Phật pháp nhiệm màu: Tấm vé xe của Quán Thế Âm Bồ tát
Mẹ tôi tin “chắc như đinh đóng cột” vào sự linh ứng của Đức Quan Thế Âm, và luôn nhắc nhở con cháu và mọi người quen lạ, nên thành tâm cầu nguyện Đức Quan Thế Âm!
Mẹ nhất quyết:
“Bất cứ ai, hễ gặp bất trắc, tai nạn khổ đau mà thành tâm niệm danh hiệu Đức Quan Thế Âm thì Ngài sẽ cứu độ cho tai qua nạn khỏi, nếu không được ngay thì sớm muộn mọi sự cũng hanh thông tốt đẹp”
Câu niệm “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” đã nhập tâm và theo mẹ tôi suốt cho đến cuối đời.
Thật ra, hồi đó tôi không mấy quan tâm, và cũng như mọi người trong nhà, tôi cho là mẹ “mê tín”.
Lên trung học, được tiếp cận mớ kiến thức nhà trường với sách báo, phim truyện…, tôi lại càng nghi ngờ điều mẹ tin, cho là thiếu cơ sở khoa học.
Trong những năm đầu thập niên 50-60, trào lưu triết học phương Tây thịnh hành, triết lý hiện sinh như là mốt được giới trẻ học sinh, sinh viên hâm mộ tôn sùng.
Tôi, một đứa nhà quê lên phố học, cũng như phần đông thanh niên thời đó, muốn giũ bỏ cái lốt quê mùa bằng cách tập tò học đòi “mốt trí thức” với cặp kính trắng và những quyển sách triết học của Albert Camus, J. Paul Satre luôn lè kè bên mình.
Triết học Hiện sinh, vấn đề thời thượng mà ở bất cứ đâu – vỉa hè, sân trường, nhà ga, bến xe, quán cà-phê… cũng đem ra bàn cãi, tranh luận, và với thái độ hoài nghi, họ thẳng thừng bác bỏ những gì mắt không thấy, tai không nghe.
Bản thân tôi cũng không ngần ngại gạt qua một bên điều mẹ tin, coi thường lời mẹ dặn, tự cho là:
“Mọi sự được mất, thành bại ở đời đều do số phận cả. Linh ứng chỉ là sự ngẫu nhiên, trùng hợp, tình cờ”.
Công hạnh của Bồ tát Quan Thế Âm
Bước vào đời trước bao nghịch cảnh phũ phàng và thất bại đắng cay, lối suy nghĩ ấy khiến tôi hoang mang không còn biết tin vào đâu?
Nhiều người cho hoàn cảnh sướng khổ đều do số phận cả. Nhưng số phận do đâu? Tôi băn khoăn tự hỏi:
“Tại sao người xinh đẹp, giàu có, hạnh phúc, kẻ lại xấu xí, bất hạnh, khổ đau?”
Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con ở một vùng quê nghèo, lại phải trải qua những năm tháng chiến tranh, mặc kệ sự vô thần của mấy đứa chúng tôi, mẹ vẫn kiên định trì niệm Ngài Quán Thế Âm với một lòng tin bất diệt.
Bao phen đối diện trước tình huống sống chết chỉ trong gang tấc, bom đạn ác liệt quanh mình, mạng sống như ngàn cân treo chỉ mành, ấy vậy mà gia đình tôi đều vượt qua được, và anh em tôi may mắn sống sót, an lành, trong khi xung quanh, bao gia đình khác tan tác, sinh ly tử biệt biết bao nhiêu mà kể.
Điều đó đã đặt ra cho tôi câu hỏi về trải nghiệm tâm linh của mẹ, đức tin vào triết học phương Tây của tôi dần bị lung lay, và sụp đổ hẳn sau một trải nghiệp kì lạ của tôi.
Chuyện là vào những năm 80, đời sống khó khăn, không những tiền bạc thiếu thốn mà thời gian, phương tiện cũng eo hẹp, việc đi lại không dễ dàng chút nào, nên có thương cha mẹ, nhớ anh em bạn bè cũng chịu.
Suốt một năm liền tôi không về thăm nhà. Đến một hôm nghe tin mẹ mất. Tôi lau vội nước mắt, lập tức thu xếp về ngay, nhưng nhanh chóng tôi lâm vào bối rối, không biết phải làm sao?
Tình hình xe tàu khó khăn, tiền bạc thiếu hụt xoay xở rất chật vật. Đang loay hoay tìm cách tháo gỡ, chợt lời mẹ dạy năm xưa thôi thúc: “Bất cứ ai, hễ gặp bất trắc, tai nạn khổ đau mà thành tâm niệm danh hiệu Đức Quan Thế Âm thì Ngài sẽ cứu độ cho tai qua nạn khỏi”
Đến lúc này rồi thì tôi dẹp hết mọi thành kiến từ trước. Tôi liền thắp một nén hương, đứng giữa trời đất thành tâm khấn cầu Đức Quan Thế Âm gia hộ cho tôi được về kịp để lo đám tang mẹ! Và tôi giữ mãi câu niệm suốt đêm với một lòng thành kính…
Bốn giờ sáng, tôi đã có mặt ở bến xe xếp hàng mua vé. Nhưng đến bảy giờ có ban quản lí bến xe thông báo “Vé đã bán hết từ chiều hôm qua!”.
Mọi người nhao nhao lên, ai nấy tỏ ra bức xúc, tức giận. Vé bán hết từ chiều qua, sao bây giờ mới thông báo? Để bao nhiêu người chầu trực? Nhưng cuối cùng, mọi người cũng đành tản đi dần, đứng đó đôi co cũng đâu giải quyết được gì. Chỉ riêng tôi là không thể…
Tôi đánh bạo vào ngay phòng vé năn nỉ, nhưng nói muốn gãy lưỡi cũng vô ích. Quay ra, tôi thở dài
ngồi xuống bậc cấp chờ một phép lạ xảy ra… kiểu như, một chuyến xe tăng cường chẳng hạn. Suốt đêm qua tôi niệm danh hiệu Quán Âm Bồ Tát, biết đâu đấy, phép lạ sẽ đến với tôi?
Thời gian trôi qua, đang dần tuyệt vọng, bỗng một người đàn ông đến bên tôi cười bảo:
– Anh có vẻ bồn chồn, hẳn có việc cần, tôi thì chưa vội!
Một câu ngắn gọn thế thôi, người đàn ông đặt tấm vé xe vào tay tôi. Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn ông ta. Chưa kịp định thần để nói câu gì, người đàn ông đã quay lưng bỏ đi luôn.
Đây là sự thật? Tôi nghi ngờ cả những gì đang diễn ra trước mắt, trên đời lại có thể có may mắn kì lạ như vậy sao ? Nhưng tấm vé đã sờ sờ trên tay.
Tôi mừng quá, vội nhảy lên xe. Ngồi xuống ghế, tôi mới sực nhớ mình chưa đưa lại tiền vé và cũng không một lời cảm ơn đến người đàn ông ấy.
Tôi đứng lên định bước xuống tìm ông ta, nhưng xe đã chuyển bánh, và nhìn quanh chẳng thấy bóng dáng người đó đâu! Tôi moi óc, cố lục lọi trí nhớ xem tôi có biết ông ta không? Ông ấy là ai mà lại tốt với tôi như vậy?
Về đến nhà, viếng mẹ và những việc khác xong. Chị tôi cho biết, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của quý thầy và quý bác trong hội, nên mọi việc đã đâu vào đấy, tang lễ được cử hành tốt.
Câu hỏi về người đàn ông cứ theo tôi mãi, cho đến khi mọi việc xong xuôi, tôi đến chùa cảm ơn sư thầy và được thầy khai mở.
Cuộc đời chúng sinh trong thế gian này nhiều khổ đau, gây nghiệp nhiều nên gặp hoàn cảnh tai ương, hoạn nạn trùng trùng điệp điệp. Vì lòng từ bi thương xót chúng sinh lầm than nên chư Phật và chư Bồ Tát đã thị hiện nhiều thân tướng khác nhau, cách thức khác nhau để cứu độ hết thảy.
Đặc biệt Đức Quan Thế Âm thị hiện tướng ngàn mắt ngàn tay, biến hóa không giới hạn. Trong phẩm Phổ Môn có viết
“…Người đáng dùng thân Trưởng-giả được độ thoát, liền hiện thân Trưởng-giả mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Cư-sĩ được độ thoát, liền hiện thân Cư-sĩ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tể-quan được độ thoát, liền hiện thân Tể-quan mà vì đó nói pháp…”
Nói chung, tùy người đáng nên dùng hình tướng gì để cứu độ, Ngài sẽ biến hiện ra thân tướng đó, hòa vào giữa dòng đời xuôi ngược, ầm thầm cứu độ, có khi người ta biết đó là Quán Âm Bồ Tát, có khi chỉ biết đó là một người tốt bụng vô danh nào đó…
Do đó bất cứ ở đâu và lúc nào Ngài cũng có thể có mặt, sẵn sàng đáp lại tiếng kêu cứu thống khổ những ai gặp ách nạn!
Tuy nhiên cũng không phải trường hợp nào cũng có thể cứu được, điều đó còn tùy thuôc vào duyên của mỗi người, nghiệp của mỗi người.
Cũng giống như cơn mưa bình đẳng rải nước xuống tưới cho mặt đất. Nhưng có chỗ sẽ hưởng được nhiều nước vì ở chỗ trũng, có chỗ ở cao nên nước trôi đi hết, có chỗ vì bị vật gì đó che nên không được nước mưa tưới ướt…
Tôi chợt nghĩ đến, người đàn ông đã giúp tôi ở bến xe… rất có thể. Tôi chợt hiểu và cũng chỉ mình tôi cảm nhận, nếu tôi có nói cho một ai đó, chắc họ cũng không tin, vì không thể hiểu.
Mầu nhiệm và gần gũi thay Đức Quan Thế Âm.
Tôi chợt nhận ra niềm tin thâm sâu của mẹ và ý nghĩa lời mẹ dặn…
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam Mô A Di Đà Phật!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Tư liệu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Tư liệu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm