Thiền hay Tịnh tốt cho phút lâm chung?
Hiện tại nếu chúng ta có tâm tu tập và tu tập tốt thì dù là tu Tịnh hay tu Thiền, thảy đều được lợi ích trong hiện tại và lúc lâm chung. Vấn đề là phước nghiệp chúng ta không được tốt, nên không gặp được thầy lành bạn tốt, hoặc gặp được thầy lành bạn tốt rồi, lại không chịu tu.
Lợi ích tu tập thiền định trong kinh doanh
Sống chết là vấn đề hầu như ai cũng thấy lo ngại, nhất là với người lớn tuổi. Trong buổi tọa đàm ở một đạo tràng thiền, một phụ nữ lớn tuổi đã nêu ra thắc mắc: “Một thầy ở bên Tịnh độ khi nào gặp con cũng khuyên con nên tu Tịnh độ. Nhưng vừa rồi đây, một người bạn bên Tịnh độ đã hỏi con, khi chị ấy đang lâm vào cơn bạo bệnh với những đau đớn về thể xác không thể tránh khỏi, là bên Thiền có pháp gì hỗ trợ cho chị vào lúc này không?”.
Câu thứ hai người phụ nữ ấy hỏi là chết rồi, thiêu là tốt hay chôn là tốt? Thiền hay Tịnh?
Thiền tốt hay Tịnh tốt?
Ngoại trừ những pháp, tuy cũng mang tên Tịnh độ hay Thiền mà nội dung hoàn toàn khác với những gì kinh luận đã nói, như xuất hồn, nhân điện, cúng sao giải hạn… thì Thiền hay Tịnh độ đều là pháp của Phật. Tu pháp nào cũng được, miễn nó phù hợp với căn cơ và tính dục của mỗi người. Bởi pháp Phật, ngoài việc khế lý còn phải khế cơ, pháp mới mang lại lợi ích cho hành giả.
Nếu khế lý mà không khế cơ, tức người có căn cơ tu Thiền mà lại tu Tịnh độ, người có căn cơ tu Tịnh độ lại tu Thiền thì pháp không mang lại kết quả tốt đẹp. Xưa, Đức Phật đã nói về việc này, khi ngài A Nan dùng sai pháp cho hành giả của mình. Người làm ở nghĩa địa lại cho tu pháp quán hơi thở. Người thợ lò hơi lại cho quán pháp bất tịnh. Do dùng pháp không phù hợp với điều kiện hiện tại của người nên kết quả không có. Vì thế, pháp phải được đổi lại cho phù hợp mới mang lại kết quả tốt đẹp.
Tại sao chúng ta nên đơn giản hóa cuộc sống?
Nếu khế cơ mà không khế lý, tức pháp phù hợp với căn cơ của người mà không phải là pháp của Phật, thì mục đích giải thoát cũng không được đáp ứng.
Người phụ nữ không tu Tịnh độ mà bước sang tu Thiền, vì trong môi trường Thiền bà tìm được sự an vui. Bà hình thành được cho mình một đường hướng rõ ràng. Tu để tương lai thành Phật. Học và tọa thiền để khai mở phần định tuệ của chính mình. Vì “Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ và đức tướng của Như Lai”. Quan trọng là hiện tại bà tìm thấy được sự an lạc cho chính mình và gia đình. Bà không còn thấy khổ sở khi có những bất như ý xảy ra, không thấy bực bội về những gì chồng con nói nữa… Mọi thứ đều thay đổi khi bà đến với Thiền. Đó là lý do bà không quay về Tịnh độ như lời khuyên của vị thầy. Việc này không có nghĩa là Thiền hay hơn Tịnh độ. Chỉ là vì Thiền phù hợp với căn cơ của bà. Pháp vừa khế lý vừa khế cơ với bà nên bà có được sự an lạc trong hiện tại, lại có phương hướng rõ rệt cho tương lai.
Rốt cuộc, tu Thiền hay tu Tịnh đều được. Với điều kiện là phù hợp với căn cơ của mình. Việc này tự mỗi người phải liệu lấy. Một vị thiện tri thức đúng nghĩa cũng có thể giúp hành giả tìm thấy pháp phù hợp với căn cơ của mình. Nếu không thể tự mình liệu lấy pháp môn cho mình, cũng không thể gặp được vị thiện tri thức giúp mình như ý, thì nên phát lời nguyện với chư Phật. “Nguyện con gặp được pháp môn phù hợp với căn cơ của mình mà pháp môn ấy luôn đúng với Chánh pháp”. Với tâm thiết tha, mọi nguyện cầu sẽ được đáp ứng.
Tu Tịnh độ là tu thế nào?
Ngày trước, khi khởi xướng lại Thiền tông, Hòa thượng Trúc Lâm đã nêu ra một vài sai trái của cái gọi là Tịnh độ trong thực tế. Những vị không hiểu, cho rằng Hòa thượng bài bác pháp môn Tịnh độ. Hòa thượng không bài bác pháp môn Tịnh độ. Vì trong một số bài, Hòa thượng vẫn nói về Tịnh độ. Những ai phù hợp với pháp niệm Phật, Hòa thượng vẫn khuyến khích họ niệm Phật. Chỉ là nêu ra những gì đã được thực hành không đúng với nội dung của pháp môn Tịnh độ mà Phật Tổ đã xiển dương. Như tu Tịnh độ mà chỉ còn hai thời tụng kinh, không phải người tụng mà máy tụng, chỉ thấy cúng ma chay không thấy công phu cho chính mình, rồi cúng sao giải hạn… Vì những sai trái ấy mà Hòa thượng lên tiếng, không phải là bài bác pháp môn Tịnh độ. Thực hiện một pháp môn, nếu không đúng với những gì pháp môn đó nêu bày, thì kết quả không thể có. Vì lý do đó mà Hòa thượng Trúc Lâm đã lên tiếng.
Người tu Tịnh độ, đa phần đều muốn vãng sinh Cực lạc. Để được vãng sinh Cực lạc hành giả phải có đủ ba việc: Tín, Nguyện, Hạnh. Trong ba thứ đó Tín là nền tảng. Vì không có phần Tín này thì không có hai phần sau. “Ba thứ này tương quan mật thiết với nhau như cái đỉnh có ba chân, thiếu một tức phải sụp đổ”, vì thế không thể thiếu một trong ba thứ này.
Tín, là tin có thế giới A Di Đà, tin niệm Phật có thể giúp chúng ta về được cõi đó, tin lời nguyện của A Di Đà không hư dối. “Chúng sinh dù nghiệp nặng đến đâu, nếu đã niệm được danh hiệu Ngài thì nhất định được tiếp dẫn vãng sinh”.
Nguyện, là tha thiết mong muốn được về cõi Cực lạc. Muốn vậy, phải có tâm chán cõi Ta-bà, nói chính xác là chán những ham muốn đối với ngũ dục ở thế gian. Nếu tâm còn ham muốn dục lạc thế gian thì nguyện về cõi Cực lạc chỉ là nguyện suông, không đủ lực để về cõi Cực lạc, cũng không đủ lực để niệm Phật cho được nhất tâm bất loạn.
Phương pháp thực hành thiền dễ nhất mang lại kết quả thù diệu
Thời Hậu Lê xưa, có vị sư ở chùa Quang Minh, công hạnh niệm Phật tuy sâu nhưng nguyện lại không chí thiết. Khi mãn phần, chuyển sinh làm một vị Đế vương triều nhà Thanh bên Trung Hoa. Về sau nhà vua nhân dùng nước giếng ở chùa ấy để rửa vết son ghi tiền kiếp của mình trên vai, mới cảm khái làm mấy bài thơ. Trong ấy có hai câu “Ta vốn là con Phật cõi Tây. Vì sao lưu lạc Đế vương này?”. Tuy biết vậy, nhưng do cảnh đế vương quá nhiều dục lạc nên rốt cuộc kiếp ấy cũng không tu hành gì được3. Điều đó cho thấy, dù Tín và Hạnh đầy đủ chăng nữa mà Nguyện không tha thiết thì cũng không thể vãng sinh Cực lạc, chỉ theo cõi lành mà đi. Cho nên, Đại sư Ngẫu Ích nói: “Nếu Tín Nguyện bền chắc, khi lâm chung chỉ cần mười niệm hay một niệm danh hiệu, cũng quyết được vãng sinh”. Kinh Hoa nghiêm, phẩm Hạnh nguyện Phổ Hiền cũng nói: “Người này khi sắp mạng chung, trong khoảng sát-na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui hết. Duy có nguyện vương này là không rời đi. Trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Trong khoảng một sát-na, kẻ ấy liền được vãng sinh thế giới Cực lạc”. Cho nên, Nguyện cần tha thiết.
Hạnh, là những gì hành giả phải thực hành để tâm có thể tương ưng được với cõi Cực lạc. Đó là niệm danh hiệu Phật.
Hòa thượng Thiền Tâm nói: “Đã đủ Tín Nguyện mà thiếu phần Hạnh thì như thuyền có lái mà không chèo, không thể vãng sinh. Có người nghe nói chỉ cần Tín Nguyện chân thiết, khi lâm chung, mười niệm hay một niệm cũng quyết được vãng sinh Tây phương, liền nghĩ rằng như thế cần gì phải vội gấp, đợi đến khi ấy niệm Phật cũng được. Đó là ý tưởng rất sai lầm. Vì đã xem thường pháp môn niệm Phật. Phải biết điểm quan yếu để vãng sinh theo kinh “Phật thuyết A Di Đà” là khi lâm chung lòng không điên đảo (Thị nhân chung thời tâm bất điên đảo tức đắc vãng sinh A Di Đà Phật Cực lạc quốc độ). Nếu tâm không điên đảo thì quả tình niệm mười niệm hay một niệm đều được vãng sinh. Nhưng ai dám chắc đến lúc ấy tâm mình không điên đảo? Nếu bình thường không chịu dụng công, đến khi mạng chung, tứ đại phân ly, sức nghiệp dồn dập, thân tâm bị khổ làm cho kinh hoàng mê loạn, sợ e một niệm còn không thực hành được, huống là mười niệm? Cho nên, muốn khi lâm chung có phần bảo đảm thì lúc bình thường, hành giả phải chuyên niệm Phật cho nhiều, cố gắng đạt cho được trình độ nhất tâm bất loạn. Bằng khi đợi sắp chết mới niệm, trên lý nghe thì suốt thông, nhưng trên sự e chẳng phải đơn giản. Cho nên, các hành giả niệm Phật phải gắng dụng công, không nên lơ là khinh thường sự hành trì mà rước lấy nỗi thất bại”.
Bình thường nếu không chuyên tâm trì niệm danh hiệu thì khi bệnh tật khổ nạn, Phật pháp còn không cứu giúp gì được huống là khi chết. Vì thế, nếu nói tu Tịnh độ mà chỉ đi chùa lễ lạy lấy đó làm vui, không chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật cho nhiều, cũng không tham học giáo lý và tập buông bớt tham chấp, tức chỉ có danh xưng mà không có chất thực của cái gọi là Tịnh độ, thì khó có thể giúp mình an vui trong cuộc sống khi gặp việc bất như ý xảy ra, huống là khi gần chết, tứ đại phân ly đau đớn, tâm tán loạn lo lắng? Vì thế, dù là tu Tịnh độ hay tu Thiền, muốn cuộc sống hiện tại được an vui, lúc ra đi được an ổn, thì bình thường nhất định phải có công phu. Dù niệm Phật chưa được nhất tâm bất loạn, Thiền tập chưa được chỗ vô niệm thì trên sự học hỏi cũng phải quán xét thấu đáo cái lý vô thường ở thế gian. Quán chết là việc không ai có thể tránh, chết rồi cũng không mất mà đi đầu thai kiếp khác. Sướng hay khổ ở kiếp sau là do ba nghiệp trong đời này quyết định... Biết vậy thì giới đã thọ cần giữ kỹ được chừng nào hay chừng nấy, thiện nghiệp cần tạo cho nhiều. Tạo rồi hồi hướng khắp tất cả chúng sinh cũng như hồi hướng cho những sở nguyện của mình. Được vậy thì tu Thiền hay Tịnh độ, khi ra đi đều được an ổn.
Người tu Thiền có thể hỗ trợ gì cho người tu Tịnh độ khi sắp lâm chung?
Ni sư TĐ ở thiền viện Từ Nguyên đã kể câu chuyện:
Ngày trước trong thiền viện có một Ni, mẹ Ni cũng xuất gia. Nhưng sau, sợ bà cụ không giữ được giới luật đã thọ, Ni đã để bà xả giới làm Phật tử thường ngoài đời. Thời gian sau bà bệnh, Ni sư TĐ cho rước về chăm sóc. Khi bà sắp đi, ngoài việc khai thị để bà hiểu chết là chuyện thường ở thế gian… Ni sư cho chúng tụng Bát-nhã liên tục cho bà. Bà tụng theo được thì tụng không thì thôi, phần chính vẫn là chư Ni trong thiền viện. Khi đi, sắc diện bà rất tốt, thân thể mềm mại. Đó là điềm tốt, biết bà đã vào được vào cõi giới lành. Nói cõi giới lành, không phải vãng sinh Cực lạc. Bởi Tín, Nguyện, Hạnh không đủ thì không thể vãng sinh.
Cách hỗ trợ như thế tương tự như cách hộ niệm bên Tịnh độ. Chỉ khác bên thì niệm Phật, bên thì tụng Bát-nhã.
Song muốn việc hỗ trợ có kết quả thì bình thường người sắp mất cũng phải biết đến kinh kệ, thậm chí là phải huân sâu kinh kệ hay danh hiệu Phật.
Một lần, tôi và người bạn đi dự một lễ cầu siêu cho người chết. Giấc trưa rất nóng, lại tìm hoài ngôi chùa không ra nên cả hai không khỏi thấy mệt mỏi và bực bội. Nhưng khi vào được trong chùa, nghe tiếng tụng kinh của chư Tăng, thân tôi tự nhiên hết nhọc, tâm cũng hết bực bội. Một trạng thái hoan hỷ an lạc trùm khắp. Nhưng người bạn thì không. Mọi bực dọc không thể xóa bỏ. Vì cô chưa từng đến chùa và huân tập kinh điển bao giờ. Điều đó cho thấy, tụng đọc kinh điển hay trì danh hiệu Phật một khi đã được huân tập trong tạng thức thì việc hộ niệm lúc gần chết dễ mang lại kết quả tốt đẹp hơn là người chưa từng huân tập chút gì về Phật pháp.
Thiền định có thể chấm dứt sinh tử
Bát-nhã, dù là tu Thiền hay tu Tịnh, gần như ai cũng thuộc lòng. Chủng Bát-nhã hay danh hiệu Phật, một khi được huân sâu trong tạng thức thì khi đủ duyên được khơi, nó sẽ hiện tiền, làm chủ thân tâm. Dù chỉ mới là văn tự Bát-nhã, nhưng một khi đã được hiện tiền, thì ngay giờ phút ấy, sự bình yên nhất định có. Chủng Bát-nhã hiện tiền làm chủ tâm thì cận tử nghiệp đương nhiên tốt. Cảnh giới kế tiếp của người chết nhất định lành.
Việc này đòi hỏi hành giả, bình thường phải huân sâu danh hiệu Phật hay chủng Bát-nhã. Phải huân sâu thì khi đủ duyên khơi dậy, nó mới có khả năng làm chủ tâm. Không thì lực nghiệp nào mạnh, lực ấy sẽ làm chủ tâm, bất kể có người tụng niệm chung quanh.
Ngoài cách hỗ trợ như thế, chúng ta còn có thể cúng dường Tăng Ni, dùng phước đức đó hồi hướng cho người sắp mất.
Nếu hiểu nghĩa hỗ trợ theo cách “vào lúc này Thiền có pháp gì có thể giúp tôi tự giải quyết khổ nạn của tôi”, thì phải nói là rất khó. Bởi bình thường, nếu không thường xuyên dùng trí tuệ quán xét thân tâm vô thường, không tập buông xả, không tọa thiền tập định, là những thứ đòi hỏi chúng ta phải có sức khỏe và năng lực mới dễ tu tập, thì trong cảnh bệnh hoạn, khó có thể dùng Thiền để thoát khổ. Niệm danh hiệu Phật là việc đơn giản nhất trong hoàn cảnh này. Song không phải ai cũng làm được việc đó nếu không có tâm tin tưởng và tha thiết đối với pháp môn này.
Rốt cuộc, khi còn đang khỏe mạnh thì nên tự mình tu tập. Tu tập theo đúng tinh thần mà pháp môn đó đang chuyển tải. Hiện tại được an lạc mà khi lâm chung cũng không sợ hãi.
Tu Tịnh vãng sinh Cực lạc, tu Thiền đi về đâu?
Đây là câu hỏi hiện giờ đang có nhiều người thắc mắc. Tu Tịnh vãng sinh Cực lạc, kinh luận nói như thế, còn tu Thiền thì không thấy nói chỗ nơi, chỉ nghe nói hai chữ vô sinh. Nhưng vô sinh không phải là chỗ mà ai cũng có thể đạt được.
Thật ra kinh luận không nói chung chung “tu Tịnh vãng sinh Cực lạc”. Chỉ nói, tu Tịnh nếu Tín và Nguyện đầy đủ, khi lâm chung, tâm không tán loạn (nhất tâm bất loạn) thì nhất định vãng sinh. Nghĩa là tu Tịnh, muốn vãng sinh cũng phải có điều kiện mới vãng sinh được. Không phải chỉ có cái danh tu Tịnh độ là đã có thể vãng sinh. Như vị Sa-môn trong câu chuyện trên, Hạnh và Tín tuy có mà Nguyện không đủ, cũng không về được Cực lạc mà rơi vào cảnh Đế vương. Người có Tín có Nguyện mà khi lâm chung, tâm không được bất loạn thì cũng khó mà về được cõi Cực lạc. Như vậy không phải cứ tu Tịnh là đương nhiên vãng sinh Cực lạc. Tín, Nguyện và Hạnh phải đủ mới về được Cực lạc. Còn lại cứ theo nghiệp hiện tại mà đi. Thiện nghiệp nhiều, cận tử nghiệp không có việc gì khiến tâm bức xúc thì đương nhiên vào cõi giới lành. Thiện nghiệp có nhưng cận tử nghiệp xấu thì vẫn đầu thai vào ba đường dữ. Những lúc này rất cần sự hộ niệm.
Người tu Thiền, muốn được vô sinh, dòng tâm thức phải dừng. Đó là việc không mấy người làm được. Tuy vậy, khi tu Thiền, ngoài việc điều phục thân tâm để có định tuệ, hành giả còn phải giữ giới và làm các việc phước thiện. Dù định tuệ chưa được bình đẳng để có thể vô sinh thì việc giữ giới và làm phước thiện là cái nhân giúp hành giả tiếp tục đường lành của mình. Vì thế, người tu thiền, dù chưa được định tuệ, chưa được vô sinh thì vẫn sinh ở cõi lành, để tiếp tục con đường tu hành của mình. Nguyện lực là việc không thể thiếu của hành giả tu thiền, nó góp phần không nhỏ cho việc này. Song nguyện lực của hành giả tu Thiền không phải để vãng sinh Cực lạc mà là ra đời luôn gặp được Chánh pháp, gặp được minh sư, tu hành tinh tấn v.v… để trọn thành Phật đạo.
Tóm lại, tu Thiền hay tu Tịnh, nếu chúng ta có tâm tu hành và tu đúng với nội dung pháp môn mình đang tu thì hiện tại được lợi ích, tương lai được lợi ích, không phải chỉ cho mình mà còn cho người hữu duyên với mình.
Chết rồi, thiêu tốt hay chôn tốt?
Chết rồi, nghĩa là thần thức đã lìa khỏi thân và có thân mới (thân trung ấm hoặc thân ở các cõi), thì thân chết ấy chỉ là tứ đại giả hợp, không còn phần “thọ” để bị chi phối bởi việc thiêu hay chôn. Nhưng nhiều người vẫn nghĩ chôn an toàn hơn thiêu, thiêu nóng rát. Nếu thiêu nóng rát thì chôn nhất định sẽ ngợp thở. Với suy luận đó thì chỉ còn cách không thiêu cũng không chôn mới thoát được cái mé nhị biên kia. Thật ra, chỉ là những suy tưởng của người đời đối với vấn đề chôn-thiêu, không phải thực chất của nó vốn vậy.
Ngày bố tôi mất, thân được chôn ở Mạc Đĩnh Chi. Vài tuần sau, mẹ tôi mộng thấy bụng ông sình to, ruột gan lòi ra chảy nước… Bà thắc mắc thì ông nói, bây giờ thân ông đang như thế. Dù chỉ là mộng nhưng không thiếu tính trung thực. Thiêu rồi, nhất định không có việc như thế xảy ra. Ở mặt này, rõ ràng thiêu lợi hơn chôn.
Việc thiêu hay chôn đối với người chết là việc đã xảy ra sau khi thần thức lìa khỏi thân, nên nó không ảnh hưởng gì đến tâm thức người chết nữa. Vấn đề là tâm thức của người chết khi còn sống và khi sắp chết như thế nào đối với vấn đề chôn thiêu mới là quan trọng. Vì tâm có tính chấp thủ. Chính sự chấp thủ này gây bất lợi cho tâm thức người chết trong suốt quá trình tiếp theo khi việc chôn cất không như ý mình muốn. Nếu người chết vẫn nghĩ thiêu nóng, chỉ muốn chôn mà người sống không đủ khả năng để lý giải hay thuyết phục thì nên theo ý người chết, dù ý đó trên thực tế không có giá trị xác thực.
Có thuyết cho rằng thiêu thì con cháu đời sau làm ăn không phát đạt, chôn thì giữ được giềng mối cho dòng tộc… Nói vậy là lấy việc chôn hay thiêu làm cái nhân quyết định sự sung túc cho dòng tộc. Như vậy là phủ nhận lý Nhân quả và tính đồng nghiệp mà Phật đã nói.
Trên thực tế, không phải gia đình nào có người chôn thì dòng tộc cũng phát đạt, gia đình nào có thân nhân hỏa táng thì gia đình đó con cháu không phát đạt. Dì chồng tôi khi chết cũng được mang chôn, nhưng người con trai ra tù vô khám nhiều bận, giờ thần kinh cũng không ổn định. Bố tôi ngày trước cũng chôn, nhưng gia đình xuống dốc một cách kinh khủng. Sau này, con cái biết đến chùa chiền, biết bố thí cúng dường… thì cuộc sống mới đổi khác. Giải phóng vào mộ ông cũng phải bốc và mang thiêu. Điều đó cho thấy lý thuyết “Chôn để giữ gìn giềng mối cho con cháu đời sau được sung túc” không phải là lý thật ở đời này. Nếu nó là lý thật thì nó phải chi phối mọi sự vật, mọi hiện tượng như lý Nhân quả. Nhưng đã có nhiều trường hợp xảy ra không theo hướng đó thì biết lý thuyết ấy không mang tính xác thật. Chỉ là một sự suy đoán trùng lập. Nhưng với cái nhìn hạn hẹp của người đời, chúng ta thấy như chính sự việc ấy tạo ra cái nhân khiến cái quả thành hình.
Giải mã những bí mật của thiền định
Kết luận
Hiện tại nếu chúng ta có tâm tu tập và tu tập tốt thì dù là tu Tịnh hay tu Thiền, thảy đều được lợi ích trong hiện tại và lúc lâm chung. Vấn đề là phước nghiệp chúng ta không được tốt, nên không gặp được thầy lành bạn tốt, hoặc gặp được thầy lành bạn tốt rồi, lại không chịu tu. Đó là lý do khiến chúng ta không thể áp dụng Phật pháp vào đời sống để tìm thấy an vui trong hiện tại và được yên ổn khi ra đi.
Nguyện tất cả chúng ta luôn gặp được Chánh pháp và minh sư, tâm cũng thuận thảo thích ứng được với những gì minh sư ấy chỉ dạy, để có thể ứng dụng Phật pháp vào đời sống thường nhật của mình, giúp hiện đời được an vui, tương lai được an vui.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Tư liệu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Tư liệu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm