Thứ bảy, 25/03/2023, 08:13 AM

Tạo phước từ những điều đơn giản!

Thông thường, người ta thường nghĩ “làm phước” là phải làm điều gì đó to lớn, mang tính cho và nhận bằng những vật phẩm thấy được, cho tặng càng nhiều, mâm càng cao, cỗ càng đầy thì phước sẽ theo đó mà tăng dần, thực ra, “làm phước” và tích đức đôi khi chỉ đến từ những việc đơn giản nhất.

Nếu làm phước chỉ được đong đếm từ những vật phẩm lễ bái thì có lẽ chỉ người giàu mới có nhiều phước đức, nhưng trên thực tế, tại sao có những người bỏ tiền bạc ra cúng kiếng rất long trọng, phong thủy rất kỹ lưỡng nhưng nhưng vẫn không gặp được điều may mắn, tâm không thư thái, tinh thần thiếu đi sự bình an? Còn có người không nhiều tiền nhưng họ lại sống an lạc, nhẹ nhàng?

Xung quanh chúng ta, hằng ngày chúng ta vẫn thấy, có những người làm việc mà trong mỗi công việc đều làm bằng hết cái tâm, họ luôn muốn tạo sự thuận lợi, suông sẻ cho người khác, khi mang lại sự hài lòng, niềm vui cho người khác là họ đã tích được cái thiện, tạo được cái phước, ngược lại, một người làm việc mà thiếu ý thức trách nhiệm, luôn coi mình là bề trên, thích gây khó khăn, chậm trễ cho người khác, khi tạo cho người khác sự bất an thì dù chúng ta có đem nhiều tiền nhiều bạc để cúng bái cầu khẩn, bố thí đi nữa bổn mạng cũng đã tích lũy một việc không lành.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Việc lành và việc không lành, đôi khi đến từ những hành vi rất nhỏ mà người ta thường nhầm lẫn nên dễ giải bỏ qua vì cho rằng nó không phải là nghiệp xấu, đó không đủ căn nguyên để tạo thành hệ lụy sau này vì chúng ta vẫn quen nghĩ, tạo nghiệp xấu, sống không có đức là khi phải làm cái gì đó ác lắm, phải vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, sát sinh, trộm cướp…mới bị coi là nghiệp ác, mới phải nhận hậu quả sau này.

Thế nhưng, tạo phước, tích đức hay hoại phước đôi khi lại đến từ những điều vô cùng đơn giản, chẳng hạn khi thấy một cái ly bể, một người sợ gây tai nạn cho người khác, họ bỏ mảnh vỡ thủy tinh vào một nơi kín đáo, bọc lót và ghi chú cẩn thận để người khác tránh bị sát thương, đó là tạo cái phước, tích cái đức. Ngược lại, cùng một việc đó nhưng có người thản nhiên quăng những mảnh vỡ thủy tinh vào thùng rác, mặc kệ người đổ rác hoặc ai đó vô tình thò tay vào sẽ bị tổn thương, mà vết thương lỡ làm độc, người đó mất đi một cánh tay, thậm chí mất mạng thì có phải một việc sơ suất nhỏ, một chút vô ý thức, bàng quan của mình đã gây ra điều không may cho người khác, như vậy là đã mất đi cái phước, tổn hao đi cái đức. Khi chạy xe ra ngoài đường cũng vậy, có những người tài xế lái xe rất cẩn thận, thấy chướng ngại vật thì dừng lại dẹp vào lề đường để không gây tai nạn cho người khác, đó là tạo cái phước cho mình, còn người chạy xe cẩu thả, phóng bạt mạng, muốn dừng là dừng, muốn là quẹo, không nghĩ đến ai, lỡ vô tình làm người khác té, bị thương, bị tử vong, thì đó cũng là tạo nghiệp ác chứ không phải đợi đến khi giết chóc, trộm cướp hay ám hại người khác mới gọi là làm ác.

Phước đức quan trọng nhất của con người là biết sống hiếu đạo với Cha Mẹ, thờ Cha kính Mẹ cũng là tạo ra cái phước đức bản thân, nhưng tiếc thay, có những người ở nhà không yêu thương Cha Mẹ, không chăm sóc quan tâm, người này đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng cho người kia nhưng lại mang tiền bạc đi làm từ thiện nhiều nơi khác, như vậy chẳng những không được phước mà phước đức còn bị mất, tiền bạc bố thí lúc đó cũng chẳng còn giá trị. 

“Phước đức cạn đi cũng do tâm người là chính”, có những người khi nhìn vào một vấn đề nào đó, xem một cái gì đó, họ thích tìm cho mình cái đẹp, cái hay để học thì có những người lại thích “vạch lá tìm sâu”, tìm cho ra cái xấu, cái sai, cái khuyết điểm từ người này người khác, dù không có, không đáng cũng phải lôi ra cho có để chứng tỏ mình hay, mình giỏi hơn người, ý niệm không trên tinh thần xây dựng mà mang tính phá bĩnh, họ mặc nhiên nói những lời chê bai, gây tổn thương cho người khác, những việc làm đó đều xuất phát từ cái tâm nhỏ hẹp, đố kỵ mà ra, luôn muốn người khác phải thấp kém hơn mình, mà một khi trong tâm đã tồn tại sự hẹp hòi, gút mắc, nó đã vô tình làm cho cái phước mình mất đi một chút, hậu quả là tâm mình không lúc nào bình yên. Cuộc sống dễ gặp những buồn phiền, trắc trở.

Một người dù cúng kiếng linh đình, tiền bạc vung ra dư giả và cho rằng đó là sự hào phóng, là lòng tốt để đổi lại sự may mắn nhưng khi làm phước bằng đồng tiền không trong sạch, làm việc với người khác thì thái độ không nho nhã thiện lành, không tận tình hướng dẫn, thiếu tinh thần trách nhiệm, để người ta phải mất thời gian đi lại nhiều lần, tinh thần mệt mỏi, sức khỏe hao hụt, hoặc tốt với người giàu mà đi bòn tro đãi trấu với người nghèo, như vậy thì dù có cúng kiếng mâm cao cỗ đầy, có đến Chùa Chiền lễ bái, dâng tiền cúng bạc, có bố thí chỗ này chỗ nọ, rốt cuộc cũng chỉ là cầu cái hư danh chứ trong tâm đã không có lòng từ. Một cái cây mà bên trong mục ruỗng thì dù có sơn phết bên ngoài đẹp đẽ ra sao cũng không thể nào vững chãi, phước đức cũng không thể nào bén rễ. 

Con người luôn phải đối mặt với vô số điều nhỏ diễn ra, mỗi điều đều mang một bản thể vô ưu và tạo ra nhân quả tốt hay xấu là do mỗi người tự thực hành lên đó. Từ những việc nhỏ nhưng khi chúng ta làm bằng cái tâm, đặt vào đó lòng lương thiện, mong muốn mang lại cho người khác sự hài lòng, thuận lợi, tránh gây tổn thương về thể chất lẫn tinh thần cho người khác cũng chính là tạo ra cái phước cho mình, ngay cả việc cúng dường bố thí cũng cần xuất phát từ tâm, được thực hiện trong sự buông xả và khiêm tốn thì việc đó mới là thuần hạnh. Thay vì than vãn sao mình hay gặp chuyện xui, làm gì cũng thất bại, không suông sẻ, giàu có nhưng khổ tâm, bố thí nhiều mà vẫn đau đớn vì bệnh tật, thì chúng ta nên tự quán chiếu bản thân xem mình đã làm những việc gì khiến cho phúc đức mất đi, khi nguồn dự trữ đã sử dụng hết mà chúng ta không bồi đắp tích lũy thì một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải sống trong sự thiếu thốn điều phúc báu và may mắn. 

Tạo phước cũng giống như trồng một cái cây, chúng ta gieo hạt mầm gì thì chúng ta gặt quả đó, từ bi bằng tâm lượng rộng mở hay chỉ là hình thức sùng bái bên ngoài, phước đức mà chúng ta thu nhận thế nào cũng từ hành động, tâm thức mà ra,

Đạo Phật luôn khuyến khích con người sống hướng thiện và biết tích lũy phước đức cho mình bằng những việc làm xuất phát từ tâm, không phải từ hình thức bên ngoài bởi vì đạo đức là bệ đỡ cho người ta hướng đến một cuộc sống an lành. Đạo đức trong nhà Phật mang tính triết lý nhân quả, lấy ngũ giới làm căn bản, truyền dạy chúng sinh tính tự giác, nhân văn. Khi chưa hiểu được nguồn gốc của đạo đức xuất phát từ nền tảng, nguyên lý nào, con người dễ sa vào mê lầm, ảo tưởng, để rồi nằm giữa bạc vàng châu báu vẫn thấy lòng lo âu, vẫn thấy đời khổ hạnh!

Vì vậy, “Giới, Định, Tuệ” trong nhà Phật vẫn được xem là bản chất thiết yếu để hướng Phật tử, chúng sanh đến với con đường trí tuệ, tịnh hóa nội tâm, rèn luyện ý thức và tu dưỡng đạo đức từ những việc làm nhỏ nhất.

Tạo phước, tích đức không đòi hỏi chúng ta từ những việc làm tốn kém, to tác, mang nặng hình thức mà từ chính những điều đơn giản nhất, khi ta gặp hàng ngày, đối diện và thấy được hàng ngày. Trong giáo lý nhà Phật, Đức Bồ Tát đã từng thuyết minh “không có bát nhã trí tuệ thì dù có hành trì bao nhiêu thời gian cũng không phải con đường niết bàn chân chính” để cho thấy rằng mỗi người cần hành trì, thực niệm tạo phước bằng những việc làm bắt nguồn từ sự hiểu biết, lòng từ bi, trí tuệ, từ chính nếp sống, thói quen mang tính vị tha, trách nhiệm chứ không phải yếu tố lễ bái, cúng kiếng, bố thí, mang vật chất để đổi lấy phước đức, cầu an. Sự khiêm nhường, vừa phải, tinh thần xây dựng, nhân ái, hiểu và thấu hiểu từ tâm bồ đề mới là cội rễ để hình thành và tích lũy một nền tảng đạo đức, tạo ra phúc khí cho con người, mang đến cho con người sự chánh thiện vững bền và đúng với nguyên lý cốt yếu nhà Phật.

Tạo phước, tích đức cũng là cách gieo mầm hạnh phúc trong mỗi chúng sinh, sự gieo mầm từ những hạt nhỏ nhưng được chăm sóc, tưới tẩm cẩn thận, trải qua thời gian dài mới thành nhân quả lớn chứ không phải bứng một cây cổ thụ đặt vào mặt đất nông mà nhận về sự bình an, phúc hạnh.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm