Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 04/04/2022, 14:59 PM

Phật giáo và tuổi trẻ

Phật giáo chỉ ra con đường đưa đến an lạc và giải thoát cho tất cả mọi lứa tuổi, mọi thành phần, đặc biệt là cho giới trẻ bởi vì tuổi trẻ cần định hình nhân cách, xác định mục tiêu phấn đấu và lý tưởng đẹp đẽ cho cuộc đời, phải tu dưỡng rất nhiều để trở thành công dân tốt cho xã hội.

Trải qua hơn 25 thế kỷ, Phật giáo truyền bá khắp năm châu, tại mỗi quốc gia, các tổ chức Phật giáo áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, tổ chức quy tụ và có những chương trình cụ thể để góp phần giáo dục uốn nắn thế hệ trẻ. Chúng ta hãy khảo sát qua những phương thức ấy và tổng hợp đưa ra những cách khả thi nhất áp dụng cho việc ảnh hưởng Phật giáo đến giới trẻ tại Hoa Kỳ để mang lại lợi lạc nhất cho nhân sinh và phát triển Phật Pháp.

I. Quá trình thành lập Gia đình Phật tử Việt Nam:

Phật giáo Việt Nam từ năm 1934-1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo tăng tài, các lớp Phật học cho thanh thiếu niên. Ở miền Trung, Bác sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám có công đóng góp rất lớn trong việc xây dựng nên tổ chức sinh hoạt Gia đình Phật tử. Vào ngày 14 tháng 8 năm 1938, trong kỳ Đại Hội của Tổng Hội An Nam Phật Học tại Huế, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã phát biểu: “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ thanh thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”. Câu nói ấy xuất phát từ tầm nhìn chiến lược sâu xa, làm động lực thúc đẩy cho một quá trình dài phấn đấu, cuối cùng đã hình thành được các tổ chức thanh thiếu niên phật tử.

Vào mùa Thu năm 1940, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục (ĐTNPHĐD), từ đấy bắt đầu xúc tiến hình thành Ban Đồng Ấu Phật giáo để quy tụ thanh, thiếu, đồng niên đến chùa học Phật Pháp, tụng kinh, nghe giảng giáo lý, vui hát, rước lễ dâng hoa… Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam cũng như phôi thai hình thành Ban Đồng Ấu bắt đầu trỗi lên ở Huế và Hà Nội, rồi phát triển lan dần khắp các tỉnh. Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục thành lập Phật học Tùng thư để xuất bản kinh sách mà phần lớn do Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục biên soạn.

Ở miền Bắc, tháng 5 năm 1945, danh hiệu Tổ chức Phật giáo được cải đổi là Hội Việt Nam Phật giáo do Hòa thượng Tuệ Tạng (Tổ Cồn) làm Hội trưởng, trong khi các Ngài Tố Liên và Trí Hải được ủy nhiệm điều hành thường trực công việc. Từ khi thành lập, ngoài việc kết hợp sơn môn, tu đính giới luật tăng sự, thiết lập đạo tràng, Phật học đường tại các tổ đình để đào tạo tăng chúng, đồng thời Chư tôn đức tăng, ni cùng một số cư sĩ trong Ban Quản trị đã thực hiện việc quy tụ thanh, thiếu, đồng niên, con em hội viên để hình thành Ban Đồng Ấu, hàng tuần chiều thứ năm và sáng Chủ Nhật đến chùa học kinh nghĩa; rước lễ, dâng hoa các ngày đại lễ; tụng niệm; sinh hoạt vui chơi; tập hát các bài hát theo điệu nhạc truyền thống dân tộc do cư sĩ Thiều Chữu (tác giả cuốn Hán-Việt tự điển) hướng dẫn. Đó là thời kỳ sơ khai hình thành Ban Đồng Ấu Phật giáo tại Bắc Kỳ.

Khi sinh hoạt thanh thiếu niên phật tử phát triển rộng khắp, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chung, nên Gia đình Phật Hóa Phổ đã triệu tập cuộc họp tại trụ sở Hội Phật Học Trung Việt (đường Nguyễn Hoàng) bầu Ban Hướng dẫn Gia đình Phật Hóa Phổ Trung Việt (1951) gồm:

Trưởng ban: Võ Đình Cường.

Các Thành viên: Lê Cao Phan, Lê Mộng Đào, Phan Cảnh Tuân, Nguyễn Xuân Quyền, Hoàng Thị Kim Cúc…

Ngày 6 tháng 5 năm 1951, Đại hội thống nhất Phật giáo 3 miền được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế, lấy danh hiệu “Tổng Hội Phật giáo Việt Nam”. Đại hội này, khóa huấn luyện Huynh trưởng đầu tiên do Ban Hướng dẫn Gia đình Phật Hóa Phổ Thừa Thiên – Huế được ủy nhiệm đảm trách tổ chức. Nhân dịp này, đại hội Gia Đình Phật Hóa Phổ tại chùa Từ Đàm, Huế đã quyết định đổi danh xưng thành Gia đình Phật tử Việt Nam

II. Lợi ích của sinh hoạt thanh thiếu niên phật tử:

Đối với những thanh thiếu niên sinh hoạt Phật Pháp nơi mái chùa, họ sẽ có ảnh hưởng tốt đẹp bới môi trường lành mạnh, Thầy sáng bạn lành, tục ngữ Việt Nam có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, trong Quy Sơn Cảnh Sách có dạy: “Gần gũi người hiền thì như đi trong sương móc, tuy không ướt áo mà lúc nào cũng thấm đượm”. Giáo dục một đứa bé từ nhỏ cho đến khi trưởng thành nên người là cả một quá trình dày dạn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường, nhà chùa và xã hội. Nếu không quan tâm chăm sóc thường xuyên đến thanh thiếu niên thì họ sẽ say mê trong các trò chơi, game, thế giới ảo internet, facebook, youtube, hoặc rong chơi với bạn bè, có trường hợp cảm thấy lạc lõng, cô đơn, trầm cảm một mình, như vậy vừa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, vừa lãng phí thời gian và dễ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu do đua đòi theo phong trào với bạn bè.

– Quả đúng như ông bà ta đã nói: “dạy con, dạy thuở còn thơ, măng không lo uốn đợi đến tre mới uốn làm sao được?”. Giai đoạn từ khi sinh ra cho đến 14 tuổi cực kỳ quan trọng định hình nền tảng nhân cách, khuynh hướng cho cả đời người. Môi trường chùa chiền là rất tốt cho các em đến sinh hoạt và có nhiều thời gian sống trong đó để dần dần lĩnh hội được đạo đức Phật giáo, luật nhân quả, hiếu nghĩa, làm điều lành, tránh xa điều ác, tu dưỡng bản thân và dấn thân phục vụ, sống mình vì mọi người để có được một đời sống ý nghĩa, xứng đáng.

– Sinh hoạt tại chùa cùng với thanh thiếu niên phật tử khác, em đó có nhiều cơ hội tham gia trò chơi, sinh hoạt ngoài trời, đó là những hình thức thể dục thể thao, phát triển cơ bắp và nhiều cơ quan chức năng trong cơ thể, tốt cho sức khỏe.

– Đặc biệt các em sinh hoạt với nhóm thanh thiếu niên phật tử nơi chùa Việt Hải ngoại thì có cơ duyên tiếp xúc nhiều em gốc gia đình người Việt khác như vậy dễ cảm thông, dễ hiểu nhau hơn, kết bạn thân, có thêm động lực để nỗ lực trau dồi tiếng Việt. Đó là chìa khóa để từng bước thâm nhập văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam.

– Chùa chiền là nơi có lớp dạy về Phật Pháp căn bản và đạo đức, truyền trao kinh nghiệm để tu dưỡng rèn luyện làm chủ Thân Khẩu Ý của mình, hun đúc ý chí, phát triển Giới, Định Tuệ, khai dụng trọn vẹn nhất mọi tiềm năng sẵn có nơi mọi người, nuôi dưỡng lý tưởng cao quý làm tốt Đạo, đẹp Đời. Ở trường lớp. các em chạy đua theo việc nâng cao kiến thức, đòi hỏi tiếp thu và tiêu thụ khối lượng lớn kiến thức, không đủ thời gian để học sâu bộ môn “Rèn nhân cách”, “công dân giáo dục”, “học Đạo làm người” thì nơi nhà chùa các em được giáo dục chú trọng mảng này. Nếu các em phát triển cả ba lĩnh vực: a) hấp thu văn hóa, phong tục tập quán, những tinh hoa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam xuyên suốt 4000 ngàn năm văn hiến, b) văn minh kỹ thuật nơi trường lớp phương Tây và c) tư tưởng, tâm linh, tinh thần nơi Phật giáo thì các em phát triển vững vàng như kiềng ba chân trước mọi biến thiên nghịch cảnh của cuộc đời.

– Như vậy gia đình có nhiều ích lợi nếu thường đưa con em mình đến chùa sinh hoạt. Họ có thể yên tâm làm việc khác khi con em mình tu học nơi đó. Những tu sĩ với đạo hạnh thanh cao, là những “kỹ sư tâm hồn”, là nơi tin cậy cho mọi người quy ngưỡng, nương nhờ, có kinh nghiệm dày dạn trong việc điều ngự, chế phục, làm chủ bản thân mình sẽ dạy các em nhiều hơn về điều hay lẽ phải mà gia đình chưa trang bị được. Môi trường thiêng liêng, thánh thiện đó giúp cho con em họ ý thức nhân quả, kiêng dè điều xấu ác, khắc phục thói hư tật xấu của mình, có thói quen suy nghĩ : không điều gì có thể che giấu được Phật Thánh hay là phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó, do đó biết vâng lời hơn, biết phục thiện hơn. Chùa hỗ trợ rất nhiều cho gia đình trong quá trình giáo dục cho con em phát triển toàn diện.

Tap-chi-nghien-cuu-phat-hoc-Bac-si-Tam-Minh-Le-Dinh-Tham-3

– Lợi ích đối với chùa chiền: có các em sinh hoạt chùa thêm sinh tựu, sinh khí, đó là những cánh tay nối dài của chư tăng là phụng sự viên đầy tâm huyết và đắc lực, có người để lo phụ giúp công việc, công quả, để múa dâng hoa, làm hàng rào danh dự cung nghinh Chư tôn đức và đại biểu, văn nghệ cúng dường, múa lân,… mỗi khi có lễ hội Phật giáo.

– Lợi ích đối với xã hội: chùa chiền là nơi bất vụ lợi, không nhất thiết đòi hỏi những ngân sách từ chính phủ mới tổ chức các hoạt động của mình, lại có thể có chức năng lớn lao và quan trọng giáo dục nên những công dân tốt cho xã hội. Tương lai, vận mệnh của quốc gia dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào việc học tập và rèn luyện của các em, các cháu hôm nay. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, không phải đợi một người phạm pháp rồi mới cần đến tòa án, pháp luật mà quan trọng là biết ngăn ngừa từ xa, tốt hơn là nên hướng đạo cho họ đi trên con đường chính. Ngoài ra, đối với những trường hợp cá biệt như các em bị bệnh trầm cảm, thua thiệt nhiều khuyết điểm, nhiều mặc cảm hoặc đang cần quản thúc, cải tạo, cai nghiện, khắc phục thói hư tật xấu,… xã hội an tâm giao phó những công tác ấy cho chùa chiền, nơi có thể bồi đắp, tưới tẩm, chữa lành vết thương của con người để rồi xã hội có được những thành viên có chí hướng thanh cao, năng động tích cực, sống dấn thân, phục vụ, đầy đủ thể lực, trí lực, tâm lực, đạo lực để có nhiều cống hiến cho xã hội thăng hoa.

III. Những khó khăn thách thức của thời đại hiện nay đối với việc tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên phật tử tại chùa:

– Về thời gian: Thời nay các em khá bận rộn với việc học chính quy rồi học kèm, học thêm, học võ, học ngoại ngữ, học nhạc, tin học, hướng nghiệp,… cho nên không được vô tư, thoải mái, rộng rãi thời gian để sinh hoạt cả ngày Chủ Nhật hoặc nhiều hơn nữa như thời trước kia.

– Về phương tiện giao thông: nhiều trường hợp cha mẹ phải đưa đón đến chùa và trở ngại trong việc sắp xếp thời gian làm việc này.

– Về thú vui, cám dỗ: cuối tuần theo thói quen đi chơi với bạn bè tự do hơn, đông vui hơn, game, internet, lướt vào thế giới ảo có những quyến rũ của nó, giai đoạn đầu các em ngại sự gò bó của nội quy, điều luật, khuôn khổ khi sinh hoạt tại chùa và cảm thấy “mất tự do”, gò bó, không thoải mái.

– Về ngôn ngữ : đối với chùa Việt Hải Ngoại, nếu những vị tu sỹ không biết tiếng địa phương nơi đó thì sẽ gặp trở ngại khi giao tiếp với các em. Đó là khoảng cách, hàng rào ngôn ngữ.

IV. Phương thức tổ chức sinh hoạt cho thanh thiếu niên phật tử tại chùa

Khi hiểu rõ về lợi ích và những khó khăn trong tổ chức sinh hoạt cho thanh thiếu niên phật tử như vậy, chùa chiền cần phải có sự uyển chuyển, tổ chức sinh hoạt thích hợp, tận dụng được những khoảng thời gian rảnh, đáp ứng được những nhu cầu trước mắt và về lâu về xa, kích thích vào tâm lý sở thích của các em như:

+ Tổ chức Gia đình Phật tử truyền thống: với các lớp oanh vũ, đoàn sinh, huynh trưởng, đoàn quán,…kế thừa và phát huy những ưu điểm trong sinh hoạt GĐPT từ khi thành lập đến nay.

+ Tổ chức các lớp mang nhiều lợi ích cho các em như: lớp Việt Ngữ, lớp võ, lớp nhạc, đạo ca, lớp vi tính văn phòng và công nghệ thông tin, hoặc lớp bồi dưỡng phụ đạo cho các môn học chính trong chương trình phổ thông, buổi nói chuyện chuyên đề của những nhân vật chuyên môn, thành công, nổi tiếng,… để các em có động lực và nền tảng cho sự phát triển mọi mặt.

+ Có thời khóa sinh hoạt hài hòa, khoa học cho các em bao gồm: tụng niệm, giảng dạy tiếng Việt, Phật pháp, đạo đức, sinh hoạt ngoài trời (khi thời tiết cho phép), vận động và trò chơi, có giáo trình từ thấp đến cao cho tiếng Việt và Phật Pháp.

+ Tu sĩ làm cố vấn giáo hạnh, kết hợp tốt và chỉ đạo các huynh trưởng phụ trách lớp giáo lý và sinh hoạt cho thanh thiếu niên phật tử, hướng dẫn ngày càng nhiều các em Quy y Tam Bảo và trở nên phật tử thuần thành.

+ Các khóa tu phù hợp cho các em cùng tu học với nhau như: tuổi trẻ hướng Phật, xuất gia gieo duyên, khóa tu sinh viên,… khi ấy hành giả là những thanh thiếu niên phật tử, lứa trẻ với nhau dễ cảm thông và sinh hoạt thích ứng cùng nhau.

+ Các lớp giáo lý ban đêm với cấu trúc giáo án phù hợp cho nhu cầu của các em như: sơ đẳng Phật học, trung cấp Phật học, cao đẳng Phật học, hôn nhân gia đình, rèn nhân cách, đạo đức học Phật giáo, chính niệm và thiền,….

+ Tăng đoàn hay Giáo hội tổ chức các khóa tu học tập trung, các hội trại, liên kết nhiều chùa trong phạm vi cấp tỉnh hoặc toàn quốc để các em tiếp xúc với nhau nhiều hơn, an tâm và tự hào cảm thấy mình là một thành viên trong phong trào thanh thiếu niên phật tử rộng khắp toàn quốc, kết duyên lành, học hỏi những điều hay lẽ phải lẫn nhau, thi đua để cùng nhau tiến bộ,… mang đến nhiều niềm vui, kỷ niệm, ấn tượng đẹp đẽ lâu dài trong các em.

Tap-chi-Nghien-cuu-Phat-hoc-So-thang-7.2021-Vai-tro-cu-si-Tam-Minh-Le-Dinh-Tham-3

+ Tổ chức cho các em chơi thể thao và các giải thi đấu thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, cầu vợt, tennis, chạy xa, nhảy cao, yoga, võ thuật,…

+ Nếu hiện tại chùa chiền nào đó thiếu tu sĩ để hướng dẫn cho các em thì có thể chiêu hiền đãi sĩ, bảo lãnh, mời thỉnh các tu sĩ khác phù hợp với lứa tuổi, có vốn liếng khá về ngoại ngữ, có tâm lý, tâm huyết kinh nghiệm cuộc sống, kiến thức, khả năng dồi dào để đến ở chùa và tổ chức sinh hoạt cho thanh thiếu niên phật tử.

+ Không những chỉ hướng đến các trẻ em gốc người Việt mà nếu các em mang bạn bè là người bổn xứ hoặc các sắc tộc khác đến thì vẫn tổ chức sinh hoạt với ngôn ngữ bản xứ hoặc tiếng Anh để Phật Pháp lan tỏa đến khắp mọi người, không có phân biệt giới hạn màu da, sắc tộc, không gian nào.

Vào năm 2019, theo công bố chính thức của việc điều tra dân số tại Việt Nam: “có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo Công giáo là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Tiếp đến là số người theo Phật giáo với 4,6 triệu người, chiếm 35% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước….”(1) Công bố này là có thể chưa thật hoàn toàn chính xác về số lượng người phật tử nhưng dù sao cũng đã là cú sốc toàn tập cho Phật giáo Việt Nam bởi vì chúng ta cứ mặc định rằng với chiều dày hơn 2000 năm hiện diện, sinh hoạt và đóng góp quan trọng của Phật giáo đối với đất nước Việt Nam thì số người theo Phật giáo tại Việt Nam phải chiếm hơn 40 % dân số toàn quốc. Đó là hồi chuông cảnh báo nếu như không khéo léo uyển chuyển, tổ chức nhiều cách sinh hoạt phù hợp thì thế hệ trẻ ngoảnh mặt quay lưng với Phật giáo. Nếu chúng ta không quan tâm kịp thời thì tuổi trẻ ít hoặc không đến chùa, nhất là các chùa ở Hải ngoại, vậy khi những người phật tử lớn tuổi kia không còn sức hoặc không tồn tại ở thế gian để sinh hoạt nữa thì chùa chiền đi về đâu, có lực lượng bổn đạo phật tử nào để duy trì sinh hoạt? Có phải là chùng ta mải miết lo xây dựng cơ sở tự viện mà quên đi việc xây dựng nhân sự, thế hế tiếp nối trong khi yếu tố nhân sự bao giờ cũng là yếu tố quan trọng nhất, chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề. Đã từng có nhiều nơi cải gia vi tự rồi sau đó cải tự vi gia hoặc là chùa đó vắng vẻ hoang phế, thiếu người sinh hoạt, không có thế hệ kế thừa để tiếp tục đạo nghiệp. Ý thức được điều đó, người tu sĩ và ban điều hành các chùa chiền phải hết sức yêu thương, quan tâm, tạo điều kiện và tổ chức sinh hoạt cho giới trẻ, thanh thiếu niên phật tử. Tu sĩ không vì mệt mỏi với phật sự mà lơ là khi các em đến viếng thăm, chào hỏi mà luôn đáp lễ thăm hỏi, khuyên bảo các em mọi lúc mọi nơi khi gặp mặt và trở thành đối tượng cho các em kính trọng, gần gũi, học hỏi được nhiều từ Thân giáo, Khẩu giáo, Ý giáo, biểu tượng đẹp đẽ cho các em noi theo và phấn đấu, là nơi tin cậy cho các em thổ lộ tâm tình, tư vấn và xin lời khuyên bảo những khi cần thiết,…

Mong rằng phụ huynh khuyến khích và tạo điều kiện thuận tiện để các em đi sinh hoạt nơi chùa chiền nhiều hơn, những vị tu sĩ, ban điều hành tự viện ý thức đầy đủ ý nghĩa và trách nhiệm thiêng liêng này để quan tâm và tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên phật tử thật tốt. Đó là cách thiết thực để dìu dắt nhiều người đi trên Chính đạo, hoằng dương Chính pháp, góp phần phát triển nước nhà và giúp cho thế giới này thêm chân thiện mỹ.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sự oán hận của vong hồn thai nhi

Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024

Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.

Đi chùa sám hối?

Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024

Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.

Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao

Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024

Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.

“Đây là lời thật lòng của tôi, người từng ở trong bùn lầy và đã ra khỏi bùn lầy”

Phật giáo và người trẻ 13:45 08/11/2024

Người ta có thể phạm rất nhiều lỗi trong đời, nhưng ngàn vạn lần không nên phạm tội tà dâm! Cổ nhân nói: “Vạn ác, dâm đứng đầu!” Nhưng mãi đến hôm nay tôi mới nhận ra uy lực của câu nói này.

Xem thêm