Chủ nhật, 30/06/2024, 17:00 PM

10 điều phải biết khi phóng sanh

Hỏi: Tại sao khi thực hiện việc phóng sanh thường có nghi thức thọ Tam quy y và niệm Phật cho loài súc sinh Việc phóng sanh có hạn chế đối tượng hay không?

Hỏi: Có thể nào nói rõ một cách đơn giản đạo lý của việc phóng sanh?

Đáp: Có những điểm rất dễ thấy, dễ biết như sau:

1. Nhân quả báo ứng như bóng theo hình, mảy may không sai chạy. Gieo nhân gì thì gặt quả ấy, đó là chân lý ngàn đời không thay đổi. Phóng sanh tức là cứu sống sinh mạng người ta. Đã gieo nhân lành ắt phải được quả lành. Cản trở và phê phán việc phóng sanh tức là làm phương hại người ta việc cứu sống sinh mạng. Đã gieo nhân ác ắt phải gặt quả ác.

2. Trời đất vạn vật chúng sanh đều có linh tánh, đều biết tránh nơi hung dữ, tìm chỗ an lành; đều biết tham sống sợ chết, đều có vui, buồn, yêu, ghét, mừng, giận...Người thực hiện việc phóng sanh thì loài vật đều âm thầm cảm ơn và luôn mong có dịp báo đáp.

3. Trời đất vạn vật muôn loài chúng sanh đều có đủ tánh Phật như chúng ta, nếu so sánh với nhau đều không hơn, không khác. Chỉ vì ác nghiệp trước đây sâu nặng, nên chúng phải sinh làm các loài súc sanh. Ngày nào nghiệp chướng tiêu trừ, thì cũng đều có thể chứng thành quả Phật như nhau. Vì thế, ngày nay thực hiện việc phóng sanh, cứu được một mạng sống, cũng giống như cứu được một vị Phật trong tương lai.

4. Trời đất vạn vật muôn loài chúng sanh cùng với ta trong luân hồi từ vô thủy đến nay đều đã từng là: anh em, thân quyến. Vì thế, ngày nay thực hiện việc phóng sanh cũng giống như cứu vớt người thân của mình.

5. Trời đất vạn vật muôn loài chúng sanh cùng với ta trong luân hồi quá khứ đều đã từng là oan gia cừu địch với nhau. Vì thế, ngày nay thực hiện việc phóng sanh là cơ hội có thể hóa giải oán thù, chấm dứt sự oan oan tương báo.

Di Lặc Bồ Tát có kệ ngữ rằng:

“Khuyên bạn siêng phóng sanh

Lâu dài được trường thọ

Nếu phát bồ đề tâm

Đại nạn trời phải cứu”.

Nghi thức phóng sanh đơn giản

illegal-pigeon-feeding-in-paris-raban_holzner-flickr

Hỏi: Nay dù chúng ta cố sức làm việc phóng sanh, nhưng còn biết bao người khác vẫn khăng khăng tìm cách bắt giết, như vậy thì có ý nghĩa gì?

Đáp: Người phóng sanh có công đức của việc phóng sanh. Kẻ bắt giết có tội lỗi của việc bắt giết. Chúng ta là người phóng sanh, làm công đức của chính mình, người ta bắt giết gây ra tội lỗi của chính họ. Mọi việc trong thế gian đều tương đối tồn tại: Có thiện tất có ác, có trung tất có gian tà. Không thể vì hành động tội lỗi của kẻ ác bắt giết, mà chúng ta lại không làm thiện hạnh phóng sanh hay sao?

Giống như bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân, cũng không thể bảo đảm bệnh nhân sau này sẽ mãi mãi mạnh khỏe.

Gặp khi mất mùa phát tâm cứu tế, cũng không thể bảo đảm dân nghèo về sau mãi mãi chẳng đói thiếu.

Anh thợ cất nhà cũng không thể bảo đảm căn nhà về sau vĩnh viễn sẽ chẳng hư hoại.

Mọi việc trong thế gian đều là như vậy.

*Tại sao chỉ có một việc phóng sanh lại đặc biệt nghi ngờ?

Con người hiện nay đối với việc danh lợi cá nhân trước mắt thì lỗ mãng, nóng nảy, không chút dè dặt. Nhưng đối với việc làm thiện phóng sanh thì lại vô cùng do dự, cố sức vạch lá tìm sâu, để chỉ ra những chỗ không nên của việc phóng sanh, quả thật là điên đảo!

Sau khi Phật diệt độ, trong Kinh Phật Diệt Độ Hậu Quan Liệm Táng Tống có dạy rằng: “Nên giữ theo tâm từ, ban trải ân huệ đến muôn loài, xem thân mạng muôn loài chúng sanh như thân mạng của chính mình. Mở rộng lòng từ bi, dùng thân mình mà giúp an ổn cho muôn loài, tức là mở con đường hạnh phúc cho chúng sanh. Bảo hộ thân mạng muôn loài, thấm nhuần đến cả cỏ cây, khiến cho muôn loài đều không phải dứt tuyệt.”(3)

Hỏi: Rất nhiều người phê phán rằng: Phóng sanh tức là phóng tử, vậy thì có ý nghĩa gì? Bỏ tiền mua những con vật để thả ra nhưng cũng không cứu sống được chúng. Như vậy thì phóng sanh nào có ý nghĩa gì?

Đáp: Cần nêu rõ mấy ý như sau.

- Thứ nhất, những con vật thả ra mà không sống được chỉ là một số ít. Tuyệt đại đa số những con vật phóng sanh đều được sống còn trở về với thiên nhiên. Nếu ta không làm việc phóng sanh thì tất cả những con vật ấy 100% đều bị giết hại.

Vậy không thể vì một số ít con vật bị chết mà hoàn toàn phủ nhận nghĩa cử cao đẹp của việc phóng sanh. Như vậy há chẳng phải vì mắc nghẹn mà bỏ ăn sao? 

- Thứ hai, trong những con vật thả ra, dù có bị chết thì ít nhất cũng được chết rất đúng chỗ, chết trong tự do, chết trong môi trường thiên nhiên quen thuộc, cũng còn tốt hơn là bị cắt xẻo, bị chiên dầu, trải qua cực hình nước sôi, lửa đốt mà chết, đau khổ gấp trăm ngàn lần!

- Thứ ba, đối với những con vật khi phóng sanh thả ra được sống thì chúng ta vui mừng vì đã tạo cho chúng cơ hội sống còn; đối với những con vật không may chết đi thì chúng ta nên thành tâm cầu nguyện sự tốt lành cho chúng. Bởi vì hôm nay, trong nhân duyên phóng sanh ngàn năm khó gặp này, ta đã vì những con vật ấy mà phát nguyện quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, nên khi nghiệp ác trong kiếp này vừa dứt thì chúng vĩnh viễn chẳng còn rơi vào trong ba đường ác (4) nữa.

Hơn nữa, đã được nghe ta niệm sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” tức là đã được gieo hạt giống đạo pháp trong tâm, vĩnh viễn không bao giờ hư mất, chỉ chờ khi hội đủ duyên lành sẽ phát khởi đại diệu dụng. Kiếp sau nghiệp báo đã hết, được sớm chuyển thế làm người, được niệm Phật tu hành, chứng thành Phật quả, còn có thể trở lại Ta Bà cứu độ vô số chúng sanh khổ nạn.

Trong Khế Kinh Phật có dạy rằng: Giới sát phóng sanh, nếu không giết hại, làm việc phóng sanh thì được quả báo tuổi thọ dài lâu.

Giữ giới không giết hại thì giải trừ được mọi oán thù, nuôi dưỡng được tâm từ bi, làm nảy nở hạt giống Bồ Đề.

Hỏi: Có thể nào giảng giải thêm về ý nghĩa sâu xa hơn nữa của việc phóng sanh trong trường hợp những con vật thả ra bị c.h.ế.t?

Đáp: Chúng ta có thể xem trong phẩm Lưu Thủy Trưởng Giả Tử thứ 16 trong kinh Kim Quang Minh. Tiền thân của Đức Phật có lần là con nhà trưởng giả, vì không nỡ nhẫn tâm thấy hàng vạn con cá đang dần dần bị chết khô trong vũng cạn, nên gấp rút dùng hai mươi con voi lớn chở nước đến, đổ vào để cứu sống sinh mạng đàn cá, lại vì một vạn con cá ấy mà thuyết pháp, niệm Phật. Trong ngày mạng chung, số thi thể cá này tích tụ trên bờ ao, thần thức của chúng được vãng sanh lên cõi trời Đao Lợi, hưởng phước không cùng. Nay xin trích dẫn nguyên văn trong kinh làm chứng:

“Bấy giờ, cõi đất nơi ấy chấn động dữ dội, mười ngàn con cá cùng chết đi trong một ngày. Vừa chết rồi liền được sinh về cõi trời Đao Lợi”.(5)

Sự thật, phước báu lớn lao của việc phóng sanh còn là ở chỗ thực hiện nghi thức phóng sanh, bao gồm việc quy y, niệm Phật.

Loài súc sanh trong lúc sắp chết, thử hỏi có mấy con may mắn được quy y Phật, Pháp, Tăng? Lại còn được các vị pháp sư và cư sĩ đều vì chúng mà niệm Phật cầu nguyện cho được siêu độ. Nhờ đó mà nghiệp báo mau dứt, sớm được ra khỏi ba đường ác, há chẳng phải phước duyên sâu dày lắm sao?

Nhờ đó mà nghiệp báo súc sanh sớm dứt, được chuyển sinh kiếp người, biết niệm Phật tu hành, nhanh chóng được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, há chẳng phải là nhân duyên thù thắng hay sao? Cho nên khi cư sĩ khi phóng sanh phải luôn phát tâm từ bi mà cứu chuộc sinh mạng. Thử đặt mình vào vị trí nguy kịch ấy, vì cứu lấy mạng sống đang nguy ngập mà làm việc phóng sanh. Nếu vạn nhất con vật ấy có chết đi thì chúng ta cũng không có gì phải hổ thẹn với lương tâm, đồng thời cũng đã dành cho chúng sự cầu nguyện chân thành vô hạn.

Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật dạy rằng: “Tâm Phật chính là tâm đại từ bi, dùng tâm từ không vướng mắc mà hóa độ khắp cả chúng sanh”.(6)

Hỏi: Muôn loài cầm thú có đến hàng ngàn, hàng vạn, chúng ta phóng sanh làm sao thả cho hết được?

Đáp: Đức lớn của trời đất là sự sống, đạo lớn của Như Lai là từ bi. Thuận theo đạo trời thì hiếu sanh mà chán ghét sự giết hại. Nay ta cố gắng thực hiện việc phóng sanh, trưởng dưỡng tâm từ bi là hợp với lòng trời mà chư Phật lại hoan hỷ.

Nên như cứu được một mạng sống, công đức đã là vô lượng vô biên, huống chi là cứu được nhiều mạng sống? Đến như muôn vạn loài súc sanh, dù hết lòng cứu vớt cũng không hết, đó là do từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay cộng nghiệp tạo thành, chẳng phải trong một lúc có thể dứt hết. Chúng ta chỉ cần đem hết khả năng mình, tùy duyên mà thực hiện việc phóng sanh. Không thể vì muôn loài súc sanh quá nhiều không giải cứu hết mà lại không ra tay cứu lấy những sinh mạng trong muôn một.

Kinh Đại Bát Niết Bàn dạy rằng: “Lòng đại từ đại bi gọi là tánh Phật”. Lại cũng dạy rằng: “Lòng từ bi chính là Như Lai, Như Lai chính là lòng từ bi”.

Hỏi: Tôi nghĩ, thà đem số tiền làm việc phóng sanh để cứu tế cho những người nghèo khó đói thiếu, xem ra có hiệu quả thực tế hơn.

Đáp: Già cả cô độc, bần cùng khổ nạn, tuy thật đáng thương xót, nhưng mạng sống chưa đến nỗi tức khắc tử vong, phải mất đi trong chốc lát. Còn loài vật đang nguy ngập kia, nếu chẳng kịp cứu giúp phóng sanh thì tức khắc sẽ bị giết để nấu nướng, phải bỏ mạng trong miệng con người. Một bên là cảnh ngộ đáng thương, nhưng vẫn còn giữ được tính mạng. Một bên là chỉ mành treo chuông, mạng sống bị đe dọa. So ra bên nào gấp rút hơn đã có thể thấy ngay.

Nên biết, chúng sanh muôn loài so với chúng ta thì tánh Phật cũng đồng nhất, không sai khác. Chỉ vì vô minh che lấp, nghiệp báo nặng nề mà phải trầm luân trong cảnh giới súc sanh. Đối với tất cả chúng sanh, đức Phật đều thương yêu như đứa con. Cứu được một mạng sống tức là cứu được một người con Phật, nên chư Phật đều hoan hỷ. Lại nữa, cứu một chúng sanh cũng như cứu được một vị Phật tương lai, vì tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, đều có khả năng thành Phật.

Luận Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội giết hại là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.” Trong kinh Phật cũng dạy rằng: “Tâm từ chính là nhân duyên đem đến mọi sự an lạc”.

Hỏi: Nếu ai ai cũng làm việc phóng sanh mà không giết hại, các loài súc sanh sẽ sinh sản càng nhiều, tương lai thế giới này há chẳng phải sẽ trở thành thế giới cầm thú hay sao?

Đáp: Như các loài kiến, mối, côn trùng... loài người không ăn chúng nó, để mặc tình chúng tự nhiên sinh sản, nhưng thế giới ngày nay có phải là thế giới của loài kiến chăng? Hay là thế giới của loài mối, của côn trùng chăng? Thật ra, những loài vật mà ta phóng sanh, khi được tự do sinh sản, được nuôi dưỡng trong thế giới tự nhiên, thì tự chúng có sự điều tiết phù hợp trong sinh thái và sinh sản cân bằng.

Nghiệp ác của chúng ta hiện nay vẫn chưa được giải trừ, nếu lại cứ một mực lo lắng rằng các loài súc sanh trên thế giới sẽ quá nhiều, như vậy có khác nào người nông dân chưa xuống ruộng gieo giống mà lại cứ ngày ngày lo lắng mai sau lúa thóc chín đầy cả ruộng đồng, không sử dụng hết. Lo lắng vô cớ như thế há chẳng phải là buồn cười lắm sao?

Nên biết rằng, nhân quả báo ứng như bóng theo hình, mảy may không sai chạy. Hiện nay, trên thế giới sở dĩ cầm thú rất nhiều chính là vì trước kia những người giết cầm thú quá nhiều, nay phải hóa sinh làm cầm thú. Như người ăn dê, dê chết rồi thành người, người chết lại thành dê, sinh sinh tử tử trở thành báo oán lẫn nhau, đời đời không dứt. Vì sự oan oan tương báo như thế, cùng làm súc sanh, cho nên có thế giới cầm thú. Nếu như người người đều có thể bỏ việc giết hại, làm việc phóng sanh, thì oan nghiệp hận thù giữa súc sanh và con người sẽ dần dần tiêu mất. Cầm thú súc sanh do đó dần dần giảm thiểu; cõi người, cõi trời ngày càng thêm đông. Như nước Sở chẳng ăn ếch mà ếch lại ít dần. Nước Thục chẳng ăn cua mà cua tự nhiên ngày càng hiếm. Thời xưa đã có tấm gương sáng, chúng ta nên tự phản tỉnh, xét soi.

Kinh Đại Nhật có dạy rằng: “Phật pháp lấy tâm Bồ Đề làm chánh nhân, lấy lòng đại bi làm căn bản”.

Hỏi: Khuyên những người làm nghề sát sanh thay đổi nghề nghiệp, đó là làm hại sinh kế của người ta. Như thế là thương loài súc sanh mà không thương người, có vẻ như không được hợp tình hợp lý chăng?

Đáp: Xã hội có đủ các giới: sĩ, nông, công, thương, đủ các ngành nghề. Mỗi ngành nghề đều có thể kiếm ra tiền, đều có thể nuôi sống gia đình, lẽ nào cứ phải lấy việc sát sanh hại mạng để làm phương tiện mưu sinh cho mình hay sao? Nên biết rằng, nhân quả báo ứng mảy may không sai lệch. Đã tạo nghiệp giết hại ắt phải gặp quả báo bị giết hại. Ngày nay tuy có tạm thời được ăn sung mặc sướng, nhưng tương lai đến lúc thọ nhận quả báo e rằng chẳng có lúc được ngừng nghỉ, vả lại còn để họa lây đến con cháu đời sau. Quả là điều lợi chẳng bằng điều hại!

Kinh Phạm Võng dạy rằng: “Bồ Tát nên sinh khởi tánh Phật, hiếu thuận từ bi, thường giúp đỡ cho hết thảy mọi người đều được an vui hạnh phúc”.(10)

Hỏi: Việc phóng sanh có hạn chế đối tượng hay không?

Đáp: Không có hạn chế! Phàm là các loài chim bay trên trời như: bồ câu, se sẻ..., các loài sống trong nước như tôm, cua, cá, ốc..., các loài sống trên mặt đất như: hươu, nai, dê, thỏ..., các loài chui sâu trong đất như: giun, trùng, kiến, mối... Chỉ cần có mạng sống thì đều có thể phóng sanh được.

Luận Đại Trí Độ dạy: “Tâm đại từ là ban vui cho tất cả chúng sanh, tâm đại bi là cứu vớt khổ nạn cho tất cả chúng sanh”.(11)

Hỏi: Tại sao khi thực hiện việc phóng sanh thường có nghi thức thọ Tam quy y và niệm Phật cho loài súc sinh?

Đáp: Chánh pháp ngàn năm khó gặp. Chúng ta cùng với loài súc sanh ấy có nhân duyên, nên phát tâm cứu được mạng sống cho chúng, nhưng không thể cứu giúp chúng thoát khỏi luân hồi nghiệp báo. Vì vậy rất nên phát tâm đại từ bi, vì chúng mà truyền thọ Tam quy y, để giúp chúng kết duyên lành với Phật pháp. Chúng sanh nào có duyên lành được quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) thì không còn phải đọa vào ba đường ác, nên có thể giúp cho những súc sanh ấy khi nghiệp báo dứt hết, sẽ vĩnh viễn không rơi vào các đường ác nữa.

Ngoài ra, khi thực hành nghi thức như vậy, vị pháp sư cùng tất cả cư sĩ tham gia đều vì chúng mà trì niệm danh hiệu Phật: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Được nghe sáu chữ hồng danh ấy tức là đã gieo nhân lành vào tạng thức, nhờ đó mà kiếp sau chuyển thế làm người ắt sẽ gặp được Phật pháp, biết niệm Phật tu hành, được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, vĩnh viễn thoát ly cái khổ của sáu đường luân hồi. Đây mới chính là ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm nhất của việc phóng sanh.

Trích sách "Công Đức Phóng Sanh" - Tác giả: Pháp Sư Viên Nhân - Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến. 

Hy vọng ai ai cũng tin hiểu những đạo lý trong bài viết này, tin hiểu và thực hành, tránh xa những việc tội lỗi, tăng thêm những việc thiện lành!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Xem thêm