Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 06/06/2017, 16:31 PM

Rèn luyện nhân cách sống

Việc nuôi dạy con cái không đúng cách sẽ làm hư hỏng cuộc đời của chúng. Nếu ta quá cưng yêu, chiều chuộng, thì đứa con đó sau này lớn lên chẳng làm nên tích sự gì, bởi tính lười biếng, ỷ lại gia đình, người thân. Giáo dục là nền tảng cơ bản giúp con người tự hoàn thiện chính mình, làm tròn bổn phận đối với gia đình và phục vụ tốt cho xã hội.

Có hai người cùng trồng cây dương trên vùng đất cát, khô cằn. Một người siêng năng tưới cây mỗi ngày dù cho trời mới vừa trổ mưa. Người kia thì cứ tà tà, ban đầu chăm sóc rất kỹ, càng về sau thì hạn chế dần sự tưới tẩm cho cây, nếu thấy cây nào bị ngã thì tiện tay anh mới đỡ lên. Trong hai người này, một người thì quá siêng năng tưới tẩm, một người thì chỉ tưới lúc ban đầu cho cây đủ sức, sau lại hạn chế chăm sóc, dưỡng trồng. Thời gian trôi qua gần ba năm, những cây dương đều đã lớn bằng bắp chân con người. Mọi người nhìn thấy rừng cây của anh chăm tưới thường xuyên xanh tươi, đều đặn hơn. Như chứng minh sự vững vàng giữa hai cách trồng, bỗng dưng giông tố đêm đó kéo đến, rồi mưa to gió lớn liên hồi cả đêm.

Sáng hôm sau, hai người ra xem cây trồng của mình ra sao? Phía rừng cây của người siêng tưới bị gãy cành, tróc gốc, ngã đổ, nằm nghiêng, sóng soài trên đất. Ngược lại, rừng cây của anh chăm sóc lơ là chỉ bị gãy cành, rụng lá, chẳng có cây nào bị mưa quật ngã.

Ai cũng ngạc nhiên lấy làm khó chịu vì có chuyện lạ đời như vậy. Sở dĩ cây của anh bị ngã đổ nhiều là do anh siêng năng tưới và bón phân nhiều quá. Thật ra, trồng cây cũng như giáo dục con người. Nếu cha mẹ lo cho con cái quá đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết sẽ tập cho con quen tính lười biếng và sống ỷ lại vào gia đình nhiều hơn. Cho nên, những đứa con như vậy không bao giờ thành đạt trong đời, vì căn bệnh biếng nhác ỷ lại.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đây là sự thật dẫn đến một số người có quyền cao chức trọng, mà không có khả năng thật sự để đảm đương công việc. Vì sao? Vì họ chỉ mua bằng cấp, hoặc nhờ vào thế lực của người thân. Cha mẹ nào lại chẳng thương con, nếu để cho chúng muốn gì được nấy mà các bậc cha mẹ không cần tìm hiểu nguyên nhân thì e rằng đứa con đó sau này lớn lên chẳng làm nên tích sự gì. Nếu có thì cũng chỉ làm khổ mọi người mà thôi.

Có chàng trai nọ phát hiện ra một kén bướm. Một hôm, anh thấy cái kén hé một lỗ nhỏ. Động lòng hiếu kỳ, anh ta chăm chú xem chú bướm nhỏ làm cách nào để thoát ra cái lỗ nhỏ đó. Vậy mà, đã hơn một buổi, chú bướm vẫn không đủ sức thoát ra dù đã cố gắng thật nhiều. Anh ta tự suy nghĩ khi nó chui ra khỏi cái kén chật hẹp này, chắc nó sẽ mừng lắm, nó sẽ tung bay khắp bầu trời đầy hoa thơm, cỏ lạ để thưởng thức những hương vị ngọt ngào của cuộc sống. Anh ta cảm thấy hạnh phúc tràn đầy khi giúp cho chú bướm sớm thoát ra.

Nghĩ vậy, anh dùng kéo rạch cho cái lỗ lớn hơn. Nhờ vậy, chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén trong chớp nhoáng. Nhưng nghiệt ngã thay, nó chỉ là thân nhộng trần trụi với đôi cánh bèo nhèo, bị quắp lại bởi sự nhăn nhúm của nó. Bây giờ, chú bướm nhỏ không còn đủ khả năng để xòe rộng đôi cánh mà bay dạo khắp nơi. Thế là cuộc đời chú bướm phải chịu thân tàn ma dại, vì mất đi năng lực của đôi cánh, để chịu kiếp bò loanh quanh, lẩn quẩn trong tối tăm mờ mịt.

Cũng vậy, trong cuộc sống, nếu ta quen ăn sung, mặc sướng, sống ỷ lại nhờ vả vào người khác mà ta không tự nỗ lực hoàn thiện chính mình, thì ta sẽ chịu chết chìm trong si mê, sa đọa. Ta đã chấp nhận đánh mất đi sức mạnh vô song đang tiềm ẩn bên mình. Thường thì những cây nằm cheo leo bên bờ vực thẳm khi đã sống được thì khó mà bị phong ba, bão táp quật ngã. Bởi vì khi muốn tồn tại thì rễ của chúng phải bám sâu vào lòng đất. Con người cũng vậy, phải chịu khó rèn luyện từ khi có hiểu biết, ai gian nan vất vả từ tấm bé, sống có tinh thần tự lập nhiều hơn thì bất cứ hoàn cảnh nào, dù khắc nghiệt tới đâu họ cũng vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Chú bướm nhỏ được người giúp thoát ra khỏi cái kén quá sớm, nên nó mất hết năng lực chịu đựng bền bỉ để làm quen với cuộc sống. Thế rồi đành cam chịu số phận hẩm hiu mà sống đời tàn phế trong đêm tối vô minh. Ai sống ỷ lại, nhờ vả vào người khác mà không chịu siêng năng học hỏi, không chịu sống đời tự lập, kẻ đó khó mà làm nên sự nghiệp và có một tương lai tốt đẹp. Đa phần, những con người như thế đều dính vào vòng tệ nạn xã hội. Nếu không phải là kẻ phạm pháp, thì cũng là kẻ ăn không ngồi rồi.

Người này hoàn toàn không có tâm chí thú làm ăn, nên lúc nào cũng ỷ lại vào gia đình, người thân. Phần lớn đều là con nhà khá giả sống nhờ vào đồng tiền bất chính của gia đình, nên quả báo phải trả là con cái bất hiếu và tán gia bại sản. Bởi đồng tiền mình làm ra không chân chính, sẽ vô cửa trước, luồn cửa sau, cùng nhau chịu chung số phận khổ đau vì gia đình không có hạnh phúc.

Làm bậc cha mẹ thương con không đúng cách đã vô tình hại con mình. Từ nhỏ, chúng đã có thói quen ỷ lại, lớn lên chúng bê tha sa đọa cùng bạn bè xấu, hoặc chứng tỏ đẳng cấp nhà giàu chơi sang lấy tiếng. Cây còn nhỏ không khéo uốn nắn, thì lớn dễ gãy cành. Cho nên, làm cha mẹ phải dạy con mình biết quý tiếc thời gian, sống tự lập không ỷ lại vào người khác.

Nếu con cái lỡ vấp ngã một lần, ta có thể tự tay đỡ dậy, hay hỗ trợ cho nó đứng dậy. Nhưng đến những lần vấp khác, ta phải chỉ cho chúng cách thức đứng dậy bằng tự lực bản thân. Như trên, chúng ta đã thấy cách thức trồng cây. Cây xum xuê ra nhiều cành nhánh thì dễ bị bão táp phong ba quật ngã, do rễ của nó không bám sâu vào lòng đất.

Trồng người lại càng khó hơn, bởi chúng ta có nhiều mối quan hệ tương giao trong cuộc sống, quan hệ gia đình, quan hệ học đường, quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội. Nếu để các em tự do quá đáng trong giao tiếp mà không có sự kiểm tra nhắc nhở của cha mẹ, thì ta vô tình đưa con mình vào chỗ khốn cùng. Cho nên, “dạy con từ thuở còn thơ” có nghĩa là cha mẹ khéo sắp xếp, uốn nắn, chỉ dạy. Khi thấy con trẻ tự tay giết hại các loài vật vô lý, thì ta phải khuyên nhủ, răn dạy không nên như thế.

Hoặc khi thấy con mình có món đồ lạ đem về nhà, ta phải tra hỏi coi món đồ đó mượn của ai, hay lỡ cầm nhầm của bè bạn thì ta khuyên con đem trả lại. Dạy con biết tôn kính, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, siêng năng, chăm chỉ học hành, biết chọn bạn tốt để thân cận, sống tự lập không ỷ lại, biết chọn nghề nghiệp chân chính và sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia khi có nhân duyên. Cha mẹ nào khéo biết dạy con cái như thế thì khỏi phải lo vận mệnh tương lai của nó sau này, vì biết chắc rằng con mình sẽ là người tốt trong hiện tại và mai sau.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm