Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 06/12/2022, 21:31 PM

Tâm thư gửi những người mắc bệnh rối loạn lo âu

Bạn có đang lo lắng quá mức về một điều gì đó không thực tế hoặc về một mối nguy hiểm mà khả năng xảy ra là rất thấp, và sự lo lắng này diễn ra liên tục đến nỗi nó can thiệp khá sâu vào cuộc sống hằng ngày của bạn? Nếu có, rất có thể bạn đang bị rối loạn lo âu. 

Bớt nghĩ, bớt tưởng, bớt mong cầu sự chắc chắn cũng là bớt đi sự sợ hãi trong bạn. Hãy để tâm trí bạn được thảnh thơi.

Bớt nghĩ, bớt tưởng, bớt mong cầu sự chắc chắn cũng là bớt đi sự sợ hãi trong bạn. Hãy để tâm trí bạn được thảnh thơi.

Bạn vốn dĩ là người rất chăm chỉ và năng động, nhưng giờ đây chứng rối loạn lo âu khiến bạn chỉ muốn ở mãi trên giường, trong chiếc chăn ấm, và coi đó như ‘vùng an toàn’ của bạn. Bạn vốn thích ngắm nhìn bình minh với những tia nắng ấm áp, nhưng giờ đây căn bệnh này khiến bạn lại cảm thấy những tia nắng kia như những mũi kim đâm thấu da thịt chỉ bởi vì chúng là dấu hiệu của một ngày mới, một ngày đầy đau khổ của bạn đang bắt đầu. Và do đó bạn không còn muốn thức dậy. Rối loạn lo âu làm cho bạn gần như tê liệt vì bạn không còn muốn làm gì nữa. Nó gây đau khổ không chỉ cho bạn mà còn cho người thân của bạn. Nếu chẳng may, bạn rơi vào tình huống này thì hãy nhanh chóng tìm cách chữa trị. 

Rối loạn lo âu có nhiều loại, nhưng suy cho cùng tất cả đều bắt nguồn từ sự sợ hãi của bạn về một điều gì đó. Tâm lý học phương Tây nhận thấy rằng một trong những phương pháp điều trị hiệu quả là cho bệnh nhân tiếp xúc dần và liên tục với điều gây cho họ sợ hãi, hoặc trực tiếp hoặc thông qua ý nghĩ của họ, thay vì tránh né nó. Tuy nhiên, cái khó của phương pháp này là đôi khi sự sợ hãi, nếu không muốn nói là kinh hãi, của bệnh nhân quá lớn đến nổi họ đành bỏ cuộc, không thể tiếp tục quá trình điều trị.

Nếu đây cũng là tình trạng của bạn thì xin bạn đừng bỏ cuộc. Phật pháp có nhiều cách  giúp cho bạn bớt ‘đau đớn’ và can đảm hơn để đối diện với nổi sợ hãi của bạn: 

Thứ nhất, bạn không nên phản ứng mỗi khi cảm giác sợ hãi khởi lên trong tâm bạn. Thông thường, khi có cảm giác này, thì như một phản xạ tự nhiên, bạn sẽ làm cái gì đó để nhanh chóng xua nó đi. Có những bệnh nhân sợ hãi về một tình huống cụ thể và do đó họ luôn tìm cách né tránh nó. Đây là một phản ứng. Những bệnh nhân khác lại sợ chính suy nghĩ của họ, vì có những suy nghĩ không mong đợi bỗng dưng xuất hiện và kích hoạt nổi sợ hãi trong tâm trí họ. Trong trường hợp này, họ sẽ phản ứng bằng cách tự trấn an, nhờ người khác trấn an, hoặc làm một hành động cụ thể nào đó để có được cảm giác ‘an toàn’. Có phải bạn cũng như thế không? Bạn ít khi nào dám đối diện hoặc chấp nhận ‘trải nghiệm’ sự sợ hãi của mình. Cũng dễ hiểu thôi vì có ai muốn mình rơi vào tình huống mà mình cho là nguy hiểm. Nhưng xin hãy nhớ rằng trong trường hợp của người bị rối loạn lo âu, sự sợ hãi đã trở nên quá mức và nó đang dần hủy hoại bạn. Bạn cần phải cải thiện tình trạng này. Như đã nói, bạn không cần phản ứng với nổi sợ hãi của mình. Bạn nên đối diện với nó. Dĩ nhiên là điều này rất khó làm.

Nhưng may mắn thay, Đức Phật đã dạy ta một phương tiện trợ giúp: đó chính là hạnh nhẫn. Nhẫn chính là chiếc áo giáp giúp ta đối diện và vượt khó thành công. Nhẫn giúp phước tăng, nghiệp tiêu. Rối loạn lo âu hay sợ hãi cũng là một dạng nghiệp. Hiểu được nguyên tắc này, thì mỗi khi sợ hãi khởi lên trong tâm bạn, dù nó gây khó chịu cách mấy, bạn cũng nên can đảm đối diện với nó, bạn nên kiên nhẫn với cảm giác ‘đau đớn’ này, rồi bạn sẽ nhận thấy sự sợ hãi của bạn tự nhiên yếu dần và từ từ biến mất. Nó sẽ không đến để giày vò bạn nữa. Đây cũng là lúc nghiệp sợ hãi của bạn đã tiêu, và cũng là thành quả của việc thực hành hạnh nhẫn của bạn.

Thật trùng khớp. Khoa học phương Tây cũng chứng minh được rằng khi bạn càng phản ứng với nỗi sợ hãi của bạn thì nỗi sợ hãi ấy càng tăng lên. Tất nhiên, bạn sẽ có được cảm giác an tâm tạm thời do phản ứng của mình mang lại, nhưng cái giá phải trả là sự sợ hãi sẽ quay lại, lần sau sẽ dữ dội hơn lần trước và nó sẽ giày vò bạn nhiều hơn. Các chuyên gia tâm lý phương Tây đã chỉ ra cái vòng lẩn quẩn của sự sợ hãi - phản ứng - an tâm tạm thời - sợ hãi nhiều hơn. Cái vòng lẩn quẩn này đang thu hẹp, thậm chí là giam hãm, con người bạn. Do đó, họ luôn khuyên bệnh nhân nên đối diện với sự sợ hãi, thà chịu ‘đau’ những lần đầu, mà về lâu dài sẽ được thanh thản, sẽ được hồi phục.

Thứ hai, bạn nên học cách bao dung hơn với cảm giác ‘không chắc chắn’ của bạn. Khoa học phương Tây cũng đã nhận thấy rằng một trong những nguyên dẫn đến sợ hãi hay rối loạn lo âu là cảm giác không chắc chắn của bạn về một điều gì đó. Thật ra, trong cuộc sống, không chỉ mình bạn, mà còn có rất nhiều người giống bạn, luôn cố công tìm kiếm sự ‘chắc chắn’. Họ lên kế hoạch, họ làm mọi cách có thể để mọi thứ được diễn ra theo ý của họ, theo cái cách mà họ cho là sẽ mang đến sự an toàn hay tốt đẹp cho họ. Làm như vậy, dù vô tình hay cố ý, cũng đồng nghĩa với việc họ đang cố kiểm soát cuộc đời của họ, và thậm chí là của người khác nữa. Bạn có như thế không? Nếu có, xin bạn hãy tự hỏi liệu tấm thân nhỏ bé và tâm trí chưa được toàn giác của bạn có thể kiểm soát cả thế giới bao la, bất tận ngoài kia không. Bạn có để ý đến cái nghịch lý này không: Khi bạn cố kiểm soát thế giới bên ngoài bao nhiêu, thì tâm trí bạn sẽ kiểm soát ngược lại bạn bấy nhiêu, thông qua nổi sợ hãi? Ở những người bị rối loạn lo âu, có rất ít và thậm chí là không có sự bao dung hay chấp nhận đối với điều không chắc chắn. Và kết quả là họ đã để cho sự sợ hãi khống chế họ, làm chủ họ. 

Nhưng làm thế nào để học cách bao dung với sự không chắc chắn trong khi đây không phải là điều dễ làm? Một lần nữa, Phật pháp lại cho ta một phương tiện trợ giúp: đó chính là nhìn thấu. Nhìn thấu để thấy rằng không có một biên giới tách biệt giữa cái gọi là tốt, là phúc, và cái cho là xấu, là họa. Tốt và xấu như hai mặt của một bàn tay. Nếu hiểu như thế, thì bạn cần gì phải tìm kiếm sự chắc chắn và cho rằng có như thế mới là tốt, có như thế bạn mới được an vui. Không biết bạn đã nghe qua câu chuyện Tái Ông Thất Mã chưa? Ngày xưa, có một người tên Tái Ông sống ở biên giới Trung Hoa, giáp nước Hồ. Ông nuôi ngựa, và một ngày kia con ngựa của ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ. Biết ông mất ngựa, hàng xóm đến an ủi ông. Nhưng ông bình thản trả lời: “Tôi mất ngựa, nhưng chưa hẳn đó là điều xấu.” Quả thật, một ngày nọ, con ngựa đã mất của ông bất ngờ quay về cùng với một con ngựa quý. Láng giềng thấy vậy đến chúc mừng ông có thêm một con ngựa nữa. Nhưng ông lại điềm nhiên trả lời: “Tôi được ngựa cũng chưa chắc là điềm lành.” Đúng vậy. Con trai ông thích cưỡi ngựa quý mà vì vậy bị té gãy chân, rồi dẫn đến có tật ở chân. Hàng xóm lại đến an ủi ông. Ông vẫn bình tĩnh mà trả lời: “Con trai tôi gãy chân chưa hẳn là điều xấu.” Thế rồi, một thời gian sau, nước Hồ đưa quân sang xâm chiếm. Tất cả thanh niên nơi ông ở đều phải ra trận và đa số tử trận. Con trai ông vì có tật ở chân nên được ở nhà và vì thế mà thoát chết.

Vậy đó, trong phúc có họa và ngược lại. Trong cuộc sống, sự diễn tiến của các sự vật, hiện tượng vượt xa sự hiểu biết thông thường của con người. Biết vậy thì bạn hãy bớt nghĩ, bớt tưởng, bớt suy trước tính sau để cầu mong sự chắc chắn. Bớt nghĩ, bớt tưởng, bớt mong cầu sự chắc chắn cũng là bớt đi sự sợ hãi trong bạn. Hãy để tâm trí bạn được thảnh thơi. Hãy tự nhắc nhở rằng sự thông minh của bạn, cùng với những hoạch định của nó, có thể đang đánh lừa bạn, có thể chỉ hứa hẹn một sự ‘chắc chắn ảo‘, bởi do cái thấy, cái biết của bạn rất hữu hạn so với cái thế giới mà bạn đang sống. Như vậy, thay vì cố công tìm kiếm sự chắc chắn để rồi sợ hãi vì không đạt được điều đó, thì bạn nên bao dung, cởi mở với mọi tình huống. Trong sự bao dung và cởi mở đó bạn nên giữ tâm bình thản, phát triển định lực và trí huệ. Theo quan điểm Phật giáo, đây là những yếu tố quan trọng và thiết thực, giúp bạn luôn sáng suốt, đứng vững và an nhiên trong mọi hoàn cảnh.

Tôi có thể phần nào hiểu được nổi đau khổ và những khó khăn mà bạn đang phải gánh chịu do bệnh rối loạn lo âu gây ra. Nhưng dù có khó cách mấy, bạn vẫn phải cố đứng lên. Hãy can đảm đối diện dần dần với sự sợ hãi của bạn, đi xuyên qua nó, và rồi cuối cùng là không còn sợ hãi nữa. Đừng để căn bệnh này làm bạn tê liệt, và cũng đừng để người thân của bạn đau khổ thêm nữa. Hãy thực tập ngay bây giờ và từng bước một. Đừng quá lo lắng vì đang có rất nhiều người yêu thương và ủng hộ bạn, trong đó có tôi. Chúc bạn sớm hồi phục để trở về với cuộc sống bình thường của bạn, để sống an vui và làm lợi ích cho gia đình và tất cả chúng sinh. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Sống an vui 16:50 22/11/2024

Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.

Những cảnh giới cao nhất

Sống an vui 13:15 22/11/2024

Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?

Buông xả những nỗi lo âu

Sống an vui 11:00 22/11/2024

Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.

Học chim làm tổ

Sống an vui 07:30 22/11/2024

Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.

Xem thêm