Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 01/02/2017, 08:57 AM

Sư bà Diệu Không - một kỳ nữ của Cố đô Huế thế kỷ XX

Lúc mới về Huế sống với ông nội tôi ở Dã Lê (1956), mỗi lần nghe ông nói chuyện tu hành, phật sự tôi luôn nghe nhắc đến thầy Đôn Hậu, thầy Trúc Lâm, Sư bà Diệu Không… thầy Đôn Hậu là Bổn sư của gia đình tôi, thầy Trúc Lâm là người cùng làng Dã Lê, còn Sư bà Diệu Không - con gái của Thượng thư Bộ học Hồ Đắc Trung thời ông nội tôi[1] làm đội trưởng đội Nhạc chánh Nam Triều - rất được ông nội tôi quý trọng.

Do đó từ sau ngày vào hoạt động trong Đoàn Sinh viên Phật tử Huế (đầu năm 1963) tôi rất hân hạnh được gặp các danh tăng ni ấy ở chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm, chùa Trúc Lâm… thầy Đôn Hậu thì sắc sảo, hoan hỷ, thanh thản, bao dung; thầy Trúc Lâm cứng rắn, tài hoa, sâu sắc; Sư bà Diệu Không thông thái, mềm mại, nhanh nhẹn khác thường. Mỗi người một vẻ, mỗi người một thể làm cho tinh thần kính Phật trọng tăng của tôi vững chãi vô cùng.

Về thầy Đôn Hậu - bổn sư của tôi, tôi sẽ có một bài viết riêng. Đối với thầy Trúc Lâm tôi đã có một hồi ký ngắn gửi cho thầy Tín Nghĩa – học trò của thầy Trúc Lâm, hiện làm trụ trì chùa Từ Đàm Hải Ngoại ở Texas, Hoa Kỳ. Trong bài viết này tôi dành riêng ghi lại những điều nhớ nghĩ về Sư bà Thích Nữ Diệu Không[2].
Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (Hồ Thị Hạnh) sinh năm 1905, viên tịch năm 1997
Giải toả một điều khó hiểu

Hôm ấy (khoảng tháng 7-1963) Sư bà vừa ở Sài Gòn về, sinh viên phật tử chúng tôi được mời lên chùa Trúc Lâm ăn cơm chay và nghe Sư bà thông báo tình hình tranh đấu đòi Chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi “Năm nguyện vọng” của Phật giáo Sài Gòn. Cái thông tin làm cho chúng tôi xúc động nhất là chuyện Sư bà Diệu Huệ (chị ruột của Sư bà Diệu Không, mẹ của nhà bác học Bửu Hội) đang chuẩn bị tự thiêu nếu Chính quyền Ngô Đình Diệm không chịu thực hiện năm nguyện vọng của Phật giáo. Trong lúc đó cũng có tin Chính phủ Ngô Đình Diệm vừa mời nhà bác học Bửu Hội ở Pháp về cấp cho ông một số tiền lớn để ông làm “đại sứ” của Chính phủ đi “giải độc” dư luận trong nước và quốc tế rằng “không có chuyện Chính phủ Ngô Đình Diệm kỳ thị Phật giáo”. Tôi xin Sư bà giải thích dư luận ấy. 

Sư bà bảo chuyện đó có nhưng Bửu Hội có thực hiện yếu cầu của ông Diệm đi ngược lại ý nguyện của mẹ mình không thì thời gian sẽ trả lời. Ôn Trúc Lâm bảo tôi: “Có chuyện các chú được biết và cũng có chuyện các chú chưa được biết.” Lúc đó tôi rất tự ái, nhưng Nam Mô A Di Đà Phật, tôi phải nghe lời tăng không dám cãi lại. Về sau này tôi hỏi Sư bà Diệu Không chuyện tháng 7/1963 sinh viên không được biết là chuyện gì. Sư bà bảo: “Đó là chuyện Bửu Hội lợi dụng vai trò đại sứ của chính quyền ông Diệm đã bí mật giúp đem ra thế giới hàng chục ký lô hồ sơ của Phật giáo. Nhờ thế mà Liên hợp quốc, Tích Lan, Hoa Kỳ biết rõ cuộc đàn áp Phật giáo của chính phủ ông Diệm”. Thật lòng, sau khi Sư bà cho biết như vậy tôi hơi ân hận. Vì đã có nhiều lần chúng tôi lên án Giáo sư Bửu Hội rất dữ dội.

Phật giáo cứu dân

Nhờ xuất thân từ các cuộc vận động của Phật giáo trong những năm 1963 đến 1966, thời đi theo kháng chiến (1966-1975), tôi có nhiều dịp chuyển thư từ, hình ảnh của Hòa thượng Thích Đôn Hậu và bà con phật tử tập kết ngoài miền Bắc vào cho các chùa và đồng bào theo đạo Phật ở Huế. Nhờ thế, sau ngày giải phóng miền Nam, nhiều lần tôi được các Sư bà Thích Nữ Diệu Không, Sư bà Thích Nữ Cát Tường, Sư cô Tịnh Giải (thế danh là Trương Thị Bích Vân) tiếp tại chùa Hồng Ân và chùa Kiều Đàm (Huế). Sư bà Cát Tường cho tôi chiếc xe Jeep của trường Mẫu giáo Kiều Đàm trước năm 1975. Tôi không được dùng xe riêng nên đã chuyển cho anh Võ Đông, Trưởng phòng TTVH thành phố Huế sử dụng vào việc công. Chiếc xe ấy đã giúp việc cho phòng mãi đến thời gian gần đây mới cho “giải nghiệp”. 

Biết tôi là người rất thích chuyện cũ và thơ văn, Sư bà Diệu Không đã kể cho tôi nghe chuyện của gia đình Hồ Đắc của Sư bà, chuyện thơ văn xứ Huế và đặc biệt thơ văn mừng ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4 của Sư bà. Và Sư bà cũng kể những hoạt động của phật tử Sài Gòn trước và sau ngày 30/04/1975 để tôi viết báo. Sư bà dạy tôi: “Kháng chiến lo cứu nước, mình là Phật giáo còn phải hoạt động cứu dân. Không những cứu bớt đổ máu, cứu những đổ nát mà còn phải cứu thoát ra khỏi sự sợ hãi để hưởng thống nhất hoà bình an lạc!” 

Tôi rất thấm thía lời dạy của Sư bà. Đây không phải là một lời nói, một khẩu hiệu suông mà cả một thực tế rất quý báu. Suốt những năm chiến tranh, sau các cuộc giao tranh diễn ra ở vùng nông thôn, nhiều xác cán bộ, bộ đội du kích cách mạng… không may nằm lại giữa ruộng đồng, dân chúng, và người thân của liệt sĩ ít người dám ra mặt nhận xác về chôn. Gặp những tình huống như thế, các Khuôn hội Phật giáo chắp tay trước mọi hiểm nguy đứng ra đảm nhận việc chôn cất. Một số nơi còn dựng cả am miếu để thờ người chết trận. Sau chiến dịch Huế Xuân 1968, nhiều người Huế bị Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt giam vào lao Thừa Phủ vì bị tình nghi đã cộng tác với mặt trận giải phóng.

Đến ngày rằm tháng bảy năm Mậu Thân (1968), Sư bà Diệu Không tổ chức ngày “Xá tội vong nhân” đứng ra xin Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trả tự do cho hàng trăm tù chính trị chưa xác định được “tội danh” - một trong những người được trả tự do năm ấy là anh Hoàng Phủ Ngọc Phan. Nếu không được Sư bà “cứu” thì địch sẽ phát hiện ra Hoàng Phủ Ngọc Phan một người Cộng sản thứ thiệt ở Huế và chắc chắn không làm gì còn có nhà báo viết chuyện cười Hoàng Thiếu Phủ sau này. Và, anh của Phan là Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi – ba anh em cùng thoát ly và cùng hoạt động ở chiến khu Huế - khó lòng được yên ổn để đi cho đến tận cùng cuộc kháng chiến cứu nước.

Thời gian cuối tháng 4/1975, Sư bà Diệu Không đang ở Sài Gòn. Ngày nào phật tử cũng đem đến cho Sư bà những tin tức chiến sự nghe được qua các đài phát thanh Sài Gòn, Hà Nội, BBC, VOA... Sau khi nghe tin vùng Cao nguyên và các tỉnh dọc bờ biển miền nam Trung phần từ Huế vô đến Xuân Lộc đã được giải phóng, đêm 29/4, sân bay Tân Sơn Nhất lại bị pháo kích dữ dội, Sư bà nghĩ thế nào ngày mai quân giải phóng cũng vào đến Sài Gòn. Trưa ngày 30/04/1975, Sư bà cho tổ chức các xe phóng thanh chạy khắp thành phố kêu gọi binh lính Sài Gòn bỏ súng.

Tại Đại học Vạn Hạnh gần cầu Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sĩ), thanh niên sinh viên phật tử đeo băng xanh đỏ thiết lập trạm tiếp nhận súng ống bên cạnh các xe tải cắm cờ ngũ sắc của Phật giáo. Những binh lính ở xa nhà, lỡ đường có thể vào tá túc trong các chùa Phật. Bà vận động các chùa nấu cơm tiếp tế cho dân chúng đang tham gia công tác trên các đường phố và binh lính Sài Gòn vừa giải giáp. Những việc này chưa hề được ghi lại trong trang sử giải phóng Sài Gòn 30/04/1975.

Chuyện ông Tư Sinh

Sau ngày đất nước thống nhất, tôi bắt tay ngay vào việc nghiên cứu Huế để giải toả những thắc mắc về lịch sử Huế mà suốt thời gian theo kháng chiến tôi không tự trả lời cho mình được. Một trong những thắc mắc đó là thời gian gần mười năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và học hành ở Huế. Nhờ có ý thức sớm như vậy cho nên tôi đã may mắn gặp được những người bạn học, những “người đương thời” của Bác thời Bác ở Huế. Một trong những “người đương thời” đó là Sư bà Diệu Không. Không những Sư bà là người đương thời mà còn là người dâu trong gia đình Cao Xuân, Nghệ An – gia đình có nhiều mối quan hệ với Bác Hồ. 

Sư bà Diệu Không (thế danh Hồ Thị Hạnh) nguyên là vợ ông Cao Xuân Xang (con trai thứ của cụ Cao Xuân Dục). Sư bà tiếp tôi trong phòng khách của chùa Kiều Đàm (Huế).

[...] Sư bà Diệu Không kể:

-“Năm lên 10 tuổi tôi theo thầy tôi là cụ Hồ Đắc Trung vào ở trong Bộ Học. Lúc ấy tôi mới học chữ Hán nên hễ thấy đâu có chữ Hán là để mắt vào đọc, đọc không hiểu thì hỏi. Bỗng tôi thấy trên tường vừa quét vôi trắng có chừa một khoảng tường cũ ám khói. Trong khoảng ấy có ghi một câu cách ngôn bằng chữ Hán nét chữ đã cũ nhưng rất đẹp. Tôi đọc lõm bõm được vài chữ và không hiểu hết ý nghĩa của chữ tôi bèn hỏi thầy tôi. Và thầy tôi đáp:

- “Nghe nói trước đây gian phòng này dành cho ông Tư Sinh ở. Ông hay đặt cách ngôn và viết lên vách để dạy con. Ông viết nhiều lắm nhưng thợ bên bộ Công qua sửa nhà bôi hết. Còn câu ấy chữ đẹp và có ý nghĩa răn dạy con cái rất tốt nên thầy truyền cho thợ phải để lại.”

Bà kể tiếp:

- “Sau đó thầy tôi không làm ở bộ Học nữa tôi lớn lên, lấy chồng là ông Cao Xuân Xang - con trai cụ Cao Xuân Dục - bạn với thầy tôi[3]. Nhớ chuyện cũ có lần tôi hỏi nhà tôi:

- “Anh có biết ông Tư Sinh đã từng ở trong bộ Học - nơi anh ở trước đây không?”

Ông nhà tôi đáp:

- “Biết rõ. Ông Tư Sinh là người cùng quê Nghệ An với mình, năm Ất Mùi (1895) ông có nhận học điền của họ Cao Xuân (Diễn Châu) để vào Kinh thi Hội, đi một lần với anh Cả[4]. Nhưng khoa đó ông không đậu. Cho mãi đến khoa Tân Sửu (1901) ông mới đỗ Phó bảng. Sau này con ông là Nguyễn Sinh Côn học sinh trường Đông Ba và trường Quốc Học cũng được họ Cao Xuân cấp học điền. Gia đình ông Phó bảng có nhiều ân nghĩa với gia đình mình”;

Tôi (Sư bà Diệu Không) có cái tính hay hỏi nên hôm đó tôi đã hỏi ông nhà tôi - “Ai là người Nghệ có chí học hành thì được họ Cao Xuân cấp học điền chứ có riêng chi cha con ông Tư Sinh mà anh nói nhiều ơn nghĩa?”. Ông nhà tôi không muốn kể nhưng ông biết tính tôi cứ đeo hỏi nếu tôi chưa được trả lời đầy đủ. Để khỏi bị “quấy rầy” hơn nữa ông đã giải thích tiếp: “Năm ấy ông mình[5] đang chuẩn bị thành lập bộ Học cho Triều đình, thì một hôm ông Phó bảng từ Nghệ An vào thăm ông. 

Ông hỏi ông Phó bảng: “Chú Bảng vào Kinh làm chi?” Ông Phó bảng đáp: “Xin thú thật với Cụ, từ ngày mẹ các cháu mất, tôi phải nuôi dạy các cháu một mình. Nuôi dạy và thương yêu các cháu cũng là một cách làm vừa lòng mẹ các cháu dưới suối vàng. Tôi không rõ các cháu nghe ai xúi giục, các cháu muốn học chữ Tây. Ngoài quê mình ngặt một điều không có ai dạy và cũng chẳng ai trọng nể việc học chữ Tây cho nên tôi phải vào Kinh.” - Ông cười rồi vặn hỏi ông Bảng: - “Thế chú có biết dưới mắt người Tây những người đỗ đại khoa như chú mà không làm quan thì làm chi chú biết không?” 

- Ông Phó bảng ngẫm nghĩ mãi mà vẫn vẫn không tìm được câu trả. Ông mình mới nói tiếp: - “Không làm quan thì làm giặc đó. Đời nào người Tây để cho chú yên để chú dạy con ở giữa chốn Kinh kỳ này”. Ông Bảng lo lắng: - “Thế cụ bảo cháu phải làm gì?” Ông dạy: - “Chú phải làm quan”. Ông Phó bảng phân trần: -“Cái đời làm quan vào lòn ra cúi, cháu không muốn!”. Ông bảo: -“Thế thì chú không ở đây được.” Ông Bảng van nài: “Thế thì cụ cho cháu một chức quan mà chẳng ai thèm làm để cháu được ở đây!” Thế là ông Phó bảng Nguyễn Sinh Huy được bổ làm Tư vụ Học chánh (tùng bát phẩm 7-2) và được đến ở ngay trong nhà của Bộ.

Ông Bảng làm Tư vụ nhưng chẳng mấy khi ông chịu làm việc. Suốt ngày ông uống rượu, ngâm thơ và đặt cách ngôn viết lên vách dạy con cái thôi. Quan lại và nhân viên chung quanh ông rất khó chịu trước thái độ của ông. Sở dĩ không ai dám nói ra điều gì vì họ nể ông. Về sau ông Phan Châu Trinh đi hoạt động cách mạng bỏ trống chức Thừa biện ở Bộ Lễ lâu ngày, ông Bảng bị chuyển sang điền khuyết. Từ đó ông được Triều đình cấp cho một gian nhà ở dãy trại đường Đông Ba”.

Chuyện kể của Sư bà đã giúp tôi thông tin để viết về chuyện cụ Nguyễn Sinh Huy vào Huế làm quan. Thông tin này chưa từng được phát hiện nên tôi đã phải ghi chép xong rồi đem đọc lại cho Sư bà nghe. Sư bà sửa chữa nhiều lần rồi tôi mới dám đưa vào cuốn sách “Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế” (Nxb Văn Học, 2003). 

Chuyện gia đình cụ Hồ Đắc Trung quan hệ với vua Duy Tân

Chuyện vua Duy Tân suýt làm rể cụ Hồ Đắc Trung và chuyện cụ Hồ Đắc Trung cứu mạng vua Duy Tân sau cuộc khởi nghĩa thất bại tháng 5/1916 được Sư bà kể cho tôi nghe rất hấp dẫn. Đây là tài liệu của “Người đương thời” rất giá trị. Tôi đã ghi chép rất công phu và chờ cơ hội công bố. Nhưng sau đó tôi được ông Georges Vĩnh San - con trai trưởng của Cựu hoàng Duy Tân tặng cuốn sách Hồ sơ Vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược do Mõ Làng tại Mỹ tái bản lần thứ nhất vào năm 1993, tôi thấy trong sách có đăng bài Vua Duy Tân dưới mắt Sư bà Diệu Không (từ tr. 102 đến tr.110) với nội dung gần giống như những gì Sư bà đã kể với tôi và có phần chi tiết hơn những gì tôi đã ghi được[6]. Do đó tôi không đưa hồi tưởng của Sư bà do tôi ghi ra nữa. Theo tác giả Hoàng Trọng Thược thì đây là một đoạn trong Hồi ký chưa xuất bản của Sư bà. Về sự kiện này đã có hai hồi ký của Sư bà ghi lại nên tôi không dám trưng thêm ra đây những gì Sư bà đã kể với tôi.

Chuyện Sư bà với bà Nguyễn Đình Chi

Sư bà Diệu Không với bà An Hiên Nguyễn Đình Chi lúc còn là hai cô thanh nữ Hồ Thị Hạnh (sinh năm 1905) và Đào Thị Xuân Yến (sinh năm 1909) đã thân thiết nhau trong hoạt động tại Trường Nữ công Học hội[7] (1927). Hai người cùng vận dụng tình cảm yêu nước của mình trong các hoạt động xã hội. Về sau hai người cùng lập gia đình và cùng làm quả phụ quá sớm. Một bên xuất gia làm phật sự, một bên làm tư chức và giáo dục. Nhưng hai người vẫn một lòng với nước và gần nhau trong các công tác xã hội.

Tôi thuộc lớp con cháu của hai bà nhưng may mắn là được gần hai bà trong những biến động lịch sử ở Huế những năm 60 của thế kỷ XX. Đối với Sư bà Diệu Không, tôi xuất thân sinh viên phật tử được xem là đệ tử của Sư bà, còn với bà Nguyễn Đình Chi - bà xem tôi như một người bạn vong niên. Riêng tôi đối với bà An Hiên như cháu đối với Cô. Tôi là bạn thân của cháu bà và lại được làm “đồng sự” với bà suốt những năm đấu tranh ở đô thị và những năm kháng chiến sau 1968. Nhờ hai bà tín cẩn cho nên có những chuyện Sư bà muốn nói với bà An Hiên thì Sư bà gọi tôi lên chùa ghi chép rồi về báo lại bà An Hiên.

Ngược lại có những chuyện bà An Hiên muốn trao đổi với Sư bà, bà trao đổi với tôi trước. Khi hai cô cháu thống nhất rồi bà An Hiên mới lên chùa nói chuyện với Sư bà, một đôi khi bà nhờ tôi đi “báo cáo”, hoặc bà viết thư nhờ tôi đem tận tay Sư bà. Những vấn hai kỳ nữ Huế thế kỷ XX quan tâm là vấn đề đạo Phật với đạo đức xã hội, vấn đề con người với con người, đặc biệt là vấn đề người phụ nữ Việt Nam thời Việt Nam độc lập hoà bình, vấn đề nữ công gia chánh trong xã hội đang hướng ngoại. Tuy thân nhau nhưng tính cách hai bà có nhiều điểm khác nhau. Sư bà nhanh nhẹn, bộc trực, xông xáo, nhiều lúc pha một chút nghệ sĩ. Nhiều việc Sư bà không tiện nói thẳng thì Sư bà làm một bài thơ.

Tính cách của bà An Hiên cũng thẳng thắn, nhưng bà từng làm ngoại giao nhân dân nên rất thận trọng trong từng lời nói, từng việc làm. Nhưng khi đã nói thì nói đến cùng, khi đã làm thì sẵn sàng dấn thân. Về học vấn thì bà An Hiên là người phụ nữ miền Trung đầu tiên đỗ tú tài Tây, trong lúc đó Sư bà Diệu Không vì gia đình chưa hề học Trung học. Tuy nhiên, thay vì học ở trường, Sư bà học ở gia đình với cha và với các anh chị, học ở trường đời và học Phật, nhiều người có bằng Tiến sĩ cũng không thể có trình độ về khoa học nhân văn bằng Sư bà.

Trong quan hệ tôi chỉ thấy Sư bà và bà An Hiên có hai lần có ý kiến khác nhau: Lần thứ nhất, Sư bà không đồng ý việc bà An Hiên xin Bộ Văn hoá Thông tin cho phép táng Hòa thượng Thích Đôn Hậu sau Quốc Tự Thiên Mụ. Lần thứ hai: Sư bà nghe nói bà An Hiên đang tìm người thừa kế vườn nhà An Hiên nên cử Sư cô Minh Bảo lên Xuân Hòa đề nghị bà An Hiên nên chuyển vườn nhà An Hiên thành một ngôi chùa sư nữ, vì vùng Xuân Hòa – Kim Long chưa có chùa sư nữ. Một việc quá quan trọng không thể có ý kiến ngay được, bà An Hiên hẹn với Sư cô Minh Bảo để cho bà suy nghĩ kỹ rồi sẽ trả lời.

Sau đó Sư cô Minh Bảo lên về nhiều lần… bà An Hiên vẫn chưa quyết định nên hay không nên. Cuối cùng, bà bảo tôi lên thăm Sư bà Diệu Không, với tư cách là một người nghiên cứu văn hoá Huế tôi phải thưa với Sư bà rằng: “Vùng Xuân Hòa Kim Long có được một ngôi chùa sư nữ là rất cần cho nữ phật tử ở đây. Nhưng, trong hoàn cảnh nhà vườn cổ ở Huế hiện nay đang bị triệt hạ để xây nhà phố mà còn giữ được vườn nhà An Hiên cũng hết sức cần thiết cho thành phố du lịch văn hoá Huế. Rất mong được Sư bà ủng hộ.” Tôi lên chùa Hồng Ân thăm Sư bà. Lúc này Sư bà đã yếu nhưng vẫn cố gắng tiếp tôi. Phòng nghỉ của Sư bà nằm ngay chái sau chùa Hồng Ân, sáng sủa, thoáng mát, tinh tấn lạ thường. Tôi thưa với Sư bà nguyên văn ý kiến của bà An Hiên. Sư bà nói ngay:

- “Sợ sau này không có người thừa kế người ta giành nhau chia năm xẻ bảy làm hư mất ngôi vườn nhà quý nên muốn để các Sư cô lên giữ lại cho Huế, chứ có người thừa kế giữ để làm một kiểu mẫu nhà vườn cổ ở Huế thì tốt quá. Ai mà không ủng hộ. Rứa bà An Hiên đã di chúc cho ai?”

Tôi vốn được bà An Hiên nhờ góp ý kiến để viết di chúc nên biết rõ người được thừa kế là ai. Tôi đáp:

- “Dạ bạch Sư bà: Người được thừa kế là bà Phan Thị Hoàng Oanh – tức bà quả phụ Nguyễn Đình Ký – dâu của bà An Hiên. Hiện bà Ký đang ở Paris!”

Sư bà tiếp lời tôi:

-“Ai chớ bà Ký tôi biết. Bà Ký mà chịu về giữ vườn nhà An Hiên thì quý hoá vô cùng.”

Tôi về thưa lại với bà An Hiên. Bà rất mừng. Sau đó ít lâu, bà Nguyễn Đình Ký bên Paris về, bà An Hiên nhờ tôi chở bà Ký lên thăm Sư bà Diệu Không. Và, đó cũng là lần cuối cùng tôi còn được gặp Sư bà.

Vào những năm cuối đời, mỗi lần sắp xếp hồ sơ lưu, gặp lại những thư từ tài liệu cũ chưa công bố bà An Hiên thường để riêng qua một bên và gọi tôi lên giao lại cho tôi. Hôm giao cho tôi “hồ sơ” về Sư bà Thích Nữ Diệu Không, bà An Hiên bảo tôi:

- “Sư bà là một kỳ nữ của Cố đô Huế. Những ý tưởng về Phật giáo, về đất nước, về xã hội của Sư bà rất tiến bộ, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay chưa thể thực hiện được. Anh hãy giữ lấy tất cả những tư liệu này, khi nào thuận tiện thì công bố. Trong thời gian tôi làm đại biểu Quốc hội, Sư bà giúp tôi nhiều ý kiến rất hay. Tiếc là tôi chưa phản ảnh hết...”.

Được giao nhiệm vụ này tôi rất lo lắng. Bởi vì lúc đó tôi đang làm báo Lao Động ở Đà Nẵng rất bận rộn, nhiều việc của bà An Hiên nhờ tôi, tôi chưa hoàn thành nay được giao thêm công việc của Sư bà Diệu Không nữa không rõ rồi ra tôi có thực hiện được hay không. Tôi lưỡng lự hết sức nhưng không dám từ chối. Năm 1997 bà An Hiền quy tiên rồi Sư bà Diệu Không cũng về cõi vĩnh hằng. Hai người phụ nữ tiêu biểu của Cố đô Huế thế kỷ XX không còn nữa. Nhưng trong nhà tôi vẫn còn một hộp hồ sơ về hai bà. Đến trận đại hồng thủy tháng 11/1999, nhà tôi nước ngập hơn một thước. Tôi vắng nhà. Sách và hồ sơ tài liệu lưu trữ quý giá của tôi, thứ chìm sâu trong nước, thứ được các em bưng cà phê ở nhà bên cạnh giúp hốt giật kịp ném lên tầng cao. Tài liệu, hình ảnh tang tác lộn xà ngầu.

May sao, cho đến nay tôi còn giữ được của Sư bà Diệu Không một bản Tiểu sử của Sư bà, một bản “Tham luận của Phụ nữ Việt Nam của thời đại mới” (7 trang đánh máy trên giấy bổi quay Ronéo); một bài “Nghiên cứu về xã hội chủ nghĩa”. Một bài thơ “Tự Khuyến” (93 câu lục bát) và một số thư từ trao đổi giữa hai Bà. Tất cả những tài liệu này đều được đánh máy trên giấy in Ronéo hoặc trên giấy pơ-luya rất xấu nhưng rất quý vì qua đó người đời sau thấy được những khó khăn về vật chất sau năm 1975. Quý hơn nữa là phần lớn những tài liệu này đều có bút tích của Sư bà.

Hồi đầu năm nay (2007), biết tôi là “đệ tử” của Sư bà, ông Lê Ngân và Bác sĩ Nguyễn Cương – cháu và chắt ngoại của Cụ Hồ Đắc Trung - có ý nhờ tôi biên tập tập hồi ký của Sư bà do cô con nuôi Cao Xuân Nữ Oanh ghi. Nhận được tập hồi ký trong lúc sức khoẻ của tôi đang có vấn đề và tôi cũng đang khẩn trương biên soạn cho xong công trình nghiên cứu “Thơ văn âm nhạc vận động hoà bình những năm 1964 - 1966 tại miền Nam Việt Nam” để đi Hoa Kỳ báo cáo theo chương trình học bổng Rockefeller, nhưng tôi vẫn nhận lời. Tôi nhận lời, trước như nhận một phật sự, sau là nắm lấy một cơ hội để thực hiện “di ngôn” của bà An Hiên về việc phổ biến những tư liệu của Sư bà Diệu Không đã gửi cho bà An Hiên. Sau khi đi Hoa Kỳ về sức khoẻ của tôi giảm hơn trước nhiều. Tôi sợ biết đâu sức khoẻ của tôi sa sút hơn nữa thì hỏng việc nên tranh thủ làm ngay.

Tôi biết cuộc đời của Sư bà quá lớn lao. Sư bà vừa là chứng nhân vừa là tác nhân những sự kiện lớn của đất nước và Phật giáo từ hồi Duy Tân khởi nghĩa 1916, trải qua cách mạng tháng tám năm 1945, đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm 1963 cho đến lúc trước và sau kết thúc chiến tranh “chống hai đế quốc to” Tháng 4/1975. Một cuộc đời ngoại hạng như vậy mà chỉ được ghi chưa đầy 30 trang giấy A4 thì quả là quá mỏng. Tôi viết mail trao đổi với Giáo sư Cao Huy Thuần ở Paris và được Giáo sư hồi âm “Tôn trọng tuyệt đối tinh thần của hồi ký. Tinh thần ấy là Phật giáo, tuyệt đối không thêm gì khác nữa.

Trong hồi ký, đạo Phật và tình yêu nước quyện với nhau một cách không phô trương, đơn giản, hồn nhiên, mộc mạc như lời văn. Phong cách ấy là đặc thù của Sư bà. Vì vậy, dù mỏng,… đó là một hồi ký đặc biệt, giá trị của hồi ký ấy là như vậy; đó cũng như một chúc thư, chúc thư thì không dài. Sư bà không cần khen chê. Sư bà cũng không có nhu cầu viết sách. Sư bà kể chuyện như các bà mẹ kể chuyện cho con cháu nghe, chuyện Tấm Cám không cần dài”. Tôi thỉnh ý kiến của Sư bà Diệu Tấn – chùa Diệu Đức và cũng được dạy rằng: “Sư bà Diệu Không thích như vậy. Không nên thêm bớt gì.” Sư bà Cát Tường chùa Hoàng Mai thì bảo “Tôi không còn nhớ gì. Như thế là tất cả rồi.”

Để tưởng nhớ Sư bà, trong việc chú thích tập hồi ký của Sư bà tôi đã cố gắng thực hiện ý kiến của Giáo sư Cao Huy Thuần: “Chuyện duy nhất phải làm, và phải làm rất công phu, cẩn mật, làm như công việc của một nhà viết sử chân chính là: chú thích. Chú thích nhiều lắm, nhiều nhiều lắm”.

Tôi hân hạnh được giao một phật sự. Đó cũng là một nén tâm hương của tôi cầu nguyện trước bàn thờ Sư bà nhân trai tăng kỷ niệm mười năm Sư bà viên tịch (1997-2007) tại chùa Hồng Ân.

Huế, 12/10/2007
Tâm Hằng - Nguyễn Đắc Xuân
-
[1] Cụ Nguyễn Đắc Tiêu (1879-1962) - nguyên Đội trưởng Đội Nhạc Chánh Nam Triều thời Khải Định, Khuôn trưởng Khuôn Dã Lê, Thủy Vân, Hương Thủy, Thừa Thiên.
[2] Trong bài này có một số thông tin trùng lặp với những bài viết trước, kính mong độc giả, các đệ tử và bà con họ Hồ Đắc thông cảm.
[3] Sư bà Diệu Không thế danh là Hồ Thị Hạnh, sinh năm 1905 (có nơi ghi 1906) em gái út trong gia đình 9 anh chị em con của cụ Hồ Đắc Trung. Năm 1930 cô Hạnh lập gia đình với Cử nhân Cao Xuân Xang sinh được một người con trai (Cao Xuân Chuân), hương lửa chưa quá một năm thì phu quân của bà mất vì bệnh lao. Từ đó bà lao vào việc từ thiện xã hội, rồi gửi con cho chị nuôi, bà xuất gia đầu Phật với pháp hiệu Thích Nữ Diệu Không. Sư bà đã thành lập nhiều chùa sư nữ ở miền Nam Việt Nam, ba ngôi nổi tiếng nhất Diệu Đức, Hồng Ân, Kiều Đàm ở Huế. 
[4] Tức Cao Xuân Tiếu (1865-1939)
[5] Tức Cụ Cao Xuân Dục thân sinh của Cao Xuân Tiếu và Cao Xuân Xang.
[6] So với hồi ký của Sư bà do cô Cao Thị Xuân Oanh ghi và tôi hân hạnh được làm chú thích thì đoạn trích của ông Hoàng Trọng Thược cũng đầy đủ hơn nhiều.
[7] Do Đạm Phương nữ sử (1881-1947) làm Hội trưởng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ về sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm

Tư liệu 15:42 27/03/2024

Lần đầu tiên, những câu chuyện chưa kể về tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại Tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh,TP.HCM) được Hòa thượng Thích Giác Toàn, vị Giáo phẩm Trụ trì nơi đây chia sẻ sau hơn 40 năm tôn tạo và tu sửa, về hạnh nguyện cao cả và sự mầu nhiệm của Bồ-tát giữa thế gian này.

Hoà thượng Quảng Khâm từng nói khi nào vãng sanh Ngài sẽ thị hiện bệnh tướng

Tư liệu 13:57 21/03/2024

Vào khoảng năm 1978, nghe nói Hoà thượng pháp thể suy yếu, Người tỏ ý muốn vãng sanh Tây Phương, đại chúng trong chùa rất lo lắng, mời lương y lên núi bắt mạch cho Hoà thượng.

Thắp sáng hiện hữu

Tư liệu 10:04 19/03/2024

Đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn do Jo Confino thực hiện với Thầy tại thất Da Cóc, Sơn Hạ vào năm 2012. Lúc ấy Jo là phóng viên của báo The Guardian, Vương quốc Anh.

Tư tưởng Phật giáo về xây dựng hòa bình

Tư liệu 21:21 18/03/2024

Thời gian cứ dần trôi, lịch sử lần sang trang mới nhưng đạo Phật vẫn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đạo đức xã hội loài người. Giáo pháp của Ngài đã tạo một dấu ấn vàng son cho lịch sử nhân loại.

Xem thêm