Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 28/09/2021, 15:06 PM

Theo bước chân thầy

Những sự kiện đời hay đạo gì cũng vậy hết sôi nổi nóng bỏng rồi cũng sẽ dần nguội lạnh, nhưng kỷ niệm ký ức thì còn mãi, ngày hôm nay lục lại tủ kinh sách tôi đã tìm thấy một tấm ảnh từ năm 2008.

image_6483441

Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn về thực tập hạnh phúc

Sau hơn 40 năm xa tổ quốc để vận động hòa bình và đem nền văn hóa Việt Nam truyền giảng cho phương tây, năm 2005 Thiền sư Thích Nhất Hạnh về nước lần đầu được cộng đồng Phật giáo và các giới ngưỡng mộ cung đón đông chưa từng thấy. Năm 2008 Ngài về nước lần hai.

Là một người học trò nhỏ của Ngài (gián tiếp). Năm 15 tuổi tôi đã đọc tập truyện ngắn “Tình người” của Ngài và bắt đầu yêu văn chương ham đọc sách ham tìm hiểu về văn học trong và ngoài nước. Sau này lớn lên đọc kỹ cách viết của Ngài, chỉ qua một tác phẩm “Nẻo về của ý” đã thấy văn tài của Ngài qua tác phẩm.

Trong tác phẩm này tôi đã thấy cách viết hết sức dễ thương: “Xin đừng la mắng ánh sáng, xin đừng la mắng suối trong, xin đừng la mắng những con chim mùa xuân bé nhỏ” hoặc “gối khuya rừng mộng trăng mười sáu, mười sáu trăng rồi, ngươi biết không?”, hay như đoạn này:

“Nguyên Hưng có nhớ một buổi sáng nọ khi chim hót vang rừng chúng ta đi từ thiền thất lên đến đỉnh đồi Thượng không? Đứng trên đồi ta trông thấy một cặp nai tơ đùa chơi trong nắng sớm, giữa những hàng trà. Những con nai tơ vàng mình có lốm đốm những hàng sao trắng. Chúng ta đã đứng im bất động một lúc lâu, sợ chúng chạy mất. Nắng mai đùa giỡn với những con nai con trên đồi trà. Một lát sau, hai con nai đuổi nhau về phía cửa rừng phía Nam và lẩn mất vào rừng. Chúng ta chỉ còn biết nhìn nhau”.

Chính từ sự kết nối của văn chương mà năm 2008 Ngài về nước, tôi và các đệ tử đã theo bước chân Ngài qua các buổi giảng.

Tấm ảnh tôi vừa tìm được là Ngài cùng tăng thân đang thắp hương trước tháp Tổ Liễu Quán gần chùa Thiền Tôn - Huế. Chùa Thiền Tôn do Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán người Phú Yên khai sơn vào đầu thế kỷ XVIII. Tổ sư sinh năm 1667 và viên tịch năm 1742.

Sáng hôm đó tăng thân tập trung gần tháp Tổ, tham dự có Thiền Sư Nhất Hạnh và các đệ tử thấy có HT. Hải Ấn, HT. Thái Hòa, Thầy Giác Tâm, Thầy Pháp Ấn,  Sư Cô Chân Định Nghiêm, Sư Cô Chân Đẳng Nghiêm…..Trời mưa lất phất, không khí lạnh Thiền Sư cùng Tăng thân thành kính thắp hương lễ Tổ, sau đó đi thiền hành về tổ đình Thiền Tôn nằm bên sườn núi Thiên Thai.

Đức đệ nhị Tăng thống Thích Giác Nhiên, HT. Thích Thiện Siêu, HT. Thích Thiện Minh, HT. Thích Thiện Bình…. đều xuất phát từ tổ đình Thiền Tôn.

Những bước chân thảnh thơi vô sự của Thiền sư và các đệ tử đi lên triền núi Thiên Thai với hai bên đường là những loài cỏ dại hoa dại, đến tổ đình Thiền Tôn khoảng hơn hai tiếng đồng hồ, tất cả mọi người vào chánh điện lễ Phật và tụng một thời kinh ngắn, sau đó Sư Cô Chân Định Nghiêm có pháp thoại hướng dẫn tu tập cho các bạn trẻ gia đình Phật tử.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Kiếp người trong hơi thở

Ở bên hông ngoài chánh điện có treo bài thi tán của nhà thơ Trụ Vũ, ca ngợi tán thán hạnh đức của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên, đệ nhị Tăng Thống:

CẢM NIỆM

Đức Đại lão Hòa thượng THÍCH GIÁC NHIÊN.

(Tăng Thống GHPGVNTN, viên tịch ngày mùng 06 tháng Giêng Kỷ Mùi).

 

Một trăm lẻ hai tuổi

Hơn thế kỷ làm người

Thanh tịnh, thanh tịnh giới

Trang nghiêm, trang nghiêm đời

Thiền định, đại thiền định

Du hý nước mây chơi

Giới, quét sanh tâm kinh

Huệ, mở toang mặt trời

Mặt trời huệ minh chiếu

Quạt vàng phất phất vui

Trong cánh quạt chiếu diệu

Mười Phương hoa tuyệt vời

Một trăm lẻ hai tuổi

Mỗi tuổi, như một lời

Một trăm lẻ hai tuổi

Kết chuỗi Bồ đề tươi

Trên Thừa Thiên, xứ Phật

(Xứ nào cũng Phật thôi

Đông Tây gì Lẽ Thực

Cũng về trên cõi người)

Trên Thừa Thiên, xứ Phật

Có một vị thiền sư

Nhàn nhã như vân hạc

Trời lan nhã, vân du

Đầu gậy thiền, cánh bướm

Ngủ ngủ giấc xuân thu

Mùi gậy gỗ đá cứng

Vang âm thanh đại từ

Trên đầu hạnh, trăng sáng

Áo nâu sòng phất phơ

Làn sóng trăng lãng đãng

Thanh không, cổ nguyệt Thừa

Cổ nguyệt thừa Thiền tịnh

Lăn bánh giữa đêm mờ

Thủ lăng nghiêm Phật đỉnh

Niệm niệm ... niệm vào thơ

Mỗi niệm tôn hiệu Phật

Mỗi bước bước lên bờ

Thiền, tịnh ba la mật

Thượng thủ tịnh - thiền sư.

Nơi đầu cầu Ái Tử

Bà mẹ đứng trông con

(Chuyện chín mười năm cũ)

Chiều ... ngọn gió nam non

Chuyện chín mười năm cũ

Có một chú bé lành

Nghe tiếng gọi vũ trụ

Nguyện xuất gia tu hành

Đồng tử VÕ CHÍ THÂM

Chánh quán làng Ái Tử

Đi tìm đạo Quán Âm

Tín thụ trì Linh ngữ

Vững vàng thân đại thụ

La hán quán âm tung

Tỏa bóng mát che phủ

Khắp quê hương đại hùng

Hành giả Võ Chí Thâm

Chánh quán làng Ái Tử

Nguyện báo Phật thâm ân

Bát thối Bồ Tát lữ

Niệm Bất Thối Bồ Tát

Niệm ... niệm ... hải triều âm

Tỏa trùng trùng động tác

Chuyển trùng trùng pháp luân

Chín mươi năm chuyển pháp

Soi, một bóng trăng vàng

Cổ nguyệt thừa vô tác

Vô vị, sắc, thanh, hương

Tâm bản nhiên, bản giác

GIÁC NHIÊN, bản đạo tràng

Thiền, tịnh chẳng sai khác

Như thị, pháp Thiền Tôn

Một ánh đạo đông phương

Thêm một lần vụt tắt

Đại Hòa Thượng Thuyền Tôn

Thiền tịnh ba la mật

Tuy tướng có thoảng mất

Thể đạo vẫn trường tồn

Thường trụ giữa quê hương

Đạo trường Tam thế Phật.

Ngày 10 tháng giêng năm Kỷ Mùi

Phật tử Trụ Vũ.

Mạng mạch của Phật giáo xuyên suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, khi thăng khi trầm theo quy luật, nhưng còn các bậc chân tu thạc đức sự truyền thừa từ thầy sang trò một cách liên tục như giòng nước trong mạch nguồn ngày đêm tuôn chảy, thì đạo Phật vẫn cứ còn mãi trong thế giới Ta Bà nhiều khổ lụy này.

Từ một bức ảnh cũ tìm thấy được, ký ức trở về tôi ghi chép lại để kỷ niệm một hành trình theo bước chân của Thiền sư Nhất Hạnh và chư lịch đại Tổ Sư.

Tinh thần hộ quốc an dân của Thiền sư Vạn Hạnh

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Tình thương của đức Phật

Góc nhìn Phật tử 10:10 17/05/2024

Tình thương của đức Phật dành cho chúng sinh lúc nào cũng đong đầy như hư không vô tận luôn ôm ấp dưỡng nuôi muôn loài. Nhưng còn đâu đó những chúng sinh vẫn vô tình không biết, hoặc cố tình lãng quên.

Nếu không có Phật Đản sinh?

Góc nhìn Phật tử 13:46 16/05/2024

Nếu không có Phật đản sanh, thế gian ngụp lặn trong đau khổ nhưng không biết là khổ. Bao phen khóc cười đều do tham đắm chi phối, để được phần mình mà bất chấp hậu quả, không từ tàn ác giành giật về.

Phật đản sinh trong tâm mỗi người

Góc nhìn Phật tử 09:36 16/05/2024

Ngày 14 và 15 âm lịch tháng 4 hằng năm, thành truyền thống thiêng liêng: là ngày lễ kỷ niệm Phật đản sanh - ngày quan trọng nhất đối với hàng Tăng Ni, Phật tử nói riêng và chúng sanh nói chung.

Một câu nhịn, chín câu lành...

Góc nhìn Phật tử 09:17 16/05/2024

Theo cách hiểu thông thường của đa số chúng ta, nhẫn nhục có nghĩa là nhịn nhục, chịu đựng. Tiêu biểu nhất là tinh thần nhẫn nhục này khi đi vào dân gian đã được người xưa thể hiện qua câu tục ngữ: “Một câu nhịn, chín câu lành.”

Xem thêm