Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 25/09/2022, 13:19 PM

Tây Du Ký: Trí & Thức

Khi đọc tới hồi 57-58, tôi thấy Ngô Thừa Ân khéo dẫn truyện và hình ảnh để diễn đạt đạo lý thật hay về ý nghĩa “Phân biệt là ý thức và phân biệt tức không phải ý (trí)”. Đây xin lược dẫn môt đoạn nói về ý này.

... Trên đường đi mấy thầy trò bị bọn cướp đón đường, nên Tôn Hành Giả đã nặng tay đánh chết hết mấy người, Đường Tăng không nhịn được bèn đuổi Tôn Hành Giả... Tôn Hành Giả ra đi không trở về động mà đến Bồ Tát Quan Âm cáo chứng... Không có Tôn Hành Giả, Bát Giới phải đi xin cơm…. Đường Tăng thấy Bát Giới xin cơm lâu quá mà chưa về mới bảo Sa Tăng đi tìm. Đường Tăng ở lại một mình bị Tôn Hành Giả giả đánh ngất đi rồi lấy hết hành lý về động Thủy Liêm... Đường Tăng tỉnh lại nghĩ rằng Tôn Hành Giả thật làm phản nên bảo Sa Tăng đến động Thủy Liêm năn nỉ xin lại hành lý... Khi Sa Tăng đến nơi, Tôn Hành Giả giả không đưa mà còn biến ra Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng và Ngựa Bạch giả chuẩn bị lên đường sang Tây thiên thỉnh kinh, để về Đông thổ xưng danh làm Tổ... Sa Tăng mới biết không phải sư huynh mình, giận quá đánh chết Sa Tăng giả rồi tẩu thoát đến chỗ Bồ Tát Quan Âm cầu cứu thì gặp Tôn Hành Giả thật ở đó... Sa Tăng thuật chuyện đã xảy ra cho Bồ Tát nghe. Bồ Tát sai Tôn Hành Giả thật đến động xem Tôn Hành Giả giả là ai mà dám làm thế... Khi gặp nhau cả hai chiến đấu không phân thắng bại, còn Sa Tăng đi theo muốn đánh giúp sư huynh mà không biết ai thật, ai giả đành đứng nhìn. Tôn Hành Giả thật vừa đánh vừa dẫn dụ đi đến chỗ Bồ Tát nhờ đọc thần chú để Sa Tăng nhận ra ai thật ai giả. Bồ Tát đọc thần chú cả hai đều đau đầu nên cũng không phân biệt được, bèn lên nhờ đến Thượng đế... Thượng đế cũng không nhận ra. Dẫn xuống U minh nhờ Bồ Tát Địa Tạng sai con Đế Thính ngửi xem ai thật, ai giả. Vì ở Thượng đế và U minh Tôn Hành Giả có đến, nên hai vị này có biết qua nay nhờ phân định dùm. Đế Thính biết nhưng cũng không nói được và không thể giúp sức bắt yêu tinh, vì thần thông yêu tinh không kém với Tôn Hành Giả... Địa Tạng nói: “Như vậy làm sao diệt trừ”. Đế Thính nói: “Phật pháp vô biên”. Ngài Địa Tạng tỉnh ngộ bèn chỉ đến Đức Phật mới biện được, nên cả hai đồng ý cùng đến trước Phật... Phật nhìn liền biết hết cả và nói lai lịch về Tôn Hành Giả giả. Tôn Hành Giả giả nghe Phật nói rõ gốc gác của mình bèn hóa thành con ong bay chạy, Phật liền tung bát tộ úp lấy. Mọi người đến cầm lấy bát lên, nó hiện rõ bản tướng là con Lục nhĩ hầu (khỉ sáu tai), Tôn Hành Giả không nhịn được liền đánh chết...

Đây cho thấy khi trí tuệ không hiện hữu thì trên đường hành đạo sẽ gặp trở ngại, giống như Đường Tăng đuổi Tôn Hành Giả liền gặp nạn vậy. Trên đường hành đạo, nếu chúng ta nhận định kỹ thì sẽ thấy có hai hành giả nơi cõi lòng mình là một thật, một giả như trong truyện nói đã.

1- Là chỉ cho ý thức ở sáu căn khi còn mê tối vọng động, lầm thấy các pháp là thật. Tức là con khỉ sáu tai (Tôn Hành Giả giả).

2- Chỉ cho ý thức đã chuyển hóa thành trí tuệ sáng suốt rõ biết các pháp đúng như thật (Tôn Hành Giả thật).

Con khỉ sáu tai là nói đến ý thức ở sáu giác quan, tức là sáu thức chớ chẳng phải cái chi khác. Nếu dùng ý thức để tu thì không thể nào đến quả vị giải thoát được. Vì ý thức là cái sinh diệt khi có, khi không, nó không phải là chánh nhân giải thoát. Nếu có kết quả chỉ là thành quả trên bản ngã, làm cho tự ngã càng ngày càng to, lầm lẫn mà chẳng hay. Vì là nhân sinh diệt thì quả của nó cũng phải sinh diệt, giống như Tôn Hành Giả giả hóa ra mấy thầy trò Đường Tăng giả sang Tây thiên thỉnh kinh về Đông thổ cầu làm Tổ vậy.

“Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri”.

“Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri”.

Ở đây chúng ta thấy rất khó phân biệt được cái nào là ý thức và cái nào là trí tuệ. Nhưng đối với người đã rõ ra Phật tâm sẽ có cái nhìn sáng suốt thì việc này chắc không khó lắm. Như chuyện ngài Huyền Giác đối đáp với Lục Tổ như sau:

Ngài Huyền Giác đến gặp Lục Tổ mà không lễ, nên bị Tổ quở: “Là Sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Đại đức từ phương nào tới đây, sanh đại ngã mạn?”

Huyền Giác thưa: “Sanh tử là chuyện lớn, vô thường mau chóng”.

Tổ bảo: “Sao chẳng thể nhận cái vô sanh, liễu không mau ư”?

Huyền Giác thưa: “Thể tức vô sanh, liễu vốn không có mau”.

Tổ bảo: “Như thế, như thế!”

Huyền Giác mới đầy đủ oai nghi lễ bái, trong chốc lát liền cáo từ.

Tổ bảo: ‘Trở về mau chóng vậy?”

Huyền Giác thưa: “Vốn tự không động há có mau, chậm ư”?

Tổ bảo: “Ai biết chẳng động?”

Huyền Giác thưa: “Nhơn giả tự sanh phân biệt.”

Tổ bảo: “Ông rất được cái ý vô sanh”.

Huyền Giác thưa: “Vô sanh há có ý sao?”

Tổ bảo: “Nếu không có ý thì ai biết phân biệt?”

Huyền Giác thưa: “Phân biệt cũng không phải ý.”

Tổ bảo: “Lành thay ! Hãy dừng lại một đêm”.

Qua sự đối đáp của hai Ngài đến câu ngài Huyền Giác nói: “Phân biệt cũng không phải ý” thì ngài Lục Tổ nói: “Lành thay! Hãy dừng lại một đêm” là câu ấn chứng cho ngài Huyền Giác đã triệt ngộ. Cho nên câu “Phân biệt không phải ý” là nói đến “tự tánh phân biệt” của ý thức chung khởi cùng năm thức trước với cảm giác hoàn toàn thuần túy về thấy, nghe hiểu biết... khi chưa có phân biệt sự thức (tùy niệm phân biệt và kế đạt phân biệt) như đã nói ở trước.

Đây có một thí dụ để chúng ta nhận định chắc cũng không khó. Khi đi ra đường mắt chúng ta thấy tất cả nào là xe đạp, xe máy, cội cây, người nam, người nữ v.v... thấy rõ ràng tất cả mọi vật nhưng cái nào ra cái nấy không xen tạp lẫn lộn với nhau, mà đừng khởi niệm đặt để gán cho các sự vật một danh từ nào cả, và không phân biệt so sánh xe này đẹp, xe kia xấu, người nọ trắng đẹp hơn người kia v.v..., thì đó là phân biệt mà không phải ý. Vì sao? Vì chiếc xe không phải là cội cây, cội cây không phải là con người, người nam không phải là người nữ v.v... mỗi cái ở vị trí riêng của nó. Cho nên trong kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp ở nơi bản vị riêng của nó, tướng thế gian thường tự vắng lặng”. Hay ngài Ngưỡng Sơn hỏi ngài Qui Sơn: “Trăm ngàn muôn cảnh đến phải làm sao?”. Qui Sơn đáp “Xanh chẳng phải vàng, dài chẳng phải ngắn, các pháp mỗi pháp ở địa vị của nó, chẳng can hệ đến việc của ta”.

Người tu thiền là biết trở về sống với thực tại.

Người tu thiền là biết trở về sống với thực tại.

Còn phân biệt mà có ý là khi ta nhìn chiếc xe liền khởi niệm nghĩ xe này xấu quá, là vì ta đem hình ảnh chiếc xe hiệu y như vậy còn mới toanh bày bán ở cửa hàng ra so sánh, nên nói xe hiện thấy xấu hơn. Hay nhìn người nào đó khởi niệm nói đẹp là ta đem hình ảnh một người đen đúa nhăn nheo hoặc xấu xí hơn ở trong tiềm thức ra để so sánh, nên nói người hiện thấy đẹp hơn, hoặc theo nhãn quan định kiến của nghiệp cảm liền so sánh phân biệt với đối tượng hiện tại này nọ v.v... Khi có niệm nghĩ đẹp xấu, cũ mới thì niệm vui buồn, khen chê theo đó tiếp nối, cho nên niệm chồng niệm, tiếp nối không dừng.

Để thấy đẹp xấu, khổ vui... là hai hình thức đối lập nhau, nhờ có cái xấu làm đối tượng nên cái đẹp mới hình thành, nếu không có cái xấu để so sánh thì cái đẹp không dựa vào đâu làm điểm tựa đối chiếu mà biết nó là đẹp được; ngược lại cũng vậy. Vì vậy, đẹp xấu là hai hình thái nương nhau có, thảy đều do tâm chấp mắc mà đặt định. Từ đây ta suy ra những việc thuận nghịch, phải quấy, được mất v.v... cũng lại như thế. Cho nên hết thảy các pháp chỉ là giả định, có như huyễn ảo đều do tâm dựng lập cả.

Cũng là đối tượng đó và có đôi mắt như nhau mà một cách nhìn ý động, còn một cách ý không động. Mà ý động phân biệt là sinh diệt lúc có lúc không, còn phân biệt ý không động thì luôn luôn hiện hữu. Vì thế người có trí thấy chỉ thấy không ý niệm phân biệt. Nên có vị thiền sư nói: “Thấy sắc như mù, nghe tiếng như điếc” là vậy. Mù mà chẳng phải mù vì thấy biết rõ ràng. Điếc mà không phải điếc vì nghe tất cả tiếng, chỉ không khởi niệm so sánh đẹp xấu hay dở, phải quấy v.v… Nếu được như thế thì khi đối diện tất cả trần cảnh chúng ta mới có cái nhìn giữa mình và trần cảnh không còn cách khoảng, cái nhìn đó chỉ là nhìn mà không thấy ta là người đang nhìn, kia là cảnh sắc bị nhìn, chính khi ấy không có năng và sở.

Thế nên trong kinh nói: “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri”. Nghĩa là Bát Nhã (trí tuệ) thì không có thấy biết so đo (không thấy có chủ thể và đối tượng), mà không chỗ nào là chẳng biết (hay rõ biết tất cả cảnh vật).

Đó là nói căn mắt thấy sắc, còn các căn kia cho đến ý cũng vậy. Khi pháp trần có hiện khởi vẫn thấy biết rõ ràng, nhưng đừng có ý hòa theo, nó hiện khởi rồi tự lặng. Còn cái rõ biết sáng suốt không động luôn hiện hữu nên mới rõ biết được khi có niệm khi không niệm.

Nên có bài:

Khi ẩn khi hiện

Không mời tự đến

Không đuổi tự đi

Như ma như quỷ

Nhà người quậy phá

Ta hằng rõ biết

Không tiếp không đón

Chẳng nói chẳng rằng

Chúng tự hổ thẹn

Lặng lẽ ra đi

Không lưu dấu vết

Cửa thì mở rộng

Chẳng nói đón đưa

Ta luôn hiện hữu

Không lúc nào vắng

Không tâm nơi vật

Ngại gì vật chuyển

Nếu người chuyển vật

Là đại tu hành

Luôn luôn tự tại.

Nói chuyển là một lối nói, đã không tâm nơi vật thì nói gì là chuyển với chẳng chuyển!

Người tu thiền là biết trở về sống với thực tại. Bởi vì quá khứ đã qua mà ta sống với quá khứ thì giống như người chết. Nếu hướng đến tương lai thì tương lai chưa đến, cái gì chưa đến mà cầu mong là chuyện không đâu, nó còn mờ ảo chưa biết ra sao, chưa chắc thật đúng như ý nguyện của mình, nhưng nếu có được chăng thì đó cũng là do phước duyên nhân lành những kiếp trước, nay quả đến nên thấy trùng hợp với ý tưởng. Còn hiện tại thì không dừng trụ, vì mới nói hai tiếng hiện tại thì nó trở thành quá khứ mất rồi. Nếu biết sống với hiện thực thì ngay cuộc sống đừng đắm nhiễm trói buộc liền đó giải thoát. Muốn được như thế thì phải không có tâm vọng cầu, tâm vẩn đục ích kỷ, tật đố, san tham, sân hận, si mê v.v... Mỗi hành động nào cũng phải tự chủ sáng suốt không bị ngoại cảnh chi phối hay những vọng niệm lừa gạt thì lúc đó mới được tự do tự tại. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Biết, Thấy lập biết tức là gốc vô minh. Thấy, Biết mà không thấy đây tức Niết bàn”. Vì vậy con Đế Thính nói là Phật pháp vô biên, ngài Địa Tạng tỉnh ngộ liền chỉ qua Phật.

Trí tuệ là cái rõ biết trong lặng thấy các pháp không lầm lẫn, phải có cái thấy này mới thấu rõ mọi lẽ thật hư của cuộc sống, để hóa giải những mê lầm theo bản năng của nghiệp từ bấy lâu nay.

Trí tuệ là cái rõ biết trong lặng thấy các pháp không lầm lẫn, phải có cái thấy này mới thấu rõ mọi lẽ thật hư của cuộc sống, để hóa giải những mê lầm theo bản năng của nghiệp từ bấy lâu nay.

Thế nên công năng của cả hai đều ngang nhau khó phân định được đâu là chân, đâu là ngụy, vì cả hai phát xuất từ tâm, cái thật thì biết cái giả, mà cái giả nương cái thật để lừa gạt. Để thấy có ý thức là còn tham vọng, tức còn ngã, nhân... tứ tướng hiện rõ. Thành thử trong tứ y có câu “Y trí bất y thức”, nghĩa là hãy nương nơi trí mà chẳng nương nơi thức. Nên có bài:

Đêm đêm cùng chung ngủ

Ngày ngày vẫn bên nhau

Sớm tối chẳng tách rời

Này nhé ! nhớ chớ quên

Chỉ biết niệm (nhớ) hiện thực

Đừng thêm niệm thứ hai

Nếu có niệm thứ hai (tác ý)

Hai đầu không thôi dứt.

Bởi lúc chúng ta chưa thức tỉnh giác ngộ ý thức thường ở nơi sáu căn hay quấy rối. Như mắt thấy sắc liền phân biệt đây đẹp kia xấu, này dễ nhìn kia khó coi, tai nghe tiếng này hay, lời kia vụng, mũi ngửi đây hôi, kia thơm v.v... Nên chúng ta thấy có đủ thứ chuyện. Vì nó hoạt động theo bản năng tự ngã, cái nào hợp với bản ngã thì thích khen, còn không hợp lại chê. Đó là ý thức tượng trưng Tôn Hành Giả giả. Còn khi rõ được lẽ thật như thế thì cũng thấy biết rõ ràng tất cả mà đừng vọng động phân biệt so sánh, lòng định tỉnh thản nhiên trước mọi cảnh. Do đó thấy muôn pháp không có ngăn ngại nên nói chúng đều Như mà tâm mình cũng Như. Đó là trí tuệ. Nên có câu:

Tâm như các pháp đều lặng lẽ

Một niệm vừa sanh bị che lòa.

Ta thấy trong truyện vì sao hai vị Bồ Tát lại không biết được đâu là Tôn Hành Giả thật và Tôn Hành Giả giả mà chỉ có Phật mới thấy rõ? Ở đây là nói về quả vị nơi Phật và Bồ Tát có sai biệt. Vì Phật là bậc toàn giác chỉ cho cái thể thanh tịnh sáng suốt như như bất động hiện hữu, thì khi ấy thức ở sáu căn tan biến mà trí tuệ luôn hiện diện (Tôn Hành Giả giả bị Tôn Hành Giả thật đánh chết). Còn hai vị Bồ Tát không phân định được là ý nói Bồ Tát còn biến dịch sanh tử (sanh tử biến đổi như chứng sơ địa phải xả bỏ để lần lần tiến lên đến quả vị Phật). Bồ Tát tuy đã thể nhận được pháp thân nhưng vì còn vô minh vi tế (ba hoặc), nên chưa thể nhập trọn vẹn với pháp thân, mà phải trải qua nhiều đời kiếp tiến tu, đến khi nào loại bỏ sạch hết nghiệp tướng vô minh, đức tánh đã tròn đầy thì thể nhập pháp thân trọn vẹn mới gọi là Phật. Bởi Bồ Tát do phá được một phần hoặc vi tế thì pháp thân tỏ sáng một phần nên cũng gọi là “Pháp thân Bồ Tát”. Do đó chỉ có Phật mới dứt sạch lậu hoặc và thấy biết rốt ráo gốc gác của vô minh. Và như ở hồi 78-79 cũng nói lên khi đã có trí tuệ thì rõ biết tất cả các thứ tâm thiện và bất thiện đều hư vọng. Đây xin lược dẫn một đoạn.

... Vua nước Tỳ Kheo bị Quốc trượng (yêu tinh hoá ra) làm mê hoặc sanh bệnh, nó bày phải lấy một ngàn trái tim trẻ con để làm thuốc trị cho vua. Vua nghe lời tin theo sai quan quân tìm bắt một ngàn đứa bé chuẩn bị sáng mai lấy tim. Khi mấy thầy trò Đường Tăng đi đến nghe dân chúng nói liền động từ tâm, nên đêm đó Tôn Hành Giả dùng phép cứu một ngàn trẻ đem ra khỏi thành. Hôm sau Tôn Hành Giả hóa làm con ong theo Đường Tăng vào yết kiến vua để đổi giấy thông hành. Đường Tăng đối đáp với vua và Quốc trượng một lúc rồi lui ra. Khi ấy có quan vào báo rằng một ngàn đứa trẻ đêm hôm đã mất tích. Nhà vua buồn và than thì Quốc trượng nói: “Xin Ngài đừng buồn đã có một thứ quí hơn một ngàn tim đứa trẻ, đó là tim của Hòa thượng vừa ra”. Nhà vua cho quan đi mời Đường Tăng đến để xin tim... Lúc Đường Tăng về, Tôn Hành Giả còn ở lại nghe Quốc trượng nói xin tim của Đường Tăng, vội trở về bàn với Đường Tăng nên đổi làm hình tướng của mình, còn Tôn Hành Giả biến làm Đường Tăng thì mới bắt yêu tinh được. Đường Tăng bằng lòng... Khi quan triều đến mời Đường Tăng thì Tôn Hành Giả biến làm Đường Tăng giả đi. Đến nơi nhà vua liền hỏi việc xin tim, Đường Tăng giả không ngần ngại bảo đem dao đến và nói: “Tôi có mấy thứ tim, vậy chớ Ngài cần tim nào?”. Quốc trượng đứng bên nói: “Ta cần tim đen của ngươi”. Đường Tăng giả cầm dao rạch bụng moi ra một đống tim, nhưng lựa không thấy tim đen mà chỉ thấy tim đỏ, trắng, vàng, tim gian lận, tim lợi danh, tim ghen ghét, tim so bì, tim hiếu thắng, tim mách khóe, tim cống cao, khinh rẻ, độc ác, sát hại, và các loại tim bất thiện v.v... Nhà vua quá hoảng sợ bảo thu vào. Đường Tăng giả thâu vào rồi hóa phép lành lại như cũ và nói: “Người tu hành như chúng tôi không có tim đen, duy có Quốc trượng của Ngài mới có tim đen, để tôi lấy dùm cho bệ hạ làm thuốc”. Yêu tinh nghe nói thế, nhìn kỹ Đường Tăng giả đã hiện rõ nguyên hình là Tôn Hành Giả, nên nó hoảng sợ hóa chạy...

Lược dẫn một đoạn trên cho thấy, khi tâm còn mê mờ thì làm việc gì cũng làm theo bản năng của nghiệp, là tượng trưng cho yêu tinh, nên nó nói cần tim đen để làm thuốc, trong khi đó tim của yêu tinh lại là tim đen. Bởi tâm mê mờ đen tối thì hành động nào cũng trái với chánh đạo mà tự chẳng biết như tâm mách khóe, gian dối, độc ác, sát hại... các việc bất thiện. Nhưng khi đã phát sanh trí tuệ mới thấy rõ tất cả tâm thiện và bất thiện nó đang diễn biến, từ đó không còn lầm lẫn hành động theo những nhân bất thiện nữa. Vì thế nói Đường Tăng giả moi ra một đống tim thấy đủ các thứ tim.

Ở đây cho thấy trí tuệ là cái rõ biết trong lặng thấy các pháp không lầm lẫn, phải có cái thấy này mới thấu rõ mọi lẽ thật hư của cuộc sống, để hóa giải những mê lầm theo bản năng của nghiệp từ bấy lâu nay. Nên nói yêu tinh khi thấy Tôn Hành Giả nó liền hóa chạy vậy.

  (Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Tư liệu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Tư liệu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Tư liệu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa

Tư liệu 13:20 29/10/2024

Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Xem thêm