Sự thật của Tam thế gian
Đức Phật có pháp phương tiện và chân thật và Ngài tu chứng được pháp chân thật, vì pháp này thông với ba đời mười phương chư Phật.
Vì vậy, người ngộ được, tức tới được bản thể của sự vật, tới được chân linh của mình mới tiếp nhận được thế giới Thường tịch quang tịnh độ và Thật báo trang nghiêm tịnh độ là hai loại hình thế giới mà chúng sanh còn nghiệp không thể bước chân vô được.
Vì chúng sanh không thấy, không biết thế giới này nên Phật phải dùng phương tiện trong suốt 49 năm thuyết pháp, tức tất cả các pháp là phương tiện, là giáo môn. Chúng ta phải vào con đường giáo lý của Phật là dùng ngôn ngữ văn tự để hiểu và diễn tả pháp Phật. Phật gọi đó là ngón tay chỉ mặt trăng, không phải mặt trăng, nhưng nương theo ngón tay, chúng ta thấy mặt trăng, tức nương theo pháp phương tiện để chúng ta thấy chân lý. Vì vậy, chân lý phải tới, phải thấy, phải biết, không phải nói.
Kinh Pháp hoa khẳng định điều này rằng những gì mà Phật chứng đắc thì không thể nghĩ bàn được, không dùng trí khôn con người để biết được. Thật vậy, thực tế cuộc sống cho thấy người khôn chừng nào thì phiền não nhiều chừng đó, người giỏi nhiều chừng nào thì chướng ngại nhiều chừng đó. Chúng ta phải nhận ra ý này để tu.
Học để biết và biết khiến tăng trưởng phiền não, trần lao, nghiệp chướng là hiểu biết của thế gian, của trần tục, không phải hiểu biết của đạo. Người học đạo không cần hiểu biết của trần tục, chỉ cần hiểu biết pháp chân thật mà Phật nói là sự thật của Tam thế gian.
Sự thật của Tam thế gian, đầu tiên là chúng ta thấy đúng về con người, nhưng trên đời có mấy ai thấy đúng về con người. Vì thế, người ta cứ nói phải thế này thế nọ, nhưng họ như thế thì phải như thế thôi. Nghĩa là thấy người khổ, mình biết nguyên nhân dẫn đến cái khổ của họ thì còn thắc mắc chi nữa. Người sung sướng, mình cũng thấy nhân quả sung sướng của họ. Đây là sự thật của cuộc sống con người ở thế gian. Ngoài ra, con cua, con cá, con voi, v.v… có cách sống riêng của nó. Chúng ta thấy đúng về loài người, loài vật, hay muôn loài, nói chung là thấy sự thật của chúng sanh.
Điều thứ hai của Tam thế gian, Phật nói phải thấy đúng tất cả hiện tượng trong trời đất gọi là quốc độ. Thế giới chúng ta sống là Ta-bà thì phải có đủ thứ tốt xấu, khổ vui…, còn Cực lạc thì chỉ có vui thôi, thế giới Tịnh lưu ly phải trong sạch hoàn toàn vì đó là thế giới của con người trong sạch.
Thấy con người trước, rồi thấy thế giới của con người. Trong tất cả các loại hình thế giới, không có thế giới nào giống nhau. Trên trái đất của chúng ta, châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ đều sinh hoạt khác nhau. Chúng ta bảo người châu Phi sinh hoạt giống người châu Âu sao được. Chúng sanh và quốc độ thế nào, Phật bảo ta phải thấy đúng như vậy là sự thật của Tam thế gian.
Và về với chân linh, chúng ta thấy cao hơn nữa là thấy ngũ ấm. Tất cả các loại hình thế giới và loại hình chúng sanh đều phát xuất từ ngũ ấm thế gian là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Và thấy đúng là thấy được sự kết hợp của ngũ ấm và chúng sanh, kết hợp của ngũ ấm và quốc độ.
Vì vậy, muốn xây dựng Cực lạc, tất cả những cái của Ta-bà phải trả về Không là nguyên thể của chúng ta, vì thế giới đó do ngũ ấm hình thành, trả ấm nào về ấm đó, tức trả về nguyên thể của nó và chúng ta kết hợp nó lại.
Thí dụ ngày nay chúng ta sử dụng hóa chất gồm có đủ các chất, nhưng chúng ta trả về đơn chất của nó, khoáng trả về khoáng, khí trả về khí, v.v… Và muốn tạo thứ nào đó, chúng ta kết hợp trở lại theo công thức khác, như muốn có nước, chúng ta lấy một nguyên tử oxy cộng với hai nguyên tử hydro. Nhưng hai nguyên tử oxy cộng với một nguyên tử carbon tạo thành thán khí (khí carbonic CO2).
Tương tự như vậy, chúng ta tu, muốn tạo phản ứng nào, chúng ta phân tích và kết hợp lại, Phật gọi đó là sự chuyển vật. Như Lai với trí vô thượng nên Ngài chuyển vật theo ý muốn một cách tự tại. Còn chúng sanh vì vô minh nên bị vật chuyển, cái gì muốn thì không tới, cái gì sợ thì tới.
Tôi ngộ lý này trước. Người ta hỏi tôi muốn gì để họ cho. Tôi nói không muốn gì hết, vì muốn thuộc về nghiệp, chắc chắn không được và sợ thì nó tới là nghiệp tác động tâm mình khiến nó xuất hiện. Phật tử tu hành, đừng muốn gì sẽ được an lạc, giải thoát.
Mình hiểu rõ sự thật của Tam thế gian là chúng sanh, quốc độ và ngũ ấm thì phân tích được sự việc, tổng hợp được nó và sẽ giải quyết tương ưng tốt đẹp, gọi là đắc đạo, ngộ đạo, chứng đạo.
Muốn tạo thế giới nào thì tạo thế giới đó theo ý muốn gọi là Như Lai, nhưng phần này là phương tiện mà Phật nói, còn pháp chân thật đòi hỏi chúng ta phải ngộ.
Và pháp chân thật chỉ có Ca Diếp ngộ, gọi là niêm hoa vi tiếu. Còn các người kẹt giáo lý, phân tích giáo lý, nhưng Phật đưa cành hoa, Ca Diếp ngộ được, nghĩa là muốn tới chân linh của mình, thân và tâm phải trong sạch. Đầu tiên, thân trong sạch là hoa sen, tâm trong sạch là viên ngọc quý. Kết hợp hai thứ này là Pháp hoa, là viên ngọc trong hoa sen. Thân trong sạch như hoa sen và tâm sáng như viên ngọc, nên họ biết chính xác những gì mà người khác không biết, họ mới là thầy, muốn chê không được vì họ không có lỗi lầm, thân họ trong sạch quá.
Thân tâm ngài Ca Diếp đã trong sạch, nên Phật thấy Tam thế gian thì Ca Diếp cũng thấy Tam thế gian. Phật trao cành hoa cho Ca Diếp là trao bằng chứng ông đã ngộ rồi, vì cái Ta biết và làm được thì ông cũng biết và làm được. Cốt lõi của đạo Phật là chỗ đó, nghĩa là tu phải hiểu, phải thể nghiệm và chứng đắc.
Khởi đầu, Ca Diếp được sở đắc này và Phật truyền pháp cho Ca Diếp là có người thừa kế rồi, Phật vào Niết-bàn. Ca Diếp giữ tạng pháp này cho đến bây giờ vẫn còn. Vì vậy, người tu thiền tìm Ca Diếp để coi tạng pháp Ngài giữ là gì. Ca Diếp đã thụ đắc những gì mà Đức Phật khám phá ra thì chúng ta vô đó cũng biết được tất cả.
Có thể thấy rõ trải qua giai đoạn hàng ngàn năm, các vị Tổ truyền thừa cũng trong yên lặng, tức họ sống ngoài cuộc sống. Họ không sống tầm thường như chúng ta, vì họ làm những việc phi thường. Điển hình là Ưu Ba Cúc Đa là người thứ ba tiếp nối sự truyền thừa tạng pháp. Ca Diếp là người đầu tiên truyền pháp cho A Nan và A Nan truyền pháp cho Ưu Ba Cúc Đa. Ngài sống âm thầm lặng lẽ, ít ai biết, vì Ngài không tiếp xúc với ai. Nhưng nét mặt Ngài lúc nào cũng điềm tĩnh, dễ thương, ai thấy cũng kính trọng, mời Ngài đi chứng trai, nhưng Ngài không đi chứng trai. Đây là điểm mà chúng ta thấy ở bậc chân tu.
Người dạy thiền, viết sách, giảng thiền nổi tiếng là ông Suzuki mà tôi kính trọng, nhưng tôi không coi ông là thiền sư, vì nói nhiều không phải thiền sư. Đó là học giả, giảng sư, giáo sư. Tìm thiền sư là trong yên lặng, họ tương ưng với mình và tâm họ truyền qua tâm mình. Đó là thầy trò hiểu nhau, khó lắm. Hai cái thấy giống nhau mới hiểu nhau được.
Ví như người có mắt và người mù cùng bàn luận về sự vật không được, vì ông mù không thấy sự vật, chỉ suy nghĩ theo tưởng tượng thôi. Hai Đức Phật không cần nói vì cả hai đều biết giống hệt nhau thì còn gì để nói. Phẩm Hiện bảo tháp trong kinh Pháp hoa nói ý này. Phật Thích Ca ngồi trong tháp và Phật Đa Bảo nói rằng vì nghe Pháp hoa mà tới đây. Phật Thích Ca cho biết bây giờ mới nói kinh Pháp hoa. Đại chúng chỉ nghe vậy thôi, không thấy gì. Đức Phật Thích Ca và Đa Bảo ngồi yên trong tháp là kinh Pháp hoa.
Yếu chỉ của Thiền tông ở điểm này, hiểu giống, biết giống và làm giống là Phật, hay cốt lõi của đạo Phật là chỗ đó.
Thiền tông truyền lần xuống Tăng Xán. Ngài có điểm đặc biệt suốt đời làm du tăng, dù ngộ yếu chỉ rồi. Tôi tâm đắc câu Ngài nói rằng vì con người có phân biệt mà chúng ta xa chân lý. Sống với chân lý, không phân biệt, tâm chúng ta trụ lại, tâm chúng ta sáng lên thì thấy Phật. Hễ phân biệt là rớt qua nhị nguyên, rớt qua chúng sanh giới phải chấp nhận nghiệp và khổ. Nhưng bỏ nghiệp và khổ, chúng ta sống với đại đạo.
Đại đạo dung được tất cả các loài. Con chim, con cá, côn trùng…, nói chung tất cả các loài hữu tình đều sống trong đại đạo. Ngồi thiền, yên lặng, ở trên núi, tôi nhận ra ý này. Ta nghe đạo, thấy đạo, hiểu đạo là thấy gì? Tôi nghe tiếng chim hót, tiếng vượn hú, tiếng con người, âm thanh của tất cả chúng sanh hòa tấu thành bản nhạc trời khiến tôi cảm giác con chim, con cá, các loài côn trùng cũng có hạnh phúc. Chỉ con người bất hạnh, lạ lùng chưa! Đáng lẽ con người hạnh phúc hơn chúng nó chứ, nhưng chúng hồn nhiên, vô tư, còn con người tự khổ đau. Loài vật còn sống hồn nhiên được, sao con người không sống thanh thản được, chẳng lẽ con người thua loài vật hay sao.
Vào đại vũ trụ, tâm chúng ta yên, chúng ta nghe mà không nghe mới thấy đạo, hiểu đạo, chứng đạo. Đạt đến chỗ này, chắc chắn chúng ta khác hơn người thường. Bỏ khôn dại, hơn thua, phải trái, hiểu biết, tài sản…, để tâm lắng yên, chúng ta thấy đạo, có cái người thường không tới được, người học rộng nghe nhiều không tới được.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Xem thêm