Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 23/09/2022, 19:17 PM

Tây Du Ký: Hỷ xả

Khi hành đạo đôi lúc nội tâm biến cbuyển do bị ức chế hay được an tịnh nhẹ nhàng đôi chút mà tâm hiện ra những cảnh giới lạ, hoặc là thấy cảnh giới Phật, thấy thân tướng Phật vàng sáng hoặc Bồ Tát hiện đến dạy bảo về Phật pháp v.v...

Nếu không tỉnh giác sáng suốt thì sẽ bị những cảnh ấy làm mê hoặc, hay cho mình đã đến cõi Phật rồi sanh tâm vui mừng, ngã mạn, nên bị lạc lối không tiến đến giải thoát.

Đây xin lược dẫn ở hồi 65 nói lên ý này.

... Mấy thầy trò đi đến chân núi thấy một tự viện trang nghiêm thanh tịnh. Khi đến gần thấy bảng hiệu là Tiểu Lôi Âm Tự. Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng thấy vậy tưởng là đến Linh Sơn cõi Phật liền quỳ xuống lạy. Nhưng Tôn Hành Giả nhìn biết có hung khí nên nói với Đường Tăng “Nơi này lành ít, dữ nhiều, nếu có nạn thầy đừng trách con”. Đường Tăng không tin lời nên cùng Bát Giới và Sa Tăng vào chùa lễ Phật, còn Tôn Hành Giả thì đứng nhìn không lạy. Hòa thượng (do Yêu tinh hóa ra) thấy vậy quở Tôn Hành Giả. Tôn Hành Giả liền rút gậy giao chiến thì bị yêu tinh lấy nạo bạc vàng úp nhốt lại... Tôn Hành Giả dùng đủ thần thông và nhờ các Thần lập kế mới ra được... Tôn Hành Giả đi cầu viện Thiên binh hai lần đến đánh đều bị yêu tinh thâu hết vào bao vải, chỉ có Tôn Hành Giả biết trước nên thoát khỏi... Tôn Hành Giả đang ngồi than thở thì có người gọi liền nhìn lại thấy Bồ Tát Di Lặc, Tôn Hành Giả chào rồi nói việc của mình và hỏi Bồ Tát “Yêu tinh đó ở đâu? Còn bao vải của nó là bảo bối gì?”. Bồ Tát Di Lặc nói: “Nó là đồng tử giữ khánh cho ta, nhân ta đi khỏi nó ở nhà trộm lấy bảo bối, cái bao vải là túi Nhân Chủng, gậy Lang Nha là dùi đánh khánh”... Rồi Bồ Tát dùng kế nói với Tôn Hành Giả để bắt yêu tinh... Bồ Tát biến ra ruộng dưa, rồi vẽ vào lòng bàn tay Tôn Hành Giả một chữ Cấm bảo đến dụ yêu tinh chạy lại đây... Tôn Hành Giả đến động khiêu chiến rồi xoè tay ra, yêu tinh thấy chữ Cấm đánh đuổi theo đến ruộng dưa. Tôn Hành Giả liền biến ra quả dưa chín, yêu tinh theo đến nơi không thấy Tôn Hành Giả, lại gặp ông già giữ ruộng dưa (do Bồ Tát biến ra) nên đến xin ăn. Ông già hái trái dưa (do Tôn Hành Giả biến ra) biếu cho. Yêu tinh không biết nên nhận lấy ăn. Khi nuốt vào, Tôn Hành Giả hiện nguyên hình quậy trong bụng làm nó đau quằn quại. Bồ Tát hiện trở lại, yêu tinh thấy chủ liền đầu phục. Tôn Hành Giả biến ra khỏi bụng yêu tinh. Bồ Tát lấy bao vải thâu yêu tinh đem về...

Đây nói hành giả nào tu khá lắm mới gặp những cảnh này.

Lôi Âm là cảnh giới Phật đang ở, ý nói là tâm rỗng lặng sáng suốt. Còn Tiểu Lôi Âm là chỉ cho cảnh giới Phật do tâm tạm an định nhẹ nhàng mà vọng hiện ra cảnh giới ấy. Nếu không có trí tuệ sáng suốt thì sẽ bị ảo cảnh đó làm mê hoặc rồi dính mắc, cũng như Đường Tăng không biết Tiểu Lôi Âm là cảnh giới giả, lại không tin lời của Tôn Hành Giả đi vào lạy Phật nên mấy thầy trò bị ma bắt hết, chỉ có Tôn Hành Giả biết trước mới không bị nạn. Tôn Hành Giả thấy biết không phải Lôi Âm thật là vì đã có đến đôi lần xin cầu cứu lúc gặp nạn.

Cũng vậy, trước đó giác ngộ nhận ra cái chân thật (lúc gỡ lá bùa Tôn Hành Giả ra khỏi núi) thì ý thức đã chuyển hóa thành trí tuệ, nên biết rõ cảnh giới hay trạng thái đó như thế nào rồi. Vì thế, trên đường hành đạo dù ai có nói hoặc chỉ cái gì là thật đi nữa người đó cũng không lầm. Một khi thể nhận cái chân thật rồi khó mà quên được. Chỉ có trí tuệ sáng suốt mới biết đâu là thật, giả, đâu là chân, ngụy, giống như Tôn Hành Giả chỉ đứng nhìn chứ không chịu lạy, vì biết cảnh đó chẳng phải Lôi Âm thật.

Đọc truyện ta thấy Ngô Thừa Ân khéo dẫn truyện ghép ngài Di Lặc và ngài Bố Đại Hòa thượng vào đây. Xin nói sơ lược về hai Ngài.

Đức Di Lặc là một vị Phật tương lai trong hiền kiếp sẽ nối tiếp Đức Phật Thích Ca ra đời giáo hóa chúng sinh.

Trong kinh nói đức Di Lặc hiện là Bồ Tát ở cung trời Đâu Suất, chờ khi nào giáo lý của Đức Phật Thích Ca không còn trụ ở thế gian nữa thì Ngài mới thị hiện xuống làm Phật (vì ở thế gian không có giáo lý trùng lập của hai Đức Phật). Nhưng hiện giờ Ngài thường hay hóa thân trong mười phương thế giới thuyết pháp độ sinh.

Còn ngài Bố Đại Hòa thượng ở Trung Hoa thuộc đời Ngũ đại nước Lương (có thuyết nói Ngài hiện thân là một Hòa thượng tại đất Minh Châu, huyện Phụng Hóa). Thân hình Ngài mập mạp, trán nhăn, bụng lớn, mọi người không biết tên họ là chi mà chỉ thấy Ngài thường mang theo cái túi vải lớn và cầm cây gậy, không khi nào Ngài rời hai vật ấy nên mọi người hay gọi là Bố Đại Hòa thượng.

Thường khi Ngài đi vào thành thị hoặc thôn quê để xin ăn, hễ ai cho vật chi hay thức ăn Ngài đều nhận, khi ăn xong còn dư lại bao nhiêu đều bỏ vào túi vải, nên túi vải của Ngài đựng rất nhiều thứ. Khi đến nơi chợ quán, Ngài ngồi xuống mở túi vải lấy những đồ ăn dư đưa lên nói: “Các người xem coi đó là vật gì?”. Rồi kêu mấy đứa nhỏ cho nó.

Ngài hay khôi hài và chỗ ngủ nghỉ không cố định, rày đây mai đó, lúc ở chùa, khi nhà đàn việt, lúc đầu chợ v.v... Mấy đứa nhỏ khi gặp Ngài ở đâu hay chạy theo trêu chọc, đùa giỡn và xin bánh... Nhưng Ngài đi đâu rồi cũng lại trở về chùa Nhạc Lâm trú ngụ. Khi có người hỏi Ngài có pháp hiệu gì không?

Ngài liền đọc bài kệ:

Ta có cái túi vải

Rỗng rang không quái ngại

Mở ra khắp mười phương

Thâu vào quán tự tại.

Lại hỏi thêm: “Hòa thượng đi đây có đem hành lý gì hay không?”

Ngài đáp bài kệ:

Bình bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Kẻ tri âm ít gặp

Mây trắng hỏi đường qua.

Ngài sống rất tự tại và tùy duyên hóa độ rất nhiều người. Sau một thời gian thì Ngài tịch có để lại một bài kệ:

Di Lặc thật Di Lặc

Phân thân ngàn trăm ức

Thường thường chỉ dạy người

Người đời tự không biết.

Một trích đoạn trong phim.

Một trích đoạn trong phim.

Cho nên người sau nương theo bài kệ này mà nói hiện thân ngài Bố Đại Hòa thượng là hóa thân của ngài Di Lặc. Ở đây nói bảo bối yêu tinh là chỉ cho cái bao đãy của Bố Đại Hoà thượng, nên Tôn Hành Giả cầu viện bao nhiêu đều bị bảo bối bao đãy thâu hết. Bảo bối túi vải đó có tên là Nhân Chủng, tức là chỉ cho tạng thức khi còn mê chứa những nhân chủng tử thiện ác nhiều đời kiếp, cho nên ta thấy yêu tinh dùng nó thâu tất cả các binh tướng và vũ khí của Thiên đình. Nhưng lúc đã giác tỉnh hoàn toàn thì chuyển tạng thức trở thành Như Lai Tạng Tâm (Phật) luôn rỗng lặng sáng suốt trùm khắp không giới hạn, tự tại thong dong chẳng có chi làm chướng ngại, giống như bài kệ khi có người hỏi pháp hiệu của ngài Bố Đại hòa thượng vậy.

Còn vẽ chữ Cấm trong lòng bàn tay Tôn Hành Giả là ý nói không được thâu vào, nhưng tạng thức thì luôn gom chứa, nên ta thấy yêu tinh rượt đuổi Tôn Hành Giả để thâu vào bao vải là ý này, mà yêu tinh không ngờ đó là kế của Bố Đại hòa thượng và Tôn Hành Giả lừa nó đến gặp chủ, để bắt lại nó. Còn cái nạo bạc vàng úp nhốt Tôn Hành Giả là cái bát của Ngài.

Nếu lúc đầu chúng ta khởi tâm bằng lòng tham để tu thì dễ bị rơi vào những cảnh giới này, vì tu mà có tâm cầu mong mau chứng quả, mong thấy cảnh giới Phật v.v... Vì vậy khi mới phát tâm đừng bằng lòng tham, cũng đừng mong cho mau hết vọng, mong được giác ngộ, chỉ thấy rõ từng ý niệm máy động không hòa nhập theo thì từ từ nó tự lặng, tâm thể hiện bày. Thế nên, trong lúc công phu tâm được an định đôi chút, có những cảnh nào hiện ra phải sáng suốt mà bình thản an nhiên chớ chấp cho là thật, hãy điềm tĩnh cười khi thấy chúng thì những giả cảnh ấy tự tan biến. Hay trong kinh Pháp Hoa nói: “Khi tâm đã an định đó chỉ mới là Hóa thành, nên buông xả đừng trụ chấp để tiến đến Bảo sở”. Tức là thể nhận cái sáng suốt trong lặng linh hoạt mới được viên mãn.

Bởi ngài Di Lặc hay ngài Bố Đại Hòa thượng là ngụ ý cho hạnh hỷ xả, nếu không hỷ xả thì sẽ bị vướng vào cảnh giới ma. Vì sao? Vì có sở đắc, do còn kẹt trên bốn tướng (ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả). Thế nên trong bài Bát Nhã Tâm kinh có câu “...Vì không có chỗ được nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng đạt đến cứu cánh Niết bàn...”. Bởi không có sở đắc nên mới cứu cánh rốt ráo là do hành hỷ xả. Vì vậy trong kinh Lăng Nghiêm nói có 55 thứ bậc tu chứng của các vị Bồ Tát, nếu không chịu hỷ xả lại an trụ nơi ngôi vị mình chứng đắc thì không thể nào tiến lên quả vị kế tiếp, chỉ khi nào đến quả Diệu giác mới cứu cánh viên mãn. Nhưng đã đến nơi rốt ráo rồi thì không còn thấy ngôi vị thứ lớp, cho đến những khái niệm về giác ngộ giải thoát và những sở chứng phải buông sạch hết, chỉ một trạng thái (một lối nói) trong lặng sáng suốt an nhiên vậy.

Hình tượng ngài Bố Đại Hòa thượng mà chúng ta thường thấy miệng cười toe toét, chung quanh có sáu đứa bé trêu ghẹo đùa giỡn (có thuyết nói năm đứa là chỉ cho năm trần cảnh). Đứa thì thọc lét, đứa xỉa mắt, đứa móc tai, đứa xỉa mũi, đứa móc miệng… là hình ảnh tượng trưng cho sáu trần quấy nhiễu sáu căn, do biết hỷ xả chẳng vướng mắc nên thức không tác khởi, vì vậy lúc nào cũng thấy Ngài thản nhiên tươi cười không có phiền não.

Trên thế gian này, đa số chúng ta đều bị những nghịch cảnh đưa đến làm cho không được vừa lòng như ý muốn, nên ít hay nhiều gì cũng bị đau khổ, do chúng ta không biết hành hạnh hỷ xả. Bởi vì hỷ là vui vẻ, là hân hoan phấn khởi. Còn xả là buông bỏ, không dính mắc đắm nhiễm.

Hỷ xả có nghĩa là vui vẻ buông bỏ những ái nhiễm chấp trước trói buộc từ thân tâm cùng hoàn cảnh thuận hay nghịch đưa đến và vui xả bớt những cái sở hữu. Vì vậy hỷ xả có hai mặt.

1- Là vui vẻ xả bỏ tiền tài vật chất. Nếu tài vật có dư dả hãy nên chan sớt giúp đỡ cho những người bần cùng khốn khổ hơn mình, trong khi họ lâm vào cảnh bế tắc không ai cứu giúp. Bởi đa số chúng ta có cái tật là hay nhìn lên chứ không chịu nhìn xuống. Vì sao? Vì nhìn lên thấy người ta giàu sang hơn mình, cứ ngóng trông làm sao để được như người giàu, có tất cả mọi thứ, do đó mãi lo tính làm ra tiền của thu vào cho thật nhiều, chứ không dám bỏ ra, nên ít khi vui vẻ buông xả. Nếu chúng ta chịu nhìn xuống một chút mới thông cảm thương người. Vì sao? Vì bởi mình có phước hơn những người nghèo túng thiếu. Tuy không giàu sang như người ta, nhưng lại không đến nỗi thiếu thốn. Còn thương người là vì họ thiếu phước hơn mình, họ bữa đói bữa no, gặp lạnh thiếu áo không đủ ấm, tật bệnh chẳng thuốc thang v.v... chúng ta hãy trải rộng lòng ra mà thương giúp tùy theo khả năng hiện có, đừng bủn xỉn ích kỷ, tuy của ít nhưng lòng nhiều. Và chúng ta cũng nên nhớ lại câu người xưa nói: “Mình ăn thì hết, người ăn thì còn”. Sâu sắc hơn nữa thì thấy ai có duyên với mình hãy chỉ bảo cho họ thấu rõ tường tận bản chất thân tâm của chính họ, và khuyên họ nên hành hạnh hỷ xả giảm ái chấp thân tâm để bớt khổ. Vì vậy muốn lập hạnh hỷ xả, bước đầu hãy vui vẻ xả bớt tài vật giúp người. Muốn vậy thì phải khởi lòng thương trước, mà lòng thương không vụ lợi mới có thể đem của dư đó giúp người không chút luyến tiếc, thì mới gọi là hỷ xả tài vật. Hơn nữa được giàu có sang trọng hiện đời hay đủ ăn, đủ mặc là do nhiều đời kiếp bố thí biết buông xả tài vật nên nay mới được hoàn cảnh sung túc đầy đủ như thế, chớ không phải ngẫu nhiên mà có.

2- Là vui vẻ xả bỏ thân tâm. Hỷ xả tài vật tuy khó nhưng có thể làm được hơn là hỷ xả thân tâm. Ví như khi có người làm mình buồn phiền thì gương mặt (thân) liền ủ dột hay nhăn nhó bực bội. Tâm thì ôm ấp đeo mang chuyện người làm mình phiền giận, hoặc hoàn cảnh đưa đến làm không vừa lòng nên sanh tâm buồn khổ. Nếu không biết hành hạnh hỷ xả thì sẽ bị khổ đau từ đời này sang kiếp nọ, cho nên muốn hết buồn khổ phải vui vẻ mà buông bỏ tất cả. Nhưng hỷ xả bằng cách nào? Về phần thân thì phải xem nhẹ đừng coi trọng, khi có ai nặng lời thậm tệ thì hãy bỏ qua chớ có lớn tiếng trả đũa hoặc thô bạo dùng vũ lực hành hung. Hay thấy việc gì có lợi ích cho mọi người thì hãy đem công sức ra làm, tùy theo sức khỏe và khả năng của mình mà không tính toán kể lể công cán. Nói sâu xa hơn, phải xem thường xả bỏ thân này trong khi hành đạo, dù bất cứ mọi hoàn cảnh hoặc hình thức nào đến thử thách hãy cố gắng vượt qua. Còn phần tâm thì đừng cố chấp dính mắc những tư tưởng, hay ý kiến mình đề ra với mọi người trong cộng đồng cuộc sống, mà phải biết tôn trọng lẫn nhau để hài hòa cởi mở vui vẻ trong sinh hoạt. Vì tư tưởng, ý nghĩ là hư dối, tạm mượn dùng chứ nó không thật, phải biết thông cảm mà bỏ qua khi lỡ có bất đồng ý kiến với nhau hoặc những hoàn cảnh bất như ý có xảy ra hãy nên hỷ xả. Tóm lại muốn không còn buồn khổ thì phải thấy cuộc đời là vô thường tạm bợ, là duyên hợp tạm có, cuộc sống này chỉ là vay mượn. Mượn một ít không khí đem vào mà không trả ra, hoặc trả ra mà không mượn vào là đã qua đời khác. Cho nên cái chết nó gần kề như thế mà chẳng ai chịu lo thương giúp lẫn nhau. Nếu nghĩ cái chết cận kề như vậy thì hãy vui vẻ xả đi những gì làm mình phiền giận, khổ đau. Vì buồn phiền chỉ làm mình khổ chứ không ai có thể thay thế cái khổ đó cho mình được! Nếu không thì tự mâu thuẫn với chính mình. Vì sao? Vì ai cũng mong muốn vui sướng và đẹp xinh, vậy khi mình buồn giận thì gương mặt còn đẹp tươi chăng hay là ủ dột và lòng mình có vui vẻ thảnh thơi không? Do đó, hạnh hỷ xả không thể thiếu trong cuộc sống, nếu ai muốn khỏe vui và trẻ đẹp thì phải biết ứng dụng sẽ có lợi cho mình ngay hiện tại. Nhưng muốn được vậy tự thâm tâm phải phát huy trí tuệ thì thực hành mới không vướng mắc trên các pháp, lòng sẽ thản nhiên an ổn, giống như Tôn Hành Giả ở trong bụng yêu tinh thì nó mới không hành hung nữa. Còn dùng trí hời hợt bên ngoài sẽ không thể nào làm nổi, nếu có làm được đi chăng nữa thì cũng dễ bị phiền não khổ đau vì cố chấp dính mắc, giống như Tôn Hành Giả trước đó đánh không lại yêu tinh vậy. Vì thế hỷ xả có hai điều lợi:

1- Vui vẻ mà buông xả cho nên không ái nhiễm chấp mắc, hành đạo dễ giác ngộ.

2- Buông xả để được thảnh thơi, tức là do không chấp mắc ái nhiễm thì sẽ hết khổ được thanh thản bình yên.

Vì vậy, khi có hạnh hỷ xả thì mọi chướng ngại ở nơi tâm hay ngoại cảnh đưa đến đều tan biến, lòng được an vui tự tại, chẳng khác nào yêu tinh khi thấy Bồ Tát Di Lặc liền chịu quy phục vậy.

Ở hồi 91-92 cũng nói về ý này. Yêu ma giả làm Phật đến trộm dầu chùa Từ Vân, Đường Tăng cho là Phật thật nên quỳ xuống lạy bị ma bắt về động. Tôn Hành Giả tìm đến, nó đánh không lại chạy mất, Tôn Hành Giả hỏi Hộ pháp nên mới biết gốc trừ được.

Một trích đoạn của phim.

Một trích đoạn của phim.

Đến đây nói công hạnh sắp đầy đủ. Vì trước thể nhận  được nhân  giác ngộ rồi tiến bước  tiếp  tục hành trình để đạt đến thành quả rốt ráo giải thoát hoàn toàn, tức là địa vị Phật.

Trên bước đường hành đạo đã vượt qua nhiều sự chướng ngại do duyên ngoài và trong làm ngăn trở nên hành giả cảm nhận một trạng thái an lạc, thảnh thơi nhẹ nhàng, nhưng chưa thể nhập trọn vẹn bổn tâm (Phật quả), giống như còn một lớp mây trắng chắn ngang lối, phải cố gắng vượt qua. Đây xin lược dẫn ở hồi 98 để nói ý này.

... Mấy thầy trò Đường Tăng trên đường tiến bước bỗng gặp vị Đại tiên đi lại hướng dẫn đến dòng sông và chỉ lối qua chùa Lôi Âm... Song muốn đến chùa phải sang sông, mà trên dòng sông có cây cầu độc mộc không tay vịn, Đường Tăng và Bát Giới cùng Sa Tăng không dám qua, chỉ có Tôn Hành Giả là qua được... Do đó Đường Tăng bảo hãy tìm đường khác chứ đường này không thể đi được. Tôn Hành Giả liền nói: “Chính con đường này đây!”... Đường Tăng vội xoay mặt lại chợt thấy ở hạ lưu có người chèo thuyền tới... Mấy thầy trò đi đến bến thấy thuyền không có đáy, Đường Tăng sợ không dám xuống, Tôn Hành Giả thấy vậy liền thúc, đẩy mạnh sư phụ mình xuống, Đường Tăng do không gượng được nên ngã xuống nước, người chèo thuyền vớt lên mà thuyền vẫn nổi, rồi mấy đồ đệ cùng xuống thuyền. Đi ra được một đoạn, bỗng thấy ở trên thượng lưu có một cái xác người trôi xuống, nhìn kỹ ra là cái xác của Đường Tăng...

Trích dẫn một đoạn trrên cho thấy dòng sông có hai bờ, mà bờ bên này chỉ cho khi mê, còn bờ bên kia chỉ sự giác ngộ.  Thành thử muốn đến cõi Phật phải qua được dòng sông, mà muốn sang bờ sông bên kia thì có hai cách: Một là phải qua cây cầu độc mộc không tay vịn. Cầu độc mộc rất khó đi, nếu ai qua được không cần phương tiện tay vịn thì đó là người xuất cách. Hai là dùng thuyền sang.

1- Cầu độc mộc chỉ cho một con đường thẳng tắt duy nhất sang sông không có con đường nào khác. Thật vậy, khi đến trạng thái vọng niệm không còn thì phải qua con đường này để thể nhập tự tánh mới thành Phật, giống như khi đã đến Hóa thành thì duy nhất chỉ có một con đường đi thẳng đến Bảo sở. Cho nên Tôn Hành Giả nói với Đường Tăng chỉ có đường này chớ không còn đường nào khác.

Cũng như các vị thiền sư khi có người đến hỏi đạo, các Ngài đưa ra một chiêu thuật (một câu hỏi hay một hành động nào đó) để xét nghiệm công phu của hành giả. Nếu hành giả nào biết kế sống (đã nhận ra Tâm chân thật) thì mới nhảy qua khỏi những chiêu thuật mà thiền sư đưa ra, còn không lãnh hội thì các Ngài chuyển phương tiện khác chỉ dạy hoặc đuổi ra ngoài, hay là bảo đến một vị khác tham học. Nhưng hành giả đã một phen thể nhận bổn tâm rồi, khi đi đến bất cứ pháp hội nào cũng đều vượt qua những cái bẫy mà các vị thiền sư đưa ra thì cũng giống như người đi qua được cầu độc mộc không tay vịn vậy.

Như thiền sư Sở Nam ở núi Thiệu Khoảnh đến tham vấn ngài Hoàng Bá. Hoàng Bá hỏi:

- Thế nào là trước khi ông chưa hiện hình bóng ở trong ba cõi?

Sư thưa: Tức hiện nay đâu phải có?

Hoàng Bá nói: Có không hãy gác lại, tức hiện nay thế nào?

Sư thưa: Chẳng phải xưa nay.

Hoàng Bá nói: Pháp nhãn của ta chính ở nơi ông. Đây là câu ấn chứng cho ngài Sở Nam đã thấy đạo. Theo như đoạn giai thoại đối đáp trên thì ngài Sở Nam đã qua được cây cầu độc mộc không tay vịn.

Ở đây cho thấy, Đường Tăng vì còn thấy một chút tự Ngã nên không dám qua cầu độc mộc mới tìm con đường khác sang sông, thì Tôn Hành Giả đã khẳng định không còn con đường nào khác ngoài con đường này. Nhưng cũng có thể dùng một phương tiện khác để sang sông, đó là dùng thuyền. Vì thế khi Đường Tăng xoay đầu lại thì thấy ở hạ lưu có người chèo thuyền tới. Chỗ này phù hợp với câu “Hồi đầu thị ngạn”. Nghĩa là xoay đầu là đến bờ kia. Thật vậy, khi mê ta đắm say theo dục lạc xa bỏ cố hương nên càng bước càng xa. Nếu biết tỉnh giác hồi đầu thì cố hương trước mắt. Ví như trong nhà có ngọn đèn sáng chiếu ra sáu cửa, nếu xoay mặt hướng ra ngoài sáu cửa ta chỉ thấy cây cảnh bên ngoài chớ không thấy được ngọn đèn. Nếu xoay đầu lại thì thấy ngọn đèn sáng đang chiếu ra sáu cửa. Vì vậy trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhất tinh minh sinh lục hòa hợp”. Một tinh minh chỉ cho Tâm chân thật sáng suốt, lục hòa hợp chỉ cho sáu căn. Cái chân thật đang chiếu sáng ra sáu căn khi tâm không ái nhiễm dính mắc sáu trần, thì đó là biết sống trở về với cái tinh minh.

Ở hạ lưu có người chèo thuyền tới (chèo ngược nước) là ý nói người đang hành đạo phải có trí tuệ vượt qua mọi thử thách, cố vững tay lái vượt qua những sóng gió của nghịch cảnh và thuận cảnh để tiến đến mục đích giải thoát.

Người chèo thuyền cặp bờ cho mấy thầy trò quá giang mà Đường Tăng cũng không dám xuống để sang sông vì thấy thuyền không đáy, Tôn Hành Giả bất thần đẩy Đường Tăng xuống thuyền nhưng do quá trớn đành lọt tõm xuống sông. Để thấy nếu không có Tôn Hành Giả thì chắc Đường Tăng không thể nào đến cõi Phật được. Cũng thế, chúng ta luôn luôn chấp tự ngã khó mà buông xả hoàn toàn để thể nhập trạng thái trong lặng rỗng suốt an lạc, nếu không có trí tuệ thúc đẩy thì không thể nào hỷ xả buông thân tâm huyễn ảo này được.

Song, trí tuệ ở đây là trí tuệ Bát Nhã khác hẳn với trí tuệ mà người thế gian thường hiểu cho sự hiểu biết rộng, sự khôn ngoan lanh lợi thông thường, lại không biết đó chỉ là trí thức, mà trí thức thì do học hỏi suy luận so đo sanh ra. Còn trí tuệ Bát Nhã là cái trí thấy biết đúng như thật các pháp, các pháp như thế nào thì thấy đúng như thế ấy, thấy không sai lầm lệch lạc. Ví như thân và tâm là do hội đủ những yếu tố cần thiết hợp lại thành, tuy thấy chúng có nhưng chỉ là giả tướng không có cái thể chân thật. Nếu chúng có cái thể thật thì chẳng phải đợi duyên hội hợp, nên bản chất chúng vốn huyễn ảo hư vọng không trường tồn luôn biến hoại sanh diệt, diệt sanh chẳng dừng. Nếu thấu rõ thân tâm được như thế thì trên các pháp cũng có cái nhìn như vậy không khác. Nhưng chúng ta thì trái ngược lại, ái chấp bám mắc cho thân tâm là thật mình. Cái huyễn ảo hư giả mà bám chấp làm thật thì quả thật là mê lầm, cho nên Phật nói chúng ta điên đảo là thế. Tức là chúng ta nhìn đảo ngược không đúng với lẽ thật, vì vậy mà bị trầm luân khổ sở.

2- Là dùng thuyền. Mà thuyền ở đây lại không đáy. Tại sao tác giả lại dùng thuyền không đáy? Thuyền không đáy thì làm sao sang sông? Con thuyền là phương tiện để đưa người qua sông, nhưng thuyền này lại không đáy mà vẫn nổi. Sao lạ vậy? Con thuyền đây là nói thuyền Bát Nhã. Xin mượn bài kệ của thiền sư Huệ Sinh đời Lý ở Việt Nam để nói lên ý nghĩa con thuyền này:

Pháp gốc như không pháp

Chẳng có cũng chẳng không

Nếu người biết pháp ấy

Chúng sinh cùng Phật đồng

Trăng Lăng Già vắng lặng

Thuyền Bát Nhã rỗng không

Biết không, không giác có

Chánh định mặc thong dong.

Bởi tâm rỗng không mới thể nhập được pháp gốc ấy (Phật tâm), nên Ngô Thừa Ân viết “Thế mới thật là phép trí tuệ rộng lớn, đưa thầy trò Đường Tăng sang được cõi Phật”, và đoạn:

Xương cốt phàm thai đã thoát thân.

Tương thân tương ái một nguyên thần.

Giờ đây hạnh đủ đương thành Phật

Rửa sạch từ xưa hết bụi trần.

Con thuyền là ý nói dùng phương tiện trí tuệ. Trí tuệ Bát Nhã là con thuyền để đưa chúng ta qua đến bờ giác ngộ giải thoát. Song ở đây Đường Tăng vì còn bám cái giả Ngã này chưa buông được nên thấy thuyền không đáy chẳng dám xuống, thành thử Tôn Hành Giả liền đẩy Đường Tăng xuống là ý này vậy.

Đây cho thấy, nếu không có trí tuệ thúc đẩy thì khó tiến qua được, bởi còn Ngã nên nói ở bờ bên này là sinh tử chưa giải thoát. Do mê sống trong vô minh cứ chạy theo vọng tưởng chấp nó là mình, vì vậy nói bờ bên này chỉ cho thế gian. Còn dùng thuyền Bát Nhã sang bên kia là chỉ cho bờ giác ngộ xuất thế gian. Khi đã có trí tuệ không lầm vọng tưởng, không bị nó lôi kéo nên nói xa lìa bờ này để sang bên kia bờ giác ngộ. Nhưng sang bờ kia cũng không trụ nữa thì mới chẳng kẹt hai bên (vì bờ kia là đối với bờ này). Nếu thấy bờ kia khác với bờ này mà dính mắc nơi đó thì không được tự do tự tại.

Cũng như phiền não gọi là chúng sinh, giác ngộ gọi là Phật. Bởi phiền não đối với giác ngộ. Do có chúng sinh nên có Phật đối lại, thấy có thế gian thật mới thấy có xuất thế gian. Nếu người đại trí tuệ (giác ngộ thấy rõ bản tánh) thì thấy không cần ra ngoài thế gian để tìm nhập Niết bàn, vì thấy không có Niết bàn ngoài sanh tử, chỉ biết do mê nên thấy có thế gian và phiền não, sanh tử. Nếu đã hết mê thì sanh tử hay thế gian đâu còn quan tâm nữa. Chúng cũng như những cảnh trong mộng do ngủ mê mà hiện. Chỉ một phen tỉnh giấc thì người và cảnh trong mộng sẽ tan biến. Khi đã hết mê mộng rồi thì nói gì rời bờ này sang bờ kia? Nên biết, nói có giác, có mê là một lối nói biểu thị cho người có khái niệm về mê, ngộ thôi. Phải biết rằng: “Biết rõ” mình mê, tức là đã giác rồi. Còn mê không phải mê cái gì khác mà do “Quên” cái giác. Có cái giác hằng hữu sẵn đây mà “Không rõ biết” thì gọi là mê. Thành thử nói “Bến mê, bờ giác” chỉ là trên “Một dòng tâm” mà thôi, chẳng khác nào tỉnh giấc hay mê mộng cũng trên một thân này. Nên nói sang bờ kia mà trụ là còn bị kẹt pháp chưa được tự do, giống như mấy thầy trò Đường Tăng qua sông rồi mà còn dính mắc ở bờ thì chắc không đến Linh Sơn được. Vì vậy kinh nói: “Thế gian và xuất thế gian hai pháp đều bình đẳng không sai biệt”. Hoặc vô minh và trí tuệ cũng thế, tất cả chỉ là danh tự đối lập.

Nếu chúng ta đối với tất cả chỗ không trụ thì ở nơi nào cũng được an lạc, cũng ở trong Niết bàn cả. Vì lúc nào cũng sống với bản tánh hiện hữu nên thấy các pháp không phải một, không phải khác, cuộc sống này chỉ cách nhau ở mê và ngộ mà thôi. Cũng một pháp mà người mê thấy đau khổ, còn người ngộ có cái nhìn khác nên cảm thấy không có gì là đau khổ. Do đó thiền sư Duy Tín có nói:

1- Khi chưa gặp thiện trí thức thấy núi sông là núi sông.

2- Khi gặp thiện trí thức thấy núi sông không phải là núi sông.

3- Qua ba mươi năm sau thấy núi sông là núi sông.

Bởi còn mê lầm chưa gặp được thiện trí thức ta thấy núi thật là núi, sông thật là sông. Đó là bị dính mắc, thấy các pháp thật có.

Khi gặp thiện trí thức uốn nắn chỉ dạy cho ta thể nhận ra trí tuệ rỗng lặng trùm khắp từ xưa đến nay hằng thanh tịnh không dao động, nên khi đó thấy các pháp có là do tâm vọng động mà có, chúng không thực thể mà chỉ giả danh. Hay là dùng trí tuệ quán chiếu thấy các pháp do duyên hợp giả có, không thực thể cố định nên nói thấy núi sông không phải là núi sông. Nhưng đó là phương tiện để ta đến với đạo nhận định đúng lẽ thật là trí hữu sư (do học hỏi những lời dạy của người xưa để lại mà ứng dụng hành trì theo).

Lại phải trải qua ba mươi năm sau do miên mật hằng sống với trí tuệ rỗng lặng không lúc nào rời, nên khi đối diện với các pháp tâm vẫn như nhiên. Hay do hành trì quán chiếu thuần thục, sống trọn vẹn với trí tuệ chính mình là vô sư trí. Do đó thấy lẽ thật các pháp không đắm nhiễm dính mắc, thấy núi sông chỉ thấy vậy, biết vậy mà không máy động khởi niệm có không, đẹp xấu v.v... cho nên nói thấy núi sông chỉ là núi sông.

Việc này cũng giống như người muốn sang sông dùng thuyền để qua bờ kia thì lúc lên thuyền là Văn tự Bát Nhã (nương văn tự thấu rõ lý); dùng công sức bơi chèo là Quán chiếu Bát Nhã (hành trì khế lý); sang được bờ bên kia là Thật tướng Bát Nhã (đạt kết quả rốt ráo).

Bởi Đường Tăng còn ở giai đoạn giữa phải nhờ trí tuệ hun đúc, để thấy thân năm uẩn này rốt ráo đều Không mới qua được bờ bên kia. Vì thế Tôn Hành Giả đẩy Đường Tăng trượt chân lọt tõm xuống nước, rồi vớt lên thuyền mà thuyền không đáy vẫn nổi. Khi Đường Tăng lên thuyền xong mới thấy thân xác mình trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Đó là hình ảnh biểu trưng khi vượt qua những chướng nạn thì không còn bám chấp cái Ngã giả tạm này. Từ đó mấy thầy trò mới vui mừng, vì thấy thầy mình vừa thoát xác để thành tựu đạo quả, tức là phải dứt sạch ái nhiễm chấp mắc thân tâm. Đến đây mới thật là cái quả vô ngã,

...Mấy thầy trò sang sông đến chùa gặp Phật. Phật bảo ngài Ca Diếp và ngài A Nan lấy kinh trao cho Đường Tăng. Hai Ngài dẫn mấy thầy trò đi xem Tạng kinh rồi nói: “Thánh tăng từ Đông thổ đến đây phải có ít nhiều lễ vật cho chúng tôi chứ! Xin đưa đây mới giao kinh cho”. Đường Tăng nói: “Đường xa cách chưa sắm được”. Tôn Hành Giả nghe tức bực nói với Đường Tăng “Mình đi bạch Như Lai bắt họ phải mang kinh đến”. A Nan nghe được nói: “Đừng có ồn, ở nơi này mà còn bướng bỉnh điêu ngoa, lại đây mà nhận kinh!”... Nhận kinh xong từ biệt về, đi được một đoạn bị cơn gió lốc thổi làm sách kinh đều rớt xuống vứt tung tứ phía, mấy thầy trò đỡ lấy mở ra xem thấy toàn giấy trắng chẳng có chữ nào, nên mới trở lại xin đổi kinh có chữ... Khi đến gặp Phật Tổ, Phật Tổ nói: “Các ngươi ngày nay tay không đến cầu, cho nên họ mới đưa giấy trắng. Những bản giấy trắng đó là Chân kinh nên không có chữ, cũng là một thứ tốt”. Rồi Ngài gọi ngài A Nan và Ca Diếp lấy kinh có chữ đổi lại... Đường Tăng bảo Sa Tăng lấy bát vàng của vua Đường tặng trao cho ngài A Nan. Ngài A Nan lấy kinh có chữ giao cho Đường Tăng...

Lược dẫn một đoạn trên cho thấy, đa số người đọc đều nói ở nhà Phật mà còn ăn hối lộ thật là một sự ngộ nhận sai lầm. Như trước đã nói, Ngô Thừa Ân dẫn và mượn những hình ảnh nhân vật trong truyện để nói lên ý nghĩa đạo lý Phật pháp, chớ chúng ta đừng chạy theo văn chữ mà đánh giá sai lạc, làm mất giá trị ý nghĩa mà tác giả muốn nói đến khía cạnh tâm linh. Thiết nghĩ, ông viết truyện vào thời xã hội phong kiến đời nhà Minh, do ông thấy việc triều chính thời đó bất công vì quan lại không liêm chính, nên mượn bối cảnh hiện tại để viết truyện nhằm đả kích châm biếm xã hội đương thời, chứ ông không có ý phê phán Phật giáo.

Bởi vì kinh điển được kết tập lần thứ nhất sau khi Đức Phật nhập diệt vào mùa hạ năm ấy (có thuyết nói bảy ngày), ngài Ca Diếp làm chủ tọa mời 500 vị Thánh tăng đến để tuyên đọc lại những lời Phật dạy, rồi sau  này được ghi chép thành kinh điển lưu truyền cho hậu thế nương đó hành trì tu tập, mãi cho đến ngày hôm nay thế nhân vẫn còn tôn trọng quí kính. Còn thời ngài Pháp sư Huyền Trang là nhằm năm thứ hai niên hiệu Trinh Quán (628) đời nhà Đường. Để thấy thời ngài Ca Diếp và A Nan cách thời Pháp sư Huyền Trang hơn một ngàn năm. Cho đến khoảng thế kỷ thứ 16, Ngô Thừa Ân mượn việc ngài Huyền Trang sang Thiên trúc (Ấn Độ) học đạo thỉnh kinh để viết thành truyện Tây Du Ký, chớ ngài Ca Diếp và A Nan đã tịch lâu rồi.

Vả lại, ngài A Nan là hoàng tử con của vua Bạch Phạn, Ngài đã từ bỏ hết tất cả những phú quí xa hoa nơi cung điện ở tuổi đồng niên theo Phật tu hạnh giải thoát. Còn ngài Ca Diếp cũng là một quí tử của vị trưởng giả hào phú đương thời nổi tiếng một vùng, Ngài bỏ hết tất cả phú quí vinh hoa để theo Phật tu hạnh đầu đà, không lẽ hai Ngài lại đi đòi chút ít lễ vật nhỏ mọn không bằng những cái mà hai Ngài đã lìa bỏ ở nhà hay sao? Ta thấy nếu hiểu theo văn nghĩa truyện thì thật là vô lý.

Trong kinh nói cõi Phật là cõi an vui thanh tịnh sáng suốt không bợn nhơ. Như đoạn Ngô Thừa Ân viết:

Ma hết quá nhiên sang đất Phật

Tai qua nên thấy được Bồng Lai

Tắm nhơ, rũ bụi, không gì vướng

Tới gốc về nguồn rất thảnh thơi.

Hay:

Sóng gió mặc dù, thường vững chãi

Trước sau chi kể, cứ thanh bình

Bụi nhơ không bợn về riêng lối

Đời kiếp yên vui mặc thỏa tình

Không đáy con thuyền qua bể rộng

Xưa nay tế độ khắp quần sanh.

Đây cho thấy khi người đã sống được trí tuệ Bát Nhã thì dù cho mọi sóng gió của sự đời cũng không làm lay động tâm họ. Vì họ không còn kẹt hai bên được mất, khổ vui, trước sau…, cõi lòng không còn bợn nhơ mà thanh thản an nhàn, sống với cái chân thật đời kiếp yên vui thật là thỏa nguyện, nên họ dùng những phương tiện để tiếp độ tất cả chúng sinh như hai ngài Ca Diếp và A Nan vậy. Thế thì đâu còn mong cầu những vật mọn như cái bát vàng của Đường Tăng làm chi nữa.

Đến đây ý ngựa đã thuần không còn bứt dây xổng chuồng, không còn ngó liếc hai bên, không cần chăn giữ mà nó vẫn an nhiên, tự do tự tại. Tâm vượn không còn nhảy nhót lung tung nữa mà nó đã ngủ rồi. Bao nhiêu chướng ngại gian nan đã chấm dứt, trong lòng không còn gì vướng bận nên nói hạnh đủ. Vì vậy, lúc Tôn Hành Giả vươn mình Ngũ Hành Sơn đổ ngã chỉ mới nhận nơi thân năm uẩn này có cái chân thật (bổn tâm) bất biến không sanh diệt - là cái nhân Phật, còn tới đây là đạt đến cái quả của năm uẩn không thật, thì mới cảm nhận trạng thái hoàn toàn an lạc thảnh thơi không vướng bận ở năm uẩn nữa.

Bởi từ lâu do mê quên đi cái giác mà bị trầm luân thống khổ gọi là chúng sinh. Sau khi qua cơn mê đã tỉnh giấc trọn vẹn nên nói là giác, mà giác tức là Phật. Giác nghĩa là rõ biết cái mê từ xưa đến giờ do lầm lẫn. Thành thử giác với mê cũng cùng trên một tâm mà thôi, biết chuyển hóa mà có cái nhìn khác biệt hơn thế gian, vì thế nói ở đâu cũng là nhà, ở đâu cũng có mình. Khi đến đây rồi cùng hòa tất cả mọi loài hát khúc khải hoàn trên mảnh đất quê hương bất diệt.

Khi tâm bất bình thường thấy tất cả pháp đều thật có gọi là thế gian. Nhưng khi đã dứt hết tâm bất bình thường thì không thấy có thế gian để ra gọi là tâm bình thường. Do nhìn các pháp với tâm bình thường nên không bị dao động, đắm nhiễm. Ở ngay thế gian đầy cấu uế đau khổ này mà vẫn an nhiên thanh thản không gì vướng bận nên nói là xuất thế. Xuất thế mà không thấy có xuất thế gì hết. Đó là điểm then chốt của các bậc tác gia trong thiền môn, ở ngay trong trần không bị nhiễm dính bụi trần, hằng giúp độ tất cả chúng sinh, mà không thấy có Niết bàn để trụ, vì thấy nơi nào cũng là Niết bàn, do vậy nhìn nơi nào cũng thấy đẹp, ở nơi nào cũng thấy an lạc, giống như đoạn mấy thầy trò Đường Tăng sang đến cõi Phật, Tôn Hành Giả nói: “Mừng cho thầy mình vừa thoát khỏi phàm thai tục cốt” và thưa với Đường Tăng thử xem những cảnh vật, cỏ, hoa, tùng, trúc, hạc, hươu v.v... trước mặt đây, so với những nơi yêu tà biến hóa ra, đâu đẹp đâu xấu, đâu thiện đâu ác…? Đường Tăng liền khen khôn xiết.

Đoạn ngài Ca Diếp và A Nan đòi lễ vật là do Đường Tăng còn giữ cái bát vàng. Vì cái bình bát là vật tùy thân của người tu sĩ nên Đường Tăng vô cùng quí trọng, và vàng là một loại rất quí báu, kế đó được vua ban tặng là một vinh hạnh lớn nhất trong đời người. Cũng vậy, đối với người hành đạo khi tâm còn lăng xăng bất an nên mong muốn làm sao cho tâm được an định, đó là cái quí nhất giống như người đời quí vàng và được vinh hạnh vậy.

Ở đây bát vàng là tượng trưng cho sự an định, bởi Đường Tăng còn giữ cái bát vàng là nói rằng tâm còn kẹt Pháp. Nhưng khi đến chỗ rốt ráo tột cùng thì Pháp cũng phải xả bỏ mới thể nhập được Tâm Kinh. Vì ở đoạn trước Đường Tăng thấy xác mình trôi lềnh bềnh trên sông là Ngã Không mà chưa thấy Pháp Không. Cũng như vị A La Hán tâm được an định, cho chỗ an định đó là Niết bàn rồi an trụ, nên nói là còn kẹt Pháp (thấy có Niết bàn thật để trụ) chớ chưa nhận ra Bổn tâm linh giác (tâm kinh). Nên trong kinh Kim Cang có câu “Pháp còn phải xả huống là phi pháp”. Lại nữa, thiền sư Phổ Chiếu có dùng một danh từ để ám chỉ cho Tâm chân thật là “Bát không đáy”. Bởi vì cái bát là vật dụng để chứa đựng thức ăn mà lại không đáy thì đâu chứa được những gì trong ấy. Ý nói rằng trong Tâm chân thật luôn rỗng rang không có một vật nào nên tượng trưng là Bát không đáy. Những gì bỏ vào Bát không đáy đều lọt rớt hết, nghĩa là buông sạch hết những gì dính mắc, dù đó là tâm an định, là Niết bàn tịch tịnh. Cho nên có giai thoại giữa vua Đường Túc Tông hỏi Quốc sư Huệ Trung nói về ý này:

- Thầy được pháp gì?

- Bệ hạ có thấy một mảnh mây trong hư không chăng?

- Thấy.

- Nó do đóng đinh mắc hay cột dây mắc?

Một trích đoạn trong phim.

Một trích đoạn trong phim.

Qua sự đối đáp trên cho chúng ta thấy, chỉ không dính mắc tất cả thì tự tại thong dong giống như áng mây trong hư không vậy. Và ông tú tài Trương Chuyết khi ngộ đạo có làm bài tụng thế này:

Quang minh tịch chiếu khắp hà sa

Phàm thánh hàm linh vốn chung nhà

Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện

Sáu căn vừa động bị che lòa.

Phá trừ phiền não càng thêm bệnh

Tìm đến chân như ắt cũng tà

Tùy thuận các duyên không chướng ngại

Niết bàn sanh tử thảy không hoa.

Niết bàn tuy quí nhưng phải biết buông xả đừng dính mắc mới là cái quí tối thượng. Cũng như tâm được an định là quí, nhưng cứ mải miết an trụ trong đó sẽ trở thành trói buộc, cho nên nói ngài A Nan đòi lễ vật là ý này vậy.

Đã đến chỗ chân thật rồi Ngã và Pháp phải đều không, nếu còn giữ một pháp tức chưa rốt ráo. Cho nên ngài Hương Nghiêm có làm bài kệ:

Năm xưa nghèo chưa thật là nghèo

Năm nay nghèo mới thật là nghèo

Năm xưa nghèo vẫn còn có đất cắm dùi

Năm nay nghèo dùi cũng không.

Lúc thỉnh kinh ngài Ca Diếp và A Nan nghĩ rằng Đường Tăng trong lòng không còn vật gì do đó hai Ngài mới lấy kinh không chữ trao cho, thế mà mấy thầy trò nhận không một ai biết gì cả, đến khi mở kinh ra xem thấy toàn giấy trắng không có chữ mà cũng chẳng thể hội nên mới trở lại đổi kinh có chữ. Ý nói rằng, bởi Đường Tăng còn giữ cái bát (như đã nói ở trên) nên không thể nhận được kinh Vô tự vậy.

Đây nói kinh không chữ là kinh gì vậy? Kinh gì mà lại không có chữ thì làm sao đọc tụng hành trì? Thật vậy, kinh không chữ mới là kinh tối thượng, là kinh truyền ngoài giáo lý, đó là Tâm Kinh hay Chân Kinh.

Đây cũng giống như giai thoại giữa ngài Ca Diếp ngộ đạo nơi Đức Phật, gọi là “Niêm hoa vi tiếu”. Xin lược dẫn.

Hôm nọ, Phật ở trong hội Linh Sơn tay cầm cành hoa sen đưa lên, cả trong hội chúng đều ngơ ngác, chỉ có ngài Ca Diếp đắc ý chúm chím cười. Phật bảo: “Ta có chánh pháp nhãn tạng Niết bàn Diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, nay giao phó cho ngươi. Ngươi khéo gìn giữ chánh pháp này truyền trao mãi đừng cho dứt….”.

Bởi chân kinh là kinh không thể dùng văn tự, ngôn ngữ diễn đạt đến được, chỉ thầy với trò thầm hợp, khế hội nên thầy ấn chứng và truyền pháp cho để nối tiếp sau này, giống như ở hồi 93 Tôn Hành Giả thấy Đường Tăng than thở mới nói: “Thầy đã quên bản Tâm Kinh của thiền sư Ô Sào chỉ dạy rồi!”.

Đường Tăng: “Bát Nhã tâm kinh là chân truyền tùy thân làm sao ta quên được”.

Tôn Hành Giả: “Thầy chỉ biết đọc mà không biết giải nghĩa”.

Đường Tăng: “Sao bảo ta không giải nghĩa được. Vậy con có giải nghĩa được không?”

Tôn Hành Giả: “Con giải được”.

Rồi hai thầy trò không ai nói năng gì nữa... Còn Bát Giới và Sa Tăng lại chê trách Tôn Hành Giả... nên Đường Tăng nói: “Văn giải của Ngộ Không là thứ văn không nói ra lời, đó mới là giải đúng”.

Chúng ta nên biết, cách đối đáp giữa hai Thầy trò Đường Tăng ở đây là một hình thức biểu thị cho người có khái niệm về Tâm Kinh thôi, chớ tất cả văn tự không thể nào nói đến chỗ cứu kính Tâm Kinh. Tâm Kinh là nói lên chỗ Bất Nhị không còn chấp mắc hai bên, phù hợp với trong kinh Duy Ma Cật. Sau khi các vị Bồ Tát trình cái thấy của mình về “Pháp môn không hai” xong, thì ngài Bồ Tát Văn Thù hỏi Duy Ma Cật hãy nói về cái thấy của ông. Ông Duy Ma Cật im lặng không nói. Ngài Văn Thù khen rằng: “Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự ngôn ngữ, đó mới thật là vào pháp môn không hai”. Và ở đây cũng nói lên chỗ Đức Phật thuyết pháp 49 năm mà không nói một lời nào, đó là chỗ Bất khả thuyết, Bất khả tư nghì. Vì thế thiền sư Đức Sơn nói: “Tông ta không ngữ cú, không một pháp dạy người” là vậy. Hay thiền sư Lâm Tế nói: “Ta không có một pháp để chỉ dạy người, cốt vì họ nhổ đinh tháo chốt thôi”.

Ta thấy kinh không chữ là kinh chỉ thầy và trò thầm hội mới cảm thông được, nên gọi là truyền tâm hay ấn tâm. Còn trò không hội buộc vị thầy phải dùng phương tiện khác để chỉ dẫn cho trò nương đó mà thầm hội.

Người xưa đã sáng tỏ được việc của mình và thấu rõ muôn pháp, nên dùng bao nhiêu phương tiện (kinh luận) để diễn đạt lại lẽ thật sự vận hành của các pháp cho chúng ta sau này có khái niệm về nó. Sự vận hành các pháp và thân tâm của con người xưa nay nó đã như vậy chớ không thay đổi gì khác, tại chúng ta mê lầm, không thấy được lẽ thật để bao đời kiếp phải lang thang. Nếu muốn biết rõ về việc này thì hãy nương những phương tiện ấy mà xoay lại chính mình để có cách nhìn khác hơn, thầm cảm nhận thấu đạt lý lẽ trong ấy chớ đừng theo chữ nghĩa văn tự sẽ không thấy được những gì các Ngài muốn chỉ bày. Tuy nhiên văn tự ngữ ngôn trên kinh luận rất cần cho những người sơ cơ mới vào đạo, nhưng phải biết đó là phương tiện diễn đạt về diệu nghĩa lẽ thật của muôn pháp chớ không thể nói đến được diệu nghĩa, dù ta có học hiểu thấu đáo đi nữa thì đó cũng chỉ là trí hữu sư mà thôi (do nhờ phương tiện bên ngoài mà được), vì ngữ ngôn diễn đạt cho chúng ta có khái niệm, chớ tự ta chưa chứng nghiệm thấu suốt lẽ thật muôn pháp. Vì vậy, ngài Đức Sơn thấy biết bao người hành đạo đã lầm về việc này mà tự cột trói dính mắc, nên Ngài không ngại sợ tội lỗi với Phật, Tổ, vì hạng người ấy mà không tiếc lời nói ra những câu như là phỉ báng Phật pháp, nhưng thật ra Ngài thương họ nên mới làm vậy, chớ không có chê bai, khinh rẻ Phật, Tổ và mạt sát kinh luận, như Ngài nói: “Đạt Ma là ông già Hồ tanh hôi, Bồ Tát Thập địa là kẻ gánh phẩn, Đẳng giác và Diệu giác là kẻ phàm phu phá giới, Bồ đề Niết bàn là cây cọc cột lừa, mười hai phần giáo là bộ sổ của quỷ thần, là giấy lau ghẻ, Tứ quả Tam hiền sơ tâm thập địa là quỷ giữ mồ xưa, tự cứu được chăng? Phật là cục phân của ông già Hồ (Ấn)”. Ngài nói những lời quá đáng như thế là bảo chúng ta đừng bám chấp vướng mắc trên danh tự chữ nghĩa, cho đến sự hiểu biết trên kinh luận và những khái niệm về giác ngộ, về giải thoát v.v... Do vậy mà Ngài khuyên “Các ông chớ cuồng! Khuyên các ông không gì hơn thôi hết đi, vô sự đi. Tâm vừa khởi một niệm là quyến thuộc nhà ma, là kẻ tục phá giới”. Ngài khuyên dạy chúng ta thật nhiều, nhưng ở đây chỉ lược ít đoạn vậy.

Lúc mấy thầy trò đến nhận kinh, được trao cho chân kinh tối thượng mà không biết thì cũng như chẳng hội, nên khi mở kinh ra xem không thấy chữ liền hoảng trở lại để đổi kinh có chữ là phương tiện dẫn dắt.

Thật trớ trêu Ngô Thừa Ân viết: “Các ngươi ngày nay tay không đến cầu, cho nên họ mới đưa quyển trắng. Những bản giấy trắng đó là Chân-kinh không có chữ, cũng là thứ tốt”. Chỗ này phù hợp với bài kệ của ngài Lục Tổ nhờ người viết ở hành lang chùa:

Bồ đề vốn không câyGương sáng cũng không đàiXưa nay không một vậtChỗ nào dính bụi bặm.

Bởi vì trong tâm Ngài đã không một vật (tay không) nên khi canh ba vào thất Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, thì Ngài mới thể nhận Tâm kinh. Hay có vị tăng hỏi thiền sư Tuyết Phong:

- Hòa thượng ở chỗ ngài Đức Sơn được pháp gì mà về đây dạy người?

Ngài Tuyết Phong đáp:

- Ta khi xưa đi tay không, về tay không.

Thật vậy, Chân kinh (chân tâm) phải là tay không mới cầu được. Vì sao vậy? Vì trong lòng không còn một vật thì mới thể nhận tâm kinh. Không còn vật đây có nghĩa là trong tâm chẳng còn một dấy động nào thì mới thể nhập tự tánh sáng suốt an định (tâm kinh). Nếu còn chao động lăng xăng thì không thể nào nhận biết. Hay chỉ mới an định rồi dừng trụ ở đó mà không chịu nhảy khỏi (buông xả) thì chẳng thể nào nhận ra tự tánh bất sinh bất diệt. Vì thế hai ngài A Nan và Ca Diếp mới đòi lễ vật, nếu có thì đem ra hết mới lãnh kinh. Thế mà Đường Tăng chẳng biết nói không có, hai Ngài mới đem kinh không chữ giao cho vì nghĩ rằng trong lòng Đường Tăng không còn vật. Ai dè Đường Tăng còn giữ cái bát nên không hội được kinh không chữ mới trở lại đổi kinh có chữ. Do đó hai Ngài đem kinh có chữ ra đổi. Đường Tăng bảo Sa Tăng lấy bát vàng dâng cho ngài A Nan. Đến đây mới là Pháp Không, mới thể nhập được kinh vô tự (Tâm chân thật). Bởi Ngã và Pháp đều Không thì mới thấy ở nơi nào cũng là Niết bàn (Vô trụ xứ Niết bàn). Có như thế làm lợi ích cho chúng sinh mà không thấy có bốn tướng (ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả), do không có chỗ trụ và dính mắc. Cũng như Đường Tăng buông bỏ không giữ cái bát vàng nữa là chẳng còn chấp Pháp (không dính mắc nơi an định). Bởi không còn kẹt Pháp mới an nhiên tự tại làm lợi ích cho chúng sinh được, giống như Đường Tăng đổi kinh có chữ trở về Đông thổ để làm lợi ích cho nhân sinh vậy.

Bởi phàm phu trong lòng còn tham, sân, si v.v... nên không thể nhận được kinh không chữ, mới cần kinh có chữ nương đó đọc tụng hành trì để sửa đổi, chuyển hóa tâm ái chấp dính mắc cho nó được trong sạch. Vì vậy kinh có chữ là phương tiện dẫn dắt những người khi tâm còn chao động lăng xăng bất an, để họ nương theo đó tu hành cho tâm được an định sáng suốt như nguyên sơ.

Ngài Ca Diếp ngộ tâm kinh từ nơi Phật truyền ngoài văn tự, nên Ngài mới bảo Đường Tăng nếu có mang lễ vật thì đem ra để trong lòng được sạch (ý nói buông xả tất cả dù là một chút khái niệm về giác ngộ giải thoát, cho đến Niết bàn cũng chẳng dính mắc nữa), cho nên nói Ngài lấy kinh không chữ trao cho Đường Tăng. Còn kinh có chữ là khi Đức Phật nhập diệt, ngài Ca Diếp cùng các Thánh chúng tụ họp mời Ngài A Nan đọc lại những lời Phật dạy và sau này mới ghi chép để lại cho hậu thế, nên kinh có chữ được lưu truyền đến ngày nay. Đó là nói lên ý nghĩa ngài A Nan giao kinh hữu tự. Vả lại, khi người đã thể nhận và sống được với chân tâm rỗng lặng sáng suốt rồi vì người lập phương tiện nói ra những lời hay các hành động đều phù hợp với lời Phật ý Tổ, người sau nương theo phương tiện đó mà hội nhận cái trong lặng sáng suốt nơi chính họ, nên cũng gọi là kinh hữu tự.“Sau đó, mấy thầy trò lãnh kinh xong, trên đường về đến dòng sông gặp lại con Rùa lúc trước có nhờ Đường Tăng hỏi Phật dùm một câu về hậu sự của nó, nay nó nói để đưa dùm mấy thầy trò sang sông. Khi đến giữa dòng, Rùa hỏi: “Trước nhờ thầy hỏi Phật dùm một việc, nay xin thầy nói lại lời của Phật giải cho!”. Đường Tăng vì việc thỉnh kinh nên quên đi lời hứa. Rùa không được lời giải chẳng chịu đưa đến bờ, bèn lặn xuống khiến mấy thầy trò chơi vơi giữa dòng sông và tất cả kinh điển cùng hành lý đều bị ướt hết. Khi bơi được vào bờ, thầy trò đem kinh ra phơi, vì ướt quá khi phơi khô kinh bị dính dưới đá, lúc lấy lên sắp xếp lại đã làm rách mấy tờ cuối. Đường Tăng hối hận trách mình không gìn giữ cẩn thận. Tôn Hành Giả cười nói: “Không phải thế! Trời đất còn chẳng trọn vẹn. Bộ kinh này trước trọn vẹn nay bị dính rách đó là việc huyền diệu, sức người giữ thế nào được (hồi 99).”

Như vậy kinh đã mất mấy tờ sau, nên nói có thủy mà không chung. Vì ở thế gian này làm việc gì có thủy phải có chung mới đạt kết quả, còn có thủy mà không chung thì làm sao đạt được? Cũng vậy nếu chúng ta dùng kinh có chữ hành trì đọc tụng nhưng không nhận được ý nghĩa của kinh chỉ dạy để thực hành, lại đọc tụng mong cầu giải thoát thì giống như có thủy mà không chung vậy.

Cũng như trong kinh Pháp Bảo Đàn nói ngài Pháp Đạt đọc tụng kinh Pháp Hoa suốt 30 năm lấy đó làm công khóa, nhưng chẳng hiểu nghĩa thì suốt đời cũng không giác ngộ giải thoát. Sau lại may mắn gặp được Lục Tổ khai thị nên Pháp Đạt mới tỉnh ngộ nói: “Từ trước đến nay đã bị kinh chuyển không thấy được ý nghĩa, ngày nay đến Tào Khê chỉ nghe một câu liền quên. Từ nay mới bắt đầu chuyển kinh”.

Kinh có chữ chỉ cho phương tiện, giống như ngón tay chỉ mặt trăng, muốn thấy mặt trăng thật thì phải nương theo ngón tay chỉ mà nhìn mặt trăng ở trên không trung, nếu nhìn ngón tay hoài thì không thể nào thấy mặt trăng thật được. Nên kinh Kim Cang nói:

Nếu lấy sắc thấy Ta

Lấy âm thanh cầu Ta

Người ấy hành đạo tà

Không thể thấy Như Lai.

Bởi vì chữ nghĩa ngữ ngôn là sắc tướng. Còn Như Lai đây là thật tướng vô tướng, phải khéo nương cái hữu tướng để nhận ra thật tướng vô tướng kia, ấy mới gọi là người thật có trí tuệ. Thành thử kinh có chữ phải có thủy có chung, nếu có thủy không chung là không trọn vẹn, giống như ngài Pháp Đạt tụng kinh chấp làm công khóa mà không nhận được ý kinh vậy.

Còn chân kinh là kinh không chữ, bởi không chữ nên nó vô thủy vô chung. Vả lại, trong cuộc sống thế gian là tương đối, nào là thương ghét, hơn thua, phải quấy, âm dương, sinh tử v.v... thì làm gì có trọn vẹn. Mà trong cái tương đãi đó có ngầm ẩn một cái chân thật tuyệt đối chưa từng bị thay đổi luôn hiện hữu. Nếu khéo thể nhận lý lẽ này và sống được với cái chân thật hằng hữu đó thì ngay trong cuộc sống tương giao này không bị chi phối bởi những thứ đối đãi trên, cho đến cái danh từ tuyệt đối cũng không thật. Có thế mới gọi là trọn vẹn.

Ở thế gian không có trọn vẹn mới dùng kinh hữu tự, còn nếu trọn vẹn thì chắc không có đến Tây phương gặp Phật thỉnh kinh, mà cũng chẳng có Tây phương và Phật cùng kinh để thỉnh nữa. Vả lại, cũng nói lên tất cả tướng ở thế gian đều bị định luật vô thường làm biến đổi đến hoại diệt thì làm sao được như ý con người đây! Cho nên không thể nào hoàn toàn trọn vẹn. Trong kinh có nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (ở thế gian cái gì có tướng đều là hư vọng). Vì thế Tôn Hành Giả nói đó là việc huyền diệu vậy.

  (Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Tư liệu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Tư liệu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Tư liệu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa

Tư liệu 13:20 29/10/2024

Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Xem thêm