Truyện ngắn: Những hạt mưa
Sông Hiên chảy từ thượng nguồn núi Phun. Năm nào cũng thế, mùa thu nước sông trong vắt còn mùa đông thì nước đục ngầu. Mưa lũ từ thượng nguồn xối xả, cây cối đua nhau kéo về.
Lá khô, củi mục, lau lách đều nằm lại ở lưu vực sông Hiên. Cả đất đá trên núi Phun cũng về nằm dưới vực sông. Cạnh khúc sông uốn cong hình trăng lưỡi liềm có cây đa cổ thụ, bên dưới cây đa là ngôi chùa của thầy Huệ Châu.
Gọi là chùa chứ thực ra chỉ là ngôi miếu nhỏ, thầy Huệ Châu dựng lên đằng sau chùa một túp lều nhỏ để coi sóc chùa. Thầy hơn ba mươi tuổi, mặt mày thanh tú và giọng nói trầm ấm. Chùa ở cạnh làng, sáng sớm thầy đi cày với dân, trưa ăn cơm nhà họ. Cứ như thế, nhà nào có việc thầy làm giúp. Hiếm khi người ta thấy thầy tụng kinh niệm Phật. Chỉ thấy thầy thắp nhang, đêm rằm Vu lan thấy thầy cắt hoa hồng ngoài vườn vào lễ. Hương hoa hồng thơm dịu dàng. Khu vườn quanh chùa toàn trồng hoa hồng đủ màu sắc, trai gái lúc yêu nhau thường hò hẹn ở đây, cô dâu chú rể chụp ảnh ngoại cảnh cũng ở đây. Ai cũng bảo rằng ngồi ở chùa ba mươi phút chợt thấy lòng thanh thản. Yêu đương trò chuyện ở đây là hạnh phúc đến tận đời. Ai đau yếu đến đây vài ngày ngồi ngửi hương hoa hồng tự dưng lành bệnh.
Cứ thế, người ta đồn đoán đủ điều nên ngày càng đông người đến chùa. Thầy Huệ Châu phải tất bật nhiều hơn. Khi không lại trở nên bận bịu, ngay cả sự chào hỏi khách đến lễ chùa thôi cũng đã hết nhiều thời gian. Chùa không bỏ hòm công đức, không nơi đặt hoa quả. Chỉ độc nhất bát nhang, tượng Phật và chiếc lọ hoa. Khách đến viếng chùa nâng lọ hoa lên làm cái án đằn tiền. Chẳng mấy chốc cái lọ hoa nghiêng rồi đánh vỡ, hoa hồng rớt trên nền gạch, nước loang cả một đám.
Đầu tháng Tám có người đàn bà tên Duyên, người ta hay gọi là Duyên Việt kiều. Không biết cơ sự do đâu hay sự tình cờ, chị Duyên mang đến chùa toàn là lọ hoa. Có hết thảy gần 20 cái. Chị đặt một góc ở chùa rồi vào thắp nhang. Chị ngỏ lời góp công đức xây chùa lớn nhưng thầy Huệ Châu khất lại. Thầy nói, tiền công đức thời gian rồi thầy ban phát cho người dân cả. Chùa thì cần lắm nhưng ở làng còn nhiều người khổ. Trẻ con chưa đủ áo ấm mặc vào mùa đông, người già không đủ chăn để đắp những lúc tiết trời lạnh giá. Thôi thì chị có lòng từ bi thì hãy giúp họ. Việc này được đáp ứng, trong làng ai có khó khăn gì đều được tháo gỡ, về cơ bản đã xong, giờ đến việc xây chùa. Thầy Huệ Châu lại nói, cái khổ trần gian mênh mông lắm, không chỉ ở làng này mới có khổ... Hiểu được lời thầy, chị Duyên đem tất cả của cải đi bố thí. Hơn năm sau thì chị trở lại chùa với đôi bàn tay trắng. Ngày ngày chị trồng hoa hồng, lúc đi làm ruộng cùng người dân. Sự thể có thế thì chẳng nói để làm gì, sau chín tháng mười ngày chị đẻ ra một đứa bé trai. Đêm rằm trăng sáng, tiếng khóc trẻ thơ cất lên ở chùa. Người làng rọi pin đến chùa thì thấy thầy Huệ Châu ẵm đứa bé. Mọi người nhìn nhau, nhìn thầy Huệ Châu rồi nhìn chị. Chẳng ai nói được câu nào. Thầy Huệ Châu mỉm cười nhìn đứa bé. Rồi nói với chị Duyên.
- Chị hãy nghỉ ngơi, đứa bé mạnh khỏe.
- Thầy ơi! Có khi con lại mang đến điều tiếng cho thầy...
- Trong tâm niệm của ta, nếu có chắc gì dứt ra đã được mà không có vận vào cũng chẳng xong. Con nghỉ ngơi đi.
Duyên nằm nghiêng mặt về phía sau vách, nước mắt chảy như nước mưa.
Đứa bé càng lớn càng giống thầy Huệ Châu. Điều ấy khiến những nghi ngờ của người sống quanh chùa thêm có cơ sở. Rằng thầy Huệ Châu chính là cha của đứa bé. Thời gian sau thì Duyên biến mất, không ai biết chị đi đâu, hỏi thầy Huệ Châu đâm ra bất tiện. Cánh đồng làng giờ có thêm một chú tiểu tên là Phước Huệ. Cậu bé lớn nhanh, thông minh sắc sảo nhưng lại ham chơi. Ngày ngày cậu ta ra đồng bắt dế, có hôm cậu đi dọc triền sông ngắm hoa chuồn chuồn. Nhiều đêm trăng sáng, Phước Huệ ngủ ngay trên triền sông khiến thầy Huệ Châu phải vất vả đi tìm. Năm tròn 18 tuổi, Phước Huệ đã trở thành một chàng trai đẹp mã và nhiều cô gái mê. Trong đám con gái, Phước Huệ chọn Tần. Cô gái không xinh đẹp nhưng lại đôn hậu. Việc chọn vợ của Phước Huệ, thầy Huệ Châu không cấm, thầy bảo rằng tùy duyên.
Đám cưới Phước Huệ được tổ chức bằng tiệc nhỏ, thầy Huệ Châu làm chủ hôn. Phía đằng gái cũng neo người. Tần mồ côi từ nhỏ, cô ở với dì ruột. Thêm lần nữa sự kiện đám cưới diễn ra giữa chú tiểu Phước Huệ ngày nào với gái làng khiến sự việc người đàn bà tên Duyên đẻ trong chùa lại được xào xáo. Chuyện đến tai thầy Huệ Châu, thầy chỉ mỉm cười. Nhiều điều không nên cố tránh, cứ để nó đến, nhận nó rồi nó sẽ qua đi. Thầy nghĩ thế. Thầy chỉ muốn lo cho Phước Huệ có một mái ấm gia đình. Trong nhân gian, lót tổ yêu thương cũng như đúc tượng Phật, khó khăn đấy nhưng dễ dàng cũng tại đấy. Cốt ở tại mình. Có điều, đúc tượng Phật chỉ cần con người và chiếc khuôn thì việc lót tổ yêu thương cần đến hai con người. Tức nó di động cả hai bên, biến đổi cả hai bên và lắm lúc nhọc nhằn cả hai bên. Dù sao, Phước Huệ sống và biết yêu thương là việc tốt. Đó là điều thiện. Cứ gieo hạt bồ-đề sẽ nảy mầm cây bồ-đề. Còn cây bồ-đề có sống được không, to lớn không đó còn tùy duyên nữa.
Chị Duyên trở về, một bước xuống xe lộng lẫy. Thầy Huệ Châu không ngoái đầu nhìn lại. Đứng nhìn thầy hồi lâu, chị cảm thấy nghẹn ngào.
- Thầy, qua bao năm tháng chắc thầy đã khổ vì con, vì con của con...
Thầy Huệ Châu vẫn lần tràng hạt niệm, dạo này sức khỏe thầy không được tốt. Cơn hen suyễn kéo dài khiến thầy sụt cân trầm trọng. Cũng vì sự việc thầy ốm nên khách viếng chùa ít đi. Người ta bảo chùa của thầy Huệ Châu hết phước huệ rồi, không thiêng nữa. Có lẽ từ ngày người đàn bà đẻ trong chùa nên Phật mới bỏ đi. Nhân gian là thế, như chuyện ong tìm mật hoa, thậm chí còn mù mờ hơn, cái nghiệp này còn nặng. Chỉ có người làng là họ vẫn đến chùa như thường. Người bưng cho thầy bát cháo, người mang canh rau. Đến thì mùa đông, gió thốc tháo thổi từ bờ sông vào hun hút khiến bệnh thầy thêm nặng. Phước Huệ và Tần đi đâu không ai rõ, chỉ thấy là không còn ở chùa, cũng không còn ở làng. Mọi người hỏi, thầy Huệ Châu chỉ nói rằng: Thực ra, đời người không phải chuyện đến đi, lúc ở đây Tần là cô gái tốt và Phước Huệ là chàng trai tốt. Chỉ có bấy nhiêu, làm sao biết Phước Huệ ở phương trời nào. Thật khổ cho thầy Huệ Châu. Dính vào người đàn bà, rồi đến lượt Phước Huệ. Giờ người đàn bà xuất hiện giàu sang phú quý, không biết Phước Huệ sau này xuất hiện như thế nào. Người ta nói chuyện giàu có mã. Không cứ ăn ở phúc đức lại có tiền, cũng không cứ gì ăn ở thất đức lại hái ra tiền. Chung quy thế, cái “mã” này nó nằm trong tưởng tượng. Cũng chẳng hiểu thế nào. Thầy Huệ Châu cũng không hỏi đến chuyện chị Duyên đi đâu, làm gì thời gian qua. Thầy chỉ rót trà mời.
- Chị uống đi, trà sen vẫn còn nóng đấy.
Chị Duyên khóc. Sự độ lượng của thầy Huệ Châu đã vượt ra khỏi biên giới của sự được mất, của sự cho nhận. Chị nói, trong chậm rãi, nước mắt và đớn đau.
- Sau bao nhiêu chuyện, thầy không hỏi vì sao con mang thai? Vì sao con bỏ đi và vì sao con trở về ư?
- Cái đó tùy duyên, nếu chị thấy cần phải nói tự khắc chị sẽ nói.
- Con đã bị người ta cưỡng bức. Con đã không thấy mặt người đàn ông đó. Đêm hôm đó, ngay sau chùa. Con đã gọi thầy nhưng không thấy thầy đâu. Con chỉ còn chừng này, đó là tang chứng...
Chuỗi hạt được đưa ra, từng hạt rời rạc được gói kỹ trong chiếc khăn vải màu vàng. Thầy Huệ Châu đón lấy. Thầy nhìn một lúc rồi nói với người đàn bà.
- Đây là chuỗi hạt của ta.
- Thầy ơi, con lạy thầy.
- Nó có cũ đến đâu, có mốc meo thì ta vẫn nhận ra đó là chuỗi hạt của mình.
Chị gục đầu xuống đất. Thầy Huệ Châu vẫn tiếp tục niệm Phật. Tiếng mõ bắt đầu cất lên, từng tiếng một, rất buồn. Lúc này đây, chị đã lui về phía sau rồi đi ra bến sông. Mùa đông, hoa chuồn chuồn vẫn nở. Từ thượng nguồn cho đến cuối con sông, hoa cỏ xanh rờn. Màu vàng của hoa lấp lánh trong màu xanh của cỏ. Một lúc sau, thầy Huệ Châu xuống theo. Thầy cũng đi dọc con sông đến nửa thì thầy cắt ngang dòng. Thầy lội sang phía bên kia sông, nước rất buốt nhưng thầy vẫn bình thản. Chị cố chạy theo, bì bõm, nhăn nhúm, xuýt xoa.
- Thầy ơi, thầy đang ốm cơ mà...
- Ta sẽ đi tìm Phước Huệ về cho con. Nó ở bên kia sông...
Sáng mùa đông, nước sông xanh lấp lánh. Những giọt nắng yếu ớt không đủ làm ấm nước sông. Phía bên kia sông, thấp thoáng trong rặng cây xanh là ngôi chùa rất khang trang. Thầy Huệ Châu bước vào, theo sau là chị. Đi đến giữa điện thì chị chợt nhận ra người đàn ông giống thầy Huệ Châu đến lạ.
- Thầy ơi, đây là Phước Huệ ư?
- Đây là con trai của cha ta. Phước Huệ ở đâu có lẽ người này biết.
Nói xong thầy Huệ Châu lấy chuỗi hạt đặt vào tay người đàn ông. Thầy ngược sông trở về. Mấy hôm sau thì thầy mất. Người làng tập hợp nhau làm đám cho thầy. Hôm lễ tang, Phước Huệ cũng có mặt ở đó, người đàn ông cũng có mặt. Người làng trầm trồ, ở đâu ra tới ba người giống hệt nhau như ba hạt giống từ một quả. Đám đưa, mộ thầy Huệ Châu được chôn trên ngọn đồi, ở đây có thể nhìn bao quát cả mấy làng, có thể nhìn thấy rõ dòng chảy của con sông. Chị chợt nghĩ, nhìn trần gian lắm chỉ thêm khổ thầy. Phải chăng??? Không phải thế, không lý nào chuỗi hạt đó là của thầy. Thế tại cơ sự nào khiến thầy nói vậy. Chị vẫn nhớ, dùng dằng đôi co với người đè mình xuống bến sông chị đã giựt đứt chuỗi hạt. Không lý nào...
Trên ngọn đồi, gió thổi thốc tháo lật tung mớ tóc đã chải kỹ của chị. Chị cứ đứng nhìn trân trối đám nhang đang cháy trên mộ thầy Huệ Châu. Lúc sau, người đàn ông đến gần chị, giọng nói đặc quánh của một người chưa đủ già.
- Chuỗi hạt đó là của cha tôi. Cha tôi đã trao lại cho anh trai tôi, đó là vật gia truyền. Và anh tôi đã đưa nó cho tôi, mong tôi gìn giữ...
- Thầy có gìn giữ nó không?
- Tôi đã không gìn giữ được nó. Tôi đã đánh mất nó từ hai năm nay, vì sợ anh trai tôi buồn lòng nên tôi đã không nói ra điều đó.
- Thầy nói thật lòng chứ?
- Người xuất gia không được nói dối nửa lời.
Sư thầy chẳng nói thêm gì. Thầy xuống núi và ngược sông trở về chùa lặng lẽ. Hôm đó trời mưa rất to, mưa được một lúc thì nước sông Hiên vồn vực nước. Giữa dòng củi mục, lau sậy, cây cối đua nhau đùn về. Chị ngước mắt lên trời, quá nhiều giọt nước giống nhau chẳng thể nào đếm nổi. Nó thi nhau chảy xối xả vào mắt. Cũng lạ, có lúc nước lại trở nên bỏng rát.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sống thiền là sống ngay trong động mà ta vẫn tĩnh
Góc nhìn Phật tử 14:00 26/11/2024Thiền không phải là sự trốn chạy, ta không trốn chạy động đi tìm tĩnh hay trốn chạy bất an đi tìm bình an.
Truyện ngắn: Khúc hát xanh rêu
Góc nhìn Phật tử 09:54 26/11/2024Ty đã ngủ khi xe vừa chạy được một đoạn, sợ con mỏi, tôi đỡ bé Ty nằm dài trên ghế, đầu gối lên đùi tôi. Ngoài cửa kính, cảnh vật trôi dần về phía sau. Những núi, sông, đồng, biển đủ sắc mầu.
Mọi thứ đều có thể rời bỏ ta, nhưng chính ta thì không bao giờ bỏ rơi ta
Góc nhìn Phật tử 17:00 25/11/2024Ta thực sự không phải những tiếng nói tiêu cực trong tâm trí, cũng không phải là những điều tích cực như là những cống hiến, hy sinh, những nụ cười hạnh phúc khi bên cạnh ai đó hay khi có được, đạt được điều gì đó. Mà ta thực sự chính là nguồn ánh sáng nhận biết.
Đường về nhà
Góc nhìn Phật tử 15:40 25/11/2024Mỗi buổi sáng, tôi đều dành một khoảng thời gian để ngồi thiền trước hiên nhà, nơi có tán bồ đề xòe rộng che mát. Hơi thở nhè nhẹ, từng ý niệm trôi qua như những đám mây lặng lẽ trên bầu trời.
Xem thêm