Sự nguy hại của tâm phẫn nộ
Phẫn nộ (kodha) là hình thái bùng vỡ của tâm giận dữ bất mãn hay lòng sân hận bực phiền. Nó là sự phản ứng thô thiển của tâm thức bị dồn nén trong trạng thái giận dữ bực bội bởi tác động của các hành vi không thích ý hay cảnh ngộ không thân thiện.
Chẳng hạn, điều gì mình không ưa thích mà cứ phải “chạm trán” liên tục thì tâm bất mãn bùng phát biến thành phẫn nộ, hoặc trong trường hợp thường xuyên bị kẻ khác chỉ trích tấn công với lời lẽ gay gắt thì sự bực phiền dồn nén trong lòng trào dâng chuyển thành cơn phẫn nộ. Phẫn nộ, do đó, là hệ quả của tâm giận dữ bất mãn bị kích động. Nó là hiện tượng duyên sinh, bộc phát chủ yếu do sự tác động của các yếu tố không thân thiện và môi trường không lành mạnh. Nó là sự phản ứng u tối và bạo loạn của tâm sân hận biểu lộ ra bên ngoài bằng lời nói và hành động thô bạo gắn liền với các hậu quả khó lường. Kinh Phật kể câu chuyện như vầy:
“Thuở xưa, tại thành Savatthi, có nữ gia chủ tên là Vedehika. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được khởi lên về nữ gia chủ Vedehika: “Nữ gia chủ Vedehika là hiền thục, nữ gia chủ Vedehika là nhu thuận, nữ gia chủ Vedehika là ôn hòa”. Nữ gia chủ Vedehika có người nữ tỳ tên là Kali, người này khéo tay, siêng năng và làm việc cẩn thận chu toàn. Rồi nữ tỳ Kali khởi lên ý nghĩ: “Chủ của ta được tiếng đồn tốt đẹp và hiền thục, nhu thuận, ôn hòa”. Không biết nữ chủ của ta có nội sân mà không tỏ lộ hay không có nội sân, hay vì công việc ta làm cẩn thận chu toàn nên nữ chủ ta có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vậy ta hãy thử nữ chủ của ta!” Rồi nữ tỳ Kali sáng ngày sau dậy thật trễ. Nữ gia chủ Vedehika nói với nữ tỳ Kali:
- Này Kali
- Thưa nữ chủ, có việc gì?
- Sao hôm nay ngươi dậy trễ vậy?
- Thưa nữ chủ, có việc gì đâu?
- Thật sự không có việc gì à? Ác nữ tỳ kia, hôm nay ngươi dậy trễ!
Và nữ chủ nhân phẫn nộ, bất mãn, trừng mắt.
Rồi nữ tỳ Kali suy nghĩ: “Nữ chủ của ta thật sự có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vì những công việc ta làm cẩn thận chu toàn, nên nữ chủ của ta tuy có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vậy ta hãy thử thêm nữa nữ chủ của ta!”. Rồi nữ tỳ Kali ngày sau lại dậy trễ hơn nữ. Nữ chủ Vedehika nói với nữ tỳ Kali:
- Này Kali
- Thưa Nữ chủ, có việc gì?
- Sao hôm nay, ngươi dậy trễ vậy?
- Thưa Nữ chủ, có việc gì đâu?
- Thật sự không có việc gì à? Ác nữ tỳ kia, hôm nay ngươi dậy trễ!
Và nữ chủ nhân phẫn nộ, bất mãn, thốt lên những lời bất mãn.
Rồi nữ tỳ Kali suy nghĩ: “Nữ chủ của ta thật sự có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vì những công việc ta làm cẩn thận chu toàn nên nữ chủ của ta tuy có nội sân nhưng không tỏ lộ, không phải không có. Vậy ta hãy thử thêm nữ nữ chủ của ta”. Rồi nữ tỳ Kali sáng hôm sau lại dậy trễ hơn nữa. Nữ chủ Vedehika nói với nữ tỳ Kali:
- Này Kali
- Thưa Nữ chủ, có việc gì?
- Sao hôm nay ngươi dậy trễ vậy?
- Thưa Nữ chủ, có việc gì đâu?
- Thật sự không có việc gì à? Ác nữ tỳ kia, hôm nay ngươi dậy trễ!
Rồi phẫn nộ, không hoan hỷ, nàng cầm cái then gài cửa, đánh một cú trên đầu nữ tỳ khiến nữ tỳ bể đầu.
Nữ tỳ Kali, với đầu bể máu chảy, liền đi kể lể với các nhà láng giềng: “Hãy xem việc làm của nữ chủ hiền thục! Hãy xem việc làm của nữ chủ nhu thuận! Hãy xem việc làm của nữ chủ ôn hòa! Sao nữ chủ nói với nữ tỳ độc nhất: “Hôm nay ngươi dậy trễ”, rồi phẫn nộ, bất mãn, nàng cầm then gài cửa đánh tôi một cú trên đầu khiến tôi bể đầu”.
Một thời gian sau, tiếng đồn xấu sau đây được khởi lên về nữ chủ Vedehika: “Nữ chủ Vedehika là độc ác! Nữ chủ Vedehika là không nhu thuận! Nữ chủ Vedehika là không ôn hòa!” (1)
Câu chuyện lưu ý với chúng ta về hậu quả tai hại của tâm phẫn nộ bất mãn bùng phát do thái độ “chọc giận” quá đáng của cô người hầu Kali. Nữ gia chủ Vedehika không phải là bậc Thánh mà chỉ do duyên may được sống trong môi trường khá thoải máivà thuận ý nên tâm sân hận bực phiền không có điều kiện dấy khởi và tăng trưởng. Cô được tiếng nhu hòa và hiền thục vì ít hoặc không tỏ lộ thái độ phẫn nộ nhưng sự sân hận vẫn hiện hữu tàng ẩn ở trong tâm thức. Cô bị người hầu “chọc giận”quá đà nên tâm sân hận bùng phát biến thành phẫn nộ lấy mất tiếng thơm của cô. Cô mất tiếng thơm và người hầu thì chịu tai họa vỡ đầu chảy máu chỉ vì không kìm nén được lòng giận dữ bực phiền, một kết quả đầy phiền toái khổ đau cho cả hai mà kinh Phật bảo là “do bị sân chinh phục, tâm mất tự chủ, trở thành mù lòa, (người ấy) nghĩ đến hại mình, hại người, hại cả hai; không như thật rõ biết lợi mình, lợi người, lợi cả hai” (2). Câu chuyện cũng gián tiếp gợi ý với chúng ta rằng trừ những bậc giác ngộ, không ai có thể biết được tâm tư của người khác vận hành thế nào và ẩn chứa những gì. Vì vậy mà không nên khích động tâm sân hận của người khác vì bất cứ lý do gì. Kinh Pháp Cú nhắc nhở mọi người:
“Chớ nói lời ác độc,
Nói ác, bị nói lại,
Khổ thay lời phẫn nộ,
Đao trượng phải chạm người”(3)
Bởi phẫn nộ đem lại và để lại hậu quả tai hại khổ đau cho mình và cho người như vậy nên Đức Phật khuyên nhắc mọi ngườichớ sinh tâm phẫn nộ, mặt khác chớ làm cho người khác sinh tâm phẫn nộ. Chớ sinh tâm phẫn nộ nghĩa là đừng vì bực phiền giận dữ trong lòng mà nói hay làm những điều độc ác, phải biết chế ngự và điều phục tâm sân hận, không để cho nó tự do hoạt động hay bị kích động mà biến thành lời nói hay việc làm xấu ác. Điều này đồng nghĩa với việc tập nhận ra tâm sân hận và hậu quả nguy hại của sân hận để nỗ lực khắc phục và loại bỏ. Cố nhiên, không phải cùng lúc mà làm được điều này, nhưng với một sự nỗ lực kiên trì trong việc nhận diện tâm sân hận và hậu quả xấu ác của nó thì có thể giúp khắc phục và loại bỏ dần tâm sân hận. Cũng không ai khác chính mỗi người phải nhận ra mồi lửa giận dữ nguy hại ở ngay trong tâm mình để nỗ lực chế ngự và diệt trừ. Phải dùng tình thương và tâm từ bi để khắc chế và loại trừ sân hận. Một khi tâm sân hận được chế ngự đi đến tiêu trừ thì phẫn nộ không còn cơ hội dấy khởi. Chớ làm cho người khác sinh tâm phẫn nộ tức là tránh những lời nói hay việc làm ác độc, không thân thiện khiến gây kích động đến lòng sân hận của người khác hay khiến tâm giận dữ bực phiền của người ấy có cơ hội tăng trưởng và bộc phát.
Phẫn nộ là hệ quả phát tán của tâm sân hận bao lâu tâm ấy bị kích động đạt đến cực độ. Dĩ nhiên, không ai có thể dập tắt mồi lửa sân hận cháy ngầm trong lòng người khác, nhưng người ta có thể hạn chế hậu quả của tâm sân hận giận dữ bằng cách tránh kích động đến nó. Vậy nên người nào biết điều phục tâm mình thoát khỏi sân hận, không còn phẫn nộ, tức là hạn chế được sự phẫn nộ phát sinh từ người khác, bởi vì người ấy không nói hay làm điều gì khiến người khác giận dữ đi đến phẫn nộ. Người ấy được xem là có đức kham nhẫn lớn, vì “không nhiếc mắng lại kẻ đã nhiếc mắng mình, không sân hận lại kẻ đã sân hận, không gây lộn lại kẻ đã gây lộn với mình” (4). Đức Phật gọi một người như vậy là “tìm lợi íchcho mình và cho người”, nghĩa là:
Những ai bị phỉ báng
Không phỉ báng chống lại
Người ấy đủ thắng trận,
Thắng cho mình,cho người.
Vị ấy tìm lợi ích,
Cho cả mình và người,
Và kẻ đã phỉ báng,
Tự hiểu, lắng nguôi dần (5).
Tóm lại, phẫn nộ phát sinh do tâm sân hận bực phiền bị kích động và hậu quả của nó xấu ác khó lường. Nó là hiện tượng do duyên (sự tác động) phát sinh nên hạn chế phẫn nộ là điều khả dĩ. Thực tế là không ai biết rõ tâm người khác vận hành thế nào và sự sân hận là có hay không, mạnh hay yếu để lúc nào đó sẽ bùng phát biến thành cơn phẫn nộ. Đức Phật nói cho chúng ta biết do tập khí nên chúng sinh có căn tính bất đồng. Có hạng người dễ phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị nói ít, liền nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Nhưng cũng có hạng người không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều, nhưng không có nổi giận, nổi nóng, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không bất mãn (6). Vì thế, trong mọi trường hợp, cách hay nhất để hạn chế hậu quả của tâm sân hận phẫn nộ là mọi người hãy dùng lời lẽ ôn hòa từ ái và hành động thân thiện để đối xử với nhau, tuyệt đối tránh tình trạng “thêm dầu vào lửa”, thậm chí đừng cố thử đo lòng người khác theo cách “chọc giận quá đà” như trường hợp cô người hầu dại dột Kali.
Chú thích:
1. Kinh Ví dụ cái cưa, Trung Bộ
2. Kinh Channa, Tăng Chi Bộ
3. Kinh Pháp Cú, kệ số 133
Kinh Kham nhẫn, Tăng Chi Bộ
4. Kinh Phỉ báng, Tương Ưng Bộ
5. Kinh Màllika, Tăng Chi Bộ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm