Đa số các tôn giáo từ cổ chí kim đều coi Tha lực là cứu cánh, bởi không có sự thiêng hóa của tha lực thần quyền hấp dẫn, thì tôn giáo chẳng còn ý nghĩa gì đối với đời sống con người?
Theo Giáo sư Huston Smith người Mỹ trong cuốn Tôn giáo của nhân loại cho rằng: “Tất cả tôn giáo trên thế giới đều gom tụ sáu yếu tố dưới đây:
1-Quyền uy.
2-Nghi thức.
3-Tri giải suy lường.
4-Truyền thống.
5-Thần trị và ân điển.
6-Huyền bí.
Về tôn giáo của nhân loại, sáu yếu tố này đã phát huy được tác dụng của nó. Nhưng mọi yếu tố đều có thể mất đi sự khống chế mà nảy sinh tệ đoan, tệ đoan này khiến thực trạng của tôn giáo ngày càng một hoang tàn, từ sai lầm dẫn đến chỉ quanh quẩn nơi mê tín.”
Với 6 yếu tố tôn giáo dẫn chứng kể trên của giáo sư Huston Smith nêu ra, chúng ta thấy bản chất chung của tôn giáo là khải thị Thần quyền và coi tha lực (tức lực ngoài) là cốt lõi căn bản của đa số các tôn giáo.
Với tư tưởng của giáo lý đạo Phật, không phủ nhận sự có mặt vi diệu của Tha lực, nhưng Tự lực luôn được coi là then chốt căn bản trong quá trình tu hành chuyển hóa thực tại. Bởi không có tự lực thì không có tha lực.
Vậy tự lực và tha lực trong giáo lý đạo Phật được hiểu và ý nghĩa thực tế của nó ra sao?
Trong Phật giáo, không ai có thể đạt được giác ngộ lại tách dời vạn hữu, cho nên việc tu thiền Phật giáo chính là làm nảy nở lòng từ bi nơi mình, vì đó là điều kiện quan trọng nhất. Bởi vì từ bi cũng chính là trí tuệ - trí tuệ tối thượng mà người tu cần chứng đắc.
Giáo lý Phật giáo không bao giờ đề cập đến việc tu luyện thần thông như một mục đích. Thần thông được coi là kết quả tự nhiên của việc tu thân cầu giải thoát. Khi tu trì cũng không được lấy tâm cầu ngộ, lấy tâm chờ ngộ, bởi vì cầu ngộ, không được ngộ; chờ ngộ, tức lờimê. Cầu mong và chờ đợi đều là vọng niệm chấp trước phan duyên. Người tu thiền Phật coi trọng quá trình, không coi trọng mục đích. Một khi chứng đắc quả vị, dĩ nhiên người tu sẽ có được thần thông. Giáo lý Phật giáo Tây Tạng tin rằng: Muốn đắc những đạo quả cao thì mọi người khó có thể trông cậy vào tự lực nhỏ nhoi của mình mà phải tìm cách chiêu cảm sức gia trì của những luồng thần lực lớn hơn gọi là Tha lực.
Nhưng để có tha lực và được Phật hộ niệm, phóng quang gia bị… thì người tu trì phải sống đúng theo di huấn của Phật và cũng không thể van xin Phật trước quả báo khi còn đầy những tham ái và vọng tưởng. Chính pháp Như Lai từng chỉ rõ rằng: Không có một quyền năng hay một phép lạ siêu nhân nào có thể sở hữu được một cái đũa thần chỉ đá hóa vàng, hô phong hoán vũ. Bởi Phật giáo là tôn giáo phi thần quyền. Cầu xin sẽ bành trướng bản ngã, sẽ khuyến khích sự lệ thuộc vào quyền lực bên ngoài, thay vì tự mình nỗ lực. Cho nên bất cứ sự cầu mong nào bên ngoài cũng đều là vọng niệm cần phải loại trừ. Khi còn tại thế, Phật Thích Ca từng khuyến cáo các đệ tử rằng: “Hãy trở về nương tựa hòn đảo nơi chính mình, hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Người tu thiền Phật chỉ lo gột rửa, lau sạch cái Phật tính sẵn có nơi mình để nó tự biểu lộ tính chất thiêng liêng tiềm ẩn của chính mình. Đó là một cuộc cách mạng bản thân để “diệt ngã”- một cuộc cách mạng không dễ thành công. Và khi bản ngã không còn do nghiêm trì giới luật thì con người ấy trở nên một luồng vận hà và được cảm ứng tức thì để cùng hòa nhịp, chuyển động với giải thiên hà khác vĩ đại hơn - bởi tất cả giờ đã liên quan với nhau mật thiết. Tâm của con người khi bản ngã đã được thanh lọc ấy sẽ có những rung động tương ứng với các luồng điện từ trong thiên nhiên. Mà theo các nhà khoa học thiên văn thì trái đất của chúng ta nhận được rất nhiều “vũ trụ tuyến” (cosmicray) xuất phát từ những bầu tinh tú trong không gian. Thật đúng với câu kinh điển bất hủ “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức” hay có thể nói khác đi cho dễ hiểu theo cố Thiền sư Duy Lực nói đó là:
“Nguồn gốc Phật pháp là do tâm,
Nguồn gốc vũ trụ cũng là do tâm”.
Một tu sĩ đã diệt ngã không bao giờ được vỗ ngực xưng là “đấng này, đấng nọ” hoặc khoe khoang một quyền năng nào. Bởi lẽ, suy cho cùng họ cũng không phải là người được tự do sở hữu quyền năng đó. Tiểu thuyết Tây Du Ký viết rất hay đoạn Ngộ Không chia tay thầy dạy là Bồ Đề Tổ sư. Tổ sư dặn dò nhiều điều, trong đó nhắc kỹ đồ đệ Ngộ Không rằng: “Nếu nhà ngươi nói là học trò của ta, chỉ nửa lời là ta biết ngay, ta sẽ lột da tróc xương, đem phần hồn đầy đọa nơi cửa u, muôn kiếp không cất mình lên được”.
Phải, nếu cứ vỗ ngực “như ta đây…” là cái “ngã” trỗi dậy liền và cái giá phải trả sau đấy là “muôn kiếp không cất mình lên được”.
Cho nên, khi thành tựu đươc Pháp hồi hướng và Pháp giới chúng sinh, người tu trì dễ chấp thành quả, sinh tăng thượng mạn. Vậy trong Kinh Hoa Nghiêm có chỉ ra pháp tu hồi hướng chân như thật tướng là nhằm giúp người tu phá bỏ bệnh chấp pháp (buông bỏ pháp như lời Phật dạy). Thực tế này ta thấy điều nói trên được áp dụng trong lịch sử Đế quốc La Mã xưa cũng quy định: sau mỗi trận thắng, viên tướng cầm quân phải để cho quân lính và dân chúng nhiếc mắng, nói xấu trong một ngày, chính là nhằm giảm bớt sự kiêu ngạo của viên tướng đó.
Cảm nhận thiêng liêng về sự gia trì của Phật thì người tu trước hết phải siêng năng tinh tấn, nỗ lực tự thân hướng tâm cao thượng với những điều tốt lành, mà trước nhất là phải tu dưỡng về trí huệ…có vậy mới tạo đươc mối quan hệ mà cảm ứng tự nhiên bằng vô tác diệu lực của chư Phật và chư Bồ tát, nâng tri giác của ta lên thành trực giác được.
Như vậy là: Thành quả của Tha lực là do Tự lực – và thành quả ấy quay trở lại hồi hướng tạo quả Bồ đề cho pháp giới chúng sinh; là vòng tròn không mối, là hệ quả tất yếu, là chân thật trí, là giải thoát…
Ông Abdul Sanlam, người Pakistan, lúc nhận giải Nobel vật lý năm 1949 đã nói lời khẳng định rằng: “Cái chúng ta biết cũng chỉ là một phần rất nhỏ của cái biết”.
Vâng, trong biển thiền mênh mông vô bờ này, thì những gì ta biết quả là rất nhỏ nhoi. Nhưng ở đây, qua bài tìm hiểu này thì quả không có sự huyền bí nào về vấn đề Tha lực cả.
Để minh chứng cho điều này, trong bài viết gần đây của cư sĩ Truyền Bình với tiêu đề “Tìm hiểu về Tịnh độ tông” đăng tải trên trang tin điện tử phatgiao.org.vn (ngày 14/2/2016) bài viết tác giả đề cập khá sâu về vấn đề Tự lực và Tha lực của pháp môn Tịnh độ dựa trên đại nguyện ban đầu của Phật A Di Đà. Tiếp theo, những người tu Tịnh độ cũng phải đại nguyện cầu vãng sinh, thực hành các hạnh nguyện, các phương pháp tu tập và hồi hướng công đức, nguyện cho mình và tất cả chúng sinh đều được vãng sinh. Sự nguyện cầu vãng sinh theo pháp môn này, nếu ví dụ thiển cận như ta gọi điện thoại được kết nối hai đầu, nghĩa là chúng ta niệm Phật! Phật cũng niệm chúng ta. Về nội dung này, tác giả Truyền Bình dẫn chứng nhiều ví dụ thú vị. Ở đây người viết bài này chỉ xin nêu một vấn đề mà tác giả Truyền Bình đưa ra so sánh giữa Thần chú và động lệnh trong tin học hiện đại để phật tử chúng ta cũng như những ai quan tâm đến vấn đề này cùng suy ngẫm. Bởi theo tác giả Truyền Bình cho rằng: “Thần chú như một động lệnh tâm lý hay như một động lệnh tin học”. Sự so sánh thật thú vị qua pháp Quán tưởng (xin được trích nguyên văn) nội dung muốn nói trên: “Các pháp quán giúp hành giả có thể thấy được A Di Đà và hai vị Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ngay trong đời này và đó là dấu hiệu chắc chắn hành giả sẽ được tái sinh về Tịnh độ. Các pháp quán dựa trên nguyên lý: Tất cả vật cảnh thật ra đều là tâm cảnh. Tất cả vật cảnh, tâm cảnh thật ra là khí, là thói quen, là nghiệp. Do đó các pháp quán với lòng tin tưởng cao độ là tạo ra một thói quen tâm linh, thói quen đó là nghiệp dẫn Tây phương Cực Lạc. Luyện tập thói quen tâm linh thuần thục thì sẽ có khả năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý, có thể dùng tâm niệm điều khiển thân, điều khiển vật (hai nhân vật Thắng và Quý mà tác giả Truyền Bình dẫn chứng là những người có công năng đặc dị). Trương Bảo Thắng có thể dùng tâm niệm lấy quả táo khỏi thùng sắt bị hàn kín. Trương Bảo Thắng không dùng thần chú (đà la ni – dharani) vì khả năng của anh là bẩm sinh, không có thầy dạy, từ nhỏ đến lớn không học ai. Còn Hầu Hi Quý có dùng thần chú vì ông có học với thầy là Nga Mi lão nhân. Thần chú chẳng qua là một động lệnh tâm lý. Trong lĩnh vực tin học, chúng ta có thể hiểu rõ điều này. Thiết bị tối tân dùng sóng não để điều khiển, chỉ cần khởi ý niệm, máy sẽ thi hành. Còn đối với thiết bị thông thường, phải cần một lệnh cụ thể để điều khiển.
Chẳng hạn, muốn xóa một bài hát trên điện thoại di động, ta có thể dùng lệnh xóa (delete) trực tiếp trên điện thoại, còn muốn có vẻ thần kỳ hơn, ta cho điện thoại kết nối với computer qua wifi, trên computer ta có thể lật các thư mục để tìm đúng bài hát trên điện thoại rồi dùng lệnh delete để xóa đi. Như vậy ta chẳng hề đụng chạm đến điện thoại nhưng vẫn xóa được bài hát trên đó. Ta cũng có thể mở và xem một video trên điện thoại bằng computer qua wifi. Tương tự chúng ta có thể dùng laptop để điều khiển, vận dụng dữ liệu trên mạng, chúng có thể cách xa chúng ta rất xa xôi diệu vợi hàng vạn km.
Tóm lại, lệnh trong tin học tương đương với thần chú trong thần thông hay đặc dị công năng. Thần chú, đó là một động lệnh cụ thể để điều khiển vật bằng tâm niệm. Thế giới đời thường hay thế giới tin học đều là thế giới ảo và có thể điều khiển bằng thần chú hay bằng lệnh. Nhiều người lúc gặp nguy cấp niệm danh hiệu Quán Thế Âm và thấy Ngài đến cứu. Đó là tự tính Quán Thế Âm có thể đồng thời xuất hiện ở vô lượng vô biên cảnh giới khác nhau, điều này hoàn toàn tương đồng với hiện tượng một hạt photon có thể xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau trong thí nghiệm của Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow năm 2012. Thật ra hạt photon có thể xuất hiện ở vô lượng vô biên vị trí khác nhau.
Khoa học hiện đại hướng tới Phật giáo, bởi hiện nay nhiều công trình nghiên cứu khoa học được phát kiến có tính tương đồng với giáo lý đạo Phật về mặt ý tưởng. Từ thực tế trên, mà hiện nay đạo Phật đang là mối quan tâm của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ở đây xin được nhắc lại, đạo Phật ra đời không phải để chờ khoa học kiến giải. Bởi đạo Phật không phải là triết học, không phải là khoa học và càng không phải là thần học; đạo Phật phi thần quyền. Nhưng với Tự lực và Tha lực đạo Phật lấy chính pháp và tu hành làm cứu cánh để khai mở đạo lực trên con đường Giác ngộ và Giải thoát. Hiện tại chúng ta đang sống ở thời kỳ khoa học phát triển, nếu dùng triết học, khoa học và các bộ môn học khác để là rõ thêm pháp mầu ẩn ảo vi diệu của giáo lý đạo Phật thì làm sao mà không được. Bởi lẽ chân lý đạo Phật từ hơn 2500 năm nay chưa hề bị chi phối bởi yếu tố ngoại lai.
Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5-2018
-
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Yếu chỉ Phật pháp – Thiền sư Thích Duy Lực (PGVN) phatgiao.org.vn (ngày 20 tháng 4 năm 2017)
Tự lực và tha lực – tác giả Nuyễn Hữu Lợi (tạp chí nghiên cứu Phật học năm 2000)
Bài: Tìm hiểu về Tịnh độ tông – Tác giả: Truyền Bình (PGVN) phatgiao.org.vn (14/ 12/ 2016).