Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 29/11/2016, 09:03 AM

Thiền sư Chân Nguyên, công tác trùng san những tác phẩm Phật học Lý Trần

Như đã nói, vì rất có ý thức về một nền Phật giáo dân tộc nên Thiền sư Chân Nguyên đã khuyến khích môn đồ gắng sức phục hưng các tác phẩm Lý Trần. Ông đã trùng khắc Thánh Ðăng Lục và trước tác sách Thiền tông bản hạnh. Sau đây ta hãy xét về công tác trùng san những tác phẩm khác tiếp theo sau đó.

Thuyền uyển tập anh ngữ lục

Như đã nói trong chương bốn, sách này do công phu nhiều người biên soạn, bắt đầu từ đời Lý. Trong số những người có công ta phải kể đến Thiền sư Thông Biện, Thiền sư Thường Chiếu, Thiền sư Thần Nghi và Thiền sư Ấn Không. Bản in cổ nhất còn lại là bản in năm 1715 do Thiền sư Như Trí thực hiện. Bản in năm 1859 do Phúc Ðiền thực hiện có ghi là in theo bản cũ chùa Tiêu Sơn. Bản cũ chùa Tiêu Sơn có thể là bản in năm 1715 của Như Trí. Ta biết rằng Chân Nguyên tịch 1726, vậy sách Thuyền uyển tập anh dã được trùng khắc trong khi ông còn sống. Thiền sư Như Trí có thể là pháp tử của Thiền sư Chân Nguyên, nếu không thì cũng là pháp điệt của thiền sư này. Ðiều lạ là tại sao ông không đến nhờ Chân Nguyên hiệu đính và đề tựa cho cuốn sách trước khi khắc bản mà lại đi nhờ một nhà nho không mấy thông hiểu về Phật học. Hay tại chùa Tiêu Sơn ở huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh xa cách chùa Long Ðộng ở Yên Tử chăng?

Sau đây là một đoạn trích trong bài tựa của nhà nho kia mà tên tuổi cũng không còn được giữ lại: "Sau buổi giảng dạy ở Chiên đường, tôi thấy một thiền giả đến đàm luận về đạo Phật. Những chuyện chúng tôi đàm đạo đều thuộc về những vấn đề của đạo Phật như biểu tượng lông rùa sừng thỏ. Rồi lấy trong tay áo ra một cuốn lục tên là Tập Anh nhờ tôi xem và khảo đính để tránh những lỗi lầm trước khi khắc in lại. Thấy trong bộ lục có nhiều vị cao thiền danh tổ, sức học cao viễn, đạo đức linh diệu, bất giác tôi thấy trong lòng nảy sinh ra sự kính phục. Những bậc này đàm luận về chân không, thuyết pháp về giác ngộ, đề tài vốn không nằm trong phạm vi nghiên cứu của tôi. Nhưng vì kinh Dịch có nói: "không phải ta hỏi đứa bé mà là đứa bé hỏi ta", cho nên tôi không thể không chiều lòng. Tôi sửa chữa lại những chỗ sai, bổ túc những nơi thiếu sót. Trong vòng mười lăm hôm, bộ lục này lấy lại được văn thể nghĩa lý ngày xưa, như là mặt trăng thêm sáng. Vị tăng lại còn nhờ tôi viết một bài tựa khắc thêm vào đầu sách để làm sáng cho lời Phật dạy. Tôi không tiếc công, liền gọi người nhà mang giấy bút tới và viết những dòng thô sơ này. Vị tăng liền cảm ơn và nhận lấy".

Dưới bài tựa có câu: "Trùng khắc vào một ngày tháng tư năm Vĩnh Thịnh thứ 11, triều Lê", nhờ đó mà ta biết được là sách được trùng khắc năm 1715. Tiếp đó là một danh sách các đệ tử xuất gia và tại gia của Như Trí có lẽ là những người đã có công trong việc trùng khắc. Những đệ tử xuất gia toàn là những sa di: Tính Nhụ, Tính Trung, Tính Kiến, Tính Quán, Tính Huy, Tính Bản. Ðiều này cho ta biết là vào năm trùng khắc Thuyền uyển tập anh, Như Trí chưa có đệ tử nào thọ Tỳ kheo giới, và do đó ông còn đang trẻ, vào khoảng bốn mươi tuổi.

Kế đăng lục

Tên đầy đủ của sách này là Ngự chế thiền uyển thống yếu kế đăng lục, sách do Thiền sư Như Sơn chùa Hồng Phúc soạn. Sở dĩ có chữ ngự chế là vì sách này được soạn thảo dưới sự bảo trợ của vua Lê Thuần Tông. Sách được khắc bản năm 1734, tám năm sau khi Chân Nguyên viên tịch. Sách viết theo thể tài của sách Ngũ đăng hội nguyên bên Trung Hoa, nhưng nội dung sách phần lớn chỉ để viết về tiểu sử của những vị tổ sư Ấn Ðộ và Trung Hoa. Về phái Lâm Tế ở Việt Nam, cách chỉ có tiểu truyện của ba vị thiền sư: Chuyết Chuyết, Minh Lương, và Chân Nguyên. Về phái Tào Ðộng ở Việt Nam, sách chỉ có tiểu truyện của hai vị thiền sư: Thủy Nguyệt và Tông Diễn. Ðã vậy, sách không có nhiều giá trị sử học. Tiểu truyện đã không ghi năm sinh và năm tịch của các thiền sư mà nhiều lúc lại còn ghi chép sai lạc theo kiểu "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia". Ví dụ đoạn vấn đáp sau đây vốn là câu chuyện giữa Thiền sư Viên Chiếu (998-1090) và một đệ tử, chép trong sách Thuyền uyển tập anh mà Như Sơn lại đưa vào sách Kế đăng lục, cho là cuộc đối thoại của Chuyết Chuyết và Ðà Ðà:

- Nghĩa Phật và Thánh khác nhau thế nào?

- Cúc trùng dương dưới dậu. Oanh thục khí đầu cánh

- Ðệ tử chưa hiểu

- Ngày quạ vàng chiếu rặng. Ðêm thỏ ngọc sáng soi.

Ðoạn đối thoại sau đây vốn là câu chuyện giữa Vân Phong (mất năm 956) và Thiện Hội (mất năm 950), chép trong Thiền uyển tập anh, đã được Như Sơn đưa vào Kế đăng lục để làm cuộc đối thoại giữa Minh Lương và Chân Nguyên.

- Sinh tử đến, làm sao mà tránh thoát?

- Thì tránh vào chỗ vô sinh vô tử.

- Chỗ vô sinh vô tử là chỗ nào?

- Nó nằm ngay trong chỗ sinh tử.

Có lẽ Như Sơn không được đọc sách Thuyền uyển tập anh cho nên mới phạm những lỗi lầm to lớn trên.

Ðến năm 1859, trước khi trùng khắc Kế Ðăng Lục, Thiền sư Phúc Ðiền thêm vào sách ấy tiểu truyện của năm vị thiền sư Việt Nam nối dòng Chân Nguyên. Cách thức biên tập của Phúc Ðiền vượt hẳn cách thức của Như Sơn: Phúc Ðiền có ghi rõ ngày tháng và chi tiết có liên hệ tới đời sống và sự hành đạo của các thiền sư. Tuy nhiên, Phúc Ðiền đã không chữa lại những sai lầm mà Như Sơn đã mắc phải, có lẽ vì sợ mang tiếng bất kính đối với một vị Tổ sư. Bài tựa sách Kế đăng lục của Như Sơn không cho ta một dữ kiện lịch sử nào trừ ngày tháng và địa điểm mà bài tựa ấy đã được viết.

Như Sơn soạn Kế đăng lục tại chùa Hồng Phúc. Một người đệ tử ông là sa di Tính Chúc giúp về việc thẩm duyệt. Hai người đệ tử khác: sa di Tính Phái và Tính Hiển hiệu chính. Ba vị đều là sa di. Ðiều này cho ta thấy Như Sơn hồi đó chưa có đệ tử thọ giới tỳ kheo, do đó tuổi ông còn đọ vào trạc tứ tuần.

Năm 1907, sách Kế đăng lục lại được chùa Nguyệt Quang ở Ðông Khê trùng khắc một lần nữa.

Thánh đăng lục

Như đã nói trong chương XVIII, sách này do Chân Nghiêm trùng san năm 1550. Chân Nguyên trùng san lần nữa năm 1705, và Tính Lương trùng san lại một lần nữa năm 1750, lần này do Tính Quảng đề tựa. Trong bài tựa, Tính Lương nói: "Ngày xưa, thầy tôi là Tuệ Ðăng Hòa thượng...". Có thể Tính Lương đã được gặp mặt Chân Nguyên (Tuệ Ðăng) lúc ông này còn sống, nhưng Chân Nguyên không phải là bổn sư trực tiếp của Tính Lương. Cũng như Tính Quảng, Tính Lương thuộc về thế hệ của chữ Tính trong bài kệ truyền pháp của Minh Hành, do đó họ phải thuộc về thế hệ đệ tử của thế hệ mang chữ Như, như là Như Hiện, Như Trừng, Như Thị...

Thượng sĩ ngữ lục

Tên đầy đủ của sách là Trần triều tuệ trung thượng sĩ ngữ lục. Sách này do Pháp Loa biên tập, Trúc Lâm Ðiều Ngự khảo đính và Trần Khắc Chung đề bạt. Sách được in nhiều lần trong đời Trần. Tuệ Nguyên chùa Long Ðộng núi Yên Tử trùng khắc vào năm 1763, tức là hai năm trước khi Thiền sư Như Hiện qua đời. Tuệ Nguyên có viết một bài tựa, nhưng không cho ta biết sách được in lại căn cứ vào bản in nào. Ðến năm 1903, sa môn Thanh Cừ chùa Pháp Vũ in lại, chung với sách Tam tổ thực lục.

Khóa hư lục

Sách này của Trần Thái Tông soạn, được in nhiều lần trong đời Trần. Bản in của Hội Phật giáo Bắc Kỳ năm 1943 đã căn cứ trên bản in của chùa Quất Tụ năm 1850; mà bản của chùa Quất Tụ đã căn cứ trên bản in của chùa Hoa Yên như Tuệ Nguyên (người trùng san Thượng sĩ ngữ lục), có lẽ hai người là đồng sư với nhau. Vậy có thể là bản in Khóa hư lục của chùa Hoa Yên được Tuệ Hiền thực hiện vào giữa khoảng thế kỷ thứ mười tám.

Tam tổ thực lục

Phần thứ nhất cả sách này nói về đời Trúc Lâm Ðiều Ngự, không đề tên người biên tập. Theo nguyên tắc thì Bảo Sát hay Pháp Loa phải là người biên tập phần này, vì họ là người kế thừa của Trúc Lâm Ðiều Ngự. Pháp Loa là đệ nhị tổ Trúc Lâm.

Phần thứ hai của sách nói về đời Pháp Loa, do thị giả của Pháp Loa là Trung Minh biên tập và Huyền Quang, đệ tam tổ của Trúc Lâm Hiệu đính.

Phần thứ ba của sách, nói về đời Huyền Quang, không biết do ai soạn(59)

Bản in cổ nhất của Tam Tổ Thực Lục hiện có là bản in năm 1765, sau ngày Tuệ Nguyên trùng khắc sách Thượng sĩ ngữ lục hai năm, chưa rõ là do ai thực hiện. Tựu trung, ta có thể nói là người trùng khắc cũng thuộc về môn phái Trúc Lâm. Sau bản in này là bản in năm 1897, rồi đến bản in năm 1903 do Thanh Cừ chùa Pháp Vũ thực hiện. Bản này được in chung với Thượng sĩ ngữ lục và có mang bài tựa của Thanh Cừ.

Ðại nam thiền uyển truyền đăng lục

Sách này do Hòa thượng Phúc Ðiền chùa Bồ Sơn thực hiện. Sách này có hai tập: tập thứ nhất in lại sách Thuyền uyển tập anh; tập thứ hai gồm có các sách Tam tổ thực lục, Thiền uyển thống yếu kế đăng lục và một số tài liệu khác mà Phúc Ðiền gọi là "ngoại khoa tạp lục"(60)

Sách được ấn hành năm 1859. Nhưng trước đó một năm, Phúc Ðiền đã bổ túc sách Kế đăng lục với tiểu truyện của năm vị thiền sư phái Lâm Tế. Vì sách Kế đăng lục có ba quyển cho nên khi cộng với sách Thuyền uyển tập anh và Tam tổ thực lục, tất cả trở thành năm quyển. Vì vậy bài tựa của Phúc Ðiền được gọi là Truyền đăng ngũ quyển tân tự (bài tựa mới của sách Truyền đăng năm quyển).

Có thể nói rằng bài tựa này đã được viết sau khi quyển một của Ðại nam thiền uyển truyền đăng lục đã in xong và bản gỗ còn lưu lại chùa Liên Tông. Sau đó gần một năm thì quyển hai cũng được in xong, bản gỗ lưu lại chùa Bồ Sơn. Ðầu bài tựa có dòng chữ: "San khắc Truyền Ðăng thủ Trần gia bản", có nghĩa là "khắc lại sách Truyền Ðăng mà sách nhà Trần để đầu", "sách nhà Trần" đây là Tam Tổ Thực Lục vậy.

Sau đây ta hãy đọc vài đoạn trong bài tựa quan trọng này để thấy sự hình thành của Truyền đăng tập lục: "Nước ta xưa kia có bộ lục Thiền uyển tên là Tập anh chép đại khái về các bậc thạc đức cao tăng của ba triều đại. Tuy vậy nội dung lỗ mỗ bất nhất, văn mạch khó phân, cho nên {đã} hiệu đính lại, viết cho rõ ra để khắc bản ấn hành mà bảo tồn bản cũ, làm thành quyển thượng. Ðến Triều Trần, có sách Thánh đăng lục(61), một quyển ghi chép ba tổ đời Trần, có sự tích nhưng không có hình ảnh. Rồi đến đời hậu Lê, Như Sơn tổ sư tuân thừa sách Ngũ đăng hội nguyên, tuyển thành ba quyển, có hình ảnh có sự tích, từ Phật uy âm cho đến bảy đức Thế Tôn, cho đến bốn mươi bảy vị tổ Tây Trúc và hai mươi ba vị tổ Trung Hoa, cùng pháp phái Lâm Tế tại nước ta, ba vị tổ Chuyết Chuyết, Minh Lương và Chân Nguyên, sau nữa là tông phái Tào Ðộng với hai thiền sư là Thủy Nguyệt và Tông Diễn. Về tông phái Lâm Tế, từ Cứu Sinh thượng sĩ trở về sau chưa được chép vào, do đó lão tăng thuận theo thứ tự truyền đăng, chép tiếp tiểu sử năm vị tổ sư, có hình ảnh và sự tích...(62). Lão tăng đau xót nghĩ rằng ngọn đèn của chư Tổ đã sắp tàn lụi, cho nên đem hết tâm lực mình gom góp các lục, từ bộ nói về ba tổ đời Trần, đến bộ nói về hai phái Lâm Tế và Tào Ðộng, gồm cả chân đế và tục đế, làm thành một tập, thêm vào đó những tạp lục ngoại khoa, làm thành quyển hạ, khiến cho pháp được truyền và đèn được nối.

Một ngày tháng 11 năm Mậu Ngọ, nhằm năm Tự Ðức thứ mười một, thầy giám tự chùa Bồ Sơn pháp danh là Phương Viên và tăng chúng môn đồ xin đem về chùa san khắc. Ðêm 13 tháng ấy, thầy giám tự chùa Liên Phái, pháp danh là Thanh Chiêu, nằm mơ thấy một vị thần tăng nói: "Nhờ đại đức hãy cùng đi với tôi tới chùa Báo Thiên xem coi sách Phật Tổ Thống Kỷ(63) đã khắc xong chưa?" Thầy Thanh Chiêu đáp: "Bộ sách đã khắc xong, hiện nay bản gỗ được lưu tại chùa Liên Phái". Vị thần tăng hỏi: "Tôi muốn hỏi bản sách mới soạn để nối vào sách Thống Kỷ kia. Bản này đã khắc xong chưa?" Ðáp: "Bản này hiện đang để tại Bồ Sơn tự, đang còn khắc bản, chưa xong". Thầy giám tự thức giấc, sáng ấy tới chùa Báo Thiên kể lại chuyện thần tăng ứng mộng cho tôi nghe. Nghe xong tôi vui mừng quá đỗi. Có thần tăng chứng minh, tôi xin tất cả các vị có mặt phát tâm hoan hỷ bình đẳng, đừng sinh tâm hữu vô, đắc thất, thị phi, nhân ngã, tồn vong, bỉ thử, thì lão tăng này rất lấy làm hy vọng vạn lần vậy.

Tự Ðức năm thứ mười hai, ngày 30 tháng giêng năm Kỷ Mùi, chùa Bồ Sơn, Hòa thượng Phúc Ðiền, có giới đao và độ điệp soạn; giám tự pháp danh Phương Viên thừa lệnh khắc bản; chưởng lãnh binh tỉnh Sơn Tây là Lê Thuận Chiếu pháp danh Ðại Tuệ hưng công, môn nhân là Văn Ðường vâng lệnh viết ra".

Bản in Thuyền uyển tập anh năm 1715 còn được giữ lại, tự nó cũng được chia làm hai quyển thượng và hạ, tờ thứ tư có đề chữ quyển thượng và tờ thứ 72 có đề chữ quyển hạ chung (hết quyển hạ). Trong khi Trùng Khắc Ðại Nam Thiền Uyển Truyền Ðăng Tập Lục thì lấy toàn bộ sách Thuyền uyển tập anh làm quyển thượng; tờ 1 có ghi hai chữ quyển thượng, và tờ 65 chó ghi bốn chữ quyển thượng chung tất (hết quyển thượng).

Trong bản in Thuyền uyển tập anh năm 1715 còn được giữ lại, người ta cũng đã đóng lộn vào ba tờ vốn thuộc vào Trùng Khắc Ðại Nam Thiền Uyển Truyền Ðăng Lục quyển hạ. Ba tờ này được đóng chen vào giữa tờ 3 và tờ 4 của sách Thuyền uyển tập anh. Có nhiều lý do khiến ta nói vậy. Lý do thứ nhất là ngoài lề mỗi tờ, có dòng chữ: Thuyền Uyển Truyền Ðăng Lục quyển hạ. (Thuyền Uyển Truyền Ðăng Lục là tên gọi tắt của Trùng Khắc Ðại Nam Thuyền Uyển Truyền Ðăng Tập Lục) dùng để in vào lề mỗi tờ, quyển thượng cũng như quyển hạ. Lý do thứ hai là kiểu chữ, giấy in, số chữ mỗi trang và mỗi dòng của ba tờ khác hẳn với Thuyền uyển tập anh nhầm lại giống hệt với Thuyền Uyển Truyền Ðăng Tập Lục (mỗi trang của Thuyền uyển tập anh có 22 dòng, mỗi dòng có 34 chữ, trong khi mỗi trang Thuyền Uyển Truyền Ðăng Tập Lục có 20 dòng, mỗi dòng 42 chữ). Lý do thứ ba là ba tờ ấy không nằm đúng vị trí của nó trong sách Thuyền uyển tập anh, từ hình thức đến nội dung. Về hình thức, ba tờ ấy vốn được đánh số 8, 9, 10, không thể rnằm xen kẻ giữa tờ 3 và 4 của sách Thuyền uyển tập anh. Về nội dung, ba tờ ấy có hình vẽ và tiểu dẫn về ba vị tổ Trúc Lâm đời Trần, không dính dấp với nội dung của Thuyền uyển tập anh vốn chỉ chứa đựng những tài liệu về các thiền sư trước Trần.

Xem bài tựa của Phúc Ðiền rồi xét những điểm vừa nêu đó, ta thấy tác phẩm của Phúc Ðiền là một tập đại thành của những tác phẩm có tính cách truyền đăng do người Việt sáng tác từ trước tới giờ. Môn phái Trúc Lâm do Chân Nguyên phục hưng đã làm được những công trình đáng kể, trong đó việc trùng san để duy trì những tác phẩm Phật giáo Lý Trần rất đáng để cho chúng ta biết ơn. Trước họ, ta chỉ thấy có một Lương Thế Vinh đề tựa cho Nam Tông Tự Pháp Ðồ (thế kỷ thứ mười sáu) và một Tuệ Tĩnh(64), phiên dịch Khóa Hư Lục (nữa đầu thế kỷ thứ mười bảy). Tiếc là những môn đệ của Chân Nguyên đã không tìm ra được những sách như Nam Tông Tự Pháp Ðồ, Nam Minh Thiền Lục, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Ðại Hương hải Ấn Thi Tập... Binh lửa và bàn tay tiêu diệt văn hóa của người Minh đã làm nghèo đi rất nhiều kho tàng văn hóa Phật giáo Lý Trần để lại.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

(Việt Nam Phật giáo Sử Luận - bút hiệu Nguyễn Lang)
Chú thích:
(59) Xem chương XIV – Việt Nam Phật giáo Sử luận
(60) Xem chương XIV - Việt Nam Phật giáo Sử luận
(61) Ðể ý: Phúc Ðiền đã gọi Tam Tổ Thực Lục là Thánh Ðăng Lục.
(62) Năm vị tổ sư mà tiểu truyện đã được Phúc Ðiền đưa vào sách Kế Ðăng Lục là: Như Trừng, Tỉnh Tuyền, Hải Quýnh, Như Hiện và Tính Tĩnh. Tuy nhiên ta còn thấy sau đó tiểu truyện của các vị Kim Liên, Tường Quang, Phổ Tính và Tin Kim. Chắc hẳn các tiểu truyện này đã được những vị hậu bối của Thiền sư Phúc Ðiền thêm vào sạu này.
(63) Ðây là nhằm chỉ sách Thuyền Uyển Tập Anh, mà lề lối biên tập cũng tương tự với sách Phật Tổ Thống Kỷ của Trung Hoa.
(64) Thiền sư Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ mười sáu. Sách Hải Dương Phong Vật Chí nói ông có pháp tự là Vô Dật, pháp hiệu là Thận Trai. Ông người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông tu ở chùa Hộ Xá, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh. Ông cũng là một dược sư giỏi. Ông là tác giả các sách:

-Thiền Tông Khóa Hư Ngữ Lục, bản dịch bằng chữ Nôm

- Nam Dược Thần Hiệu

- Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư

Bài tựa sách Thiền Tông Khóa Hư Ngữ Lục được viết năm 1631 cho nên ta biết ông sinh vào cuối thế kỷ thứ mưòi sáu. Sách Nam Dược Thần Hiệu cũng còn truyền đến ngày nay. Sách Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư được tái bản năm 1717 sau khi chúa Trịnh Cương sai các quan ở Nội phủ và Y Viện hiệu đính những chữ viết sai và khắc lầm của bản in trước. Người viết chữ để khắc bàn in năm 1717 là một thiền sư pháp danh là Pháp Thịnh. Chính sách này cho biết Tuệ Tĩnh ở chùa Hộ Xá. Một phần của sách này được viết bằng Nôm lục bát. Không rõ Thiền sư Tuệ Tĩnh tịch vào năm nào. Hiện còn di tích đền thờ ở nguyên quán là làng Văn Thai ở Hải Dương. Dân làng và các làng lân cận còn tiếp tục trồng những dược thảo do ông chỉ dạy.

Sách Thiền Tông Khóa Hư Ngữ Lục hiện có là một bản chép tay, có bài tựa của Thiền sư Tuệ Duyên chùa Sùng Quang huyện Giao Thủy viết, đề năm Ðức Long thứ ba (1631). Ðể có một ý niệm về văn dịch của Tuệ Tĩnh trong Thiền Tông Khóa Hư Ngữ Lục, ta hãy đọc một đoạn trong "Bài tựa Bốn Núi".

"Nguyên chừng vốn không có tứ đại, chẳng có ngũ ấm. Bởi cái không lại tự tính dấy nhuộm vọng tình, vọng tình bèn hóa nên sắc tướng, tuy đã có sắc tướng, sau lại bại hoại về đường chân không; ấy sự vọng tưởng là theo tính chân không mà tính chân không lại hóa hiện sắc tướng.

"Quen lấy tính chân không, bèn hóa sinh mọi sắc tướng. Ðã trái chưng trong nghĩa vô sinh vô hóa, bèn mới làm chưng sự luân hồi hữu hóa hữu sinh. Trong lòng đã được nghĩa vô sinh vô hóa, ấy thì chưng sau chẳng có hóa lại chẳng có sinh. Bây giờ chứng minh có làm sự hóa sinh đấy, thì về sau lại phải có sinh cùng có hóa..."

(Nguyên văn của Trần Thái Tông: "Nguyên phù tứ đại bản vô, ngũ uẩn phi hữu. Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không; thị vọng tòng không, không hiện vọng, vọng sinh chủng sắc. Ký bội vô sinh vô hóa, vĩnh vi hữu hóa hữu sinh; vô sinh hóa tắc vô hóa vô sinh, hữu hóa sinh vố hữu sinh hữu hóa..")
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Cả dãy phố cháy rụi chỉ trừ hai quán cơm chay

Tư liệu 16:30 08/05/2024

Sau trận hỏa hoạn, có một người phụ nữ sống gần đó đến hỏi bà chủ quán chay: Nhà bà thờ thần thánh gì mà được điều không thể nghĩ bàn này?

Chuyện ly kỳ về chú chó nghe Kinh

Tư liệu 09:45 07/05/2024

Tôi niệm Phật với nó một lúc, sau đó tôi vào nhà hỏi chú Tư về chuyện con chó. Chú bảo ba ngày nữa sẽ thịt nó để liên hoan, tôi nói sơ qua với chú về nhân quả tội phước, nhưng chú không chịu tin.

Hoài niệm Hòa thượng Thích Trí Thủ

Tư liệu 08:37 06/05/2024

Một buổi chiều xuân năm 1958, tôi lên núi Trại Thủy Nha Trang, thăm chùa Hải Đức. Tôi không vào chùa, tôi đi dạo chung quanh chùa nhìn tứ-vọng-cảnh, rồi ra sân xem những chậu hường, lấy giống từ Đà Lạt.

Niệm Phật vô cùng linh ứng, vô cùng kì diệu

Tư liệu 14:40 04/05/2024

Tôi đang thực tập tại khoa sản, một hôm gặp một phụ nữ vì thai nhi đã chết nên nhập khoa để phẫu thuật. Bà vốn đang buồn khổ vì đứa con đã chết, nay phải đối diện với sự mổ xẻ lại càng lo lắng đau khổ gấp bội, tinh thần rất rối loạn...Tôi đến thăm và khuyên bà niệm Phật.

Xem thêm