Sám hối phiền não để diệt trừ nhân sinh ra tội báo
Chúng sinh vì nghiệp cấu nặng nề nên không một ai tránh khỏi tội lỗi. Những người bị màn vô minh che lấp, gần gũi bạn ác, phiền não loạn tâm, không hiểu biết, nên buông lòng tự thị, không tin tưởng mười phương chư Phật, không tin tôn Pháp, cùng các bậc thánh Tăng, bất hiếu cha mẹ, không kính nhường bà con.
Tuổi trẻ phóng túng, kiêu căng ngạo mạn, đối với các vật quý báu, các thứ ca nhạc, các sắc đẹp trai gái thường sinh tâm tham luyến, ý khởi phiền não, lân la với người hư, tập tành theo bạn ác, không biết chừa đổi. Hoặc giết hại các giống sinh linh, hoặc uống rượu mê man mất hết trí tuệ, rồi thường cùng với chúng sinh tạo nghiệp phá giới. Vì vậy, chúng ta cần chí thành xin sám hối hết thảy những tội ác ở hiện tại ngày nay, còn các tội lỗi về sau không dám làm nữa.
Từ mười điều ác nghiệp cho đến tám vạn bốn ngàn trần lao, những tội lỗi ấy tuy nhiều vô lượng, nhưng không ngoài ba điều: phiền não, nghiệp chướng, quả báo. Ba thứ chướng này làm nhân cho nhau, như do phiền não mới sinh ác nghiệp, do ác nghiệp mà phải khổ báo. Ba ác pháp này là pháp chướng ngại thành đạo, ngăn trở quả báo tốt đẹp nhân thiên. Thế nên kinh gọi là ba chướng, vì vậy Chư Phật, Bồ Tát dạy làm những pháp phương tiện sám hối trừ diệt. Ba chướng ấy diệt thì sáu căn, mười ác, cho đến tám vạn bốn ngàn trần lao thảy đều thanh tịnh.
Vì sao phải sám hối các phiền não?
Những phiền não chướng đều do ý gây ra. Và khi ý nghiệp phát khởi, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp theo đó phát động. Ý nghiệp có tham lam, có giận dữ, có ngu muội. Bởi ngu muội mới sinh tà kiến mà gây lắm việc ác. Vì vậy kinh nói: “Ba nghiệp tham, sân, si làm cho chúng sinh đọa lạc trong ba đường: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, chịu khổ vô cùng. Nếu được làm người cũng phải chịu những ác báo phiền não: nghèo nàn, túng thiếu, côi cút, lại thêm tính nết hung hăng, càn bướng, ngu độn, không biết phải trái”.
Ý nghiệp đã gây nhiều ác quả như thế, nên ngày nay chúng ta cần dốc lòng đem hết thân mệnh nương về chư Phật, Bồ tát, các bậc thánh nhân, đã thấu tỏ chân lý, đủ mọi điều quở tránh. Gọi phiền não này là oán gia, vì phiền não làm dứt mất tuệ căn, tuệ mệnh của chúng sinh; cũng gọi phiền não này là cái thác chảy mạnh, vì lôi cuốn chúng sinh vào bể khổ sinh tử; cũng gọi phiền não này là xiềng xích, vì ràng buộc chúng sinh trong ngục sinh tử không khi nào ra khỏi, cứ phải quanh quẩn mãi trong sáu nẻo bốn loài, gây nghiệp ác vô cùng, chịu quả khổ không ngớt. Thế mới biết những hoạn họa ấy đều do phiền não mà ra.
Các phiền não cần sám hối
Từ vô thủy đến nay, chúng ta bị vô minh che khuất tâm trí, do phiền não tạo các nghiệp ác trong ba đời:
- Say đắm dục lạc sinh ra “phiền não ham muốn”,
- Giận giữ bực tức sinh ra “phiền não hãm hại”
- Tâm trí tối tăm sinh ra “phiền não không hiểu rõ”
- Ngã mạn tự cao sinh ra “phiền não ngạo nghễ”
- Nghi ngờ chánh đạo sinh ra “phiền não do dự”
- Bác không nhân không quả sinh ra “phiền não tà khiến”
- Không biết thân cảnh do nhân duyên giảng hợp, sinh ra “phiền não chấp ngã”
- Mê lầm trong ba đời sinh ra “phiền não chấp thường chấp đoạn”
- Gần gũi tà pháp sinh ra “phiền não kiến thủ”
- Theo lầm tà sư sinh ra “phiền não giới thủ”
- Tất cả bốn món chấp thành ra “phiền não chấp trước sai lầm...”.
- Bởi có tính bo bo lận tiếc sinh ra “phiền não keo bẩn”
- Bởi không thâu nhiếp sáu căn sinh ra “phiền não buông lung”,
- Bởi để tâm làm những việc xấu xa ác độc sinh ra “phiền não bất nhẫn”,
- Bởi biếng nhác trễ nải sinh ra “phiền não không siêng năng”
- Bởi hay ngờ vực lo nghĩ bông lông, sinh ra “phiền não giác quán”
- Bởi súc cảnh mê hoặc, sinh ra “phiền não không hiểu biết”,
- Bởi theo tám thói xấu ở đời, sinh ra “phiền não nhân ngã” (1. Lợi: Những lợi lộc chỉ muốn có ích cho riêng mình; 2. Suy: Giảm bớt; 3. Huỷ: Huỷ báng; 4. Dự: khen trước mặt chê sau lưng; 5. Xưng: Khen; 6. Cơ: Chê bai; 7. Khổ: Bức bách khổ não; 8. Lạc: ý khoan khoái).
- Bởi dối trá, khen trước mặt, chê sau lưng, sinh ra “phiền não tâm không ngay thẳng”,- Bởi thô cứng khó dạy sinh ra” phiền não không điều hoà”
- Bởi dễ giận khó vui, sinh ra “phiền não uất hận”
- Bởi hay ghen ghét đâm thọc sinh ra “phiền não hung dữ”
- Bởi hung bạo độc hại, sinh ra “phiền não thâm độc”
- Bởi trái với thánh đạo sinh ra “phiền não điên đảo”
Cứ theo chiều sinh tử, không diệt được mười hai nhân duyên sinh ra “phiền não luân chuyển” cho đến do vô minh trụ địa, từ vô thủy khởi ra hằng sa phiền não, khởi tứ trụ địa, gây thành khổ quả trong ba cõi. Khổ quả phiền não vô lượng vô biên, não loạn Hiền thánh, bốn loài chúng sinh trong sáu nẻo. Nhờ công đức sám hối mà những phiền não tham, sân, si do ý nghiệp khởi ra, đời đời kiếp kiếp bẻ tràng kiêu mạn, khô nước ái dục, tắt lửa sân hận, phá tối ngu si, nhổ gốc nghi hoặc, xé lưới tà kiến, biết rõ ba cõi như ngục tù, tứ đại như rắn độc, ngũ ấm như kẻ thù, lục nhập rỗng không, dối trá thân thiện, siêng tu tám món thánh đạo, dứt nguồn vô minh, nhắm thẳng Niết bàn không hề dừng nghỉ, luôn luôn để tâm làm theo ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cùng mười phép Ba la mật thường được hiện tiền.
(Trích Kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp
Trước thuật: Ngộ Đạt Thiền Sư)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm