Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 20/09/2022, 07:18 AM

Tây Du Ký: Bát phong

Tâm còn tham đắm ái nhiễm là vì chấp cái giả ngã này nên đối với các cuộc thịnh suy, được mất, khổ vui... làm xoay chuyển chúng ta hết quãng đời từ khi biết nhận thức cuộc sống cho đến lúc nhắm mắt. Chúng ta vì mê lầm phải bị những ngọn gió Bát phong thổi trôi lăn vào nơi ba nẻo sáu đường.

Mấy thầy trò đang trên đường về tây thì gặp một yêu tinh đi tuần núi, rồi hai bên đánh nhau. Yêu tinh dùng phép gạt Tôn Hành Giả và hoá một ngọn cuồng phong bắt Đường Tăng về động... Tôn Hành Giả tìm đến động khiêu chiến... Do gặp phải tay yêu tinh Phong ma thổi một luồng gió độc làm mắt Tôn Hành Giả đau xốn, nước mắt cứ tràn ra nên phải đi tìm thuốc chữa... Sau đó gặp một ông già nói: “Gió ấy thổi ra trời đất tối, đá vỡ núi lở, mạng người gặp gió ấy thì không thể sống, trừ ra là thần tiên mới vô sự...”. Tôn Hành Giả trở lại vào động tìm sư phụ, quan sát nghe trộm được lời yêu tinh nói chỉ sợ có Bồ Tát Linh Cát ngoài ra không sợ ai... Nên Tôn Hành Giả đến cầu Bồ Tát Linh Cát giúp... Bồ Tát cùng Tôn Hành Giả đến động... Tôn Hành Giả vào đánh dụ yêu tinh ra, Bồ Tát ở trên không ném Phi Long Trượng xuống và niệm thần chú, yêu tinh liền đầu phục hiện nguyên hình là con chuột lông vàng... Tôn Hành Giả tính giết, Bồ Tát ngăn lại nói: “Nó là con chuột tu ở chân núi Linh Sơn, vì trộm dầu đèn làm mờ tối nơi thờ cúng nên nó sợ trốn xuống đây làm yêu tinh. Hãy để tôi đem nó về trình đức Như Lai định tội...”.

Lược dẫn một đoạn cho thấy Phong ma không phải ma gió mà chỉ cho Bát phong.

Trong nhà Phật có dùng danh từ Bát phong tức tám gió. Nghĩa là tám hình thức làm ngăn trở bước tiến của hành giả trên đường giác ngộ giải thoát.

Tám gió đó là:

1- LỢI: Được những cái lợi ích cho bản thân.

2- SUY: Suy hao, mất mát, tổn hại thất thoát.

3- HŨY: Là bị hũy nhục, khinh rẻ.

4- DỰ: Là đề cao, tán dương danh dự hay địa vị.

5- XƯNG: Là xưng tụng, khen ngợi.

6- CƠ: Là chỉ trích, bị đem những điều xấu vụng về ra cho mọi người biết.

7- KHỔ: Gặp những điều bất hạnh, những hoàn cảnh trái ngược làm đau khổ thân và tâm.

8- LẠC: Là vui mừng, hỷ hạ.

Trong tám gió này có thể nói chúng ta đều bị vướng phải hoặc ít hoặc nhiều một trong tám gió ấy. Ví như ta làm ăn được lợi một số tiền khá lớn hay trúng số chẳng hạn, lúc đó tâm có được bình lặng thản nhiên như mọi khi không? Hay là bối rối, bất an vì tính toán sẽ làm gì với cái lợi đã có? Hoặc có một việc không ai làm nổi mà mình làm được, người ta tán dương khen ngợi thì có tự hào không hay là vẫn bình thản? Đó là nói những cái lợi, còn những điều thất bại, thất thoát hay bị hũy nhục, đau khổ thì chắc không làm sao tránh khỏi.

Một hoạt cảnh trong phim.

Một hoạt cảnh trong phim.

Ở đây nói tám gió là do duyên bên ngoài đưa đến, tuy có trí tuệ nhưng chưa vượt qua, nếu không trí tuệ chắc phải khổ lụy nhiều, giống như Tôn Hành Giả bị yêu tinh thổi gió làm chảy nước mắt, là vì chưa biết được gốc gác của nó. Nếu một trong tám gió này thổi đến đối với người thường thì chắc phải khổ não, đôi khi còn tự vẫn nữa. Vì vậy Ngô Thừa Ân viết: “Mạng người gặp gió ấy không sống, trừ ra là thần tiên có phép (người có trí) mới vô sự”. Dù rằng có trí tuệ nhưng phải biết nó đối nghịch với đối tượng nào và từ đâu phát xuất thì nó mới quy phục, giống như yêu tinh đối nghịch với Bồ Tát Linh Cát và phát xuất từ chân núi Linh Sơn vậy.

Bồ Tát Linh Cát là chỉ cho sự sáng suốt lanh lợi tốt lành, ý nói là thời trí, tức là cái trí lanh lợi cấp thời để khi gặp nghịch cảnh bất thường đến liền hoá giải. Còn đọc câu thần chú là định tâm, khi sáng suốt và định tâm mới biết chúng từ Tâm chân thật hiện khởi (chân núi Linh Sơn). Nên Bát phong có là do tâm ta khởi động ái nhiễm dính mắc các pháp.

Câu hỏi đặt ra ở nay là tại sao Ngô Thừa Ân lại chọn con chuột mà không chọn con vật khác làm yêu tinh ở chân núi Linh Sơn? Bởi vì chuột là một con vật hay rón rén, lén lút sống trong bóng tối và rất sợ ánh sáng, nên ở đây nói yêu tinh chỉ sợ Bồ Tát Linh Cát chứ không sợ ai. Còn núi Linh Sơn là nơi Phật ở chỉ cho Tâm chân thật. Nói yêu tinh ở dưới chân núi để ám chỉ Bát phong có là do tâm động. Khi tâm bất giác mê mờ hay lén lút trốn đi hướng ngoại bị trần cảnh mê hoặc, rời bỏ cội nguồn lang thang khắp chốn được tượng trưng bằng hình ảnh con chuột thành tinh. Nên trong kinh Pháp Cú nói: “Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình rất xa, vô hình vô dạng, như ẩn náu hang sâu, điều phục được tâm thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc”.

Trong nhà thiền có câu chuyện nói lên nhân vật vấp phải một trong tám gió như sau:

Tô Đông Pha là một văn hào nổi tiếng thời vua Thần Tông, và Ngài Phật Ấn là một vị thiền sư danh đức, được vua ngưỡng mộ ban cho ca sa và bát vàng. Sư tịch năm 1098.

Nhân duyên đưa đẩy Tô Đông Pha hội ngộ với thiền sư Phật Ấn. Hai người tuy ở hai lĩnh vực khác nhau nhưng lại rất thân thiết. Ông thường hay đến để bàn đạo, nói thiền với ngài Phật Ấn, ông rất tâm đắc khi biết mình có kiến giải Phật pháp sâu xa. Một hôm ông làm bài kệ tán dương công đức của Phật như sau:

Cúi lạy Thiên trung Thiên

Hào quang chiếu Đại thiên

Tám gió không lay động

Ngồi vững đài Kim Liên.

Làm xong ông rất khoái chí nên cứ ngâm nga mãi. Một hôm ông viết bài đó bảo gia đinh chèo thuyền đem đến trình ngài Phật Ấn để tỏ ra mình là người thông đạo hiểu thiền, và dặn dò gia đinh chờ xem Ngài có phúc đáp lời gì không. Ông đinh ninh nghĩ rằng ngài Phật Ấn sẽ tán dương khi đọc bài kệ.

Gia đinh đem đến và nói những lời dặn như trên, ngài Phật Ấn xem xong chỉ nói hai tiếng “cức chó”, rồi vò nát bài kệ ném bỏ.

Lúc gia đinh về, Tô Đông Pha phấn khởi để chờ nghe ngài Phật Ấn khen như thế nào. Ông liền hỏi:

- Lão Ấn xem bài thơ của ta rồi có nói gì không?

Gia đinh đáp:

- Không có nói lời chi!

Tô Đông Pha bực tức nói:

- Đồ cức! Bài thơ hay như vậy lẽ đâu chả nói tiếng nào?

Gia đinh nói:

- Đồ cức! Tiếng đó thì có. Lão hòa thượng xem xong nói cức chó rồi ném.

Tô Đông Pha nghe gia đinh lặp lại lời ngài Phật Ấn liền giận đến đỏ mặt tía tai nói:

Hòa thượng già tối mắt, bài kệ của ta đựng nước còn không chảy mà ông ta chẳng coi ra làm sao cả !

Nói xong Tô Đông Pha lật đật bảo gia đinh chuẩn bị thuyền con chở ông ta sang sông ngay. Vừa gặp ngài Phật Ấn ông ta lớn tiếng:

- Lão Ấn, vừa rồi bài kệ của tôi có chỗ nào không hay? Xin được nghe chỉ bày! chỉ bày!!.

Ngài Phật Ấn khiêm hòa nhỏ nhẹ nói:

- Tám gió thổi chẳng lay. Cức chó vượt sông ngay.

Tô Đông Pha nghe ngài Phật Ấn nói câu ấy liền sực tỉnh, biết mình nóng giận quá quấy, không dừng được ngửa mặt lên trời cười ha hả để đánh tan đi sự giận dỗi của mình, rồi nói:

- Hòa thượng quả nhiên đáng bội phục!

Từ đó ông và ngài Phật Ấn càng thêm tương đắc, qua lại càng mật thiết với nhau.

Đây cho thấy văn hào Tô Đông Pha vấp phải một trong tám gió là bị hũy nhục khinh rẻ, thay vì được đề cao tán dương, ông lại nổi giận và có những lời lẽ, cử chỉ không hay đẹp cho lắm.

Những hình ảnh ở hồi này nói lên hành giả khi trực diện với tám gió phải khéo léo sáng suốt mà vượt qua. Tám gió có là do tâm bất giác vọng động dính mắc nên bị nó trói buộc. Do đó trong nhà thiền có câu: “Bát phong xuy bất động”, là nói hành giả có sức định tuệ thì dầu cho tám gió có thổi vẫn an nhiên không lay động, để nói lên người hành đạo là người rất phi thường. Bởi người thế gian khi gặp cảnh nghịch lòng trái ý thì đau khổ, đôi lúc lại quyên sinh, hay những cảnh thuận đến thì hớn hở vui mừng không kiềm chế được. Còn người phi thường thì trái ngược lại, được khen chẳng mừng, bị chê không giận, hay chạm việc bất như ý mà thường bình lặng, gặp cảnh người đời cho là vui, là khổ mà ta vẫn thản nhiên không một chút xao động. Thành thử người phi thường có điểm đặc biệt khác hơn thế tình, là đối với tất cả pháp không chấp mắc trụ bám vào đâu cả, nghĩa là trước mọi biến cố thuận hay nghịch không bị nó chi phối, nhưng người thường tình thì chẳng được vậy. Tóm lại khi đối đầu với tám gió hãy sáng suốt định tỉnh như núi đá thì tám gió sẽ không thổi nổi như bài kệ:

Như tảng đá kiên cố

Gío thổi không lay động

Người trí tâm thản nhiên

Bất động trước khen chê.

(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Tư liệu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tư liệu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Tư liệu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Bay qua miền hạnh phúc

Tư liệu 17:30 18/11/2024

Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.

Xem thêm