Thứ tư, 26/07/2023, 19:00 PM

Sức mạnh của sám hối

Thuở ấy, trong thành Đức-xoa-thi-la ở Ấn Độ có gia đình kia sinh được một đứa con gái. Họ muốn dành hết tình yêu thương cho cô con gái xinh đẹp của mình, nên quyết định không sinh thêm đứa con nào nữa. Người con gái được cha mẹ thương yêu nhất đó tên là Liên Hoa Sắc.

Vào tuổi trưởng thành, với nhan sắc tuyệt trần của tuổi mười tám, Liên Hoa Sắc đã làm nhiều chàng trai trong thành say đắm và muốn cưới nàng làm vợ. Do không muốn đứa con gái yêu duy nhất của mình phải theo chồng, cha mẹ nàng yêu cầu chàng trai nào muốn cưới cô thì phải ở rể.

Liên Hoa Sắc vốn xinh đẹp, nên chồng nàng cũng là một người khôi ngô tuấn tú. Sau khi kết hôn, họ sống rất hạnh phúc khiến nhiều đôi trai gái khác phải thầm ao ước.

Hạnh phúc ở thế gian thật mong manh, niềm vui chưa được bao lâu, thì phụ thân của Liên Hoa Sắc qua đời, sóng gió từ đây đã bắt đầu nổi dậy.

Chân thật sám hối

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mẹ Liên Hoa Sắc, giờ đã là người góa phụ, mặc dù tuổi đã gần bốn mươi, nhưng không chịu đựng được những đêm cô đơn lạnh lẽo, hằng ngày lại sống chung nhà, gần gũi với một chàng trai đẹp khiến bà nảy sinh ý tà, dẫn đến chuyện tư thông với chàng rể. Sắc dục mạnh mẽ đến nỗi đôi khi làm người ta đánh mất cả lý trí, không còn biết đâu là luân thường, đạo đức, dù là với đứa con gái yêu thương nhất của mình.

Thế gian không có bức tường nào không có khe hở, việc vụng trộm nào dù kín đáo đến đâu cũng không che mắt mọi người được mãi mãi. Rồi nàng Liên Hoa Sắc biết chuyện. Quá đau khổ vì việc này, nàng chỉ còn cách bỏ nhà ra đi thật xa không bao giờ quay về nữa, để mau thoát ra khỏi nghiệp chướng này.

Cay nghiệt thay! Lúc này nàng lại vừa mới hạ sinh một bé gái. Phân vân trước tình cảm mẹ con, nhưng cuối cùng với nỗi đau xé lòng, nàng vẫn quyết định ra đi mà phải bỏ con lại, vì mẹ, vì chồng và tương lai của con gái.

Sau khi ra khỏi nhà, nàng phiêu bạt đến phương nam, thành Ba-la-nại. Đói khát, mệt mỏi, sức lực cạn dần, nàng thấy con đường phía trước thật mờ mịt. Người phụ nữ muốn ở một mình mà có được cuộc sống yên lành nơi đất lạ giữa biển người mênh mông này không phải là chuyện dễ. Tiến thoái lưỡng nan, suy nghĩ đắn đo, cuối cùng nàng quyết định phải chấp nhận một người đàn ông nữa để đời mình có nơi nương tựa. Nhờ có nhan sắc, nàng làm vợ một thương gia giàu có ở thành Ba-la-nại, tuổi đã ngoài ngũ tuần.

Cuộc hôn nhân lần thứ hai này tạm ổn trong nhiều năm trước khi sóng gió lại tiếp tục nổi lên.

Người chồng tái hôn lần này vì là thương gia nên việc phải đi làm ăn buôn bán khắp nơi. Một hôm, ông đến thành Đức-xoa-thi-la, đúng ngay quê hương của Liên Hoa Sắc. Sau khi buôn bán xong ông trở về nhà, lần này ông có dẫn theo một tiểu thiếp mới mười bảy tuổi, rất xinh đẹp.

Muốn sống lén lút với cô này, không để cho Liên Hoa Sắc biết, ông mua một căn nhà khác cùng trong thành cho người thiếp này ở. Việc ông đi sớm về khuya nhiều lần, có khi cả đêm cũng không về nhà, kéo dài được một thời gian khá lâu. Nhưng rồi nàng Liên Hoa Sắc sinh nghi và cũng có nghe đồn về người tiểu thiếp của chồng mình. Khi cho người đi thăm dò thì quả đúng như lời đồn.

Vốn là người khoan dung độ lượng, nàng bình tĩnh nói với chồng là đã biết chuyện của ông và khuyên nên đưa người tiểu thiếp đó về ở chung. Người chồng thấy nàng là người vợ tốt, tự thấy có lỗi nên nghe lời để cho người tiểu thiếp về ở chung trong nhà.

Tuổi người tiểu thiếp nhỏ hơn Liên Hoa sắc tới mười tám tuổi, nhưng vẻ đẹp hai người chẳng khác nhau, đặc biệt là hai người giống nhau từ ánh mắt cho tới nụ cười. Họ sống hòa thuận trong gia đình được một thời gian. Một hôm tình cờ khi người vợ lẽ đang gội đầu, Liên Hoa Sắc nhận ra được một vết son giống hệt như trên người của con gái mình khi xưa. Sau khi nghe cô tiểu thiếp kể về thân thế, biết đây chính là con gái của mình đã bỏ lại quê nhà ở thành Đức-xoa-thi-la khi xưa. Liên Hoa Sắc cảm thấy đất trời như đảo lộn.

Nghiệp chướng một lần nữa lại đến. Đau đớn tột cùng, nàng như người điên dại, lần thứ hai nàng lại bỏ nhà ra đi. Từ việc uất hận, Liên Hoa Sắc tìm đến kỹ viện dùng nhan sắc mình làm trò mua vui để trả thù đời.

Đã gần bốn mươi tuổi, nhưng dung nhan Liên Hoa Sắc vẫn còn rất xinh đẹp mặn mà. Từ một người vốn hiền lương, trọng nghĩa, nhưng khi vào nơi kỹ viện lầu xanh, nàng đã trở thành một con người dám làm những điều bất nghĩa để có được đồng tiền. Lần sau cùng nàng làm việc tội lỗi nhất là nhận tiền của những kẻ ngoại đạo để làm mất giới hạnh của một bậc chân tu. Họ muốn hạ uy tín của Tôn giả Mục Kiền Liên nên đã dùng tiền sai khiến Liên Hoa Sắc dùng nhan sắc để quyến rũ Ngài.

Khi gặp Tôn giả Mục Kiền Liên, nàng đem hết những sở trường của mình ra để chinh phục Ngài. Nhưng với lòng thanh tịnh trong sáng, Tôn giả biết được âm mưu của Liên Hoa Sắc, Ngài từ bi nói:

- Bà thật đáng thương! Thôi đừng nên vì tiền mà theo sự sai khiến của người ác làm điều tội lỗi nữa. Vì nghiệp chướng xưa kia nên bà phải chịu khổ nhiều rồi, nếu như bà không biết ăn năn sám hối, cứ mãi chìm đắm trong hận thù tội lỗi như thế thì làm sao có ngày thoát khỏi khổ đau?

Liên Hoa sắc vừa nghe những lời chỉ dạy từ bi ấy xong, trong lòng rung động mạnh mẽ. Cảm thấy hối hận, bà quỳ xuống khóc nức nở rồi nói:

- Thưa Tôn giả! Con muốn quay về đời sống thuần lương, nhưng thế gian không cảm thông cho con. Con rất đau khổ vì luôn phải sống trong sự khinh miệt chối bỏ của mọi người, con biết nghiệp chướng oan khiên mà con đã gây ra quá nhiều, không thể nào cứu vớt được.

Ngài Mục Kiền Liên liền an ủi:

- Bà đừng quá đau khổ, nếu như bà thật tâm hướng thiện thì cũng có thể cứu được. Như nước đục của trăm sông chảy về biển cả, cuối cùng nước vẫn trong sạch. Đức Phật có dạy: "Nếu như tâm mình thanh tịnh thì những ô uế trước đây sẽ không còn nữa”.

Bà nên đến chỗ Đức Phật xin quy y xuất gia không tốt hơn sao?

Liên Hoa Sắc nghe xong lòng hết sức vui mừng, lạy tạ. Tôn giả thấy nàng đã thức tỉnh liền hướng dẫn nàng về tinh xá bái kiến Đức Phật, và nàng đã được Phật độ cho xuất gia.

Trải nghiệm trong cuộc đời, chứng kiến nhiều đau khổ, nên khi được xuất gia, Liên Hoa Sắc thành tâm tu học, siêng năng tinh tấn, không bao lâu chứng được quả A-la-hán, trở thành một trong những bậc thần thông đệ nhất.

Lạm bàn: 

Câu chuyện của nàng Liên Hoa Sắc giúp chúng ta nhận ra rằng không nên cố chấp vào nhân xấu trước kia, chỉ cần ngay trong hiện tại biết tỉnh thức, thay đổi cách nghĩ là sẽ chuyển hóa được nhân xấu để kết thành quả tốt.

Với những người dễ sa ngã và đang gặp khó khăn, chướng ngại, tấm gương của nàng Liên Hoa Sắc có thể là lời cảnh tỉnh: Hãy nhận biết đâu là nghiệp chướng, can đảm vượt qua rồi gieo trồng lại căn lành, tạo thiện nghiệp, sửa chữa lỗi lầm, tinh tấn tu hành để đời đời được sống trong Chánh pháp, thiện duyên.

Trích "Tích chuyện Pháp Cú".

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa

Tư liệu 19:45 30/11/2024

Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.

Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội

Tư liệu 09:26 30/11/2024

Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.

Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm

Tư liệu 13:15 28/11/2024

Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.

Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà

Tư liệu 16:15 27/11/2024

Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.

Xem thêm