Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Tết Kỷ Hợi 2019, kiêng kị may rủi những ngày Tết, có nên không?

Từ ngàn xưa, việc kiêng kị may rủi đầu xuân lâu đời của những người đi trước truyền tụng trong nhân gian có rất nhiều. Từ kiêng kỵ quét nhà đổ rác, cho người xin lửa, tìm ngày giờ xuất hành, xem tuổi tác thời vận tốt xấu khắc hợp,

Thậm chí, chọn người chọn giờ xông đất, hay đến việc nén hương thắp có quăn cuộn tàn để có lộc không?... Năm nay sao chiếu mệnh là sao gì?... Người xưa còn lưu ý đến những dấu hiệu, những hiện tượng điềm báo như hóa bát nhang, chó sủa gà gáy, hoa nở chim kêu... như cho biết sắp xảy ra những việc may rủi thế nào, bảo đó là những điềm lành dữ báo trước. Nếu con người biết lưu tâm sẽ tránh được rủi ro, chiêu cảm may mắn tốt lành cho cả năm. 

Vậy quan điểm Phật giáo giải thích điều kiêng kị, sự rủi may xấu tốt ấy như thế nào? Xuất xứ từ đâu và có đúng không?

Đúng có mà sai cũng có, vấn đề ở góc độ nhãn quan nhận thức nào và hóa giải ra sao? Nếu chấp trước thái quá cũng sinh bất cập phiền nhiễu trong cuộc sống – Nhất là ngày Xuân tết.

Vấn đề quá nhiều, chỉ xin được nêu ra vài hiện tượng sự việc để chia sẻ quan điểm Phật giáo chung:

Tết với hiện tượng hóa Bát Nhang

Người Việt hầu như nhà nào cũng có Bát Hương trên Ban thờ. Vào thời điểm tháng cuối năm chuẩn bị đón Tết từ ngày 23 Ông Táo chầu Trời, người trong gia đình thân quyến sẽ đi về, lễ bái và thắp hương nhiều hơn, đặc biệt trong ba ngày Tết càng thắp nhiều hơn nữa thì việc hóa Bát Hương là điều tự nhiên và tất yếu.

Nhất là những nhà cả năm kiêng kỵ vô lý không dọn chân hương, để chân hương chồng chất. Khi bát hương hóa (cháy) nghi ngút thì họ lo lắng sợ hãi, không biết Tổ Tiên, Thổ Địa Thần Thánh quở trách điều gì, đâm sinh ra lo âu vơ vẩn.

Đừng quá lo lắng về việc bát hương bốc cháy, hay còn gọi là hóa trong ngày Tết.

Đừng quá lo lắng về việc bát hương bốc cháy, hay còn gọi là hóa trong ngày Tết.

Với nét mặt băn khoăn lo âu, nhiều người hỏi tôi việc hóa bát hương và tôi trả lời: Hóa âm (cháy âm ỉ từ dưới lên) thì âm phù – Tổ tiên Thổ Địa phù hộ.

Hóa dương (cháy thành ngọn lửa bốc trên xuống) thì dương trợ – Quý nhân hộ giúp.

Tôi trụ trì chùa, Hễ kỳ nào bát hương hóa liên tục là kỳ ấy tôi được gặp nhiều Phật tử Thiện tín Nhân Dân đến lễ, rất vui vẻ và tất nhiên kỳ ấy, lộc nhà chùa cũng tăng gấp bội.

Hóa bát hương (Nhang) là điềm âm phù dương trợ, là điềm tốt lành.

Câu động viên Vô úy thí đó khiến gương mặt của những người hỏi tôi tròn trĩnh lại.

Tôi cũng dặn họ rằng: Bát hương nên vệ sinh dọn chân hương, chớ kiêng kỵ vô lý mà để chồng chất tránh hỏa hoạn khi hóa bát hương.

Còn hương thắp có cuộn tàn hay không là do cật lõi tre bên trong đâu có gì quan trọng? Như hương vòng thắp lâu thời gian nhưng không có cật lõi tre – lấy gì mà cuộn? Thật nực cười.

Chọn người và chọn giờ xông đất và hướng xuất hành ngày Tết

Người phương Đông truyền thống rất cẩn trọng và kiêng kỵ trong việc chọn người xông nhà lúc giao thừa và sáng ngày mồng một. Phải là Nam – đàn ông hay con trai chứ không thì bị "Âm lõm mất".

Người đã có gia đình thì phải hoàn vẹn, phải hợp tuổi với chủ nhà, tính khí vui vẻ, xởi lởi. Nếu chọn con trai trong nhà thì chọn đứa tuổi hợp vía tốt với cha mẹ và dễ dãi hài hòa rồi cho chúng tiền đi chơi hay đi xem phim hay đàn đúm đâu đó để rồi qua giao thừa mới được trở về "Xông nhà" cho may mắn.

Nhưng đôi khi những xắp xếp đó không được như ý. Một người điên, một đứa con gái,  một kẻ say rượu hay một con chim cú cắt nào đó thâm nhập không đúng thời làm cho gia chủ tức giận, sợ hãi và lo âu. Tất yếu, cái xuân, cái Tết liền giảm niềm hoan hỉ đi rất nhiều.

Kinh Phật dạy: Trú dạ lục thời hằng cát tường.. Nhất thiết thời trung cát tường giả (Ngày đêm các giờ đều tốt lành, Tất cả ngày giờ đều tốt lành).

Như vậy, ngày giờ nào cũng là vàng ngọc của cuộc đời, hãy sử dụng nó thật có ý nghĩa cho đạo lý sống vị tha và niềm vui an lạc qua từng năm tháng, chớ để lãng phí vô bổ. Tâm lành thì ngày giờ nào sự lành, điềm lành cũng hiện hữu.

Tuy nhiên, nếu ai đó quá tin sùng vào năm tháng ngày giờ để làm việc lớn tốt lành đầu năm thì cũng "dùng phép", "phương tiện" để động viên khuyến khích giúp họ vững tâm hơn.

Theo Phật giáo, ngày mồng một Tết là ngày đản nhật Phật Di Lặc – Một vị Phật to béo, bụng phệ, mặc hơi mát mẻ với sáu đứa trẻ vây bám trên mình biểu thị cho sáu tên giặc ( Lục Tặc  - Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý ) mà Ngài đã hóa giải để cho tâm hoàn toàn an lạc với miệng cười hết sức thoải mái. Thật là:                       

Hôm nay hoan hỉ bao nhiêu

Ngày mai ta lại càng nhiều hỉ hoan

Nghĩ mình tâm đức vẹn toàn

Tương lai, hiện tại đều hoan hỉ hoài.

Hỉ hoan hoan hỉ lâu dài

Tháng ngày hoan hỉ hưởng hoài hỉ hoan. 

Có sách viết rằng: Nếu ai từ bi hoan hỉ sẽ được mơ thấy Ngài thì người đó được an vui phúc lộc tràn đầy một năm, nếu Ngài nhìn mình thì an vui phúc lộc mười năm, nếu Ngài xoa đầu thì an vui phúc lộc đến trọn đời chưa hết.

Thực ra là: Nhân nào quả ấy, cái gì đến nó sẽ đến. Nếu Ta "Tiểu xả" thì một ít điều xấu rủi vơi đi, "Trung xả" thì tương đối điều xấu rủi tiêu tán, còn "Đại xả" thì vận hạn xấu ác được xóa giải hoàn toàn, Phúc, Lộc, Thọ, An, Khang dồi dào thịnh vượng. ( Đại hỉ – Đại xả).

Ta hãy tu niệm một điều rằng: Vừa ý thì ta vui, chưa vừa ý ta vẫn vui, gặp ai ta cũng nở nụ cười thân thiện chào mời chúc phúc như bài thơ đâu đó:

    Còn gặp nhau thì hãy cứ cười

    Cho đời thêm thắm đạo thêm tươi

    Cho hương thêm ngát hoa thêm đẹp

    Đẹp cả nhà ta đẹp mọi người.

Còn hướng xuất hành thì ta hãy chọn hướng nào đi có đạo lý thì đi – Hướng về chùa với tâm Nhân đức. Hướng về thắp hương Tổ tiên và chúc phúc ông bà, cha mẹ với tâm Hiếu đức. Hướng về nhà thầy bạn với lòng tri ân tình nghĩa vị tha giữ gìn Hạnh đức...

Tín tâm này sẽ chiêu cảm mầm giống phúc tuệ cho năm tháng. Còn việc xem hướng theo sách vở đạt thêm chút an tâm cũng chẳng sao. Thời nay, con người phải phù hợp với mọi phương hướng. Nếu hướng không hợp ta thì ta chuyển mình để hợp với hướng, cũng như con thuyền trên biển, dù gió thuận nghịch thế nào ta cũng phải khéo léo lái con thuyền đến đích đã định, đừng mất lái để rồi chìm đắm trong cố chấp vào niềm tin thái quá bất cập.

Kiêng quét nhà đổ rác đi và cho người xin Diêm lửa ngày Tết

Tôi nhớ có đọc câu chuyện kể rằng: Ngày xưa có ông trọc phú (giầu có mà không có vợ con) đi chợ dịp giáp tết, ông thấy một cháu bé gái chừng năm, sáu tuối đứng khóc bên đường. Thương tình ông đến hỏi thì cháu trả lời "Cha mẹ đã mất nên bơ vơ tủi thân mà khóc". Vì tình thương nên ông nhận cháu làm con, cả hai ông cháu rất vui cùng nhau đi sắm Tết.

Từ khi nuôi cháu bé, ông làm ăn và giao tiếp vô cùng hanh thông thuận lợi, chẳng mấy năm ông trở thành đại gia giầu có kếch sù, ông cưới đến mấy tỳ thiếp và hàng trăm gia nhân làm việc cho ông, đồng thời, tính khí ông lúc đó cũng trở nên keo bạc, thô thiển. Một hôm, cháu bé gái hầu ông sơ ý đánh vỡ chén nước sâm và bị ông đánh mắng đuổi đi, cháu khóc và ra đi.

Chẳng bao lâu sau, tỳ thiếp, gia nhân và của cải trong nhà ông cũng nhanh chóng "Đội nón ra đi" không cách nào giữ lại được. Ông đau khổ và nghĩ rằng: "Từ khi nuôi cháu bé gái, ta làm ăn mới phát tài, đuổi nó đi ta mới mạt vận thế này, ta phải tìm nó về, nó chính là vận tốt của ta". Nghĩ vậy, ông cất công tìm kiếm lại cháu bé về để vận phát đạt cho mình.

Sau thời gian dài tìm kiếm không thấy, ông vô cùng thất vọng. Bỗng một hôm cũng vào dịp giáp tết, trên đường đê, ông thấy cháu bé xuất hiện phía trước, ông chạy theo và gọi cháu nhưng cháu không quay lại, ông càng chạy đuổi nhanh thì cháu càng lững thững nhanh hơn và cuối cùng cháu bé mất hút vào cái quán nước nghèo cuối con đê của hai vợ chồng cụ già hưu quạnh. Ông xông tới, lùng sục và quát mắng hai vợ chồng cụ già nhưng cũng chẳng thấy. Ông hậm hực bỏ về.

Ngày Tết có nên kiêng kị xin lửa, diêm không?

Ngày Tết có nên kiêng kị xin lửa, diêm không?

Một lúc sau, hai vợ chồng già bưng nồi ngô luộc lên giữa nhà chuẩn bị ăn thì thấy cháu bé gái chui từ đống rác góc nhà ra, ông bà vô cùng ngạc nhiên hỏi: Cháu là ai? sao lại trốn ở đây? Cháu bé gái trả lời “Cháu là Thần Tài. Cháu thấy Ông Bà sống trong sạch và nhân hậu, năm nay, cháu đến ăn Tết cùng ông bà, chỉ xin ông bà đến bữa thêm bát đũa cho cháu, còn chỗ ở của cháu là đống rác góc nhà kia". Hai vợ chồng già vừa ngạc nhiên, vừa lo lại vừa mừng.

Quả nhiên đầu năm đó, có ông Phó tướng triều đình đã mất bao năm đi tìm cha mẹ mà ông đã thất lạc trong khi còn quá bé nên ông chăng rõ họ tên. Đem theo cận thần bước vào quán nước cuối đê. Sau khi cầm bát nước vối, ông thấy vợ chồng cụ chủ quán nước mắt ròng ròng, ông gặng hỏi lý do đến hai ba lần mới được cụ ông trả lời rằng: "Khí không phải, xin quan lớn thứ lỗi, gần bốn mươi năm trước, vợ chồng tôi có thất lạc một đứa con trai trong khi chạy loạn mà chúng tôi tìm cháu mấy chục năm nay không thấy, đến nỗi bà nhà tôi thương khóc mù cả mắt. Cháu trạc tuổi quan lớn và cũng có nốt ruồi son ở cổ tay giống như quan lớn lúc cầm bát nước tôi nhìn thấy. Tôi nói với bà nhà tôi và vợ chồng tôi nhớ nó, tủi phận mà khóc. Xin quan lớn lượng thứ!".

Ông Phó tướng giật mình đứng dậy, lấy chiếc vòng bạc đeo tay đưa ra và được ông cụ chủ quán xác nhận đúng là của con mình. Ông nhận ra đây chính là mẹ cha mình mà bao năm dò tìm trong vô vọng. Ông quỳ xụp xuống lạy cha mẹ ba lễ và ôm chầm lấy hai vợ chông cụ chủ quán với một nỗi mừng khôn tả xiết... Sau đó, ông lệnh cho xây cạnh quán nước nhỏ đó một tòa nhà đẹp đẽ và xin vua từ quan nghỉ hưu, đem vợ con về cạnh để phụng dưỡng cha mẹ già đến cuối đời.

Vậy, cháu bé gái chính là "Thần Tài". Với ông trọc phú, lần thứ nhất xuất phát từ lòng nhân đức mà thương yêu cháu bé đem về nuôi dưỡng, vì nhân lành đó nên làm ăn phát đạt, Trời phù Nhân giúp mà được giầu sang thịnh vượng. Song lần thứ hai tâm tính ông đổi khác, thất đức và bỉ lậu, ông tìm cháu bé là mục đích chỉ vì tiền của và lòng ích kỷ nên Thần Tài không trở lại.

Do vậy, có đôi câu đối người xưa viết về Thần Tài sau: "Tài bảo tòng địa xuất, Phúc lộc tự Thiên lai" – Tiền tài báu vật từ Tâm địa tốt sinh ra. Phúc lộc thọ khang thịnh vượng may mắn đều do điều thiện đức mang lại. Tâm địa tốt, lòng thiện đức thì đống rác cũng trở thành quý báu, cũng là nơi ở của Thần Tài. Do vậy mà ngày Tết kiêng không đổ rác đi vì sợ đổ mất Thần Tài đi vậy. Thật là:

Khi mê tiền chỉ là tiền

Tỉnh ra mới biết trong tiền có tâm

 Khi mê tâm chỉ là tâm

Tỉnh ra mới biết trong tâm đầy tiền.

Thần Tài đâu có cần ban thờ. Nhưng ngày nay nhiều nhà hay cửa hàng không hiểu làm ban thờ ở góc xó nhà, ngụ ý chỗ dấp đống rác. Họ đặt lên đó pho tượng Thần Thổ Địa hay tượng ông nhà buôn to béo ria mép dấu phảy, với cái túi đãy lớn bảo đó là Thần Tài mong được Thần đem đẫy bự tiền của đến cho mình mà chẳng cần tu tâm tạo đức. Ngược lại, ai đó còn coi rẻ lương tâm đạo lý, sống tham lam vật chất làm ăn bất chính, buôn gian bán lận chẳng cần biết ai thua thiệt nên đã bị thi sĩ nào đó viết thơ nhạo báng rằng:

Ác nghiệp chi mi hả lão tiền

Mi làm thiên hạ khối người điên.

Mi đeo mặt lạ đen thành trắng

Mi biến lòng người thẳng hóa xiên

Mi đạp luân thường vào sọt rác

Mi xô đạo lý đổ đôi bên

Mi làm thiên hạ đâm nhau mãi

Ác nghiệp chi mi hả lão tiền.

Đạo Phật dạy người muốn có phúc lộc thì cần tăng trưởng thiện căn, phải phát tâm bá thí, giúp người tiền của vật chất, giúp người đạo lý kiến thức, biếu người niềm vui an ổn cuộc sống. Thậm chí, cả phần nội tài là máu thịt của thân mình hàng Bồ Tát cũng đem bá thí chứ nề chi bao diêm, đốm lửa có đáng là bao mà sợ mất phúc. Đó là nỗi băn khoăn của người thiếu niềm tin nhân quả chân chính.                    

Ảnh mang tính chất minh họa

Ảnh mang tính chất minh họa

Chẳng tu bá thí mới bị nghèo

Kiếp này khổ não nó đeo theo

Người tiêu thỏa thích còn dư giả

Ngó lại phận mình túi vắng teo

Ươm đậu phộng thì thu đậu phộng

Trồng dưa leo thì hái dưa leo

Ấy là nhân quả con người đó

Bá thí tạo nhân ắt tiêu nghèo.

Bài liên quan

Ngày Tết lo lắng với điềm quái dị khác

Quái dị là những triệu điềm hay dở phản ảnh vào tâm làm cho linh cảm điều may rủi gì đó sẽ xảy ra mà tinh thần trở lên bất ổn.

Có ba nguyên nhân chính:

+Do tiền nghiệp tốt xấu lưu trú trong tâm địa, nghiệp thức của mình.

+Do thân thể bất điều hòa (Tứ đại bất điều) mà thần kinh không ổn định.

+Do Thần Tiên, Quỷ thần Thổ địa hay loài sinh động vật gây ra.

Các mộng lành (mộng Điệp) và mộng dữ (ác mộng) thường do nghiệp thiện hữu lậu hay oan trái dư báo của việc tốt xấu trải qua trong quá khứ như những hình ảnh ghi vào, tiềm tàng trong tâm thức.

Đến nay, nó tái hiện lại qua giấc mơ như những nhắc nhở của dĩ vãng xa xưa làm cho lòng dạ luyến tiếc, bồi hồi hay kinh hãi. Hoặc do thân có bệnh mà Lục căn nhầm lẫn, nhìn gà hóa quốc nghe Ngô bảo Sở. Hoặc do thần kinh say sưa tán lạc, hoang tưởng mà phát sinh các hành động vô thức. Hoặc đồng bóng nhảm nhí tác động tạo thành con chíp nghiệp trong thần thức mà bị quỷ thần bắt sóng ám nhập, hình phạt xác thân hay mượn xác làm ghế  đệm thực hiện mong muốn bất bình thường và thiếu thực tế của họ...

Cũng có khi trong nhà có những hiện tượng lạ như: Đột nhiên cây lâu năm chết khô, gà gáy gở, chó chui chăn, rắn vào nhà, hoặc tự nhiên sinh ra nhiều kiến, mối hay những con vật kỳ lạ... Có lúc lại xuất hiện trong vườn nhà các loài chim dữ như chim Lợn, Quạ đen, Cú Diều kêu những âm thanh rùng rợn làm cho sợ hãi.

Đến khu đất ở có lúc cũng có điềm kỳ lạ do Thánh Tiên tạo ra như ánh sáng tươi đẹp, không khí trong lành, âm thanh véo von thánh thót. Lại cũng có thể Quỷ Thần tạo ra những hình thù ẩn hiện kỳ quái trên cây, trên tường hay các mùi vị tanh nồng khó tả, cũng có lúc lại lở đất đùn nước... làm cho tâm hồn chủ nhân xáo động.

Thế rồi với tâm lo lắng băn khoăn, gia chủ liền tìm sách vở hay đi hỏi mọi người để muốn được biến điềm đó hay dở ra sao? Tò mò hơn nữa là đi xem bói xóc thẻ, mà đã xem bói thì ắt có ma, xem sách thì rất lắm tà như: Nào là có gà mái gáy sáng chiều là triệu chứng gia đạo xáo động, tự nhiên chó đứng ngay giữa nhà tru lên từng hồi là điềm rất xấu, tự nhiên có rắn rết vào nhà là sắp có tai nạn, bầy chim bay đến cắn mổ nhau loạn xạ là điềm có tranh cãi, Bỗng nhiên từ đâu một con chim bay đến đụng vào cửa là điềm xấu. Nếu nó chỉ vỗ cánh bay lượn không thôi trước cửa và như cố ý muốn vào nhà thì đó là điềm nguy hiểm gần kề...

Đầu xuân, đại đa số nhân dân Phật tử đến chùa chỉ muốn hỏi Thầy rằng: "Thưa Thầy, Thầy xem con năm nay có hạn gì không ạ!". Chẳng thấy ai hỏi rằng: "Thưa Thầy, Thầy xem con năm nay có Phúc gì không cả”. Thói đời, nếu điềm gì tốt thì người ta ít quan tâm để nhớ, còn hiện tượng nào làm cho lo lắng sợ sệt thì lại nhớ rất lâu. Nhớ rồi để sợ và cái sợ nhất trong đời là sợ chết. 

Ngày Xuân, xin chữ Phúc. Bởi nếu không đủ Thiện duyên Phúc đức thì phải tu tập tinh tấn mới có được.

Ngày Xuân, xin chữ Phúc. Bởi nếu không đủ Thiện duyên Phúc đức thì phải tu tập tinh tấn mới có được.

Đúng, mạng sống con người vô cùng quý giá nhưng nó cũng rất bấp bênh (Sinh có hẹn tử bất kỳ). Trước bao tai nạn nguy hiểm rập rình, bên trong là tam độc Tham, Sân, Si phiền chướng và tật bệnh tiềm ẩn phát sinh bất cứ lúc nào, bên ngoài thì nạn nước, lửa, gươm đao, trùng độc thú dữ, giặc dã trộm cướp hay tại nạn xe pháo rập rình đe dọa tính mạng. Nếu không đủ thiện duyên phúc đức, biết nó ở đâu mà tránh!

Quả vậy, kinh sợ là một chứng bệnh tâm lý dễ mắc khó chữa, nó là một cái nạn làm tiền đề có thể sinh ra nhiều cái nạn khác, nó làm cho cuộc sống luôn bất an. Chính nó làm tăng thêm gấp bội nỗi khổ của con người, nó làm mặt mũi người ta méo mó, nếp nhăn gãy gập, kéo gù rạp người ta xuống và đẩy nhanh ra "nghĩa địa".

Cái gì đến sẽ đến. Tất cả những nạn duyên trên đều do nghiệp lực vay trả, thiện ác đắp đổi, làm xấu ác thì điều xấu ác sớm muộn cũng ập đến, làm thiện lành thì phúc lành an lạc ngày càng tăng trưởng.

Nếu ai gặp trường hợp xấu thì đừng sợ hãi và không còn con đường nào khác, phải quyết dứt hẳn việc xấu ác và phát khới thiện căn tu phúc làm thiện để giải trừ chứ không phải tốt lễ dễ kêu suông.

Ăn Tết trong chùa để thấy an lạc

Ăn Tết trong chùa để thấy an lạc

Lễ Phật Thánh Tiên Hiền chỉ là nhận thông điệp thiện lành trong sáng để tu tâm tích đức trong cuộc sống. Đạt được tâm niệm đó mà thực hành thì những nạn ấy, những sợ hãi ấy sẽ rời khỏi thân mình, gia đình mình như nước rơi vào lá sen vậy.

Tôi xin khẳng định điều này một lần nữa qua bài kệ :

 Cũng vậy các phúc nghiệp

 Chào đón người làm lành

  Đời này và đời sau

  Như thân nhân chào đón

 (Kinh Pháp Cú)

Tôi cũng xin họa thêm bài kệ trên:

 Cũng vậy các ác nghiệp

 Rập rình kẻ xấu ác

 Hôm nay và ngày mai

 Như kẻ thù đón đợi.

Còn vấn đề sao chiếu mệnh cũng như lễ "Dâng sao giải hạn" đúng sai thế nào, quan điểm nhà Phật ra sao, mong được cùng quý độc giả chia sẻ trong thời gian tới.

Kính chúc Quý vị Xuân mới bình an khang thái, an vui thoải mái và gặt hái Phúc Tuệ song toàn.

TT. Thích Thanh Ân

Chùa Phổ Quang, trọng Đông, PL.2557

      

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp có nhân sự mới

Tin tức 15:49 22/11/2024

Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp hôm 20/11 đã công bố quyết định bổ sung nhân sự Trường Trung cấp Phật học tỉnh này.

Tiền Giang: BTS H.Gò Công Tây trao quyết định thành lập Ban Quản trị đến 17 tự viện

Tin tức 07:00 22/11/2024

Ngày 21/11, tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN H.Gò Công Tây - chùa Linh Sơn (TT.Vĩnh Bình), Ban Trị sự Phật giáo huyện tổ chức họp định kỳ, trao quyết định bổ nhiệm và thành lập Ban Quản trị 17 cơ sở tự viện trên địa bàn huyện.

Khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024 tại TP.HCM

Tin tức 22:17 21/11/2024

Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.

Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang

Tin tức 15:30 21/11/2024

Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.

Xem thêm