Tại sao Đức Phật dạy Phật tử tại gia làm giàu?
Trong Kinh Tăng Chi Bộ II, phần Trở thành giàu, Đức Thế Tôn từng khuyến khích hàng đệ tử tại gia làm giàu, gây dựng tài sản chân chính với 5 lý do cao đẹp.
Làm giàu góp một vai trò quan trọng trong cuộc sống
Làm giàu là nhu cầu thiết yếu trong đời sống của mỗi con người. Người Phật tử tại gia cũng cần phải làm giàu để nuôi sống thân mạng cũng như thực hiện trách nhiệm của mình. Bởi có tài sản không chỉ giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội mà còn giúp ngoại hộ Phật Pháp, bảo hộ chư Tăng tu hành an ổn, góp phần giúp Phật giáo trở nên hưng thịnh, phát triển.
Trong thời khóa giảng Pháp về “Làm giàu”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh từng chia sẻ: “Người đệ tử Phật, nhất là người đệ tử tại gia, không những tu học mà còn xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, làm cho cuộc sống ngày càng phát triển, tốt đẹp hơn. Các Thầy đi xuất gia thì khác, các Thầy chăm lo tu hành và hoằng truyền giáo Pháp. Còn bổn phận Phật tử tại gia là phải xây dựng, ngoại hộ cho chính Pháp. Mình phải làm việc, phải sản xuất, phải buôn bán để có tài sản. Tài sản đó mình không những nuôi sống gia đình, xây dựng xã hội mà còn ủng hộ cho Phật Pháp. Cho nên, người ta nói Phật Pháp hưng thịnh là do đàn na tín thí ủng hộ. Các Phật tử thấy nếu chùa mình không có các Phật tử ủng hộ thì làm sao có chùa khang trang thế này để chúng ta tu học yên ấm”. Quả đúng như vậy, Phật giáo thịnh vượng hay suy tàn cũng một phần nhờ vào công sức đóng góp, phát tâm cúng dường, hộ trì Tam Bảo của người Phật tử tại gia.
Bố thí là cách làm giàu vững chắc cho đời hiện tại và cả đời sau
Phật dạy 5 lý do người Phật tử nên làm giàu
Trong bài giảng Làm Giàu, phẩm Làm Giàu - kinh Nikaya Giảng Giải, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã chia sẻ cho đại chúng câu chuyện trưởng giả Cấp Cô Độc đến đảnh lễ Phật và được Phật dạy về 5 lý do mà người Phật tử tại gia nên gây dựng tài sản.
Làm giàu chân chính để mình được vui vẻ và cha mẹ, vợ con được hạnh phúc
Lý do đầu tiên, Đức Phật dạy: “Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản.”
Đại đức Trúc Thái Minh chia sẻ: “Trước hết là mình kiếm tài sản chân chính mình vui, sau nữa là mình làm cho cha mẹ, vợ con, cho người ăn, kẻ ở trong nhà mình được an vui”. Cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn khi ta biết làm giàu một cách chân chính, bằng mồ hôi, công sức và trí tuệ của mình. Điều đó, không chỉ giúp mình được vui vẻ mà còn cải thiện được tình trạng kinh tế, làm cho gia đình sung túc, chăm lo được cho cha mẹ, chăm lo được cho vợ, cho chồng, nuôi con cái, người ăn kẻ ở.
Tri túc và làm giàu có mâu thuẫn không?
Làm giàu để giúp đỡ bạn bè, thân hữu
Lý do thứ hai mà Đức Phật thuyết: “Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản.”
Từ lời dạy của Đức Phật, Đại đức chia sẻ: “Tài sản mình làm được, thứ nhất đem lại niềm vui cho mình và cho những người thân trong gia đình. Thứ nữa mình đem tài sản đó, chia sẻ giúp đỡ bạn bè thân hữu khó khăn. Đây là niềm vui thứ hai, là lý do để mình gây dựng tài sản. Chúng ta nhìn thấy bạn bè, anh em nghèo khổ mình rất thương, thương nhưng mình không có tài sản, mình không giúp được. Vậy mình phải làm sao có tài sản để giúp họ, khi giúp được họ mình có niềm vui. Mình cũng không thể vui được khi mà anh em, ruột thịt của mình đói khổ, trừ những người nào không còn nhân tâm gì nữa. Còn thấy mình vui, mình sung sướng giàu có mà để cha khổ, mẹ khổ, anh em khổ thì niềm vui ấy không trọn vẹn”.
Từ lời dạy của Đại đức, chúng ta hiểu rằng, nếu dư dả về tiền bạc, tài sản, chúng ta không những có cuộc sống no đủ mà còn có thể giúp đỡ, hỗ trợ được anh em, bạn bè lúc gian khó. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với thân bằng quyến thuộc mà còn là điều người Phật tử nên làm. Bởi biết chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương chính là tinh thần của nhà Phật. Là người con Phật, ta không thể không thương lấy anh em ruột thịt của mình đang khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, để làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải biết làm giàu, có tài sản. Nếu không, những mong mỏi đó chỉ dừng lại ở suy nghĩ, không thể thực hiện được.
Làm giàu để phòng trừ tai họa, biến cố
Đức Phật dạy lý do thứ ba cần gây dựng tài sản: “Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gây dựng tài sản.”
Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Người có tài sản rồi thì những tai họa giáng xuống gia đình nhà mình nhờ tài sản đó che chở cho mình. Ví dụ: Đột nhiên mình bị bệnh, bị tai nạn, nếu không có tiền của thì sao? Rất khổ! Nhưng nếu mình có tài sản tích lũy rồi thì mình có thể dùng tài sản đó để chữa bệnh, điều trị. Hay nhà mình nhỡ bị sụp, bị đổ thì có tiền để xây dựng lại. Đó là lý do mà mình phải có tài sản, phải làm, phải gây dựng tài sản. Không thể nói ở trên đời sống mà không gây dựng tài sản với một người Phật tử tại gia, các Phật tử phải thấy như vậy. Đây là lý do thứ ba để cho người Phật tử tại gia phải gây dựng tài sản, để phòng khi hiểm họa, khi tai nạn, khi những rủi ro đến với mình cho nên mình phải tích lũy”.
Sống ở trên đời, không ai có thể nói trước được chuyện của ngày mai. Hôm nay, có thể rất thành công nhưng ngày mai có thể đã thất bại. Hôm nay, có thể đang rất khỏe mạnh, ngày mai có thể đã bệnh nặng. Vậy nên, việc có tài sản để dự phòng, tiết kiệm là một điều vô cùng cần thiết. Như vậy, lý do thứ ba để người Phật tử tại gia phải biết gây dựng tài sản là để phòng khi hiểm họa, tai nạn, những rủi ro đến với mình.
Phật giáo có vô số pháp giúp cho doanh nhân làm giàu một cách chân chính
Làm giàu để hiến cúng cho vua, cho Chư Thiên, cho bà con, cho hương linh đã mất
Lý do gây dựng tài sản thứ tư mà Đức Phật dạy: “Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn….Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gây dựng tài sản.”
Về lý do này, Đại đức cũng giảng giải thêm để đại chúng hiểu: “Chúng ta có của, có tiền, chúng ta có thể hiến cúng cho mọi người, bố thí cho mọi người và chúng ta cúng cho các hương linh. Các Phật tử có thể dành tiền đó mua vật phẩm làm những đàn chẩn tế cúng các hương linh, các cô hồn, họ đói, họ không thể ăn được nếu mình không cúng cho họ. Nhờ mình bố thí, mình cúng cho họ, nên họ được ăn. Hương linh đó có thể là thân nhân quyến thuộc của mình, họ nhờ đó, họ bớt khổ và họ tiến tu, họ thoát nghiệp ngã quỷ. Thứ hai nữa, họ có thể hỗ trợ cho mình, chính những hương linh này, các loài ngã quỷ này mà mình bố thí cho họ thì họ lại ủng hộ cho mình. Cho nên, chính trong kinh Phật dạy, không những chúng ta hiến cúng cho bà con, anh em mà chúng ta còn có thể cúng cho các hương linh, những hương linh đã mất. Những người đã mất mà ta cúng cho họ, họ được phước báu. Chúng ta hiến cúng cho vua và cho cả chư Thiên, cúng cho chư Thiên họ cũng hộ trì cho mình”.
Qua lời giảng giải của Đại đức ta thấy rằng, nếu có tiền của để cúng vua và chư Thiên, cho hương linh người thân đã mất thì không chỉ quyến thuộc được phước báu, no đủ mà bản thân mình cũng được lợi lạc, được các chúng hộ trì, giúp đỡ.
Làm giàu để cúng dường Tam Bảo
Nguyên do thứ năm Đức Phật dạy: “Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa Môn, Bà La Môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gây dựng tài sản.”Cúng dường là một khái niệm quen thuộc trong Phật giáo, là việc làm thể hiện lòng thành kính đối với Tam Bảo để hộ trì chư Tăng tu hành được an ổn. Người biết cúng dường đến Tam Bảo, Phật, Pháp, Tăng sẽ được tăng trưởng phúc báu, hưởng lợi lạc nhiều đời, nhiều kiếp về sau.
Để đại chúng hiểu rõ hơn, Đại đức chia sẻ: “Người này có của, có tài sản, đem của, đem tài sản này, cúng dường cho các vị Sa Môn, các vị Bà La Môn, những người xuất gia, những người tu hành thì sự cúng dường này là sự cúng dường rất cao quý, trong đây Phật gọi là cúng dường tối thượng. Sự cúng dường này sẽ đưa đến cho họ phước báu vô lượng ở cõi người và cõi trời”.
Bên cạnh đó, Đại đức cũng chia sẻ câu chuyện về ông Cấp Cô Độc, là người cư sĩ tại gia rất gần gũi với Đức Phật. Ông đã mua đất, dát vàng, xây Tịnh xá cúng dường Đức Phật và Tăng chúng. Không những vậy, ông còn nấu cơm, nấu cháo phát cho người nghèo khổ, cô độc. Cho nên danh hiệu Cấp Cô Độc cũng từ đó mà có, tên của công gắn liền với hạnh bố thí. Bởi chăm làm những việc lành thiện nên khi bỏ báo thân, ông được sinh lên cõi trời Đao Lợi.
Lời Phật dạy sâu sắc về cách làm giàu chân chính
Người Phật tử làm giàu chân chính bằng sự nỗ lực, cố gắng; bằng tất cả trí tuệ và sức lực của mình chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho bản thân và xã hội. Bởi ngoài việc tinh tấn tu học, người đệ tử Phật còn phải làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người công dân tốt. Đó là làm giàu để xây dựng Đất nước đúng theo lời Phật dạy.
Hạnh Hòa
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm