Thứ ba, 13/08/2024, 15:02 PM

Thầy Thích Ngộ Trí Dũng hướng dẫn thực hành hạnh hiếu, cúng lễ Vu lan, phóng sanh đúng pháp

Vừa qua, trong thông bạch tổ chức Đại lễ Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN nhấn mạnh không đốt vàng mã.

Thông bạch cũng lưu ý, khâu tổ chức mua sắm lễ, tránh thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp, nghi lễ truyền thống.

Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng

Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng

Chia sẻ với Phatgiao.org.vn, Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng, nghiên cứu sinh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, vị giảng sư trẻ được Phật tử yêu mến hiện nay chia sẻ về thói quen đốt vàng mã vào những dịp như Vu lan, hay lễ Tết:

- Tập tục đốt vàng mã là một tín ngưỡng dân gian lâu đời của người dân - một cách thể hiện sự nhớ ơn và tưởng niệm đối với những người đã khuất. Điều này không xấu về bản chất, bởi tinh thần nhớ ơn và đền ơn là một phẩm hạnh cao quý của con người chúng ta. Nhưng nếu quán sát kĩ hơn ở sự biểu hiện thì việc đốt vàng mã có thể gây ra ô nhiễm môi trường và nhiều hệ quả không tốt khác.

Phật giáo luôn khuyến khích con người sống với tinh thần biết ơn, đền ơn một cách thiết thực và có trí tuệ. Thay vì chúng ta sa đà quá nhiều vào thói quen đốt vàng mã trong các dịp lễ, tôi thường khuyến khích mọi người tu tập, làm thiện như từ thiện, phóng sanh, xây dựng chùa, hộ trì Tam bảo… để hồi hướng công đức, phước lành về những người đã khuất. Đó là cách báo ơn thiết thực nhất.

Theo nhân quả Phật dạy, sau khi thân hoại mạng chung, người khuất theo nghiệp lực mình tạo tác mà tái sanh ở một cảnh giới tương ứng. Việc ta đốt tiền bạc ở cảnh giới này liệu có thể chuyển tiền bạc ấy đến tay của một người ở cảnh giới khác và họ có sử dụng được không mới quan trọng. Tôi mong mọi người hãy suy nghĩ và làm những điều thiết thực nhất để có thể đền ơn và báo ơn cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất của mình.

Một khóa lễ Vu lan tại chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM)

Một khóa lễ Vu lan tại chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM)

Báo hiếu không đợi ngày giờ

* Lễ Vu lan, nhiều người lên chùa để cầu an, cầu siêu, xem đó là cách để báo hiếu. Tuy nhiên có những người không có điều kiện do thời gian không sắp xếp được hoặc xa chùa… Vậy có nhất thiết phải lên chùa ngày Vu lan mới là báo hiếu mẹ cha?

- Vu lan mỗi năm chỉ có một ngày rằm tháng 7 hoặc có thể cho tháng 7 là tháng Vu lan thì cũng chỉ có vỏn vẹn một tháng. Như vậy 11 tháng còn lại không lẽ chúng ta không báo hiếu cho cha mẹ hay sao?

Với vai trò là một người cư sĩ, một người còn sống tại gia đình với cha mẹ của mình thì việc báo hiếu thiết thực đó là những việc chúng ta biết cung phụng, chăm sóc cho cha mẹ về phương diện vật chất và tinh thần.

Bên cạnh đó, điều đáng quý hơn là chúng ta biết hướng dẫn cho cha mẹ nương nhờ Tam bảo, học tập và thực hành Phật pháp.

Như vậy, Vu lan là dịp để chúng ta cùng ngồi lại, cùng đến chùa để ôn lại, nhắc lại về công ơn cha mẹ, cũng như việc báo hiếu.

Việc đến chùa vào những thời điểm này là rất cần thiết để giúp cho mọi người được gieo duyên với Tam bảo, được lắng nghe những lời chỉ dạy từ phía Tăng, Ni để giúp cho việc báo hiếu có thể trọn vẹn hơn.

Song, nếu vì hoàn cảnh không thể đến chùa, thì quý vị cũng đừng buồn hay suy nghĩ tiêu cực, vì báo hiếu cho cha mẹ thiết thực nhất vẫn là chúng ta luôn ở bên cạnh và dành những gì tốt nhất cho cha mẹ mà mình có thể làm được.

Phật giáo luôn khuyến khích con người sống với tinh thần biết ơn, đền ơn một cách thiết thực và có trí tuệ. Thay vì chúng ta sa đà quá nhiều vào thói quen đốt vàng mã trong các dịp lễ, tôi thường khuyến khích mọi người tu tập, làm thiện như từ thiện, phóng sanh, xây dựng chùa, hộ trì Tam bảo… để hồi hướng công đức, phước lành về những người đã khuất. Đó là cách báo ơn thiết thực nhất.

Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng

* Điều đó có nghĩa là báo hiếu mẹ cha có nhiều cách? Theo thầy, ngày nay, người trẻ có thể báo hiếu bằng những cách nào?

- Không phải ai cũng may mắn còn cha mẹ ở bên cạnh, dầu là những người trẻ. Có những bạn chỉ còn cha, có những bạn chỉ còn mẹ, có những bạn thì mồ côi cả cha và mẹ.  Nếu còn cha mẹ, các bạn hãy luôn ở bên cạnh, chăm sóc, cung phụng cha mẹ bằng tất cả những gì mình có thể làm được, đừng để ba mẹ rời xa mình rồi mới hối hận vì ta đã để khoảng thời gian mình còn sống với cha mẹ trôi qua vô ích.

Điều đáng quý hơn, đó là các bạn noi gương Đức Phật, hướng dẫn cho cha mẹ học tập Phật pháp để có thể tự chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của bản thân.

Còn với những ai không còn cha mẹ bên cạnh nữa, các bạn cũng đừng buồn, bởi các bạn vẫn có thể báo hiếu cho cha mẹ bằng cách sống lương thiện, giúp đỡ, thương yêu mọi người xung quanh.

Bên cạnh đó, các bạn dành thời gian đến chùa tu tập, công quả, hộ trì cho Tam bảo, Phật pháp - chính công đức đó sẽ hồi hướng về cho cha mẹ quá vãng của các bạn trong nhiều đời, nhiều kiếp đúng như lời Phật dạy.

Và một điều quan trọng nữa, các bạn nhớ tưởng niệm, tổ chức các ngày giỗ cho ba mẹ của mình, thực hiện các tâm nguyện của ba mẹ, những kỳ vọng của cha mẹ vào bản thân mình. Tôi nghĩ đó cũng là một cách các bạn có thể làm cho ba mẹ mình mỉm cười rồi.

Nỗ lực làm việc thiện, hồi hướng đấng sinh thành là một trong những cách báo hiếu

Nỗ lực làm việc thiện, hồi hướng đấng sinh thành là một trong những cách báo hiếu

Phóng sanh không tính ít nhiều

* Lễ Vu lan hay những lễ lớn của Phật giáo, phóng sanh cũng là thực hành mang ý nghĩa nuôi lớn từ tâm. Thế nhưng, cũng có những người phóng sinh sai cách tạo duyên cho các loài đang tự do bị bắt lại để mua bán vật phóng sanh. Theo thầy, thực hành phóng sanh như thế nào cho đúng, có lợi lạc?

- Theo Phật giáo, từ bi nhưng phải có trí tuệ. Phóng sanh không phải là chúng ta đặt hàng 100 hay 1.000 hay 10.000 con chim, con cá để rồi đem thả ra và tính đếm công đức với Phật, Bồ-tát. Vì nếu mọi người làm như vậy, vô tình lại tạo duyên cho những người hành nghề săn bắt chúng sanh để đem bán.

Quý vị hãy tưởng tượng cảnh một con chim đang tự do rồi bỗng bị bắt nhốt vào lồng, không những thế nó còn bị nhồi nhét trong một lồng gồm rất nhiều con chim khác; sau khi được bán để thả ra thì lại tiếp tục bị bắt lại và cứ thế, dần dần kiệt sức rồi ra đi. Như vậy không phải là quá đáng thương hay sao?

Mọi người hãy nhớ phóng sanh là việc làm giúp chúng ta thực tập, trưởng dưỡng từ tâm. Cho nên việc đó không phải nằm ở vấn đề số lượng để chúng ta cân đo, đong đếm công đức.

Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng giảng tại chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM)

Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng giảng tại chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM)

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, giá trị của phóng sanh nằm ở chỗ chúng ta phóng sanh đúng lúc, đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh. Chẳng hạn khi đi chợ mà thấy một người sắp giết một con cá, mình dùng tiền mua lại và trả tự do cho con cá đó, hoặc khi thấy một chú heo sắp bị bán vào lò mổ, chúng ta dùng tiền để giải cứu và trả tự do cho chú heo đó. Phóng sanh tùy duyên như vậy để cứu mạng các loài vật thì đáng quý biết bao.

Không phải chỉ ở các dịp lễ, mà bất cứ khi nào nếu có cơ hội thì chúng ta luôn cứu giúp mạng sống của các loài vật. Đó mới đúng tinh thần phóng sanh của một người con Phật.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"

Phỏng vấn 11:25 17/12/2024

Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp

Phỏng vấn 09:37 12/12/2024

Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.

Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”

Phỏng vấn 11:39 11/12/2024

Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…

Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây

Phỏng vấn 15:56 07/12/2024

Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.

Xem thêm