Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 14/04/2024, 20:26 PM

Tám đặc điểm hiếm có trong giáo pháp Như Lai

“Có tám pháp hiếm có khiến các Tỳ-kheo vui thích ở trong đó. Sao gọi là tám? Trong pháp của Ta đầy đủ giới luật, không có hành phóng dật. Đó gọi là pháp hiếm có thứ nhất, các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích ở trong đó, như biển cả kia rất sâu và rộng.

Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở trong vườn Lộc uyển, nước Xá-vệ, cùng với năm trăm Tỳ-kheo. 

Lúc ấy, A-tu-la Ba-ha-la và thiên tử Mâu-đề-luân phi thời đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Lúc ấy, Như Lai hỏi a-tu-la rằng: 

“Các ngươi rất thích biển lớn phải không?”

A-tu-la bạch Phật: 

“Rất thích, chẳng phải là không thích”

Thế Tôn bảo: 

“Biển cả có pháp kỳ lạ gì, mà các người thấy rồi, lại vui thích ở trong đó?”

A-tu-la bạch Phật:

“Biển cả có tám pháp hiếm có nên các a-tu-la thích nó. Những gì là tám? Biển cả rất sâu rộng. Đó gọi là pháp hiếm có thứ nhất.

“Lại nữa, biển cả có đức thần này: bốn sông lớn, mỗi sông có năm trăm nhánh khi đổ vào biển liền mất tên cũ. Đó gọi là pháp hiếm có thứ hai.

“Lại nữa, biển cả đều cùng một vị. Đó gọi là pháp hiếm có thứ ba.

“Lại nữa, trong biển cả thủy triều lên xuống đúng giờ. Đó gọi là pháp hiếm có thứ tư.

“Lại nữa, biển cả là nơi ở của các lòai quỷ thần; các loài có hình, không lòai nào không ở trong ấy. Đó gọi là pháp hiếm có thứ năm.

“Lại nữa, biển cả dung chứa loài có hình cực lớn; hình hàng trăm do tuần đến hình bảy ngàn do tuần cũng không trở ngại. Đó gọi là pháp hiếm có thứ sáu.

“Lại nữa, trong biển cả sản xuất nhiều loại trân báu khác nhau, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thuỷ tinh, lưu ly. Đó gọi là pháp hiếm có thứ bảy.

“Lại nữa, đáy biển có cát bằng vàng, lại có núi Tu-di do bốn loại châu báu tạo thành. Đó gọi là pháp hiếm có thứ tám. Đây gọi là tám pháp hiếm có khiến cho các A-tu-la vui thích ở trong ấy.”

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Bấy giờ, A-tu-la bạch Phật: 

“Trong Pháp Như Lai có gì kỳ đặc khiến các Tỳ-kheo vui thích ở trong ấy?”

Phật bảo A-tu-la: 

“Có tám pháp hiếm có khiến các Tỳ-kheo vui thích ở trong đó. Sao gọi là tám? Trong pháp của Ta đầy đủ giới luật, không có hành phóng dật. Đó gọi là pháp hiếm có thứ nhất, các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích ở trong đó, như biển cả kia rất sâu và rộng.

“Lại nữa, trong pháp của Ta có bốn chủng tánh. Ở trong pháp Ta làm Sa-môn, họ không còn giữ tên họ cũ, mà đặt lại tên khác. Giống như biển lớn kia, bốn sông lớn đều đổ vào biển mà cùng một vị, không còn có tên khác. Đó gọi là pháp hiếm có thứ hai.

“Lại nữa, trong pháp của Ta, cấm giới được chế lập lần lượt tiếp nối nhau, không vượt thứ tự. Đó gọi là pháp hiếm có thứ ba.

“Lại nữa, pháp của Ta đều cùng một vị, đó là vị tám phẩm đạo Hiền thánh.[48] Đó gọi là pháp hiếm có thứ tư, như biển cả kia đều cùng một vị.

“Lại nữa, trong pháp của Ta sung mãn mọi pháp khác nhau: Đó là bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo. Các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó. Như biển lớn kia các vị thần cư trú trong ấy. Đó gọi là pháp hiếm có thứ năm.

“Lại nữa, trong pháp của Ta có các loại châu báu như: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Đó gọi là pháp hiếm có thứ sáu, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó, như biển cả sản sinh các loại châu báu.

“Lại nữa, trong pháp của Ta, các chúng sanh cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, ở trong vô dư Niết-bàn giới mà diệt độ; nhưng pháp Ta không có tăng giảm. Như biển cả kia, các sông đổ vào mà vẫn không có tăng giảm. Đó gọi là pháp hiếm có thứ bảy, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó.

“Lại nữa, trong pháp của Ta có định kim cang, có định diệt tận, định nhất thiết quang minh, định vô sanh, các loại định không thể tính hết, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó; như dưới đáy biển cả kia có cát vàng. Đó gọi là pháp hiếm có thứ tám, các Tỳ-kheo thấy rồi, vui thích ở trong đó. 

“Ở trong pháp của Ta có tám pháp vị tằng hữu này, các Tỳ-kheo rất tự vui thích ở trong đó.”

Lúc ấy, A-tu-la bạch Thế Tôn: 

“Như trong pháp của Như Lai, giả sử có một pháp hiếm có thì cũng hơn tám pháp hiếm có trong biển kia, gấp trăm, gấp ngàn lần, không thể so sánh, đó chính là bát đạo Hiền thánh. Lành thay! Thế Tôn đã nói những điều này.”

Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt nói cho họ nghe về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là hoạ lớn, giải thoát là pháp vi diệu. Sau khi Thế Tôn đã thấy tâm ý họ khai mở, như những gì chư Phật Thế Tôn thường thuyết pháp, Ngài nói hết cho họ về Khổ, tập, diệt, đạo.

Lúc này, A-tu-la liền tự nghĩ: ‘Đáng ra có năm đế, nay Thế Tôn chỉ nói bốn đế cho mình. Cho chư thiên thì nói năm đế!’

Trong lúc ấy, vị thiên tử lihền ngay trên chỗ ngồi mà được pháp nhãn thanh tịnh. 

A-tu-la bạch Thế Tôn: 

“Lành thay! Thế Tôn đã nói những điều này. Nay con muốn trở về chỗ ở.”

Thế Tôn bảo: 

“Nên biết hợp thời.”

A-tu-la rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi theo đường mà đi.

Lúc ấy, thiên tử bảo A-tu-la: 

“Những gì ông đã nghĩ hôm nay thật là không tốt! Nghĩ rằng: ‘Sao Như Lai vì chư thiên nói năm đế, vì ta nói bốn đế?’ Vì sao vậy? Vì chư Phật Thế Tôn không bao giờ nói hai lời, chư Phật không bao giờ bỏ chúng sanh, nói pháp cũng không biết mệt mỏi, nói pháp cũng lại vô tận, cũng lại không lựa người mà nói pháp, mà nói pháp với tâm bình đẳng. Chỉ có bốn đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, nay ông chớ có nghĩ vậy mà đổ lỗi Như Lai nói có năm đế.”

A-tu-la đáp: 

“Nay tôi đã tạo việc không tốt, tự sẽ sám hối. Tôi phải đến chỗ Như Lai để hỏi nghĩa này.”

A-tu-la và Thiên tử sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

Kinh Tăng Nhất A-hàm

Tám pháp - Phẩm Tám Nạn - Kinh số 4

Hán dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà

Việt dịch: Thích Đức Thắng

Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Xem thêm