải trải qua. Hiếm hoi mới có người già mà ít hay không bệnh. Vấn đề là, làm sao khi thân già bệnh mà tâm bớt khổ hoặc không khổ?
Đánh mất sơ tâm
Lời Phật dạy 17:15 21/11/2024Với người hảo tâm xuất gia, tâm ban đầu khi đến với đạo thật đẹp đẽ, trong veo. Họ nhàm chán sinh tử cùng với những não phiền, nhiễu nhương của đời sống thế tục mà quyết chí ra đi.
Phật dạy 5 điều thân kính với bà con
Lời Phật dạy 08:05 21/11/2024Mối quan hệ bà con cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Xem thêm