Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 07/05/2024, 09:10 AM

Cuộc đời và đạo nghiệp Cố Đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử

Cả cuộc đời hơn 80 mùa sen nở, Đại lão Hoà thượng hiến dâng trọn đời cho Đạo pháp Dân tộc, cuộc đời hành đạo và hoá đạo của Ngài rất bình dị chân tu thực học, nghiêm trì Thi la tịnh giới, luôn khơi đèn trí tuệ Văn Thù và thể hiện hạnh nguyện Phổ Hiền Bồ tát tốt đời đẹp đạo.

Hòa thượng Thích Kim Cương Tử, nguyên là thành viên Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá 8, 9, 10, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học (GHPG) Việt Nam tại Hà Nội, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hà Nội, Viện chủ Tổ định Trấn Quốc – Thành phố Hà Nội, sáng lập danh dự kiêm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Trung Tâm Unesco Nghiên cứu và Ứng dụng Phật Học Việt Nam.

325867a21ca4bdfae4b5

1. Đôi nét về Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử từ niên thiếu đến trước ngày GHPGVN được thành lập.

Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử, Thế danh là Trần Hữu Cung, Pháp huý Kim Cương Tử hiệu Thuý Đồ Ba, sinh ngày 03/12/1914 tại đất Thành Nam, phủ Thiên Trường, nay thuộc Làng Mỹ, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, là con độc nhất của cụ ông Trần Hữu tạo và cụ bà Trần Thị Quy.

Xuất thân trong một gia đình trung lưu, nho học, nhiều đời có tâm với Phật, có cụ tổ đời thứ năm học hành đỗ đạt cao làm quan đến chức Lang Trung, ngay từ nhỏ, Ngài đã được thân phụ dạy chữ Nho, Quốc ngữ, được học nhiều nghề như: bốc thuốc, may, mộc,… và sớm có duyên với Phật, thường được thân mẫu cho đi cùng đến chùa lễ Phật, trong đó có một số tổ đình Phật giáo lớn như: chùa Đọi (tỉnh Hà Nam ngày nay),Hương Tích (Hà Nội ngày nay)…

Năm 19 tuổi (1933), Hoà thượng xuất gia tại chùa Cả (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định ngày nay), học đạo nơi Sư tổ pháp hiệu Chính Đản, rồi theo học sư tổ Hương Tích, được sư tổ truyền giới Sa di ngay trong năm đó. Sau đó, Hoà thượng lại được làm thị giả sư tổ Thanh Mậu tại chùa Thầy (Hà Nội ngày nay)… rồi trở về chùa Cả hoạt động Phật sự.

Tháng 02/1937, Hoà thượng được trao truyền giới Cụ túc tại Tổ đình chùa Cả. Với tính hiếu học, cần mẫn, cầu tinh tiến, Ngài được Bổn sư cho học Kinh - Luật - Luận với Sư tổ chùa Văn Điển, Sư tổ chùa Tân Cốc (Nam Định). Năm 23 tuổi tại Trường hạ chùa Cả, Ngài đã học thông suốt cả 03 bộ luật Tứ Phận.

Năm 24 tuổi, Hoà thượng tham dự khoá thi đầu tiên tại Trường Trung học Phật giáo Bắc Kỳ và đạt giải nhì. Sau đó, theo học nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, tham gia thuyết pháp tại chùa Quán Sứ (nay là trụ sở TW GHPGVN), viết bài đăng báo Đuốc Tuệ…

Năm 1953, Hoà thượng ở lại Hà Nội và tham gia giảng dạy tại Trường Trung học Phật giáo Bắc Việt và một số trường ở nơi khác của Nam Định và Hải Phòng như: Vân Hồ, Linh Đường, Bái Trạch, chùa Cả….Theo nguyện hành đạo, Hoà thượng đã xây dựng chùa Kim Cương (cải gia vi tự), đây là ngôi chùa đầu tiên ở quê hương Ngài, nay được gọi là chùa Làng Mỹ thuộc xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc và đất nước có sự phân chia hai miền Nam, Bắc. Với lòng yêu nước, vững tin vào Nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với tâm nguyện hiến trọn cuộc đời cho Phật Pháp, Hoà thượng đã hăng hái tham gia phong trào Phật giáo yêu nước và là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô, góp phần xây dựng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc).

Năm 1956, Hoà thượng được suy cử giữ chức Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo Thủ đô.

Năm 1957, Hoà thượng được cử xuống Hải Phòng để hoằng pháp và xây dựng phong trào Phật giáo yêu nước ở đây. Trải qua nhiều gian nan vất vả, Hoà thượng đã góp phần xây dựng phong trào Phật giáo Hải Phòng vững mạnh, sớm thành lập được Chi hội Phật giáo Thống nhất Hải Phòng (Chi Hội Phật giáo Thống Nhất đầu tiên ở miền Bắc lúc đó) và lần lượt được suy cử giữ nhiều chức vụ như: Uỷ viên Thường trực, Thư ký, Phó Hội trưởng, rồi Quyền Hội trưởng Chi hội Phật giáo Thống nhất thành phố Hải Phòng…

2. Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử với GHPGVN (1981 - 2001)

Như mọi người đã biết, sau năm 1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất và cũng như bao nhiêu tổ chức khác, đây là điều kiện tạo cơ duyên rất thuận lợi cho Phật giáo thống nhất các tổ chức, hệ phái trong một tổ chức chung, một vấn đề đặt ra từ rất lâu mà nhiều lớp lớp các vị cao tăng thạc đức của nhiều hệ phái Phật giáo Việt Nam đã từng mong mỏi trước đây chưa làm được, đặc biệt kể từ phong trào chấn hưng Phật giáo ở những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Đầu năm 1980, các vị giáo phẩm đại diện cho các tổ chức, hệ phái lớn của Phật giáo họp tại TP. Hồ Chí Minh để xem xét tình hình Phật giáo cả nước và thấy rằng: đất nước hoà bình thống nhất là thời cơ thuận lợi cho việc thực hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo từ phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ, và đã quyết định thành lập một Ban Vận động thống nhất Phật giáo để xúc tiến cuộc vận động trong phạm vi cả nước. Ban Vận động thống nhất Phật giáo gồm 33 vị đại diện của các tổ chức hệ phái: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (ấn Quang); Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh; Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam; Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam bộ; Giáo phái Khất sĩ Việt Nam; Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông; Hội Phật học Nam Việt. Sau gần 2 năm vận động, các ý kiến đều đi đến thống nhất là cần phải có một tổ chức Phật giáo chung của tăng ni, Phật tử cả nước. Điều đó đã trở thành hiện thực, Đại hội thống nhất Phật giáo diễn ra tại chùa Quán Sứ-Hà Nội từ ngày 4 -7/11/1981 (với 165 vị giáo phẩm tăng ni, cư sĩ đại diện cho các tổ chức hệ phái tham dự) đánh dấu một mốc son lịch sử trong Phật giáo Việt Nam, chính thức ra đời một tổ chức chung của Phật giáo cả nước lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời thông qua Hiến chương, Điều lệ hoạt động của Giáo hội, khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp đều được tôn trọng duy trì. Tại lời nói đầu của Hiến chương GHPGVN khẳng định: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất của tăng ni, Phật tử Việt Nam” và Hiến chương này đã được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn tại Quyết định số 83/BT ngày 29/12/1981. Tại Điều 1 Quyết định khẳng định: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước”.

Đến nay, GHPGVN đã có 30 năm hình thành và phát triển, có một vị thế lớn và quan hệ với nhiều tổ chức Phật giáo trên thế giới; tổ chức ngày càng được củng cố và phát triển nhiều mặt: hoằng pháp, giáo dục, văn hoá, từ thiện xã hội,… xứng đáng là ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam. Hiện, GHPGVN có trên 44 nghìn tăng, ni, trên 16 nghìn cơ sở thờ tự, khoảng 12 triệu tín đồ đã Quy y tam bảo, 04 Học viện Phật giáo, 08 Lớp Cao đẳng, 33 Trường Trung cấp Phật học, trên 300 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo trong và ngoài nước.

GHPGVN ngày càng lớn mạnh như hiện nay, đó chính là sức mạnh đoàn kết vững chắc của các thế hệ tăng, ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam. Có được điều đó, còn phải kể đến công lao đóng góp to lớn của các Cao tăng, thạc đức, các vị giáo phẩm cao cấp đã đặt nền móng xây dựng và từng bước củng cố, tổ chức điều hành GHPGVN vững bước phát triển, nhất là trong giai đoạn đầu khi GHPGVN mới được thành lập trong điều kiện còn nhiều gian khó. Một trong những người đó phải kể đến Cố Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử, một cây thạch trụ của Phật giáo miền Bắc.

Trong thời gian vận động thống nhất Phật giáo để thành lập GHPGVN (lúc đó Hoà thượng Kim Cương Tử đang ở hàng giáo phẩm Thượng toạ và là Hội trưởng Chi hội Phật giáo Thống nhất thành phố Hải Phòng), tuy không phải là một trong 33 vị trong Ban Vận động Thống nhất Phật giáo, nhưng Hoà thượng Kim Cương Tử đã cùng nhiều vị cao tăng, giáo phẩm cao cấp của nhiều hệ phái Phật giáo ở cả 3 miền đất nướcluôn hưởng ứng và tích cực tham gia vận động thống nhất Phật giáo cả nước, thành lập ngôi nhà chung GHPGVN. Tại Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước diễn ra từ ngày 04 đến 07/11/1981, Hoà thượng là một trong 22 Đại biểu chính thức của Hội Phật giáo Thống nhất miền Bắc (một trong 09 tổ chức, hệ phái thành lập nên GHPGVN) và với đạo hạnh, trình độ và công lao đóng góp của mình, Hoà thượng đã được toàn thể Đại hội suy cử làm Uỷ viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Nghĩ lễ TW GHPGVN, đồng thời là giảng sư dạy môn Luật học tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (tiền thân của các Học viện Phật giáo Việt Nam hiện nay và nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội).

Năm 1982, Hoà thượng được TW GHPGVN triệu hồi về Hà Nội và cử làm trụ trì chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay). Sau đó, được tăng, ni, Phật tử thủ đô tín nhiệm suy cử giữ chức Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự thành hội Phật giáo Hà Nội (khi đó Hoà thượng đệ nhị Pháp chủ Thích Tâm Tịch làm Trưởng ban).

Năm 1985, được suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự (đến khi viên tịch năm 2001) kiêm Trưởng ban Nghi lễ TW GHPGVN.

Ngoài ra, Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử còn giữ nhiều chức vụ quan trọng khác trong Trung ương GHPGVN như: Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (từ năm 1989 ngay khi Viện Nghiên cứu được thành lập); Phân viện Trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội (từ năm 1990 khi Phân viện được thành lập); Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Tạp chí đầu tiên của Trung ương GHPGVN (từ năm 1991), sau này TW GHPGVN có thêm: Tạp chí Văn hoá Phật giáo, Tạp chí Khuông Việt, Tạp chí Nguyên Thuỷ (các tạp chí này mới được thành lập thời gian gần đây).

Suốt 20 năm kể từ khi GHPGVN được thành lập đến khi Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử viên tịch. Dù gánh vác nhiều trọng trách, ở lĩnh vực nào, cương vị nào trong Giáo hội, công việc Phật sự nặng nề của Trung ương GHPGVN giao phó, nhưng Ngài luôn nhất tâm, chí thành với nỗ lực hết mình, mẫu mực là tấm gương sáng được mọi người kính trọng, tin tưởng. Ngay cả khi lâm bệnh nặng (viên tịch tháng 4/2001), Hoà thượng vẫn quan tâm lo lắng đến công việc Phật sự; Luônchú trọng, khế lý, khế cơ trong củng cố và xây dựng GHPGVN phát triển vững mạnh, thống nhất chung trong một tổ chức, trên nhiều mặt như: đào tạo tăng tài, hoằng dương Phật Pháp, từ thiện xã hội, văn hoá, củng cố hệ thống tổ chức... Nhất là sự nghiêm trì giới luật, xiển dương Kinh - Luật - Luận, chú trọngtới việc giáo dục đào tạo tăng tài, chú ý lớp tăng ni trẻ, chăm lo sự học hành tu tập của tăng ni, nêu cao tinh thần lục hoà cộng trụ, dạy mọi người phải lấy Giới luật làm cương yếu cho việc tu hành, xây dựng, hoằng dương Phật pháp. Vì có tịnh giới, có chân tu, trì giới hạnh thì những tội nặng nhẹ đều không ngăn che hoen ố được chân tính. Nhờ đó mà Đạo được mở rộng, Đức được đi xa.Là một trong những Trưởng lão kiến tạo mở Trường Cơ bản Phật học để đào tạo Tăng tài (nay được đổi tên thành Trường Trung cấp Phật học), tích cực khai tràng thuyết pháp, là giảng sư của nhiều Trường hạ (giữ ngôi Đường chủ hạ Trường hạ Bà Đá (Hà Nội) trong nhiều năm…;Luôn thể hiện tâm đức của người con Phật “xuất trần thượng sĩ”, hành trì Giới - Định - Tuệ, chú tâm tỉnh giác, thu nhiếp tam nghiệp Thân - Khẩu - Ý… phụng sự trang nghiêm Tam bảo;Luôn kiên định, thầm lặng suy tư tìm những phương pháp thích nghi, góp ý chỉ đạo, khuyến tấn tứ chúng thực hiện những định hướng của Giáo hội đã vạch ra để phụng sự “Đạo pháp và Dân tộc”.

Là một người thông tuệ am hiểu Tam tạng Thánh giáo, đặc biệt nghiên cứu sâu về Luật tạng, với quan điểm giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp diệt vong, giúp cho các thế hệ tu học mai sau trong việc tu tập, Hoà thượng đã dày công phiên dịch, biên soạn nhiều tài liệu Tạng luật từ chữ Hán ra chữ Việt như: Phật pháp diễn ca, Dịch kinh Thiện sinh, chủ biên bộ Từ điển Phật học Hán Việt, chủ trì phiên dịch bộ “Tứ Phần Luật”, tham gia Hội đồng phiên dịch bộ Đại luật, Hội đồng phiên dịch Tam Tạng của TW GHPGVN...Ngoài ra, Với vai trò là Trưởng ban Nghi lễ, Hoà thường còn nghiên cứu xác định lại và trình TW GHPGVN thống nhất lấy ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm là ngày Lễ Phật đản thay cho ngày 08 tháng 4 âm lịch như từ trước vẫn dùng.

Bên cạnh đó, Hoà thượng luôn khuyến khích việc chăm lo tu bổ giữ gìn các ngôi chùa và xây dựng mới các cơ sở thờ tự của Phật giáo. Qua đó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá phật giáo trong bản sắc văn hoá dân tộc, đánh dấu sự trường tồn của Phật giáo trong lòng dân tộc và minh chứng sự lớn mạnh của GHPGVN. Nhớ ngày nào khi Hoà thượng về trụ trì ở chùa Trấn Quốc - một ngôi chùa mang nhiều dấu ấn lịch sử của đất nước, một ngôi cổ tự có từ thời Lý Nam Đế, nơi Bác Hồ trồng cây Bồ Đề lấy từ đất Phật mà Tổng thống ấn Độ Prasat tặng cho Bác nhân dịp sang thăm Việt Nam năm 1957, một hình ảnh đẹp, một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng trong và ngoài nước. Lúc ấy ngôi chùa này chùa cảnh còn đơn sơ, thiếu thốn, hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của ngôi chùa, Hoà thượng đã huy động được bà con Phật tử dưới sự hỗ trợ của các cấp chính quyền tham gia kè chùa để nước hồ tây khỏi xâm thực, xói mòn, tôn tạo nhiều hạng mục… Nay ngôi chùa Trấn Quốc đã được khang trang, bề thế được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước nhớ tới, một khu tâm linh lớn ở Thủ đô, xứng tầm với ngôi chùa có bề dầy lịch sử. Đây hai hàng cau trên lối vào chùa, tháp Lục Độ Đài Sen (11 tầng) đó vươn cao giữa Hồ Tây. Nói đến ngôi tháp Lục Độ Đài Sen, hồi ấy Hoà thượng xây tháp để thờ Phật, nhưng dư luận lại xôn xao cho rằng ngôi tháp này là Hoà thượng xây dựng tháp mộ cho mình (theo quy ước nhà Phật, tháp mộ của các vị sư cho dù đã chứng quả phúc rất cao cũng không được xây quá 08 tầng. 09 tầng, 11 tầng… chỉ dành cho Đức Phật). Qua bài viết “Nhớ mãi một vị cao tăng suốt đời vì đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” của ông Lê Quang Vịnh - nguyên Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đăng trên Kỷ yếu Lễ tang Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử do Nhà Xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2002 cho ta thấy thành ý của việc Hoà thượng Kim Cương Tử trong việc xây tháp Lục Độ Đài Sen là để thờ Phật: “Tôi có một kỷ niệm sâu sắc với Cố Đại lão Hoà thượng Thích Kim Cương Tử. Đó là việc xây dựng chưa đúng phép cho lắm một ngôi tháp 11 tầng trong khu vườn tháp của chùa Trấn Quốc, một di tích lịch sử hiếm có thời Tiền Lý (544 - 602)

Hồi ấy (năm 1988), dư luận xôn xao vì theo quy ước nhà Phật, tháp mộ của tăng, ni cho dù đã chứng quả phúc rất cao cũng không được quá 08 tầng, 11 tầng chỉ dành cho Đức Phật mà thôi. Tôi tìm tới cụ để tìm hiểu lý do, căn cứ.

Thật sự bất ngờ đối với tôi, khi thấy Cụ trình bày mà mắt đẫm lệ và giọng nói nghẹn ngào có lẽ vì bị xúc phạm: “Ngôi tháp Lục Độ Đài Sen này là tháp cảnh chứ không phải là tháp mộ cho tôi. Tôi đã dặn môn đồ của tôi rằng, khi tôi mất, tro của nhục thân tôi sẽ được rắc một nửa xuống Hồ Tây, và một nửa xuống Sông Hồng. Tôi xây dựng ngôi tháp này để cúng dường vong linh các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mạng vì Đạo Pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Làm cao đến 11 tầng là để thấy cho được qua mái chùa cây Bồ Đề do Hồ Chủ tịch và Tổng thống Ấn Độ cùng trồng trước sân chùa cổ”.

Tấm lòng son sắt của nhà tu hành, đến nay nhắc lại vẫn làm tôi bồi hồi xúc động”.

Cùng đó, nếu bước chân vào vườn tháp của chùa Trấn Quốc, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy nhục thân của Hoà thượng đang được quản tại đâu, chính là cái Lăng hai tầng ẩn khuất cùng các ngôi tháp mộ khác gần tháp Lục độ Đài Sen. Bản thân cái tên Lục Độ Đài Sen đặt cho tháp 11 tầng cũng đã chứng tỏ được thành ý của Hoà thượng trong việc xây tháp.

Noi theo tấm gương và lời dạy của Hoà thượng, rất nhiều người và đệ tử của Hoà thượng đã tiếp bước Ngài trên con đường Đạo pháp - Dân tộc, xây dựng và phát triển GHPGVN thêm vững mạnh và được nhiều người tin yêu, kính phục, tăng, ni, Phật tử tín nhiệm suy cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong GHPGVN các cấp. Một trong những người đó là Thượng toạ Thích Thanh Nhã (Đệ tử của Hoà thượng) - Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Nghi lễ TW GHPGVN, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội và cũng là người được truyền đăng làm trụ trì Tổ đình Trấn Quốc hôm nay.

Có thể nói, với Giáo hội, Đại lão Hoà thượng là bậc lãnh đạo được đông đảo tăng, ni, phật tử kính quý, ngưỡng mộ; là bậc thầy mô phạm, là tuệ đăng soi chiếu và tiếp thêm cho hàng tứ chúng noi theo, có đủ dũng mãnh tự mình vươn lên vượt thắng chướng duyên, trau dồi giới đức trang nghiêm, để cùng mọi người tìm thấy Niết bàn trên chính cuộc đời đang hiện hữu; một trong những cây thạch trụ, cây Đại thụ toả bóng trong GHPGVN, trong Phật giáo Việt Nam. Với xã hội, Đại lão Hoà thượng là công dân gương mẫu tích cực vì sự nghiệp đại đoàn kết, vì sự phát triển tiến bộ của xã hội. Lúc nào, Ngài cũng tận tuỵ hết mình trong công việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khéo dụng phương tiện đưa Đạo vào Đời, góp phần xây dựng đất nước thanh bình, thịnh vượng, làm sáng đạo trong đời theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, ghi thêm những trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam, góp phần làm rõ nét vai trò và sứ mạng của Đức Như Lai.

Lời kết: 

Chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành cùng lịch sử dân tộc Việt Nam. Qua thời gian, có biết bao nhiêu thế hệ tăng, ni đã dồn nhiều tâm sức của mình để hoằng dương Phật pháp, đồng thời xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Để ghi nhận những đóng góp to lớn đó, nhiều triều đại ở Việt Nam đã có nhiều hình thức ghi công như: thời nhà Đinh - Tiền Lê, vua Đinh đã tôn Thiền sư Ngô Chân Lưu (933 - 1011) làm Khuông Việt Thái sư, ngang với hàng “Tam công” trong triều và phong làm Tăng thống- người đứng đầu trong Phật giáo Việt Nam cả nước lúc bấy giờ; Pháp sư Ma Ni được phong Tăng lục, đứng sau Tăng thống một bậc; Pháp sư Đặng Huyền Quang được phong Sùng Trấn Uy Nghi. Cả ba chức phẩm này của Phật giáo vẫn được các triều đại sau duy trì; Thiền sư Pháp Thuận (915 - 990) được vua Lê Đại hành mời làm cố vấn ngoại giao; Triều Lý có Thiền sư Vạn Hạnh (? - 1018) được vua Lý Thái Tổ phong làm quốc sư, sư Huệ Sinh (? - 1063) được vua Lý Thánh Tông phong làm Tăng thống...

Ngày nay, để ghi nhận những công lao đóng góp cao dày cho đạo và đời nói chung và những đóng góp cho GHPGVN nói riêng, Cố Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử đã được GHPGVN tặng nhiều bằng tuyên dương công đức và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân của Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác... Và với sự uyên thâm về học thuật, sự am hiểu về xã hội, được sự tín nhiệm của nhân dân đã bầu Hoà thượng vào nhiều cương vị trong đời sống xã hội như: Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng (từ năm 1958); Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội khoá IX, X, (từ năm 1983), Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá II, III; Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khoá IX, X, XI; Đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X; Uỷ viên Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới Tp.Hà Nội.

Có thể nói, Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử đã đi xa, theo hầu Tổ phụ được 10 năm, nhưng hình ảnh Đại lão Hoà thượng vẫn còn đó, in đậm theo dấu chân Ngài, trong tâm trí của hàng chư tôn giáo phẩm, tăng, ni, Phật tử và rất nhiều người dân Việt Nam nói chung và GHPGVN nói riêng. Những đóng góp cho đời nói chung và trong xây dựng, phát triển Phật giáo Việt Nam, cho GHPGVN nói riêng của Ngài mãi mãi hằng hữu trên trang sử Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. 

Tài liệu tham khảo:

1- Kỷ yếu từ Đại hội thống nhất Phật giáo (lần 1) đến Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 6 (năm 2007) của GHPGVN.

2- Kỷ yếu Tang lễ Đại lão Hoà thượng Thích Kim Cương Tử, Nhà Xuất bản Tôn giáo, Hà Nội 2002.

3- Tổ đình Trấn Quốc Cảnh đẹp Hồ Tây, Nhà Xuất bản Tôn giáo, Hà Nội 2008.

4- Các Tài liệu được lưu giữ tại Ban Tôn giáo Chính phủ.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển

Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024

Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.

Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y

Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024

Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.

Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”

Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024

Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.

Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết

Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024

Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.

Xem thêm