Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 10/04/2024, 10:08 AM

Suy niệm về vô thường để sống có ý nghĩa hơn

Bản chất của cuộc sống, của cõi luân hồi là vô thường. Chúng ta thường không ý thức được về điều này bởi luôn mải mê với vô số ham muốn, tham vọng, hạnh phúc và khổ đau... để chúng cuốn trôi chúng ta qua hết tháng ngày như những dòng thác lũ.

Hãy tạm dừng một chút trên hành trình vội vã của mình để lắng tâm tư duy và quán niệm rằng trên đời này, chẳng có gì không thay đổi, chẳng có gì vĩnh viễn thường hằng, và hãy ý thức được kiếp người mong manh ngắn ngủi, để chúng ta biết trân trọng hơn và sử dụng cuộc đời mình có ý nghĩa hơn.

Vạn vật trên thế giới đều bị chi phối bởi quy luật vô thường, luôn thay đổi cùng với thời gian. Chúng ta nhận rõ sự thay đổi này: chúng sinh sinh ra, lớn lên, già và mất đi, nhà cửa, cầu cống sẽ hao mòn, rồi hư hỏng. Môi trường bên ngoài biến đổi hoàn toàn theo mùa: các loài hoa sẽ tàn héo, sơn sẽ nứt nẻ và bong tróc, xe cộ bị hư hỏng. Nguồn gốc của sự biến đổi thế giới bên ngoài là do tế bào, nguyên tử và phân tử cấu tạo nên vật chất, chúng ta không thấy rõ những thay đổi như vậy ở cấp độ cấu thành vật chất. Ở cấp độ vô hình, vô số phần tử vô cùng nhỏ bé liên tục xuất hiện rồi tan biến, tập hợp rồi phân tán, mở rộng rồi thu hẹp, chúng luôn trong trạng thái chuyển động và luôn dao động.

Đức Phật có nói rằng trong tất cả các dấu chân thì dấu chân voi là lớn nhất, trong tất cả các phép quán thì quán vô thường là lớn nhất.

Đức Phật có nói rằng trong tất cả các dấu chân thì dấu chân voi là lớn nhất, trong tất cả các phép quán thì quán vô thường là lớn nhất.

Thế giới tinh thần của chúng ta cũng luôn biến đổi, đôi khi thấy hạnh phúc, đôi khi thấy trầm uất, buồn rầu. Đôi khi chúng ta thấy tràn đầy tình yêu thương, lúc khác lại tràn đầy sự tức giận. Ký ức về cuộc trò chuyện và sự kiện trong quá khứ, suy nghĩ về tương lai, những ý tưởng về điều này, điều kia lấp đầy tâm chí chúng ta. Hãy thử soi rọi nội tâm mình, ta sẽ thấy tâm thay đổi đến mức nào. Sự biến đổi đó tựa như một nhà ga tàu hỏa vào giờ cao điểm, những dòng suy nghĩ cảm xúc và nhận thức vụt lóe lên mọi hướng mà không có sự ngừng nghỉ. Sự thay đổi liên tục này là thực tại của vạn vật nhưng chúng ta lại thấy rất khó chấp nhận điều đó. Về mặt tri thức, sự thay đổi của vạn vật không phải là một vấn đề, nhưng thái độ chấp nhận thực tế vô thường đang diễn ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta là điều quan trọng. Theo bản năng, chúng ta bám chấp vào con người và sự vật như thể những thứ này tồn tại vĩnh viễn và bất biến. Chúng ta không muốn những người thân yêu hay những đồ vật ưng ý bị mất đi, và cũng không tin một ngày nào đó những kẻ đang gây phiền phức, cáu giận cho chúng ta lại có thể trở thành bạn hữu.

Khi buồn rầu hay bất mãn, chúng ta nghĩ một cách chắc chắn rằng mình sẽ đi theo hướng đó mãi mãi, đặc biệt bám chấp mạnh mẽ vào quan điểm cố thủ về bản thân. Ví dụ, chúng ta thường nói tôi là người hay u buồn, tôi là người hay tức giận, tôi không thông minh cho lắm,… Trong thực tế, chúng ta có thể là như thế này hay thế kia nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh và cũng không phải luôn luôn là như vậy, mọi thứ đều sẽ thay đổi. Vì không nhận ra vô thường, chúng ta phải đối mặt với cảm xúc: thất vọng, cáu giận, buồn rầu, cô đơn và vô số các vấn đề khác. Chúng ta có thể vượt qua xúc tình phiền não bằng cách làm quen với bản chất luôn thay đổi của vạn vật, và nhận ra rằng vạn pháp luôn luôn thay đổi. Dần dần, chúng ta sẽ học được cách để thấu hiểu và chấp nhận rằng thay đổi là bản chất của cuộc sống. Chúng ta không chỉ hiểu thay đổi luôn có mặt mọi nơi, mọi lúc mà cần thấu hiểu rằng chính chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi. Chúng ta có năng lực thay đổi bản chất của mình, có thể tự mình trưởng dưỡng và chuyển hóa tâm hướng tới một đời sống tích cực.

Để khởi đầu, bạn hãy xin nguyện giờ thiền này tạo ra sự an lạc lớn hơn cho khắp thảy chúng sinh, hãy cầu nguyện giờ thiền này sẽ là nhân cho bản thân đạt được giác ngộ để có thể lợi ích cho hết thảy chúng sinh, để bản thân cùng hết thảy hữu tình thoát khỏi khổ đau và đạt được giác ngộ. Sau đó hãy hướng tâm bạn vào thân thể, hãy nghĩ đến các bộ phận như hai tay, hai chân, đầu, da, máu, xương, dây thần kinh và các cơ. Hãy lần lượt kiểm chứng từng bộ phần cùng cảm giác đi kèm. Hãy thiền định về bản chất của các bộ phận này trên cơ thể, chúng làm bằng chất liệu gì, và hình dáng, kích thước như thế nào. Hãy nhạy cảm nhận rõ nét sự vận hành của thân thể cũng như chuyển động đang xảy ra vào từng thời điểm. Sự thay đổi đều đặn trong hơi thở, nhịp đập trái tim, lưu thông máu trong người và năng lượng của các mạch thần kinh. Hãy hiểu rõ về thân thể bạn thậm chí ở mức độ vi tế hơn là kết cấu của tế bào trong thân thể, thân thể hoàn toàn được tạo thành từ những tế bào sống, xuất hiện, dịch chuyển, tái tạo, chết đi và tan rã. Ở cấp độ vi tế hơn nữa, tất cả bộ phận của bạn được tạo thành từ những phân tử, nguyên tử và phần tử nhỏ bé hơn nguyên tử. Những yếu tố cấu thành này liên tục chuyển động và thay đổi. Hãy cố gắng có được một cảm giác thực sự về sự thay đổi đang diễn ra mọi khoảnh khắc trong thân thể bạn.

Sau đó, hãy hướng sự chú ý vào tâm bạn. Tâm được tạo thành từ nhiều phần gồm suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc, ký ức và các hình ảnh lần lượt diễn ra không ngừng nghỉ. Hãy dành một vài phút để quan sát sự biến động của dòng chảy và những trải nghiệm trong tâm bạn, giống như một người đang nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm một con phố đông người, nhìn ngắm những chiếc xe, quan sát những chiếc xe và khách bộ hành đi ngang qua cửa. Hãy đừng bám chấp vào bất cứ điều gì bạn thấy trong tâm mình, đừng nhận xét, đánh giá, chỉ quan sát và cố gắng hiểu được bản chất vô thường của tâm bạn.

Sau khi suy ngẫm về sự vô thường của thế giới bên trong bao gồm thân và tâm bạn, hãy mở rộng sự chú ý ra thế giới bên ngoài. Hãy nghĩ về môi trường những thứ gần với bạn như chiếc đệm, tấm thảm hay chiếc gường bạn đang ngồi, sàn nhà, tường nhà, các cửa sổ và trần của căn phòng nơi bạn đang ngồi thiền, các đồ đạc và những thứ khác ở trong phòng. Hãy xem xét từng thứ trong số đó, trông có vẻ tĩnh tại, rắn chắc nhưng thực tế lại là vật chất được tạo thành từ vô số những phân tử vô cùng nhỏ bé đang dịch chuyển, chuyển động. Hãy an trụ trong trải nghiệm đó một lúc. Sau đó hãy hướng sự chú ý ra xa hơn một chút vượt ra khỏi bức tường trong căn phòng, bạn hãy nghĩ đến những người khác, thân và tâm họ cũng liên tục biến đổi, không tồn tại bất biến trong bất cứ khoảnh khắc nào. Điều này cũng đúng cho khắp thảy chúng sinh khác như các loài động vật, chim chóc và côn trùng. Hãy nghĩ đến tất cả những đối tượng bất động trên thế giới và trong vũ trụ như ngôi nhà, tòa nhà cao tầng, đường xá, xe cộ, núi non đại dương và sông ngòi, trái đất, mặt trời, mặt trăng và các vì sao,… Tất cả đều được tạo nên từ nguyên tử và phần tử nhỏ bé và liên tục thay đổi trong từng khoảnh khắc, không có thứ gì tồn tại vĩnh viễn thường hằng mà không có sự thay đổi. Hãy tập trung vào trải nghiệm này!

Trong quá trình thiền định về vô thường, bạn cần có cảm nhận rõ ràng mạnh mẽ về bản chất luôn thay đổi của vạn vật. Hãy duy trì sự chú ý, tập trung của bạn vào cảm giác đó trong thời gian càng lâu càng tốt mà không để cho tâm trí bạn bị xao động. Nói một cách khác, hãy ổn định việc thiền định. Hãy để tâm trí bạn tràn ngập trải nghiệm đó. Khi cảm giác mạnh mẽ rõ ràng về bản chất luôn thay đổi của vạn vật đã giảm đi hay sự chú ý của bạn bắt đầu trở lên sao nhãng, một lần nữa hãy phân tích về vô thường của thân, tâm và cảnh.

Bạn hãy kết thúc giờ thiền định với suy nghĩ rằng việc bám chấp vào sự thường còn của vạn pháp là một chuyện không thực tế và là sự tự lừa dối bản thân. Bất cứ thứ gì đẹp đẽ, làm chúng ta hài lòng đều sẽ thay đổi và cuối cùng biến mất.

Vì vậy, chúng ta không thể kỳ vọng bất cứ thứ gì hay điều gì sẽ đem lại hạnh phúc vĩnh viễn. Ngoài ra, bất cứ thứ gì không đẹp hay khiến chúng ta không hài lòng đều cũng không tồn tại mãi mãi. Mọi thứ sẽ thay đổi, có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, cho nên chúng ta không cần buồn rầu hay chối bỏ điều gì cả.

Nói một cách chung nhất, vô thường là tính chất căn bản của vạn pháp thế gian bao quát toàn bộ thân, tâm, cảnh. Sự thay đổi này luôn tiếp diễn không ngừng và dẫn chúng ta đến cái đích cuối cùng của cuộc sống hiện tại - đó là cái Chết - một hiện tướng rõ rệt nhất, lớn lao nhất và khốc liệt nhất của vô thường. Đây cũng là một đề mục lớn trong đề tài quán niệm về vô thường mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong phần thực hành kế tiếp.

Đức Phật có nói rằng trong tất cả các dấu chân thì dấu chân voi là lớn nhất, trong tất cả các phép quán thì quán vô thường là lớn nhất. Vì vậy, chúng ta nên trân trọng hơn những giây phút, khoảnh khắc ta đang sống trong cuộc đời này, để chúng ta sử dụng cuộc đời này một cách có ý nghĩa hơn. Các bậc Thầy giác ngộ nhắc nhở chúng ta rằng: Nếu buổi sáng con không quán vô thường thì con sẽ để buổi sáng trôi qua vô ích. Nếu buổi trưa con không quán vô thường thì buổi chiều con sẽ để trôi qua vô ích. Nếu buổi tối con không quán vô thường thì con sẽ để cả đêm trôi qua vô ích. Nhờ có pháp quán vô thường mà ban có thêm năng lượng để ta trưởng dưỡng niềm tin sâu hơn với sự thực hành Phật pháp.

Trích ấn phẩm: "Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử"

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Kiến thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Kiến thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Kiến thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Nói về Tứ niệm xứ

Kiến thức 10:40 02/11/2024

Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.

Xem thêm