Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 09/07/2013, 17:02 PM

Phỏng vấn sư cụ "quản" ngôi chùa không cần hòm công đức

Trò chuyện xong, một gia đình phật tử lấy 100.000 đồng đặt trên đĩa nhựa cúng dàng nhà chùa nhưng sư cụ không nhận. Sư cụ từ chối một cách cương nghị và chân tình. Sư cụ có nói:

Thứ 7, tuần đầu tháng 7, tôi lên kế hoạch đi vãng cảnh chùa Tiêu (Bắc Ninh). Hành lý mà tôi chuẩn bị, thật đơn giản, túi nâu và bỏ vào đó mấy cuốn sách, cuốn KINH PHÚC ĐỨC. 

Đúng 07h sáng, một người bạn cùng xóm trọ đưa ra bến xe bus. Ra bến xe bus ở đường Trần Duy Hưng, phải đợi một lát thì xe bus mới đến. Ngồi trên xe  bus, nhìn bầu trời trong xanh, thi thoảng có những cơn gió thoảng nhẹ. Thật yên bình biết bao...

8h sáng, xe bus tới trạm trung chuyển bến xe bus Long Biên. Tôi bước xuống xe và định hình xem phải đứng ở đâu bắt xe số 54 cho thuận tiện. Khi đứng đợi xe bus, ở phía bên kia có một số sinh viên đang í ới, nô đùa. Tôi mỉm cười và nhớ đến những tăng thân cùng sinh hoạt với tôi ở chùa, mỗi khi đi chơi ở đâu, hầu như ai cũng mặc bộ đồ nâu, nhìn đẹp và giản dị biết bao.

8h15, xe bus số 54 đã đến. Không hiểu sao lần này tôi không cố chen lấn để kiếm cho mình một chỗ ngồi mà ngược lại, tôi cứ thong dong bước lên xe. Và rồi tôi cũng có một chỗ ngồi, ngay hàng đầu tiên, phía sau chú tài xế.

Ngồi được một lát, có một cô đã ngoài 50 tuổi vừa lên xe xin ngồi cùng. Cô nói "cô bị say xe", "Vâng! Cô ngồi đi ạ". Tôi ngồi nhích sang một bên, cô ấy bị say xe nên thi thoảng bị nôn, nhìn thật là thương, cảnh say xe khổ vậy đấy nhưng biết làm sao được. Lúc này, tôi không biết nói gì mà chỉ nhìn về phía cánh đồng ở bên phía tay trái...

Gần 9h, xe tới điểm xe bus vào chùa Tiêu. Xuống xe, tôi lấy chiếc mũ nâu ra đội cho khỏi nắng. Nghĩ cũng hay, chân đi dép lê, đầu đội mũ nâu, trên vai khoác túi nâu to, cứ như là đi "tập sự" vậy đấy.

Vượt qua đoạn đường sắt, tôi đi ngang qua một cánh đồng. Thi thoảng có vài ruộng rau cải, rau muống, mùa này cánh đồng chưa có lúa như hồi tháng 10 nên nhìn cũng hoang sơ nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy yên bình giữa chốn đồng quê.

Đi qua cánh đồng, tôi lạc vào trong một cái chợ nhỏ của thôn quê. Ở đó có cảnh buôn bán nhưng chỉ là những đồ nhỏ, lặt vặt, rau rợ mà thôi. Khi đi ngang qua đó, có một số người nhìn tôi. Họ nhìn bằng ánh mắt là lạ, tôi nhìn lại và cười rồi tiếp tục bước đi.

Nhìn phía trước có biển báo "chùa Tiêu - Di tích lịch sử văn hóa" - Tôi rẽ vào, đi sâu vào một đoạn đường, là một cánh đồng mạ trước đình Làng Tương Giang, có lẽ người dân ở đây đang chuẩn bị cho vụ mùa.

Đến cổng chùa Tiêu, tôi gặp hai bà vãi đang quét cổng chùa, tôi chắp tay xá chào rồi lên chùa.
Về chùa Tiêu, lòng con rất vui

Lên đến chùa, tôi bước vào trong chính điện để lễ Phật, các ban thờ...Sau khi đi lễ xong, tôi bước  xuống bếp thì thấy sư thầy Thích Đàm Oánh đang nhặt rau bí. Tôi đến lại gần và nhặt rau cùng sư thầy, vừa nhặt rau vừa nói chuyện cảm giác thấy cũng vui.

Tôi có nhã ý muốn được đảnh lễ sư cụ trụ trì Thích Đàm Chính, thì sư thầy nói:

- Từ sáng đến giờ không nhìn thầy sư cụ đâu. Có lẽ sư cụ ở ngoài vườn.

- Vâng, con đợi sư cụ về gặp sau cũng được ạ.

Nhặt rau xong, tôi ra ngoài sân ngồi và xem khách đến lễ bái. Sau đó tôi xuống khu vườn tháp, tìm hiểu ngôi tháp của thiền sư Như Trí. Vừa muốn biết thêm về thiền sư vừa là đề tài tôi đang phải thực hiện. Loanh quanh ở khu vườn tháp một lát, tôi quay lại sân chùa thì nhìn thấy sư cụ Đàm Chính đang làm gì đó ở bể nước. Tôi tiến lại gần, chắp tay xá chào sư cụ.

Sư cụ ngẩng mặt lên và tôi bắt đầu ngồi xuống trò chuyện với sư cụ.

- Adidaphat! Con bạch sư cụ, con từ dưới Hà Nội lên ạ

- Có có phải là phật tử ở đoàn lần trước không? – Sư cụ vừa làm, vừa hỏi.

- Dạ vâng

Có lẽ sư cụ vẫn còn nhớ tôi đến từ chùa nào nên sư cụ đã hỏi về việc sư bà chùa Đình Quán viên tịch năm kia, bây giờ chùa như thế nào, ai trụ trì...Sau đó, sư cụ còn kể về việc gặp gỡ và làm việc cùng với sư cụ Phụng Thánh (Ni trưởng Thích Đàm Ánh - PV).

Tôi ngồi chăm chú nghe sư cụ kể chuyện, sư cụ không được khỏe, thi thoảng sư cụ ho.

Sư cụ đang ngồi rửa lá dong. Sư cụ bảo rằng lá dong này, được luộc lên dùng để gói bánh Gio cho ngày mùng Một. Bất chợt tôi hỏi:

- Thưa sư cụ, sao không gói bánh chưng?

Sư cụ cười:

- Còn tùy, cô ạ. Không nhất thiết phải gói bánh chưng đâu

Trả lời xong, sư cụ nói tiếp:

- Cô vào trong bếp lấy khoai ra mà ăn. Lúc sáng tôi có luộc đấy

Tôi có phần e ngại

- Dạ, con không ăn đâu thưa sư cụ.

Sư cụ biết tôi ngại nên lại bảo lần nữa, lần này tôi không từ chối, vào trong bếp lấy một củ khoai rồi cho vào túi nâu, rồi thưa:

- Con xin phép chút nữa sẽ ăn khoai ạ.

Rửa lá rong xong, sư cụ ra ngoài sân, đi vòng quanh sân, tôi cũng đi theo. Đến ghế đá trước cửa nhà Tổ, tôi và sư cụ cùng ngồi ở đó, nói chuyện với nhau.

Chốc lát có thêm mấy phật tử cũng đến ngồi cùng. Sư cụ kể về việc đi Yên Tử cho mọi người nghe. Ai nghe chuyện cũng cười lên vì những câu chuyện hóm hỉnh mà không kém phần sâu sắc.

 Sư cụ trụ trì chùa Tiêu - Thích Đàm Chính

Trò chuyện xong, một gia đình phật tử lấy 100.000 đồng đặt trên đĩa nhựa cúng dàng nhà chùa nhưng sư cụ không nhận. Sư cụ từ chối một cách cương nghị và chân tình. Sư cụ có nói:

- Khi nào xây dựng cái gì thì sư cụ nhận, còn không xây dựng gì, nhà chùa không nhận tiền công đức. Tôi cũng phát nguyện trước Tam Bảo như thế rồi

Gia đình phật tử kia đứng nhìn và rồi câu chuyện tiền công đức dừng lại ở đó.

11h45, sư cụ vào nhà khách, tôi đi cùng và xin phép sư cụ về lại Hà Nội. Sư cụ giữ tôi ở lại ăn cơm trưa nhưng tôi  xin phép về vì chiều tối có việc ở Hà Nội.

12h, tôi bắt đầu xuống núi và ra về. Tôi lại đi ngang qua một cánh đồng, đi bộ khoảng gần 2km mới ra tới chỗ bắt xe bus...

Rời chùa Tiêu, tôi cảm thấy trong lòng vui và có gì đó hạnh phúc miên man. Bởi ở đó không ồn ào, không náo nhiệt việc lễ bái, cầu khấn, không gian thoáng đãng bởi nhiều cây xanh,...

Bởi ở đây có sư cụ là
ni trưởng dễ gần, giản dị,...

Bởi ở đây, có một ngôi chùa, có lẽ là ngôi chùa duy nhất ở miền Bắc - chí ít là như vậy, chưa bao giờ để hòm công đức.

Bởi ở đây, sự cụ luôn dạy phật tử, ĐỨC ở trong tâm mình chứ đâu phải ở cái hộp đựng tiền!

TIN LIÊN QUAN
Tâm Đức Hậu
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm