Thứ ba, 04/09/2018, 13:53 PM

Tháng Vu Lan và cách thể hiện lòng hiếu đạo

Tối ngày 15/07/Mậu Tuất (25/08/2018), giữa không khí ngày Vu Lan đầm ấm, TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã có buổi nói chuyện về Lòng hiếu tại chùa Từ Tân (90/153 Trường Chinh, Phường 12, Quận Tân Bình, TP.HCM), cho gần 2000 phật tử các giới, đến từ khắp nơi trong địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Thượng tọa phân tích tại sao lòng hiếu phải được huân tập chứ không tự nhiên có được, cũng như gợi mở cách đền ơn chân chính nhất, để mỗi người có thể mở ra bầu trời mới cao, rộng hơn, có thể đạt được những giá trị trí tuệ cao cấp hơn mà một người phật tử phải hướng đến.

Buổi chia sẻ có sự tham dự của: HT.Thích Viên Giác, UV ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, Phó ban Văn hóa PG TP.HCM, trụ trì chùa Từ Tân; cùng Chư tôn đức tăng, ni tại bổn tự và Thiền Tôn Phật Quang.
 
Theo Thượng tọa, gần 20 thế kỷ qua, đạo Phật như luôn hòa quyện vào vận mệnh dân tộc và không ngừng khởi sắc tạo cho nền văn hóa Việt Nam một đặc trưng riêng biệt đậm nét dân tộc và Phật giáo. Điển hình một trong số các ngày lễ lớn của Phật giáo đã sớm chuyển mình thành ngày lễ có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, đó là ngày Lễ Vu Lan (15/07 âm lịch). Cho nên, vào ngày này Thượng tọa muốn nhắc nhở mọi người về đạo “hiếu”, vì chỉ khi có đạo “hiếu” làm nền tảng thì mới có những đạo đức khác.

Để định nghĩa lòng hiếu, Thượng tọa phân tích “hiếu” là cái gì? Là 4 điều:

1. Biết ơn bố mẹ.

2. Thương bố mẹ.

3. Kính bố mẹ.

4. Đền ơn bố mẹ.

Trong đó, “đền ơn” là một hành động; “thương”; “kính” cũng đưa đến hành động; còn “biết ơn” là tâm lý chứ chưa đưa đến hành động. Nhưng tâm lý “thương”, tâm lý “kính” có biểu hiện có hành động và “đền ơn” là những hành động rất cụ thể. Bốn điều đó ta gom lại gọi là lòng hiếu.

Với sự trải nghiệm trên thực tế ở các góc độ quan sát, nhìn người, Thượng tọa cho rằng: cái “biết ơn” coi vậy chứ không dễ. Người đủ trí tuệ, đủ đạo đức để biết ơn cha mẹ không phải nhiều, bởi bản năng tự nhiên của con người là vô ơn - giúp ai điều gì ta cứ nhớ mãi, còn khi chịu ơn ai mình rất dễ quên. Hơn nữa “nước mắt chảy xuống” (nước mắt tượng trưng cho cảm xúc, tình cảm), nghĩa là ta chỉ yêu con mình chứ rất khó thương cha mẹ mình. 

Có thể nói, thương con là bản năng, còn thương cha mẹ là đạo đức. Nhờ những bậc Thánh hiền xuất hiện nhắc nhở về lòng hiếu mà con người mới cưỡng lại được bản năng. 
 
Phân tích 4 tính chất của lòng hiếu, Thượng tọa nhấn mạnh “tình thương” thì có vẻ gần gũi ấm áp, giúp xóa bớt ranh giới giữa cha mẹ và con cái; còn lòng “kính trọng” lại tạo ra ranh giới cần thiết, để con cái có sự lễ độ với cha mẹ. Và lòng hiếu không phải để nói suông, mà luôn cần biểu lộ ra hành động “đền ơn” cụ thể. Tuy nhiên, rất nhiều người đã đền ơn một cách cảm tính, nghĩ rằng miễn sao cho cha mẹ vui là được, dù cho niềm vui đó có khi rất tạm bợ và tai hại, làm cha mẹ tổn phước. 

Dịp này, Thượng tọa còn phân tích về khái niệm “cửu huyền thất tổ” trong đạo Phật để mọi người có thể thấy rằng khái niệm này là biểu hiện của trí tuệ và đạo đức. Và tùy vào trí tuệ, tùy vào đạo đức cao bao nhiêu mà lòng yêu kính của ta mở lớn ra bấy nhiêu. Dĩ nhiên, đầu tiên là với cha mẹ mình, lớn nữa là với những cộng đồng chung quanh mình và lớn nhất là với đất nước mình (chúng ta chưa nói đến tình yêu nhân loại vì tình cảm này quá lớn, chưa thực tế lắm). 

Ở cuối buổi nói chuyện, Thượng tọa đã trình bày về quả báo lành dành cho người sống một đời tử tế và có hiếu là như thế nào theo tinh thần triết lý nhân quả của đạo Phật. 
 
Có thể thấy rằng chỉ trong đạo Phật mới nói về lòng hiếu một cách sâu xa, tường tận nhất, cũng như chỉ ra cách báo ân chân chính nhất. Dù thời đại có thay đổi ra sao thì hiếu đạo vẫn luôn là thước đo đạo đức của con người, cũng là điều làm cuộc đời thêm đẹp đẽ ấm áp nghĩa tình. 

Hơn nữa, trong phạm vi bài nói chuyện này, HT.Thích Viên Giác còn nhắc nhở mọi người phải suy nghĩ sâu xa hơn, có lý trí hơn, trong sự đền ơn của mình đối với cha mẹ như thế nào là chân chính nhất. Cũng như với người bất hiếu vô ơn thì thái độ của chúng ta ra sao đối với các quan hệ giao tiếp diễn ra hàng ngày trong gia đình, hay ngoài cộng đồng. 

Chung lại, những đạo lý đúng đắn mà hai vị thầy vừa truyền đạt đã đem lại nhiều cảm xúc cho thính chúng, giúp mọi người nhìn nhận lại đạo đức của bản thân. Và càng thấm thía rằng: "tội lớn nhất của đời người là bất hiếu". Đồng thời, theo quy luật nhân quả trong cuộc sống “Có cho đi mới được nhận lại”, chúng ta hãy suy ngẫm về điều này - chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng lại là bài học lớn. Mà nếu chúng ta thực hành rốt ráo thì quả báo cũng tương xứng theo.

Tuệ Đăng 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm