Tại sao chúng sinh sợ nhân quả?
Hiểu và sống theo luật nhân quả, mỗi Phật tử sẽ làm chủ cuộc sống của mình, biết cách chuyển hóa những khổ đau đúng Chánh pháp cũng như nắm giữ được vận mệnh trong tay mình.
> Những câu chuyện nhân quả báo ứng nhãn tiền
Nhân quả là quy luật bất di bất dịch của vũ trụ được Đức Phật phát hiện sau khi thành Chánh Quả dưới cội Bồ Đề. Chính quy luật nhân quả đã phá tan những ý niệm sống về thần quyền, cho rằng có một đấng toàn năng đủ sức để ban phước giáng họa, điều khiển cuộc sống của con người. Khi biết, hiểu và sống theo luật nhân quả, mỗi Phật tử sẽ làm chủ cuộc sống của mình, biết cách chuyển hóa những khổ đau đúng Chánh pháp cũng như nắm giữ được vận mệnh trong tay mình.
Vạn sự vạn vật nói chung đều vận động theo sự chi phối của luật Nhân quả, chính xác là Nhân-Duyên - Quả. Với con người, quy luật Nhân- Duyên - Quả vận động và hình thành nên đời sống của một cá nhân gọi đủ là Nhân quả-Nghiệp báo. Tạo nghiệp nhân tốt ắt sẽ được nghiệp quả lành. Ngược lại, gieo nghiệp nhân xấu ắt sẽ gặt quả báo ác.
Nhân quả là gì?
Theo như “Phật học phổ thông” của HT.Thích Thiện Hoa đã định nghĩa một cách chính xác về “Nhân quả” như sau: “Nhân” là nguyên nhân. “Quả” là kết quả, hay nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực đó. Nói một cách khác theo nghĩa đen “Nhân” là hạt, “Quả” là trái. Từ đó cho chúng ta thấy rằng “Nhân quả” là hai trạng thái tiếp nối nhau, nếu không có nhân thì sẽ không có quả.
Trong thực tế chúng ta thấy rằng gieo hạt cam chúng ta sẽ được trái cam, gieo hạt ớt chúng ta sẽ được trái ớt. Gieo hạt ớt mà muốn được quả cam là chuyện không thể, điều này trường tồn bất biến theo thời gian không một ai được phép can thiệp vào tiến trình đi từ nhân đến quả của vạn vật cho dù là Đức Phật.
Nhân quả có từ bao giờ điều đó không quan trọng, quan trọng là sự tác động, ảnh hưởng của nó đến vạn vật trong vũ trụ, đặc biệt là con người. Cho nên trong cuộc sống thường ngày chúng ta nên chọn những nhân tố đem đến hạnh phúc, an lac, thảnh thơi nhất mà chúng ta có thể để cuộc sống luôn tươi đẹp không nhuốm màu hoen úa của nổi khổ niềm đau.
Các bài viết về quy luật Nhân quả Phật tử nên đọc
Quy luật nhân quả: sự thật không thể phủ định
Trên bình diện khoa học, quy luật nhân quả được đa số các nhà khoa học đồng tình, chấp nhận như một sự thật không thể phủ định. Tuy nhiên, khi bàn sâu về quá trình vận hành của nhân quả ở ba phương diện thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai thì vấn đề trở nên phức tạp. Sở dĩ có sự phức tạp bởi hai lý do, thứ nhất nhân quả ở hiện tại được xác định thông qua quá trình nghiên cứu và được công bố khi hội đủ bằng chứng xác thực. Đây là công việc dễ làm hơn nhiều so với việc nghiên cứu nó dưới góc độ thời gian, vì thời gian của những gì đã đi qua và thời gian của những gì chưa tới thì lấy đâu ra dữ liệu khách quan để nhận định. Thứ hai, trong vũ trụ có rất nhiều sự thật, tuy chúng ta không thể đưa ra những chứng cứ để chứng minh, nhưng đừng vì thế mà ta phủ định sự tồn tại của nó. Hơn nữa nhân sinh vũ trụ bao la vô cùng vô tận, chúng ta không dễ dàng thấy biết hết được.
Nhìn hướng Đông thì không thấy hướng Tây; nhìn mặt đất bằng mắt thường thì không tài nào biết trong lòng đất có gì; nhìn mặt biển nhưng không thấy được những gì dưới lòng đại đương, đơn giản vì mắt ta không thấy biết.
Cũng như thế, có rất nhiều vấn đề đang tồn tại quanh ta mà khoa học ngày nay chưa tìm ra hoặc phải bó tay, điều đó nói lên sự hạn chế của khoa học hiện đại. Do đó, quá trình vận hành của nhân - quả không thể dùng ngôn ngữ, văn tự hay sự hiểu biết cạn cợt mà miêu tả hết được.
Vì lẽ, sự thấy biết của con người có giới hạn so với Bậc giác ngộ giải thoát, mà ở đây là Đức Phật. Tầm hạn chế của tri kiến khiến ta không đủ khả năng để nhìn nhận những gì đã xảy ra ở một quá khứ xa xôi vì nó đã đi qua rồi và càng khó khăn hơn khi phải tìm hiểu nó, trong khi nó chưa xảy ra bao giờ, có chăng là sự phán đoán, mà phán đoán thì thiếu độ chuẩn xác, thậm chí có thể sai lệch hoàn toàn so với thực. Vì nhân - quả là dòng chảy tương tục vượt không gian lẫn thời gian, thế nên để hiểu một cách tường tận về nó ta phải dựa vào các yếu tố nhân duyên khác nhau, đặc biệt là trong ba kỳ thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai.
Điều đó lý giải vì sao một người sống hiền lương cũng chịu quả báo đau khổ, ngược lại một người làm việc bất thiện lại có đủ phước báu và gặp nhiều may mắn trong cuộc đời. Thật ra quá trình vận hành của nhân quả có chậm mau và còn tùy thuộc vào các duyên khác nhau. Một người sống thiện lành chịu quả báo xấu ở hiện tại vì quá khứ họ đã không làm được nhiều việc tốt nhưng bù lại việc thiện họ làm hôm nay sẽ là kết quả để gặt hái một tương lai tốt đẹp. Trường hợp một người ăn ở bất thiện lại có kết cục hạnh phúc, bình an ở hiện tại, vì người này trong quá khứ biết tu nhân tích đức, tuy nhiên những việc xấu ác tạo ra ở hiện tại chắc chắn phải gánh lấy trách nhiệm trong tương lai. Cũng có trường hợp tạo nhân lúc trẻ và về già thọ quả báo, đó là nhân quả xảy ra nhanh ở hiện tại vì đã hội đủ các yếu tố nhân duyên.
Niệm Phật, cầu nguyện hạnh phúc bình an có phải đi ngược với quy luật nhân quả?
Mọi chúng sinh đến với cuộc đời này từ một thế giới khác mà ở đó ngôn ngữ, hình tướng, môi trường sống hoàn toàn khác hẳn thế giới của ta và khi lìa đời cũng tùy theo nhân quả, tội phước mà đầu thai vào các cảnh giới cao thấp, vui khổ khác nhau.
Có sáu cảnh giới khác nhau, các cõi Trời là nơi tái sinh của những người chuyên hành thiện, có tấm lòng và sự cống hiến chân chánh cho nhân loại. A Tu La, có phước ngang cõi trời nhưng người nam thì hình thù xấu xí, hung dữ vì tâm nhiều sân hận. Thế giới loài người là nơi hội đủ nhiều cấp độ khổ đau và hạnh phúc, phước báu và các loại tội nghiệp. Bàng Sanh là tập hợp các loài động vật có cấu trúc xương sống ngang, thiếu trí tuệ, thiếu nhân tính và che mắt Phật tính, mặc dù nhân tính và Phật tính có tồn tại. Ngạ Quỷ là loại hình chúng sinh chịu quả báo đói khát về nhiều phương diện, đói khát thực phẩm, nước uống, đói khát tình dục, đói khát về cảm xúc… thân hình xấu xí vì kiếp quá khứ sống quá ích kỷ, tham lam, bỏn xẻn, thiếu phước báu và trí tuệ. Địa Ngục là cảnh giới nơi chúng sinh chịu quả báo hoàn toàn thống khổ vì lúc làm người hành sử tàn ác, không tin nhân quả, tội phước, luân hồi, tà kiến, hại người, sát vật.
Sống theo nhân quả mang đến những lợi ích gì?
Chủ động, tích cực, tự tin
Cuộc đời chúng ta hiện tại là sự biểu lộ ra thành quả của những nhân tốt xấu trong quá khứ. Thế nên muốn tiến bộ, muốn tương lai tốt đẹp thì ngay trong hiện tại chúng ta phải gieo trồng những nhân tốt. Chúng ta không thể đổ lỗi, đổ thừa cho hoàn cảnh, cho thần thánh, cho người khác. Ta đã gieo thì ta phải gặt. Và ta muốn gặt thứ gì thì hãy gieo thứ ấy. Sự lạc quan, yêu quý đời sống, quý trọng thời gian là do tin và sống theo nhân quả. Tương lai không phải là mơ ước viễn vông, tương lai nằm trong những việc làm (hành động tốt xấu, nghĩa là nghiệp tốt xấu) ngay trong giây phút này.
Tin nhân quả làm ta an tâm. Sự hợp lý, trật tự, ý nghĩa của một cuộc đời là do nhận thức được và sống theo nhân quả. Và mọi lộn xộn, thậm chí hỗn loạn của đời sống một cá nhân hay của xã hội đều là do thiếu nhận thức về nhân quả và không sống theo nhân quả.
Tự do và bình đẳng
Với quy luật nhân quả, ta bình đẳng với mọi chúng sinh trong sự thăng tiến của ta. Đó là sự bình đẳng tuyệt đối: không ai ăn gian, hối lộ, làm đồ giả, nịnh nọt, bợ đở đối với nhân quả được. Nhân quả khiến ta bình đẳng trước mọi cơ hội để tiến bộ, cả vật chất lẫn tinh thần. Nhân quả làm ta trở thành nhà điêu khắc, kiến trúc sư cho cuộc đời tôi và là người kế thừa duy nhất mọi hành động tốt xấu của ta. Đây là sự tự do ta có được.
Tự do lựa chọn, tự do hành động và tự do xây dựng cuộc đời ta.Nếu ta nhận ra mọi sự trong cuộc đời này đều có thể chuyển hóa thành một nhân tốt cho ta, thì tự do của ta là ở khắp tất cả, quyền lực của ta ở khắp tất cả. Đó là sự lạc quan, niềm vui hướng thượng của người tin nhân quả.
Không lo sợ
“Không có điều gì có thể xảy ra với mình, nếu nơi mình không có điều đó”. Không có quả nào có thể xảy ra với ta, nếu ta không có nhân quả đó. Người Phật tử sống cuộc đời không lo sợ như vậy. Còn nếu quả xấu ấy xảy ra thì sao? Thì hãy cố gắng chịu đựng, nhẫn nhục bởi vì mình đã có nhân cho quả ấy và nay nhân đang trổ thành quả. Trách ai nữa, ngòai mình? Và hãy rút kinh nghiệm, nếu muốn không gặp điều đó nữa thì chớ gieo nhân về điều đó nữa.
Heraclite, một triết gia Hy Lạp cổ đại từng nói: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Điều đó đã nói lên sự chuyển biến liên tục của con người và thế giới sự vật hiện tượng. Tất cả hiện hữu ấy đều là hiện hữu của tương duyên, chúng luôn diễn ra trong vòng nhân quả. Nói đến nhân quả - nghiệp báo là nói đến một tiến trình tạo tác của con người, và từ đó hình thành đời sống an lạc hoặc khổ đau cho mỗi con người; trong đó, mỗi tư duy và hành động cụ thể là một nguyên động lực kiến tạo nên trạng thái tâm lý an hay bất an, kiến tạo nên cuộc sống hạnh phúc hay bất hạnh. Tất nhiên, trong suốt tiến trình tạo tác (nhân quả - nghiệp báo) đó, con người luôn luôn đóng vai trò trung tâm và chủ động. Theo lời Đức Phật dạy, không hề có bất kỳ một sự chi phối nào bởi một quyền năng, bởi một đấng tạo hóa, thần thánh... trong tiến trình tạo tác ấy, mà chỉ có con người và các hành động tâm lý của con người mà thôi.
Thế nào là "Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả"?
Bồ Tát nguyên chữ Phạn là Bodhisattva, dịch âm là Bồ Đề Tát Đỏa, dịch nghĩa là hữu tình giác. Tức là một chúng sinh đã giác ngộ và đang giúp cho những chúng sanh khác cũng được giác ngộ như mình, thì gọi là Bồ Tát. Nhờ đã giác ngộ thấu suốt được lý nhân quả trong ba đời, nên chỉ sợ nhân mà không sợ quả. Chúng sanh là loại hữu tình có sinh có tử còn vô minh nên đi mãi trong vòng luân hồi. Vì chưa giác ngộ, còn mê mờ không thông lý nhân quả nên chỉ sợ quả mà không sợ nhân. Vậy kiểm lại trong chúng ta, ai là người biết sợ nhân xấu đó là người giác, là Bồ Tát, ai sợ quả xấu là kẻ mê, là chúng sanh. Bồ Tát hay chúng sanh là tự chúng ta có thấy biết đúng sự thật hay không, chớ không phải Bồ Tát cỡi hạc hay cỡi sư tử đi trên hư không để cho người ngưỡng vọng lễ bái. Nếu giác, thấy đúng lẽ thật, nhận biết một cách chính xác nhân nào đưa đến quả khổ, nhân nào đưa đến quả an lạc. Do biết rõ, nên thấy nhân nào đưa đến quả khổ quyết định không làm, vì tạo nhân rồi thì không tránh được quả, đó là Bồ Tát sợ nhân. Ngược lại, cái nhân đưa đến quả khổ nếu chúng ta không biết để tránh, mà chỉ thấy quả khổ đến lo sợ tránh né, đó là chúng sanh sợ quả. Ví dụ người có tật nóng giận, mỗi khi có người trong nhà hay hàng xóm nói hoặc làm điều gì trái ý liền la lối đánh đập. Nếu chửi bới hay đánh đập vợ con trong nhà bị thương tích thì tốn tiền thuốc thang chữa trị, bị xóm giềng cười chê là đồ bất nghĩa bất nhân, khiến tâm day dứt ân hận.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm