Phật giáo và những ảnh hưởng của Phật giáo dưới thời Trần
Nhà Trần, một trong những vương triều được đánh giá là phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam còn được biết đến là một trong những giai đoạn mà đạo Phật thật sự hoà nhập vào lòng dân tộc từ hình thức đến nội dung.
Tình hình Phật giáo dưới thời Trần như thế nào?
Dưới thời nhà Trần, Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng và có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Chùa chiền dưới thời nhà Trần được xây dựng khắp nơi và đã trở thành không gian thiêng trong đời sống văn hóa tinh thần của xã hội.
1. Dấu ấn Phật giáo dưới thời Trần
Yếu tố đưa đến thành công và những đặc sắc của Phật giáo thời Trần là không tách rời với sự nghiệp gìn giữ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đạo Phật thật sự đã được gieo mầm từ lâu và trải qua bao thế kỷ đã thích nghi với phong tục, tín ngưỡng và con người Việt Nam. Dưới thời Trần, Phật giáo đã trở thành cốt tuỷ và hoà nhập với nền văn hóa dân tộc, nói theo cách nhà Phật là như nước với sữa. Do đó, đạo Phật hoàn toàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của một dân tộc khao khát hoà bình, yêu độc lập, tự do. Khi đất nước bước vào cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, đạo Phật trí tuệ tập hợp những tâm hồn yêu nước, thương dân, đoàn kết nhân tâm với ông Bụt từ bi, với Quan Âm cứu khổ và giáo lý thực tiễn không tách rời cuộc sống bằng thân, khẩu, ý đã làm nên một sức mạnh vô song đủ sức chống lại mọi kẻ thủ xâm lược.
Đặc sắc của Phật giáo đời Trần là tính nhập thế tích cực “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp” (Phật pháp ở tại thế gian, không xa rời thế gian). Đạo không tách rời đời và đời cũng không thiếu vắng đạo, cả hai đã trở thành một hợp thể linh động, sáng tạo và diệu dụng trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói rằng các vị vua, các thiền sư thời Trần đã sử dụng đúng tiềm năng của đạo Phật, khiến Phật giáo trở thành một thế lực hùng mạnh yểm trợ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của triều đình.
Nói về Phật giáo đầu đời Trần, đạo Phật không chỉ có dân tu, mà vua cũng tu. Nói như nhà nho Lê Quát đời Trần rằng “phân nửa thiên hạ đi tu”, người xuất gia quá đông, đa số dân chúng là người tu tại gia, chùa chiền đâu cũng có. Lúc bấy giờ đạo Phật bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Phật giáo đồ Việt Nam và có ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống, văn hóa, tư tưởng, đồng hóa với hầu hết mọi hình thức tín ngưỡng, tập tục sơ khai. Cũng không biết từ bao giờ, những ngôi chùa đã mọc lên như một bộ phận hữu cơ, gắn bó thân thiết với cộng đồng xã hội “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Đất thì đất của vua, nhưng coi sóc phần hồn, phần đời sống tình cảm, lại là các vị sư trong chùa. Đó cũng chính là những tri thức đầu tiên của làng, những người có uy tín và được trọng vọng, đã góp phần động viên quần chúng trong nhiều cuộc kháng chiến chống đế quốc phương Bắc của dân tộc ta.
Sang đến nửa sau thế kỷ thứ XIV, những “chiếc rễ” đạo Phật ngày càng ăn sâu thêm trong nếp sống tình cảm và tín ngưỡng của giới đại chúng bình dân, nhưng không còn giữ vai trò lãnh đạo trí thức, văn hóa và chính trị. Giới trí thức hướng về đạo Nho như phương châm cứu nước và dựng nước. Còn với đạo Phật, là tôn giáo tồn tại trên đất nước ta đã lâu, in dấu ấn khá sâu sắc vào văn hóa dân tộc, phong tục tập quán và đức tính con người. Tông phái Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong nhân dân ta là Tịnh độ tông, kế đó là Thiền tông. Tịnh độ tông đem lại tư tưởng vị tha, từ bi, cứu khổ cứu nạn, tinh thần bình đẳng chất phác, lòng thương yêu người như thương thân mình, một tình thương bao la, tình thương đồng loại và tình thương mọi sinh vật. Thiền tông thì sâu về tư tưởng, được nhiều vua Trần ủng hộ và chủ trương.
Với tất cả những yếu tố đó, Phật giáo thời Trần đã trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, có ảnh hưởng và tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, làm nên những vẻ vang trong lịch sử của nhà Trần.
2. Những ảnh hưởng của Phật giáo thời Trần
Trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ độc lập dân tộc:
Trải qua các triều đại, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, trên con đường đấu tranh dựng nước và giữ nước, quốc gia Đại Cồ Việt, rồi Đại Việt không ngừng được củng cố, trưởng thành và vững mạnh. Để có một đất nước hùng cường, bên cạnh việc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập, một vấn đề đặt ra không kém phần quan trọng là đấu tranh cho nền thống nhất vững chắc của đất nước. Đã từ lâu đời, đại gia đình các dân tộc chung sống ổn định trên lãnh thổ thuộc quốc gia Đại Việt đã biết chụm nhau lại, đoàn kết thành một khối để tồn tại và phát triển “đoàn kết là sức mạnh”, chân lý đó không còn là một bài học đầu miệng, mà đã thấm vào xương tủy và biến thành hành động đối với mọi thành viên trong xã hội. Chân lý ấy đã nhào nặn lên tâm hồn, đức tính và những giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Trong sức mạnh tinh thần ấy, thực tiễn đã chứng minh khẳng định có tư tưởng chủ đạo của đạo Phật, mà các vị vua Trần là những Phật tử thuần thành, là những thiền sư, đã trị nước với tâm vô ngã, vị tha của đạo Phật. Nhờ vậy đã hội tụ được những tướng sĩ tài ba thao lược, dân và quân một lòng yêu nước thương nhà, đồng tâm đoàn kết. Tinh thần từ bi đoàn kết của đạo Phật kết hợp với tinh thần nồng nàn yêu nước của dân tộc Việt Nam rõ ràng không chỉ làm nên một bản lĩnh ý chí chiến đấu mà còn là nền tảng của chính sách ngoại giao mềm dẻo, đức độ, cao thượng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Phật giáo với tư tưởng truyền thống ái quốc bấy giờ với những ông vua đời Trần mà hàng đầu là các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Đó là những ông vua đã biết lấy lòng dân làm lòng mình, lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình. Những ông vua ấy đã học, hiểu và thi hành giáo lý uyên bác của đạo Phật, để trở thành những đấng minh quân. Những ông vua Phật ấy đã điều khiển được sức mạnh tinh thần kỳ diệu tạo nên chiến công vẻ vang.
Trong vòng 30 năm (1258 - 1288), dân tộc ta đã ba lần đương đầu với những đạo quân xâm lược khét tiếng của đế quốc Nguyên Mông và sau mỗi cuộc kháng chiến, dân tộc ta lại càng kiên cường, sáng tạo và thắng lợi càng vang dội hơn. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của thời đại nhà Trần là một bài ca anh hùng bất hủ, là sự thể hiện sâu sắc và rực rỡ lòng yêu nước, khí phách anh hùng, trí thông minh sáng tạo và sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta. Từ mọi tầng lớp xã hội, từ các thành phần dân tộc, và các lứa tuổi khác nhau, qua kháng chiến, đã xuất hiện biết bao con người và sự tích anh hùng tiêu biểu cho phẩm chất cao quý. Thắng lợi to lớn của dân tộc ta đã nêu cao tấm gương về sức mạnh và khả năng chiến thắng của một dân tộc kiên quyết đấu tranh bảo vệ lẽ phải và chiến thắng sẽ luôn luôn thuộc về lẽ phải, bất luận kẻ thù có hung bạo và sức mạnh đến đâu.
Trong việc xây dựng gia giáo của người Việt:
Muốn cải tạo xã hội, trước hết phải chuyển hóa con người, chuyển vọng thành chân, chuyển mê thành ngộ. Mà muốn thay đổi con người phải tin rằng mỗi con người đều có trong mình phật tính. Đó là lời ân cần nhắc nhở của thiền sư Viên Chứng với vua Trần Thái Tông: “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm” (Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm ta). Tự tin mình có Phật tính đồng nghĩa với tự tin mình có chân lý, có một sức mạnh vạn năng. Đấy là yếu tố quyết định chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược, mà sức mạnh ấy được kết tinh trên cơ sở sức mạnh của tinh thần Phật giáo được đi đôi với tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc, với một nền kinh tế phồn vinh và quốc phòng vững chắc. Đạo Phật đã tỏ ra đáp ứng tích cực những đòi hỏi bức xúc của dân tộc ta trong thế kỷ thế XIII, thế kỷ xây dựng và bảo vệ đất nước. Đạo Phật đã hòa mình vào dòng sống dân tộc, tạo ra sức mạnh tinh thần, đưa đất nước đến nhiều thắng lợi, nâng thời đại mình ngang tầm với lịch sử. Điều quan trọng là không những chiến thắng đối phương mà còn tự chiến thắng chính mình, như vua Trần Nhân Tông nói:
“Buông lửa giác ngộ đốt hoại thảy rừng tà ngày trước
Cầm kiếm trí tuệ quét cho không tính thức thuở nay”.
(Cư trần lạc đạo phú)
Đời Trần là một trong những điểm son nổi bật nhất trong suốt quá trình giữ nước trong lịch sử Đại Việt. Trong đó, Phật giáo đã tích cực góp phần tạo dựng cho xã hội đời Trần thành tựu rực rỡ. Một xã hội được giáo dục bằng giáo lý Ngũ giới và Thập thiện, mà các vua Trần xem đó là khuôn mẫu, là một chuẩn mực sống cho toàn dân. Điều này đã được chứng minh rất rõ ràng qua phần lịch sử. Phật giáo đời Trần đã góp phần xây dựng cải tạo gia đình và xã hội, đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người, hướng đến đời sống chân, thiện, mỹ. Vì cá nhân có an vui, gia đình, xã hội mới bình an, mà các vua đầu đời Trần đã thể nghiệm và rất thành công. Giáo lý Ngũ giới hay Thập thiện chẳng phải là vấn đề xa xôi, một giáo điều nghiêm ngặt, hay những điều mang tính thần thánh cao siêu mà nó rất thiết thực, rất gần gũi con người, không chỉ ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, mà chừng nào con người còn những nỗi thống khổ, bức bách trong đời sống, thì khi đó nó vẫn còn có giá trị. Từ đó chúng ta mới thấy rõ giá trị và lợi ích thiết thực của Ngũ giới hay Thập thiện đối với cuộc sống, thấy rõ tài đức của các vị vua đời Trần đã giác ngộ, giáo dục người dân sống hạnh phúc, xã hội được hài hòa, ổn định.
Trong văn học:
Lúc bấy giờ, văn học chữ Hán chiếm ưu thế trên văn đàn. Những tác phẩm lớn nhất, có giá trị nhất cũng chính là tác phẩm văn học chữ Hán. Văn học chữ Nôm cũng đã xuất hiện và bước đầu có những cống hiến của mình. Chữ Nôm, một loại văn tự được ông cha ta sáng tạo trên cơ sở tiếp nhận chữ Hán, vốn có một lịch sử khá lâu dài trước đó, từ buổi đầu mới giữ vai trò bổ sung cho chữ Hán, đến đây, từ địa vị của một thứ văn tự chỉ làm nhiệm vụ bổ sung, chữ Nôm đã phát triển thành chữ viết văn học. Điều đáng lưu ý là dưới thời Trần, chẳng những là nho sĩ mà quí tộc rồi Hoàng đế và Thượng hoàng cũng cùng tham gia sáng tác văn học chữ Nôm. Trong An Nam chí lược, Lê Trắc còn cho biết lúc bấy giờ người ta còn dùng chữ Nôm để sáng tác nhạc. Văn học đời Trần thấm nhuần tính cách dung hợp và khai phóng của đạo Phật. Nền học vấn của đời Trần không bị ràng buộc bởi khoa thi cử, chính sách tôn giáo của nhà Trần là một chính sách tự do và bình đẳng, giới sĩ phu dù xuất thân từ truyền thống tôn giáo nào cũng được triều đình đãi ngộ rất hậu. Đó là những nguyên nhân khiến cho văn học đời Trần giàu có, sáng ngời và đầy ý thức tự tin. Thi ca đời Trần chịu ảnh hưởng thiền học sâu đậm với những tác phẩm mang nặng dấu ấn Phật giáo.
Văn học thời Trần có nhiều thể loại như: truyện ký, chính sự, sử học, thơ văn, phú, hịch, v..v… trong đó có nhiều sáng tác có nguồn gốc hoặc liên quan đến các thiền sư. Vua Trần Nhân Tông, nhà sư Huyền Quang đã để lại những tác phẩm văn học Phật giáo bằng chữ Nôm như: Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Cư trần lạc đạo phú, Vịnh Vân Yên tự phú. Tác phẩm của Trần Thái Tông gồm có: Kim cang tam muội kinh tự, Thiền tông chỉ nam tự, Khoá Hư lục; Tuệ Trung Thượng Sĩ còn năm mươi bài thơ, kệ; Pháp Loa có Đoạn sách lục và một chương thiền đạo gồm bốn bài luận thuyết. Những tác phẩm này vẫn được truyền đến ngày nay và trở thành những nguồn sử liệu vô cùng quí báu, không những đối với việc nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc mà còn đối với việc nghiên cứu ngôn ngữ văn tự. Những đóng góp văn học của các thiền sư đời Trần đã và mãi mãi là những “đóa hoa tươi đẹp”, là những tài sản quý báu trong nền văn học dân tộc. Mỗi dòng thơ của các thiền sư là những vầng hào quang tỏa ngát hương thơm và hòa quyện cùng không gian soi sáng cho thế hệ của chúng ta, một con đường, một hướng đi đích thực, an trú hạnh phúc bất tận trước mọi dòng thời gian.
Trong nghệ thuật, kiến trúc mỹ thuật:
Những ngôi chùa tháp được dựng lên từ bàn tay khối óc và niềm tin của quần chúng, không phải để phục vụ cho tầng lớp trí thức, giai cấp quí tộc mà chủ yếu là phục vụ cho tín ngưỡng quần chúng dân gian. Mặc dầu vua quan xây dựng chùa tháp cũng có lúc vì cá nhân, nhưng cá nhân đã được hòa chung với ý muốn của quần chúng nên nó mang tính tập thể, tính cộng đồng, vì lợi ích chung của toàn dân là sản phẩm của cả dân tộc. Hơn bao giờ hết hình ảnh ngôi chùa trở nên thân quen và gần gũi trong đời sống của quần chúng.
Về tượng, bên cạnh tượng Phật là hàng loạt những pho gồm nhiều chủng loại. Các tượng Phật thời Trần thường có dáng ngồi, mắt lim dim, tai to. Các loại tượng khác như tượng người, tượng ngựa… phần nhiều được tạc bằng đá và chủ yếu là được đặt ở các lăng mộ hay điện thờ.
Tương tự như phù điêu thời Lý, phù điêu thời Trần thường có hình người. Phong phú nhất trong nghệ thuật điêu khắc là những bức chạm trang trí ở khắp các công trình kiến trúc. Có bức thể hiện sự du nhập của nghệ thuật Chiêm Thành, như hình người có cánh, hình chim đánh trống, hình thần Garuda…Có những bức thể hiện ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Quốc, nhất là hoa văn ở các câu đối, câu liễn hay ở những bức hoành phi… Nhưng đáng kể hơn cả vẫn là những bức chạm khắc thể hiện bản sắc riêng của nghệ thuật điêu khắc đời Trần. Trong phần lớn các bức chạm khắc trang trí, người ta thấy có nhiều họa tiết hoa sen, hình núi hoặc các hoa cúc nối tiếp nhau. Đặc biệt hình rồng trơn và lá đề, vốn phổ biến dưới thời Lý, đến đây vẫn là họa tiết trang trí chủ đạo, chỉ khác là đầu rồng to hơn, được chạm từng cặp, uốn mình trong lá đề. Họa tiết hình rồng và lá đề được tìm thấy khá nhiều ở các chùa như Phật Tích, chùa Long Đọi Sơn, chùa Phổ Minh...
Qua quá trình đào thải, chọn lọc và nâng cao để củng cố nền độc lập và tự chủ dân tộc, một tinh thần tự hào, một ý thức tự tôn về sự tồn tại của đất nước được xác định một cách vững vàng, Nhà Trần đã lập nên những chiến công hiển hách, những thành tựu rực rỡ trong công cuộc trị quốc, trong kiến thiết đất nước cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần. Đó là những thành quả vô giá của người dân Đại Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm. Đó cũng là cách để người dân trên đất nước Việt Nam gìn giữ và phát huy các giá trị cũng như bản sắc của văn hóa Đại Việt.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm