Phương pháp niệm Phật của Ấn Quang Đại sư
Ấn Quang Đại sư dạy: “Người tại gia không ở trong chúng. Mỗi người niệm Phật, ngồi, đứng, đi nhiễu, quỳ đều được cả, nhưng chẳng nên chấp cứng một pháp. Nếu chấp chặt một pháp sẽ dễ bị nhọc nhằn, nhưng tâm khó được tương ứng. Hãy nên châm chước tùy theo sức lực và công phu của mình để chọn hạnh thích hợp.
Nếu hành theo cách thông thường thì trước hết nên đi nhiễu, rồi ngồi, rồi quỳ. Đi nhiễu hay quỳ cảm thấy nhọc nhằn thì hãy nên ngồi niệm. Nếu ngồi niệm mà thấy hôn trầm thì hãy nên nhiễu niệm, hoặc đứng niệm. Hết hôn trầm lại ngồi niệm. Nên dựa theo giờ, chẳng nên lần chuỗi vì lần chuỗi sẽ khó dưỡng tâm.”
Cách đối trị tâm tán loạn
Còn như niệm Phật, tâm khó quy nhất, hãy nên nhiếp tâm khẩn thiết niệm, sẽ tự có thể quy nhất. Pháp nhiếp tâm không pháp nào chẳng trước hết phải chí thành khẩn thiết. Tâm không chí thành mà muốn nhiếp tâm thì không có cách nào cả!
Nếu đã chí thành mà vẫn chưa thuần nhất, hãy nên lắng tai nghe kỹ. Bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, đều phải niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng lọt ra, âm thanh lọt vào tai. (Niệm thầm dẫu miệng không động, nhưng trong ý vẫn có tướng miệng niệm.) Tâm – miệng niệm cho rõ ràng, rành mạch, tai nghe cho rõ ràng, rành mạch. Nhiếp tâm như thế, một thời gian sau vọng niệm tự dứt.
Niệm Phật Thập niệm ký số
Nếu vọng niệm vẫn còn nổi sóng, thì dùng pháp Thập Niệm Ký Số. Nghĩa là đem sức lực toàn tâm đặt nơi tiếng Phật hiệu, dẫu muốn khởi vọng cũng không có sức. Diệu pháp nhiếp tâm niệm Phật rốt ráo này xưa kia các vị hoằng truyền Tịnh Độ chưa đề cập đến là vì căn tánh con người [khi ấy] còn thông lợi, chẳng cần phải làm như thế mới có thể quy nhất được! Ấn Quang do tâm khó chế phục, mới biết cái hay của pháp này. Càng thử càng thấy hay, chẳng phải là nói mò đâu nhé. Nguyện khắp thiên hạ những kẻ độn căn đời sau đều cùng sử dụng khiến cho vạn người tu vạn người về.
Pháp Thập Niệm Ký Số vừa nói đó chính là trong lúc niệm Phật. Từ một câu đến mười câu phải niệm cho phân minh. Lại phải nhớ phân minh, đến mười câu là thôi. Lại phải niệm từ một câu đến mười câu, chẳng được niệm hai mươi, ba mươi. Niệm đâu nhớ đấy, không được lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Nếu nhớ thẳng vào mười câu thấy khó thì chia thành hai hơi. Tức là từ câu thứ nhất đến câu thứ năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười.
Nếu vẫn thấy mệt, nên từ câu một đến câu ba, từ câu bốn đến câu sáu, từ câu bảy đến câu mười, chia làm ba hơi để niệm. Niệm cho rõ ràng, nhớ cho rõ ràng, nghe cho rõ ràng. Vọng niệm không chỗ chen chân, nhất tâm bất loạn, niệm lâu ngày sẽ tự được.
Lợi ích của pháp Thập niệm ký số
Phải biết mười niệm này giống như cách nhiếp vọng bằng pháp Thập Niệm buổi sáng, nhưng công dụng khác xa. Buổi sáng mười niệm thì hết một hơi là một niệm, chẳng luận số câu niệm Phật nhiều – ít. Cách này lấy một câu Phật hiệu làm một niệm, còn cách kia chỉ có thể niệm mười hơi vào buổi sáng. Nếu niệm hai mươi, ba mươi hơi sẽ tổn khí thành bệnh.
Cách niệm này một niệm là một câu Phật hiệu, tâm biết một câu. Niệm mười câu Phật hiệu, tâm biết mười câu. Từ một đến mười, rồi lại từ một đến mười, dẫu cả ngày niệm mấy vạn tiếng cũng đều nhớ như thế. Chẳng những trừ vọng lại còn dưỡng thần tốt nhất. Niệm mau hay chậm trọn không trở ngại, từ sáng đến tối, không gì không thích hợp.(Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục)
Khác biệt lớn so với lần chuỗi niệm Phật
So với cách lần chuỗi nhớ số, lợi ích khác nhau một trời một vực. Cách kia (lần chuỗi) thân mệt, thần động, cách này thân nhàn tâm an. Nhưng lúc làm việc nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết niệm thẳng. Làm việc xong, lại nhiếp tâm nhớ số như cũ. Dẫu ý niệm loang loáng đến đi, cũng vẫn quẩn quanh chuyên chú nơi một cảnh Phật hiệu. Đại Thế Chí nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. Kẻ lợi căn chẳng cần phải nói nữa. Nếu là hạng độn căn như bọn ta, bỏ pháp Thập Niệm Ký Số này, muốn nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, thật khó khăn lắm!
Lại phải biết pháp nhiếp tâm niệm Phật này tuy cạn mà sâu, tuy nhỏ mà lớn. Là pháp chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ nên thường ngửa tin lời Phật, chớ vì mình thấy không đến nơi đến chốn bèn sanh nghi hoặc. Đến nỗi thiện căn nhiều kiếp do đây bị mất, chẳng thể rốt ráo tự đạt được lợi ích thật sự, đáng buồn lắm! Lần chuỗi niệm Phật chỉ nên làm trong hai lúc đi và đứng. Nếu tịnh tọa dưỡng thần, do tay động nên thần chẳng an, lâu ngày thành bệnh.
Pháp Thập Niệm Ký Số này đi, đứng, nằm, ngồi, không gì chẳng thích hợp. Lúc nằm chỉ nên niệm thầm, không được niệm ra tiếng. Nếu niệm ra tiếng thì một là bất kính, hai là tổn khí, hãy nhớ kỹ, nhớ kỹ!
Phương pháp niệm Phật của Ấn Quang Đại sư: Khai Thị về Pháp môn Niệm PhậtVì chúng sanh đời Mạt căn cơ hèn kém, thật chẳng ai có thể đoạn Hoặc chứng chân. Vì thế, Phật đặc biệt mở ra một môn Tịnh Ðộ hòng thượng, trung, hạ căn, dù phàm hay thánh cùng lìa khỏi Sa Bà, sanh về Cực Lạc ngay trong đời này, chứng dần dần vô lượng quang – thọ. Lòng thâm từ đại bi ấy thật là chí cực không còn gì hơn được nữa! Phật pháp rộng sâu như biển cả. Kẻ phàm phu sát đất nào lại có thể một hơi hút sạch tận nguồn, cạn đáy được? Tuy nhiên, nếu có thể sanh tâm chánh tín sẽ tự có thể tùy theo sức mình được hưởng lợi ích.
Ví như Tu La, hương tượng và các loài muỗi mòng uống nước biển cả; loài nào, loài nấy uống no mới thôi. Ðức Như Lai xuất thế tùy thuận chúng sanh thuyết pháp khiến mỗi loài được lợi ích cũng giống như thế. Chúng sanh đời mạt nghiệp chướng sâu dày, thiện căn cạn mỏng, tâm trí hẹp kém, thọ mạng ngắn ngủi. Ðã thế, tri thức ít ỏi, ma tà, ngoại đạo tung hoành.
Tu các pháp môn khác muốn ngay trong hiện đời đoạn Hoặc chứng chân, liễu sanh thoát tử thật là một việc hy hữu cực khó. Chỉ mỗi mình pháp Tịnh Ðộ chuyên cậy vào Phật lực. Thế nên chẳng cần biết đến Ðoạn, Chứng, chỉ trọng Tín – Nguyện. Nếu có đủ tín – nguyện, dẫu là hạng tội ác cực đại sắp đọa A Tỳ địa ngục vẫn có thể nương vào sức thập niệm, mau chóng được Phật từ tiếp dẫn vãng sanh.
Ôi! Như Lai đại từ phổ độ chẳng bỏ sót một ai. Chỉ mình pháp này thật là tóm thâu trọn khắp. Pháp môn Niệm Phật nguyên lai ra sao? Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng, bất biến. Tuy thường chẳng biến, nhưng lại niệm niệm tùy duyên. Nếu chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới. Chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo. Chẳng duyên theo nhân thiên, ắt sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên theo nhiễm – tịnh sai khác thành ra quả báo sướng – khổ khác xa. Dù bản thể trọn chẳng biến đổi, nhưng Tướng và Dụng dĩ nhiên khác biệt một trời, một vực!
Ví như hư không, mặt trời chiếu thì sáng, mây đùn thì tối. Tuy bản thể của hư không chẳng vì mặt trời hay mây mà tăng, giảm, nhưng tướng trạng hiện rõ hay ngăn che cố nhiên chẳng thể nói là cá mè một lứa. Do nghĩa này, Như Lai dạy mọi chúng sanh duyên niệm nơi Phật.
Vì thế mới nói: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa”. Lại nói: “Chư Phật Như Lai là pháp giới thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Vì thế, lúc tâm các ngươi tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh”.
Hễ duyên theo Phật giới thì tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Nếu duyên theo các giới chúng sanh thì tâm này làm chúng sanh, tâm này là chúng sanh. Ðã hiểu vậy rồi mà vẫn chẳng niệm Phật, thật là chuyện chưa từng có!
Một pháp Niệm Phật lấy vạn đức hồng danh của Như Lai làm duyên, mà vạn đức hồng danh ấy chính là Vô Thượng Giác Ðạo do đức Như Lai đã chứng khi Ngài đắc quả. Do lấy Quả Ðịa Giác (sự giác ngộ khi đã chứng quả) làm Nhân Ðịa Tâm (cái tâm dùng để tu nhân), cho nên Nhân trùm biển Quả, Quả thấu tột nguồn Nhân.
Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm; như tò vò nuôi nhện, lâu ngày hóa tò vò con. Thành Phật ngay trong đời này, chuyển phàm thành thánh; công năng, lực dụng của pháp này vượt xa hết thảy các pháp môn khác trong cả một đời giáo hóa của Ðức Phật. Bởi lẽ, các pháp môn khác đều cậy vào Tự Lực, phải đoạn Hoặc chứng chân mới hòng liễu sanh thoát tử.
Pháp môn Niệm Phật: Tự Lực và Phật Lực cả hai cùng đủ. Bởi thế, người đã đoạn Hoặc Nghiệp sẽ mau chứng Pháp Thân. Người đầy dẫy Hoặc Nghiệp thì đới nghiệp vãng sanh. Pháp này cực kỳ bình thường, dù là kẻ ngu phu, ngu phụ cũng được hưởng lợi ích; nhưng lại cực kỳ huyền diệu, dẫu là Ðẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng thoát khỏi phạm vi của pháp này.
Vì thế, không một ai là chẳng tu được. Hạ thủ dễ, thành công cao. Dùng sức ít, hiệu quả nhanh chóng. Thật là pháp môn đặc biệt trong cả một đời giáo hóa của Như Lai. Vì thế, chẳng thể dùng những giáo lý thông thường để bình luận, phán đoán được! Mạt Pháp chúng sanh phước mỏng, huệ cạn, chướng dày, nghiệp sâu, chẳng tu pháp này, toan cậy Tự Lực để đoạn Hoặc chứng chân hòng liễu sanh tử thật là vạn nan, vạn nan!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cảnh cùng khốn
Kiến thức 09:39 31/10/2024Người khéo học đạo thì trước trị trong để dẹp ngoài, đừng tham ngoài để hại trong. Cho nên giáo hóa chúng sanh, cốt yếu ở tâm thanh tịnh. Muốn chánh được người, cố nhiên phải chánh mình trước.
Lục độ: Sáu pháp vượt bờ
Kiến thức 09:00 31/10/2024Một trong những hành pháp tiêu biểu của Đại thừa là Lục độ. Tư tưởng lục độ Bồ tát ảnh hưởng vô cùng lớn đến mọi mặt của đời sống Phật giáo Việt Nam gần 2000 năm nay.
Thiền tắm
Kiến thức 17:39 30/10/2024Chánh niệm là một loại năng lượng mình có thể chế tác ra được trong mỗi giây phút, trong khi đi, khi ngồi, khi ăn cơm, khi làm việc… Có chánh niệm rồi thì ta mới có khả năng nhận diện, chăm sóc, chữa trị cho những nỗi khổ niềm đau.
Niệm ác và người thù
Kiến thức 17:01 30/10/2024Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói: Người thù địch có bảy điều kiện mong cho kẻ thù với mình:
Xem thêm